Chi tiết tin tức

Lễ hội xuân Ngọa Vân xuân Bính Thân 2016

21:06:00 - 10/01/2016
(PGNĐ) -  Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh sẽ xin phép tổ chức Lễ hội xuân Ngọa Vân đầu tiên vào ngày 11 tháng Giêng năm Bính Thân.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quang Ninh đã cho biết như vậy trong ngày lễ đúc tượng chùa Ngọa Vân tại đền An Sinh, TX Đông Triều (Quảng Ninh) trong tháng 11 vừa qua…

Vì sao chọn ngày khai hội xuân Ngọa Vân đầu tiên vào ngày 11 tháng Giêng năm 2016, Thượng tọa Thích Thanh Quyết giải thích, năm nay có chùa mới để ngày xuân du khách thập phương hướng tới, tìm về đất Phật Thánh địa Trúc Lâm, còn theo sử sách thì Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh vào ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (1258), được vua cha Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt vào năm 21 tuổi, đến năm 41 tuổi, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng hoàng. Sau tu hành đắc đạo, ngài nhập niết bàn vào giờ Tý ngày 1/11 năm Mậu Thân (1308) tại Am Ngọa Vân, vào năm ấy Ngài cũng 51 tuổi…

Có lẽ, con số 1 trong cuộc đời và sự nghiệp của Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông có rất nhiều. Hơn nữa, khai hội xuân Ngọa Vân sau ngày khai hội xuân Yên Tử 2016 ở Quảng Ninh là ý nghĩa...

Chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài (còn tên gọi khác núi Vây rồng) thuộc xã Bình Khê, TX Đông Triều (Quảng Ninh), di tích quan trọng bậc nhất trong Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Trong những năm qua, TX Đông Triều đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân phát tâm công đức xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa Ngọa Vân với tổng mức đầu tư xây dựng trị giá 95 tỷ đồng. Chùa Ngọa Vân được xây dựng mới bao gồm các hạng mục Tam bảo thờ Phật, nhà thờ Trúc Lâm Tam Tổ, cổng tam quan, vườn tháp Tổ và các công trình phụ trợ được xây dựng bằng chất liệu gỗ lim với kiến trúc truyền thống đã hoàn thành. Tượng Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), tượng Đức Phật Thích ca mâu ni, tượng Đức Thánh Hiền, tượng Đức Ông…trong chùa có chiều cao từ 1,3 đến 2,2m, đều được đúc bằng đồng và chùa Ngọa Vân dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 25 tháng Chạp năm 2015 này.

Chùa, am Ngọa Vân hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá, tâm linh. Du khách đến đây sẽ gặp những trầm tích văn hóa từ thuở sơ khai của Thiền phái Trúc Lâm từ mấy thế kỷ trước để tìm hiểu về văn hoá Phật giáo, chiêm bái tượng Phật hoàng trong tư thế nhập niết bàn trong Am Ngọa Vân, kính cẩn trước Phật hoàng tháp, nơi lưu giữ xá lỵ Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông và chiêm ngưỡng cổ vật từ thời Trần, Lê, Nguyễn để lại.

Du khách tĩnh tâm trong khu am, tháp, chùa Ngọa Vân tựa vào ngọn núi Bảo Đài, ngắm dãy núi “tả thanh long” trùng điệp chầu về, dãy núi “hữu bạch hổ” hùng vĩ phục xuống cùng ngọn núi có tên Ngọn Bút làm tiền án chùa Ngọa Vân quanh năm mờ ảo mây mù bao phủ. Ở đó, du khách thanh tĩnh tâm hơn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống và hướng tới một đời sống cao thượng, tốt đẹp hơn, với cái tâm trong sáng, an lành, chân - thiện - mỹ…

Tam bảo thờ Phật và nhà thờ Trúc Lâm Tam Tổ xây mới  bên dấu tích chùa Ngọa Vân cũ.

Theo sử sách và các tài liệu nghiên cứu gần đây thì trong chuỗi sự kiện xuất gia tu hành của Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông thì Yên Tử là nơi tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và hóa Phật của Ngài, Ngọa Vân - nơi Tổ thứ nhất của Thiền phái nhập niết bàn đã trở thành Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.

Sau khi Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật tại Am Ngọa Vân, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm, Thánh địa Ngọa Vân đã được Thiền sư Pháp Loa, người nối dòng của Tông phái Trúc Lâm (sau trở thành Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm) đã cho xây dựng và mở rộng thành một quần thể lớn. Dưới sự hỗ trợ của Thượng hoàng Trần Anh Tông, Thiền sư Pháp Loa đã xây dựng Ngọa Vân từ chỗ chỉ là một am nhỏ nơi Phật hoàng tu luyện, trở thành một quần thể chùa tháp.

Ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIV Ngọa Vân đã trở thành một quần thể lớn gồm nhiều cụm, điểm công trình được xây dựng bao quanh đỉnh Ngọa Vân ở phía nam của núi Bảo Đài. Khu chùa chính được xây mới và mở rộng ở phía ngoài, tại vị trí xây dựng lại Tam bảo thờ Phật và nhà thờ Trúc Lâm Tam Tổ hiện nay. Khu am được mở rộng thành khu am, tháp và là nơi thờ Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông và có tháp Phật hoàng lưu giữ xá lỵ của Ngài.

   Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến thế kỷ XVIII, trong xu thế phục hưng của Phật giáo nói chung, Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Ngọa Vân - Thánh địa Trúc Lâm đã được trùng tu, tôn tạo và mở rộng. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại đây đã cho thấy nếu như thời Trần, quần thể chùa tháp Ngọa Vân chỉ tập trung phát triển ở xung quanh đỉnh Ngọa Vân thì đến thời Lê Trung hưng quần thể này được mở rộng về phía Đông của núi Bảo Đài với một cụm chùa lớn được xây dựng tại khu vực Đá Chồng. Như vậy có thể thấy, ở thế kỷ XVIII thì Ngọa Vân được hồi sinh trên nền tảng các giá trị của giai đoạn trước, đồng thời phát triển và mở rộng.

   Dấu ấn các công trình kiến trúc được xây dựng tại Ngọa Vân dưới thời Lê Trung hưng còn lại khá nhiều và chính nhờ các dấu vết này mà ngày nay các nhà khảo cổ, nhà sử học khẳng định được Ngọa Vân là một quần thể chùa tháp lớn nằm trên dãy Yên Tử, đồng thời xác định được không gian Yên Tử xưa không chỉ bó hẹp trong khu vực danh thắng Yên Tử ngày nay mà Yên Tử của Trúc Lâm là một không gian rộng lớn kéo dài từ TP Uông Bí, qua TX Đông Triều đến TX Chí Linh (Hải Dương) và sang đến tỉnh Bắc Giang với một hệ thống chùa, tháp kết nối chặt chẽ với nhau tạo thành một trung tâm Phật giáo lớn suốt từ thời Trần đến thời Lê Trung hưng. Trung tâm Phật giáo này gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

  Ngoạ Vân - Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung; với vai trò đó, Ngoạ Vân gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các giá trị to lớn của quần thể chùa, am, tháp tại Ngoạ Vân và vị trí của nó trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã được khẳng định và đó là những giá trị còn mãi.

    Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm luôn đồng hành với dân tộc, là “điểm tựa tinh thần”, góp phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của nước Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử. Trải qua hơn 700 năm nhưng những giá trị văn hoá mà Thiền phái Trúc Lâm để lại vẫn đang và sẽ lan toả mạnh, được các thế hệ nối tiếp, kế thừa và truyền bá đến nhiều quốc gia trên thế giới với những tư tưởng mang đậm giá trị nhân văn. Những giá trị đó đang được TX Đông Triều phát huy gắn với phát triển du lịch để TX trẻ Đông Triều sẽ là trung tâm du lịch tâm linh đặc sắc. Lễ hội xuân Ngọa Vân là chấm son trên bản đồ du lịch mùa xuân ở Quảng Ninh…

 

Xuân Quảng (Đại đoàn kết)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin