Chi tiết tin tức

Cơ hội chia sẻ, học kinh nghiệm quản lý Giáo hội

17:42:00 - 15/04/2015
(PGNĐ) -  Hội nghị giao ban lần đầu tiên giữa Văn phòng Thường trực HĐTS GHPGVN phía Nam (VP II) với 5 BTS GHPGVN tỉnh, thành miền Đông: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu được tổ chức vào ngày 1-4, tại Trụ sở VP II - thiền viện Quảng Đức, quận 3, TP.HCM. Hội nghị do HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư làm chủ tọa.

Phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Giác Quang, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai. Hòa thượng cho biết:

- Hội nghị giao ban lần đầu tiên do VP II tổ chức đã mở ra hướng sinh hoạt Phật sự mới. Đồng thời, hội nghị giao ban lần này tạo ra sự phấn khởi cho chư tôn đức lãnh đạo BTS GHPGVN tỉnh, thành miền Đông. Vì lẽ, đây là sự kiện chưa từng có trong suốt 34 năm qua, kể từ khi thành lập GHPGVN.

Được biết, tại Hội nghị giao ban lần đầu tiên này, BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần Thường trực HĐTS GHPGVN hỗ trợ, giải quyết. Xin Hòa thượng nói rõ thêm những vấn đề này.

- Đồng Nai là tỉnh có Tăng Ni đông, xảy ra nhiều trường hợp khiếu tố, khiếu kiện, có trường hợp kiện đến Quốc hội. Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở thờ tự, trong đó có 600 am, cốc. Am, cốc tập trung đông nhất là ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa. Nơi đây là nơi trồng rừng, chư Tăng, Ni đến cất am, thất an trú, tịnh tu trong đó.

Hội nghị lần này, BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai có đưa ra đề xuất đề nghị Trung ương Giáo hội (TƯGH) có văn bản hướng dẫn thực hiện Hiến chương (sửa đổi lần 5), xác định về tính quy mô lớn của tổ đình, chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá, thiền viện (có bao nhiêu Tăng Ni)… quy mô nhỏ của tịnh thất, thiền thất, niệm Phật đường (có bao nhiêu Tăng Ni) giúp cho BTS tỉnh, thành, huyện, thị có cơ sở đề nghị chính quyền xem xét việc “nâng cấp từ tịnh thất lên chùa”.

Vấn đề Tăng Ni ở nhà ngoài, BTS GHPGVN Đồng Nai cũng đề xuất TƯGH có văn bản liên quan đến ngành Tăng sự nhằm chấn chỉnh những hành vi cố ý vi phạm của một vài cá nhân tu sĩ trẻ. Tuy sự việc nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến thanh danh đạo Phật và Giáo hội, làm tín đồ Phật tử ngày càng xa rời chùa chiền.

BTS PG Đồng Nai cũng đề nghị TƯGH có văn bản hướng dẫn thống kê Tăng Ni, tự viện, Phật tử để có một con số tín đồ Phật tử PGVN một cách chính xác. Và, đề nghị TƯGH mở khóa hành chánh Giáo hội - khóa Đông (thời gian 3 tháng). 

GN.jpg
Đại biểu 5 BTS GHPGVN tỉnh, thành miền Đông - Ảnh: Bảo Toàn

Thưa Hòa thượng, tại Hội nghị giao ban vừa qua, vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh nào có đặc thù chung của Phật giáo 5 tỉnh, thành miền Đông?

-  Đa phần các khó khăn, vướng mắc của 5 BTS GHPGVN tỉnh, thành miền Đông đều liên quan đến ngành Tăng sự. Điều đó cũng dễ hiểu, vì lẽ trong Phật giáo việc Tăng sự là chính, cốt yếu, chiếm hết 2/3 việc hành chánh Giáo hội, trọng trách của ngành Tăng sự là quản lý Tăng Ni, tự viện. Và, một vấn đề khó giải quyết hiện nay của các BTS GHPGVN tỉnh, thành là nạn giả sư khất thực phi pháp.

Xin Hòa thượng nói rõ hơn về vấn nạn giả tu sĩ khất thực phi pháp tại tỉnh Đồng Nai?

-  Hiện nay, những phát sinh của Phật giáo các tỉnh, thành miền Đông là nạn sư giả - những người mặc đồ giống Hệ phái Khất sĩ hoặc Phật giáo Bắc tông để đi khất thực, quyên góp tiền bạc… mà các BTS GHPGVN tỉnh, thành không thể giải quyết dứt điểm. BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai cũng đã từng ra văn bản, kết hợp với chính quyền, với BTS GHPGVN huyện, thị giải quyết nhiều trường hợp giả danh tu sĩ nhưng không có chuyển biến mà vẫn đâu vào đấy.

Về vấn đề khất thực hiện vẫn còn tồn tại, thì ở Đồng Nai có hai đối tượng, một số là giả danh tu sĩ thật sự và một số tu sĩ thật ở chùa tự động đi khất thực. Có trường hợp chính vị trụ trì một ngôi chùa cũng đi khất thực, từ huyện Vĩnh Cửu xuống TP.Biên Hòa hơn 10km mà vẫn đi. Họ đi như vậy thì có tiền để dành cất chùa, trùng tu chùa, vì lẽ ở một chỗ thì… không ai tới. 

Và, những trường hợp rất đau lòng, sư giả mặc đồ tu sĩ Phật giáo đến cả bàn ăn sáng của người ta, tiền thối còn dư thì người ta cho, những trường hợp như vậy ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh tu sĩ Phật giáo. Ở các huyện, thị thuộc tỉnh Đồng Nai, hiện nay đã giảm nạn sư giả đi khất thực nhưng họ lại tập trung nhiều ở TP.Biên Hòa - chợ Biên Hòa, hay các khu công nghiệp lớn.

Tham gia hội nghị giao ban lần đầu tiên này, Hòa thượng nghĩ gì về cách giải quyết khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo TƯGH và đại diện chính quyền hiện diện? 

- Có những vấn đề được Hòa thượng chủ tọa, Thượng tọa Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng trả lời tại ngay hội nghị nhưng đa phần là những việc lớn cần đến sự “tiếp sức” của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN và Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư, thành ra sau phiên họp vừa rồi nhưng cũng đành phải chờ kết luận của Hội nghị giao ban xem kết quả như thế nào.

Thật sự, Hội nghị chưa có phương pháp, hướng giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của 5 BTS GHPGVN  tỉnh, miền Đông ngay tại Hội nghị mà cần phải có thời gian. Ngay như ông Nguyễn Thanh Xuân, đại diện Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ phía Nam trả lời tại Hội nghị cũng chưa ngã ngũ. 

Ví dụ ở Đồng Nai muốn xin thành lập một ngôi chùa thì đương nhiên phải làm thủ tục theo hướng dẫn của Giáo hội, đem đến Ban Tôn giáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thường thì Ủy ban Nhân dân tỉnh duyệt, chấp thuận liền, để BTS GHPGVN ra quyết định thành lập. Còn bây giờ, chính quyền đề nghị phải đưa lên Ủy ban Nhân dân tỉnh, rồi Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa lên Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra Quốc hội, Quốc hội duyệt cấp đất tôn giáo thì mới cho làm chùa.

Như vậy, trải qua 5 năm mới được cấp đất tôn giáo. Hỏi ông Xuân có như vậy hay không thì ông trả lời không có, ông khẳng định chỉ đưa hồ sơ lên Ủy ban Nhân dân tỉnh là đủ. Tóm lại vấn đề này, tại hội nghị cũng chưa giải quyết được, chưa ngã ngũ đến đâu. 

Hoi Nghi Giao Ban (3).JPG
Quang cảnh Hội nghị giao ban giữa Văn phòng Ban Thường trực HĐTS 
với 5 BTS PG tỉnh, thành miền Đông, ngày 1-4-2015 - Ảnh: Bảo Toàn

Qua Hội nghị giao ban lần đầu tiên này, theo Hòa thượng, Hội nghị đã bộc lộ điều gì đáng quan tâm, lợi ích thiết thực mang lại cho 5 BTS GHPGVN tỉnh, thành miền Đông là gì?

- Hội nghị giao ban vừa qua là sự kiện mới của Văn phòng Thường trực HĐTS GHPVN phía Nam, mở ra hướng mới trong hoạt động Phật sự. Do đó, chúng tôi rất phấn khởi, đồng thời cũng là vinh dự cứ 3 tháng các đại biểu 5 BTS GHPGVN tỉnh, thành miền Đông gặp lại nhau để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, cách giải quyết nhiều vấn đề còn khó khăn liên quan đến quản lý Tăng Ni, tự viện, khiếu tố, khiếu nại…

Đặc biệt, Hội nghị tạo nên sự kết hợp, gắn bó hài hòa giữa lãnh đạo HĐTS GHPGVN với BTS PG tỉnh, thành.

Hội nghị giao ban rất có ý nghĩa, bổ ích nhưng cũng chính tại Hội nghị này đã bộc lộ ra, cho thấy một số hạn chế về kiến thức hành chánh Giáo hội của một số thành viên BTS PG tỉnh, thành. Nói cách khác, thành viên BTS PG tỉnh, thành cần phải bồi dưỡng, “tu nghiệp” thêm kiến thức về công tác hành chánh Giáo hội để có thể nâng cao năng lực quản lý, vừa hoàn thiện, đồng bộ công tác hành chánh của Phật giáo trong khu vực.

Thực tế, các BTS PG tỉnh, thành thực hiện Nội quy Ban Tăng sự Trung ương mỗi nơi làm một cách, như Đồng Nai có cấp giấy chứng nhận xuất gia, còn các BTS PG tỉnh, thành khác thì không cấp giấy này. 

Chính vì thế, tôi mới đề xuất TƯGH mở khóa hành chánh để BTS PG tỉnh, thành cử Tăng Ni trẻ có năng lực, học vị tham gia học tập. Được như vậy, các BTS PG tỉnh, thành trong khu vực mới hoạt động Phật sự một cách đồng bộ, chuẩn bị nhân lực, quy hoạch nhân sự quản lý về lâu dài.

 

Chân thành cảm ơn Hòa thượng! 

HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Chủ tọa Hội nghị giao ban lần đầu tiên ngày 1-4:

“Hội nghị giao ban lần đầu tiên do Văn phòng Thường trực HĐTS GHPGVN phía Nam tổ chức nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Phật sự của 5 BTS GHPGVN tỉnh, thành miền Đông. Vấn đề nào thuộc về Nhà nước thì nhờ Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với Ban Tôn giáo, các ngành liên quan của tỉnh để tạo điều kiện, giúp đỡ cho hoạt động Phật sự của Phật giáo các địa phương. 

Những khó khăn, vướng mắc thuộc về Giáo hội thì Ban Thường trực HĐTS sẽ có sự phối hợp giữa các ban, ngành thuộc TƯGH để kịp thời tháo gỡ. Hội nghị giao ban lần này bước đầu thành công vì lãnh đạo 5 BTS GHPGVN tỉnh, thành đã rất tin tưởng TƯGH, nêu ra được các khó khăn phát sinh ở Phật giáo địa phương tại hội nghị”.

 

H.Diệu thực hiện (GNO)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin