Chi tiết tin tức

Chùa Bằng: Cuộc hạnh ngộ đầu tiên của các câu lạc bộ thiện nguyện

15:58:00 - 27/04/2017
(PGNĐ) -  Tối ngày 25 tháng 04 năm 2017, nhằm ngày 29 tháng 03 năm Đinh Dậu, tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) đã có một cuộc hạnh ngộ lần đầu tiên tại Hà Nội – đó là cuộc gặp gỡ, chia sẻ và giao lưu giữa Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm và đại diện của các câu lạc bộ thiện nguyện trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.

Các câu lạc bộ tham dự buổi gặp gỡ này đều là những câu lạc bộ đã làm rất nhiều những chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa không chỉ trong thành phố Hà Nội mà còn ở những vùng sâu vùng xa, từ việc nấu cháo từ thiện ở các bệnh viện cho đến xây trường học cho trẻ em vùng cao. Ở đâu có khó khăn, ở đó có dáng hình những tấm lòng thiện nguyện cao cả.

Những con người hiện diện ở giảng đường chùa Bằng hôm nay, họ khác nhau về công việc về tuổi tác, nhưng họ cùng chung một chí hướng một mục tiêu đó là chia sẻ tình yêu thương tới những mảnh đời khó khăn, vất vả. 

Đây chính là buổi gặp mặt đầy ý nghĩa, mở đầu cho một tháng Phật Đản tràn đầy niềm hỷ lạc, một hoạt động thiết thực để đón mừng ngày đản sinh của Đức Từ Phụ. 

Trong buổi gặp mặt này, các câu lạc bộ thiện nguyện được kết nối truyền thông với nhau, được cùng nhau lắng nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giải đáp về những thắc mắc, cũng như chia sẻ những khó khăn, vất vả, những trăn trở trên cuộc hành trình chia sẻ yêu thương. Và cũng tại đây, họ được hiểu hơn về phép “Bố thí” của Đạo Phật qua lời chia sẻ của Hòa thượng, và tinh thần thiện nguyện sao cho đúng cách, đúng mục đích và cũng “đúng pháp”, bởi lẽ họ không phải chỉ đơn giản là những người làm việc thiện, tư duy thiện, mà họ còn đang nương vào những giáo lý đầy thiện lành của Đức Thế Tôn và lấy đó làm kim chỉ nam trong cuộc đời. Hòa thượng chia sẻ: “Trong Phật giáo đức Phật có nói về việc bố thí “Tam luân không tịch“ tức là “3 thứ phải phẳng lặng như tờ”: Người cho, người nhận và vật cho thực hiện xong việc bố thí mà cả người cho lẫn người nhận đều không cần báo đáp, không cần phải đền ơn như con nhạn bay qua bóng nước không để lại dấu vết, không để lại bóng hình. Trong bố thí thường được chia làm 2 loại là nội thí và ngoại thí. Như những người hiến xác, tặng mắt, hiến nội tạng, hiến máu… cho y học thì được gọi là nội thí, đó là những thứ khó lành nhất, hay được gọi là “nan hành khổ hạnh” – người làm những việc khổ hạnh khó làm nhất nhưng mình vẫn có thể làm được. Những thứ bên ngoài như của cải vật chất, ai cần thứ gì thì mình sẵn sàng cho thứ đó tức là ngoại thí. Nhưng cho dù là nội thí hay ngoại thí thì một con người hay một tổ chức làm công tác thiện nguyện phải nhất thiết có 3 yếu tố là “từ tâm thí, bình đẳng thí và tự thủ thí”, nếu không có 3 yếu tố này thì có thể coi là cá nhân hay tổ chức thiện nguyện đó làm chưa đủ. Phải tặng cho người ta bằng tất cả tâm từ bi, thương yêu lẫn nhau, thương xót tất cả mọi người, không phân biệt ai, không phân biệt màu da sắc tộc, không phân biệt quốc gia, tôn giáo, nam nữ, giai cấp, giàu nghèo, hãy cho đi bằng tất cả tâm bình đẳng nhất, vô tư nhất và xuất phát từ tâm chân thật nhất. Trong Phật giáo cũng có hai khái niệm nữa đó là “tùy thời thí và xứng cảnh thí”. “Tùy thời thí” chính là tùy vào thời điểm đó họ đang thực sự cần đến điều gì để giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại thì ta tặng họ điều đó. Còn “Xứng cảnh thí” tức là tùy vào hoàn cảnh của họ để mình tặng cho họ những thứ phù hợp với họ”.

Đặc biệt, tại buổi gặp mặt, Hòa thượng trụ trì đã trao tặng cho các nhóm từ thiện những bản kinh Thương Yêu và kinh Phúc Đức, những tấm card biểu tượng lá bồ đề và những bông hoa hướng dương rạng rỡ. Đó chính là biểu tượng của chính những trái tim biết sẻ chia, biết sống một cuộc sống cộng đồng. Hòa thượng mong rằng, khi mỗi người đọc bản kinh Thương Yêu và kinh Phúc Đức sẽ hiểu được những điều thiện lành Đức Phật chỉ dạy, mang chính những yêu thương trong trái tim mình để trải rộng tới tất cả mọi nơi - ở bất cứ nơi nào có những mảnh đời kém may mắn, thiếu thốn và khó khăn. Chính những hoạt động thiện lành đó sẽ là phúc đức mà mỗi người đón nhận được, chính là nhân lành để gặt hái quả ngọt trong tương lai. Hạnh phúc không phải là khi chúng ta giàu có và đầy đủ vật chất, mà hạnh phúc chính là khi chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có cho những người kém may mắn và nhìn thấy nụ cười rạng ngời trên gương mặt họ. Hạnh phúc chính là cho, chứ không phải chỉ nhận cho riêng mình. Hòa thượng cũng mong rằng, mỗi người hãy luôn giữ “Tâm Bồ Đề” kiên cố, đừng nản lòng trước bất cứ chướng duyên nghịch cảnh, làm việc tốt không phải điều dễ dàng, song hãy luôn nghĩ đến những niềm vui chúng ta nhận được để tiếp tục nỗ lực từng ngày, luôn vươn mình ra phía trước như những bông hoa hướng dương luôn hướng mình về ánh mặt trời tươi sáng. Mỗi người làm thiện nguyện, đều chính là những bông hoa hướng dương rực rỡ, những bông hoa của ánh sáng từ bi và trí tuệ, những bông hoa được kết tinh bởi “hiểu và thương”.

Buổi gặp mặt đầu tiên này, sẽ là cầu nối cho những trái tim đến gần với nhau. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều chương trình thiện nguyện quy mô hơn nữa được tổ chức bởi sự kết hợp giữa những câu lạc bộ thiện nguyện với nhau, dựa trên chính tinh thần “bố thí” cao cả của Đạo Phật, mang tình yêu thương lan tỏa rộng khắp muôn phương và những mảnh đời khó khăn sẽ ngày càng bé lại, xã hội sẽ ngày càng văn minh an bình, nhân dân sẽ ngày càng ấm no hạnh phúc.

  Xin giới một số hình ảnh:  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 

Chùa Bằng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin