Chi tiết tin tức

Nam Định: Lễ khai pháp Hạ trường chùa Cả (Thánh Ân)

15:20:00 - 28/06/2016
(PGNĐ) -  Căn cứ luật Tỳ Ni đức Phật chế và truyền thống An cư Kết hạ, Tăng Ni hằng năm phải An cư ba tháng (hoặc tiền An cư hay hậu An cư) để thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Tuệ, giữ gìn quy củ tùng lâm, trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc tự thân và lợi ích xã hội; Căn cứ Thông bạch số 060/2016/TB.HĐTS ngày 7 tháng 03 năm 2014 về việc hướng dẫn tổ chức An cư kết hạ PL.2560-DL.2016 của Thường trực Hội động Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định xin phép các cấp lãnh đạo tỉnh Nam Định, tổ chức 5 Trường hạ trong tỉnh để Tăng Ni đi an cư kết hạ năm 2016.

Sáng ngày 27/6/2016 (tức ngày 23/5/Bính Thân), Hạ trường chùa Cả (Thánh Ân) thành phố Nam Định đã long trọng tổ chức lễ khai pháp mùa An cư kết hạ Phật lịch 2560.

 


Chư Tôn đức chứng minh và tham dự buổi lễ

 

Buổi lễ được đặt dưới sự chúng minh và tham dự của Hòa thượng Thích Minh Tâm, thành viên HĐCM TW GHPG VN; Hòa thượng Thích Hạnh Nghiêm, UV HĐTS GHPG VN, Trưởng BTS GHPG VN tỉnh; Thượng tọa Thích Quảng Biên, UV TT BTS PG tỉnh; Đại đức Thích Giác Vũ, Chánh Văn phòng BTS GHPG VN tỉnh; Ni sư Thích Đàm Hiền, Phó BTS GHPG VN tỉnh; Ni sư Thích Đàm Hân, UV TT BTS GHPGVN tỉnh cùng với sự hiện diện của 112 hành giả an cư và khoảng hơn một ngàn Phật tử về tham dự buổi lễ.

 

 

Sau  nghi thức Niêm hương bạch Phật, lễ Tỗ, Ban tổ chức Hạ trường chính thức cử hành lễ Khai pháp, giảng kinh Hiền Ngu và Phật Tổ Tam kinh. Lối giảng kinh tại Hạ trường chùa Cả vẫn theo lối cổ tức là bình văn giảng nghĩa. Ngoài ra vào các ngày Trai, Hạ trường vẫn hành trì ngày đêm sáu thời lễ bái theo khóa Hư lục của Trần Thái Tông; vào các ngày Trưởng tịnh, bá tát trong tháng đọc Lâm chung và Tọa thiền. Mỗi buổi giảng kinh của Hạ trường thu hút khoảng năm trăm đến một ngàn Phật tử đến thính pháp.

Theo chương trình tu học trong ba tháng An cư, vào các buổi chiều hàng ngày, Hạ trường tổ chức một lớp dậy giáo lý căn bản cho những vị mới xuất gia tu đạo về Luật nghi và các vấn đề cần thiết cho đời sống tu học.

 

 

Được biết, trong toàn tỉnh Nam Định có năm điểm an cư tập trung. Trường Hạ chùa Cả thành phố Nam Định dành cho Tăng Ni thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc và huyện Nghĩa Hưng, có 112 hành giả; Trường hạ chùa Cổ Lễ huyện Trực Ninh dành cho Tăng Ni huyện Trực Ninh, có 60 hành giả; Trường hạ chùa Hoành Nha Chính, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy dành cho Tăng Ni huyện Hải Hậu, huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy,  có 151 hành giả; Trường hạ chùa Tây Lạc huyện Nam Trực dành cho Tăng Ni huyện Nam Trực, có 69 hành giả; Trường hạ chùa Cẩm, xã Yên Dương, huyện Ý Yên dành cho Tăng Ni huyện Vụ Bản và huyện Ý Yên, có 111 hành giả.

Trong ngày hôm nay còn có trường hạ chùa Cẩm tổ chức khai pháp và các trường hạ như Tây Lạc tổ chức khai pháp vào ngày 26/5/al; trường hạ Cổ Lễ tổ chức vào ngày 28/5/al; trường hạ Hoành Nha Chính tổ chức vào ngày 8/6/al.


Các Phật tử tác bạch cúng dàng phẩm vật

 

An cư kết hạ là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ khi Tăng đoàn Phật giáo còn chưa xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ, từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa xuân, từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rõ rệt như thế, nên các đạo sĩ quy định vào những tháng mưa gió cần phải an trú một nơi nhất định để bảo tồn sức khỏe và tăng cường đạo lực. Do đó, mùa An cư kết hạ không phải do đức Phật chế định nên, mà Ngài thuận theo truyền thống của xã hội Ấn Độ đương thời áp dụng cho hàng đệ tử xuất gia của mình.

Thuở đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt ra một giới luật cho hàng Tăng Ni là mỗi năm phải An cư kiết hạ vào mùa mưa. Ở Ấn Độ, vào mùa mưa, cây cối đâm chồi, các loại côn trùng sinh sôi nảy nở rất nhiều. Theo quan điểm của nhà Phật, khi các loại côn trùng sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc mà chúng Tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp, giết hại nhiều chúng sinh nhỏ nhoi, làm tổn thương đến lòng từ bi tế vật của hàng Phật tử, nên chư Tăng Ni không được phép du hành ra ngoài, mà phải ở yên một chỗ trong thời gian 3 tháng để nỗ lực tu tập thiền định, trau dồi Giới, Định, Tuệ, cùng nhau sống trong hòa hợp thanh tịnh. Tuy nhiên, nếu có chuyện khẩn cấp và cần thiết, chỉ được phép rời trú xứ trong thời hạn không quá 7 ngày, rồi phải trở lại tiếp tục an cư, nếu đi qua ngày thứ 8, mặt trời mọc lên thì phạm tội ác. Đó là nguồn gốc của việc An cư kết hạ.

 

 

Nhiều tư liệu cho biết khi đối chiếu giữa lịch Ấn Độ và lịch Trung Hoa thì có sự khác biệt về thời gian bởi thời tiết khí hậu từng nơi không giống nhau, chứ việc tu học không có gì khác biệt. Thời gian An cư kết hạ theo lịch Ấn Độ được bắt đầu từ ngày trăng tròn tức ngày 16-6 âm lịch đến ngày 15-9 âm lịch. Ngày hoàn mãn An cư kết hạ được gọi là ngày Tự Tứ, áp dụng chung cho cả hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. Thời gian An cư theo lịch Ấn Độ vẫn được chư Tăng tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam tông, như Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào... tôn trọng cho đến ngày nay. Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, mùa An cư kết hạ lại được ấn định theo lịch Trung Hoa từ ngày trăng tròn 16-4 âm lịch cho đến ngày 15-7 âm lịch, nhằm ngày lễ Vu Lan. Đó là truyền thống của Phật giáo Bắc tông ở các quốc gia như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên. Đến ngày kết thúc mùa An cư, chư Tăng họp lại kiểm điểm thành quả, làm lễ sám hối, bố tát và tuyên bố hoàn mãn. (Một số tỉnh, thành phía Bắc của Việt Nam tổ chức An cư kết hạ từ ngày 16-5 âm lịch cho đến ngày 15-8 âm lịch, thường gọi là Hậu an cư).

Đức Phật dạy rằng: Bổn phận người xuất gia là phải An cư kết hạ mỗi năm một lần. Dù đến 60 tuổi cũng vẫn phải An cư kết hạ. Lời dạy này đã nêu rõ đức Phật rất chú trọng đến sự thanh tịnh tu hành, sự hành trì giới luật một cách triệt để. Trong đạo thì lấy ngày mãn hạ tháng 7 làm ngày khánh tuế, chúc mừng tuổi đạo cho nhau. Tuổi thọ thế gian là tuổi thọ của thân tứ đại, tuổi thọ của đạo là tuổi thọ của giới thân tuệ mạng. Tuổi thọ của thân tứ đại càng tăng thì càng gần cái chết, còn tuổi thọ của giới thân tuệ mạng càng tăng thì càng gần với quả vị Bồ đề. Do vậy, mùa An cư kết hạ rất quan trọng đối với người xuất gia.

Qua mỗi mùa An cư kết hạ, chẳng những Tăng Ni luôn được tạo điều kiện thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tăng trưởng Giới, Định Tuệ, xứng đáng làm ruộng phúc cho hàng Phật tử tại gia. Và cũng theo truyền thống An cư kết hạ hàng nghìn năm qua, từ đây, người Phật tử tại gia cũng có điều kiện thực hiện vai trò “cận sự”. Trong lúc chuẩn bị mùa An cư, Phật tử cúng dường các phẩm vật cần thiết giúp chư Tăng Ni tu tập suốt 3 tháng. Trong quá trình an cư của chư Tăng Ni, Phật tử thường xuyên lui tới tham học, nghe pháp, giúp đỡ việc tổ chức sinh hoạt của chư Tăng Ni,... sẽ tạo không ít công đức thiết thực trong hành trình tu học.

Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi lễ:


Lễ Phật cầu minh huân gia bị

 




 

Hòa thượng Thích Minh Tâm và Thích Hạnh Nghiêm chứng minh buổi lễ

 


Hòa thượng Thích Hạnh Nghiêm chia sẻ với đại chúng về ý nghĩa An cư

 

Rất đông Phật tử đến thính pháp

 

 


Khóa lễ Sám nguyện đầu tiên của mùa An cư




 

Tin: Điều Ngự Tử - Ảnh: Thanh Nghĩa

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin