Chi tiết tin tức

BRVT: Chư hành giả an cư tập thuyết giảng tại hạ trường Chùa Huệ Minh

17:25:00 - 29/07/2015
(PGNĐ) -  Vừa qua, sáng ngày 05/07/2015, tại Trường hạ chùa Huệ Minh (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã diễn ra buổi tập thuyết giảng của Chư hành giả an cư Kiết hạ về chủ đề BÁT CHÁNH ĐẠO.

Với sự chứng minh tham dự của Chư tôn đức Ban Chức Sự Trường hạ và đông đảo phật tử gần xa đồng hiện diện trong Pháp hội.

HT Thích Giải Thiện – Phó BTS PG tỉnh BRVT – kiêm Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Thành - từ lâu đã ấp ủ mong muốn tổ chức Trường hạ tại huyện nhà -nhằm tạo thuận duyên cho Chư tăng nỗ lực tu học, góp phần làm tăng trưởng nội lực cho người xuất gia.

Năm nay huyện Tân Thành có 9 trụ xứ An cư Kiết hạ, trong đó có chùa Huệ Minh (Tăng), vớiChúng nội thiền (thường trú) là 50 vị, Chúng ngoại thiền tùng hạ 83 vị.Tuy Trường hạ mới tổ chức lần đầu tiên nhưng mọi hoạt động diễn ra rất tốt, đặc biệt là mảng tu học, các hành giả tu hành ngày càng tinh tấn.Ban Chức Sự đã thống nhất tinh thần tu học cho Chư tăng trong suốt thời gian an cư gồm 3 phần, đó là: Học về đạo lý tu hành, học về quan điểm làm phật sự và tập thuyết giảng.

Tại trường hạ chùa Huệ Minh, TT Thích Chân Quang được phân công làm nhiệm vụ Hóa chủ và là Giáo thọ chính, nên Người luôn sắp xếp việc phật sự để có thời gian bên cạnh vừa giảng dạy, vừa theo dõi sát sao, tạo mọi điều kiện để các hành giả có môi trường tu học tốt nhất từ vật chất đến tinh thần, tuyệt đối không để Chư tăng bị thiếu thốn trong mùa an cư.

Hằng ngày thời khóa tu học của Chư tăng thường xuyên được theo dõi, chấm điểm để lấy cơ sở cho việc đánh giá khen thưởng vào cuối hạ kỳ.Đặc biệt, các thời công phu, thiền định hành giả tu tập thật nghiêm túc.

Chỉ qua tháng hạ đầu tiên, tinh thần tu học của Chư tăng có tiến bộ rõ nét. Điển hình, trong buổi học này có 7 hành giả xuất sắc được chọn diễn giảng về chủ đề BÁT CHÁNH ĐẠO (Trong đó, gồm 4 vị Tỳ kheo và 3 vị Sa di).

Do trường hạ có Chư tăng trẻ chiếm đa số, nên Ban Chức Sự sắp xếp thêm nhiều buổi học giáo lý nâng cao, có nhiều buổi tham vấn Phật pháp, thực tập diễn giảng,để phù hợp với nhu cầu mở rộng kiến thức của Chư tăng cũng như hỗ trợ tốt cho công tác hoằng pháp sau này.Từ đó tìm ra những nhân tố mới trong thế hệ tăng ni trẻ.

Ngoài ra, mô hình tổ chức, hoạt động của trường hạ cũng rất hoàn chỉnh, tất cả đều tuân thủ tinh thần Kiết hạ An cư. Hàng tuần có phật tử đến thính pháp rất đông(tầm 700 - có khi lên đến trên 1000 người).Trong tuần có nhiều phái đoàn đã đến thăm, sách tấn và cúng dường Chư hành giả. Ngoài ra, đạo tràng các nơi cũng đã tới thính Pháp, cúng dường trường hạ và được BTC tiếp đón chu đáo.

Trở lại phần trọng tâm, buổi học giáo lý hôm nay có 2 phần, phần đầu TT Thích Chân Quang trình bày một vài đạo lý ngắn, nói về ý nghĩa tại sao phật tử đến chùa, tại sao chùa đông người, tại sao chùa ít người, v.v…nhằm tìm ra nguyên nhân để chúng ta có sự cải cách tiến bộ. Mong muốn chùa nào cũng phải là một điểm đến tâm linh tốt đẹp, thu hút mọi người về.

Để giải đáp vì sao phật tử đến chùa, Thượng tọa phân ra có hai hạng người:

- Thứ nhất là hạng người có thiện căn, từ nhiều kiếp nhiều đời họ đã gieo duyên lành với Phật pháp, bây giờ tự dưng trong lòng thích đến chùa.

- Còn hạng thứ hai là không thích đến chùa.

Điều quan trọng của ta là làm thế nào mà người thích đến chùa thì đến mãi, còn người không thích đến chùa rồi cũng phải đến chùa, đó mà mục đích, trách nhiệm, bổn phận của Chư tăng chúng ta.

Đừng nghĩ rằng “Thôi!Họ không có duyên với chùa rồi bỏ lửng, mà phải làm cho họ đến với Phật pháp.Vì sao vậy? Vì từ thưở ban đầu, từ kiếp xa xưa nào đó chúng ta cũng chưa từng có duyên với Phật pháp, nhưng đã có một vị nào đó đã đến dìu dắt chúng tađi tới chỗ an vui giải thoát.

Tương tự, rất nhiều chúng sinh ngoài kiachưa từng có duyên với Phật và cũng chờ đợi một bàn tay nắm lấy đưa vào con đường đạo. Cho nên, chúng ta phải có trách nhiệm tìm đến chúng sinh chưa biết đạo mà tiếp độ họ về chùa, chứ không được bỏ mặc, không được đổ thừa tại người đó kém duyên, kém phước, phải tự thấy cái lỗicủa mình là không nhiệt tình giáo hoá.

Do vậy,với người có duyên chúng ta cố gắng bảo vệ duyên lành cho họ để mãi mãi họ yêu thích chùa, mãi mãi xem chùa là tổ ấm suốt đời này và qua đời khác. Còn những người không có duyên thì ta phải gieo duyên lành cho họ.

Thứ hai, mọi người tới chùa vì chùa có những điều đáng để học, đến chùa họ được an vui, lợi ích. Từ đó cho thấy chùa phải có cái gì đó hấp dẫn thì người ta mới tới. Còn chùa ta vắng, ít người tới thì phải tìm cho ra chùa mình còn thiếu gì đó mà bổ sung vào để chùa trở thành điểm dựa tinh thần của con người, của cả cộng đồng.

Muốn biết tại sao phật tử tới chùa, Thượng tọa đưa ra rất nhiều ví dụ cụ thể cho chúng ta thấy có nhiều trường hợp để người ta đến với chùa thì điểm nào cũng tốt cả và chùa phải đáp ứng hết mọi nhu cầu trong đời sống văn hóa tâm linh của họ, nhất là giáo dục Thiền nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh trong thời kỳ hội nhập.Tuy nhiên, chúng ta xem lại mình đã có được bao nhiêu % về những điều đó.

Lại nữa, phật tử tới chùa vì tin vị tăng, vị ni tu ở chùa đó là bậc tu hành tinh tấn giới đức,nên họ đến chùa sẽ được dạy dỗ, bảo đảm không bao giờ bị xâm hại, an toàn hơn tất cả mọi nơi của xã hội này.

Cũng vậy, chùa là điểm đến an toàn cho trẻ, trẻ đến chùa sẽ được học nhiều điều bổ ích, lành mạnh, để chúng biết hướng thiện, sống đạo đức, biết khép mình vào khuôn phép và tránh xa những cám dỗ bên ngoài.Cho nên, chùa luôn đem đến sự tin tưởng cho mọi người.Người nào đến chùa đều phải được hi vọng, mà hi vọng đó không phải là ảo vọng, hi vọng đó không đem đến tuyệt vọng, không đem đến sự bất hạnh cho người ta.Chùa phải bảo đảm phật tử đến chùa là để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, tức chùa có quá nhiều điều bổ ích, hấp dẫn, cao siêu để cho mọi người đặt vô đó niềm tin và hi vọng cuộc đời của họ.

Họ tin họ đến chùa được tu tập sẽ tạo nhiều phước lành với Tam bảo, nhờ vậy kiếp sau họ có căn trí trên con đường tu học và cuộc đời họ sẽ hạnh phúc hơn, an lạc hơn. Còn người khát vọng lớn thì mới có ước vọng đến sự chứng ngộ giải thoát.

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhởrằng “Người ta sống nhờ vào niềm tin và hi vọng. Nếu con người mà không còn niềm tin, không còn hi vọng nữa có nhiều người tự tử chết”. Hiểu điều này quý thầy mình phải như ngọn núi đá kiên cường - đứng sừng sững để cho chúng sinh nương tựa -tức đạo lực mình phải vững vàng.

Trong cái ý nghĩa “Vững vàng” vị tu sĩ đó phải vững trước mọi tác động, thử thách, vững từ giới đức cho tới định lực và trí tuệ để cho phật tử đến nương tựa một cách bền vững, chứ không có bấp bênh.

Có thể ta xuất thân không giàu sang nhưng khi đã đi trên con đường Phật pháp rồi thì tự ta có cái uy lực mới. Uy lực đó từ nơi Phật pháp, từ sự tu hành nghiêm túc mà có. Vì vậy quý thầy phải cố gắng tu tậptinh tấn,nhằm đạt cho được sự tiến bộ trên bước đường thực hành đạo lý giải thoát, nhờ vậy từ từ mình thoát khỏi thế tục tầm thường, đó là điều chúng ta sẽ tu.

Và khi chúng ta có một cuộc đời đạo hạnh tâm linh sâu sắc rồi thì chùa phải mở mang thêm hoạt động để đón nhận mọi người về với chùa, tức họ về với chùa họ được an vui lợi ích trên nhiều khía cạnh.

Nói về sự an vui lợi ích trong nhiều khía cạnh, Thượng tọa chia sẻ: Người phật tử đến chùa ngoài việc ăn uống được đáp ứng đầy đủ, nhà chùa còn phải chú ý đầu tư lắp đặt nhà vệ sinh phải sạch đẹp. Việc thu hút người sử dụng NVS cũng là một việc làm không kém phần quan trọng. Điều này góp phần bảo vệ môi trường; nếp sống văn minh nơi chùa chiền hay có khi chùa tổ chức lễ hội. 

Không chỉ vậy, phật tử tới chùa phải nghe được đạo lý.Có khi quý thầy thuyết Pháp, hay chỉ trao đổi vài câu nhưng câu nào thấm thía câu đó, có ý nghĩa và đầy đạo Pháp ở trong đó.Chỉ vậy thôi,các phật tử vẫn thấy tràn ngập mùa xuân Phật pháp ở trong chùa mình.

Thuyết pháp là phương thức bố thí tối thắng nhất trong tam thí (tài thí, pháp thí, vô úy thí), nên làm sao để mọi người đến chùa được hưởng được Pháp vị trong các dịp lễ lớn của Phật giáo, nhất là vào dịp lễ Phật đản, lễ Phật thành đạo, v.v…nhưng có thể xen giữa các chương trình của Lễ hội nên có sân khấu hóa theo chủ đề, nêu bật được ý nghĩa của ngày hội để thu hút người xem ở mức có thể và giữ chân họ nghe Pháp cho trọn vẹn.Còn nếu không có thuyết Pháp thì bất cứ buổi Lễ nào cũng đều mất hết phân nửa ý nghĩa.Đây cũng là cách để đạo Phật đi vào cuộc đời.

Ngoài ra, để thu hút và đưa giới trẻ tới chùa thì chùa cần phải có nhiều loại hình sinh hoạt Phật giáo hay các nghi thức, khóa lễ phải phong phú và đa dạng, trong đó không thể thiếu kỹ năng dạy nhạc đạo hiện đại.

Hiện nay, lớp trẻ chỉ thích nhạc hiện đại nhưng đến bây giờ ta vẫn chưa kịp đưa nhạc hiện đại vào trong chùa –nếu thiếu điều này là ta chậm hơn các tôn giáo bạn.Thiết nghĩ gặp nhau đông đảo, hát vui cũng là yếu tố để họ đến chùa cảm thấy dễ chịu. Cho nên thư giãn cũng là yếu tố mà ta phải tạo không khí đó cho chùa mình.

Mặc khác, khi phật tử hữu sự cần quý thầy chú nguyện,để lời cầu nguyện của mình có hiệu lực đem lại sự an lành cho họ thì quý thầy phải đủ đạo lực, đạo hạnh, còn không thì lời cầu nguyện đó như cơn gió thoảng ngoài – người ta không được lợi ích gì.Điều này có thể khiến họ bỏ chùa vì sự nản lòng.

Mà nhiều việc khác trên cuộc đời đều như vậy, ví dụ trước tình trạng suy đồi đạo đức của giới trẻ ở mức đáng báo động thì chùa phải mở một lớp dạy đạo đức cho lớp trẻ mỗi tuần. Do sự gần gũi hướng dẫn dạy dỗ của mình làm cho nhân cách của trẻ ngày càng thêm tốt đẹp, bố mẹ các em thấy vậy cũng thích nên tới chùa luôn. Đó là một vài hiệu quả tích cực thực tiễn trong muôn vàn ích lợi tinh thần mà chúng ta đem lại cho con người trong cuộc đời này. Do vậy, chùa phải là một môi trường có nhiều sinh hoạt phong phú, bổ ích, hấp dẫn, cao siêu, sâu xa, mầu nhiệm để chúng sinh tìm về nương tựa.

Tóm lại, nhằm thu hút phật tử đến chùa, quý thầy phải tạo ngôi chùa mình thành một điểm đến tâm linh sâu xa mầu nhiệm;phải tạo cho ngôi chùa mình thành một điểm đến an toàn, điểm đến đầy ích lợi về đạo đức cho con người, một điểm đến an lành, thư giãn, vui vẻ và ngôi chùa mình thành một điểm đến mà có cộng đồng những con người biết yêu thương, tử tế với nhau. Nếu làm được những điều này thì tự ngôi chùa có sức hấp dẫn và như vậy ta mới đền ơn Phật được.

Trên đây là những quan điểm cần thiết trong phương pháp tu hành cũng như làm việcphật sự mà Thượng tọa đã gợi mở, chia sẻ, bổ sung cho phần thực tập của Chư tăng được vững chãi. Mọi người đã bị thu hút bởi sự trình bày linh hoạt, khúc chiết, sâu sắc của Thượng tọa và là những kinh nghiệm có thể học hỏi để tiến đến tổ chức các hoạt động tu học, sinh hoạt, phật sự tại chùa mình, góp phần đáp ứng những nhu cầu chính đáng mang tính cộng đồng, thiết thực.

Được biết, mỗi bài giảng Chư hành giả đều ghi chép kỹ lưỡng để làm bài và thuyết trình lại.

Kế đến phần thứ hai, quý thầy ở trường hạ lên thuyết trình về đề tài Bát Chánh Đạo - là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật.

Buổi thuyết trình của Chư tăng có sự chứng minh của Chư tôn đức Ban Chức Sự trường hạ. Trước khi bắt đầu thuyết trình, HT Thích Giải Thiện - Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Thành - Thiền chủ trường hạ Huệ Minh đã có đôi lời sách tấn cho toàn thể tăng sinh cũng như đạo tràng phật tử.Hòa thượng nhắn nhủ rằng:

“Mỗi Chư tăng luôn biết mình là “Sứ giả Như Lai” với mục tiêu “Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài” lên hàng đầu, nên phải cố gắng tu, học để là cầu nối giữa Phật và chúng sinh. Đồng thời điều chỉnh các hoạt động tu học của mình sao cho xứng đáng là nhà mô phạm mà dẫn dắt phật tử tu học đúng chánh pháp, đây là cách thiết thực nhất để chúng ta báo ơn Phật trong muôn một.Và mong rằng toàn thể phật tử về đây luôn là người sát cánh Chư tăng, hộ trì Tam Bảo để Phật pháp mãi mãi trường tồn”.

Trong buổi thuyết trình, Ban Giám Thảo gồm có: TT Thích Minh Hiền; TT Thích Minh Hòa; TT Thích Minh Trí; ĐĐ Thích Nghiêm Giám.

Trong thời đại ngày nay, khi nguồn giáo lý đạo Phật được lan truyền rộng rãi với nhiều phương tiện để giáo hóa, giúp cho con người xây dựng một đời sống đạo đức, thuần thiện thì Bát Chánh Đạo là một cốt lõi mà ai ai khi đến với Đạo Phật phải nắm vững và hiểu rõ đường đi này.

Với trăn trở làm sao để cho tầng lớp tu sĩ xuất gia luôn suy nghiệm và giảng dạy Bát Chánh Đạo cho phật tử, để hàng cư sĩ luôn khắc ghi con đường Bát Chánh Đạo làm kim chỉ nam cho đường tu của mình, TT Thích Chân Quang đã giảng dạy BÁT CHÁNH ĐẠO cho Chư tăng. Sau đó,qua vòng sơ khảo, BTC đã chọn được 7 vị xuất sắc của trường hạ chùa Huệ Minh tham gia thuyết trình về các đề tài xoay quanh Bát Chánh Đạo.Và mỗi Giảng sinh chỉ có 15 phút cho phần trình bày đề tài của mình.

Mở đầu, Tỳ kheo Thích Khải Hạnh thuyết trình đề tài BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG PHẬT GIÁO.Với đề tài này, thầy đã định nghĩa và phân tích từng chi phần một đi kèm với nhiều ví dụ minh họa cụ thể,trong đó nhấn mạnh về chánh niệm trong tu tập cũng như trong đời sống của người đệ tử Phật.

Kế đến, Tỳ kheo Thích Huệ Văn thuyết trình đề tài CÔNG ĐỨC HOÀN HẢO. Trong phạm vi đề tài này, thầy bàn sâu vào khái niệm thế nào là công đức và thế nào là công đức hoàn hảo, đồng thời nêu vai trò của Chánh nghiệp đối với việc tạo công đức hướng về mục tiêu giải thoát giác ngộ.

Tiếp đến, Tỳ Kheo Thích Khải Long trình bày đề tài về chi phần CHÁNH KIẾN.Qua đó nêu lên tầm quan trọng của chánh kiến trong việc hiểu đúng về giáo lý của Đạo Phật. Tuy nhiên,khi ta nhìn một sự việc ở đời – không phải trong Đạo thì quan điểm của ta về việc đó như thế nào cho đúng cũng được gọi là chánh Kiến.

Tương tự, Tỳ kheo Thích Huệ Vương thuyết trình về CHÁNH NGỮ.Theo quan điểm của thầy, người tu tập theo Bát Chánh Đạo, một lời nói ra phải có lợi ích cho người khác và tạo thành công đức mới được nói,đồng thời nêu tác dụng của lời nói cũng như làm thế nào để đạt được khẩu nghiệp thanh tịnh.

Lại nữa, Sa di Thích Khải Tính thuyết trình về chủ đề CHÁNH TƯ DUY TRONG BÁT CHÁNH ĐẠO; Sa di Thích Minh Hoà chia sẻ về chủ đề LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÁNH TINH TẤN; Sa di Thích Toàn Tríthuyết trình về đề tài PHƯỚC LỰC VÔ SONG, trong đó nhấn mạnh vai trò của Chánh mạng.

Cứ thế, quý thầy từng bước lý giải từng chi phần của Bát Chánh Đạo, vị nào cũng nói một cách lưu loát, tự tin khi trình bày quan điểm của mình trước hàng trăm người nghe. Có cái hay là các vịkhông nhất thiết phải nhìn vào bài giảng liên tục,điều này chứng tỏ quý thầy nắm được yếu chỉ của bài học và có sự chuẩn bị chu đáo cho bài thuyết trình của mình.

Tuy rằng có vị nói vượt quá thời gian quy định của BTC, điều này có thể điều chỉnh sau, cái quan trọng là quý thầy nói, bên dưới các phật tử hiểu được nội dung quý thầy muốn trình bày, nên nhìn thấy họ chăm chú lắng nghe và đôi khivỗ tay tán thưởng hay đột nhiên bật cười vui vẻ.

Nói chung, buổi tập thuyết trình đầu tiên thành công đã để lại những ấn tượng đẹp và nhiều hy vọng cho các phật tử khi nhìn thấy Chư tăng trẻ có nội lực tu hành, có khả năng hoằng pháp giỏi ở mai sau.Một khi tu học được như vậy, quý thầy sẽ không bao giờ dừng bước thoái lui, cũng không để phí phạm chút thời gian nào, ngược lại còn có một đời sống tu hành tích cực hơn.

Đặc biệt, hôm đó có các vị Lãnh đạo chính quyền từ cấp tỉnh đến xã đã đến thăm viếng trường hạ, và ông Phạm Thế Mỹ - Phó Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh BRVT nhận định: Ông cho rằng “Trường hạ của huyện Tân Thành được tổ chức nhiều điểm cho Chư tăng ni an cư tu học, trong số đó chúng tôi nhận thấy trường hạ chùa Huệ Minh tổ chức rất quy củ, chặt chẽ.

Hôm nay tình cờ được lắng nghe buổi thuyết trình của quý thầy ở đây, chúng tôi rất ấn tượng. Chúng tôi nghĩ những vị đứng đầu trong Ban Chức Sự trường hạ chùa Huệ Minh rất có trách nhiệm, mọi hoạt động được tổ chức rất bài bản, trang nghiêm.

Bên cạnh đó cũng không thể thiếu trách nhiệm tự nguyện của Chư tăng tùng hạ và nam nữ phật tử xa gần trong việc hộ trì Tam Bảo. Ông ngưỡng mộ và xin được chia sẻ cái trách nhiệm đó với mọi người.

Sau cùng ông thay mặt chính quyền tỉnh – huyện và xã Mỹ Xuân gửi lời vấn an - chức mừng đến Chư tôn đức BTS PG huyện Tân Thành, đến các vị trong Ban Thiền Chủ, Hóa chủ của trường hạ và toàn thể hành giả an cư tại đây được nhiều sức khỏe, vạn sự viên thành. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tâm Trụ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin