Đại lễ Vesak 2019 kêu gọi lan tỏa đoàn kết, yêu thương
23:26:00 - 15/05/2019
(PGNĐ) - Tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019, đại biểu mong muốn xây dựng thế giới hòa bình để góp phần giúp các quốc gia, dân tộc phát triển.
1650 đại biểu quốc tế tham dự. Đại lễ Phật đản (Vesak 2019) tổ chức từ 8h ngày 12/5 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam; dự kiến kết thúc vào 14/5. Từ sáng sớm, hàng trăm đoàn xe nối nhau vào khu vực chùa Tam Chúc khiến giao thông ùn tắc kéo dài. Tại khu vực dẫn vào chùa, cảnh sát cơ động và công an lập chốt kiểm soát, cấm các phương tiện qua lại, trừ các xe phục vụ sự kiện và đại biểu. Trước cửa chùa Tam Chúc, hàng trăm phật tử mặc áo lam xếp hàng đón khách
Trước đó, chiều 11/5, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam tổ chức rước hơn 400 xe hoa và tăm Phật theo nghi thức truyền thống chào mừng Đại lễ Phật đản 2019. Hàng trăm tăng ni, phật tử cùng đoàn xe diễu hành từ chùa Bầu đến chùa Tam Chúc, qua nhiều tuyến phố chính trong tỉnh. Các xe được kết bằng hàng nghìn bông hoa tươi và lụa cho các đạo tràng. Tối 11/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổ chức tiệc chiêu đãi các đại biểu dự Vesak 2019. Bà Ngân nhấn mạnh, Vesak 2019 là cơ hội để phát huy các giá trị phổ quát của đạo Phật, đóng góp vào hòa bình, môi trường, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đạo đức trên toàn cầu. Các giá trị này dựa trên nền tảng trí tuệ, lòng bao dung và tình yêu thương, góp phần mang lại hạnh phúc và những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Theo hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo, Tổng thư ký Vesak 2019, 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về tham dự; trong đó nhiều vị tăng vương, tăng thống, lãnh đạo giáo hội, nhà nghiên cứu... Hơn 20.000 đại biểu là phật tử, nhân dân trong nước cùng có mặt. Với chủ đề Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, Vesak 2019 nhận được hơn 500 bài tham luận của học giả quốc tế và Việt Nam. Nhiều diễn đàn về chủ đề này cũng sẽ được tổ chức như: Lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, gia đình hòa hợp; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm. Đại lễ Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa như: tắm Phật truyền thống; cầu nguyện quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm cổ vật phật giáo; diễu hành xe hoa; ra mắt mạng xã hội Phật giáo Butta.vn... - Thủ tướng chào đón các đại biểu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc cùng các lãnh đạo Phật giáo gồm: Đại lão hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại lão hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Vesak 2019 tại Việt Nam; Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc... Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng tới dự. Trước khi vào hội trường dự lễ khai mạc, các đại biểu thực hiện nghi lễ Tắm Phật. Tại hồ nước quanh toà chính điện cùa chùa, các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật chào mừng Đại lễ. - Phật giáo đồng hành cùng dân tộc
Trong thông điệp gửi đến Vesak 2019, Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) nhấn mạnh đây là sự kiện thiêng liêng gắn với cuộc đời Đức Phật và sự kiện hy hữu của toàn nhân loại. "Vesak 2019 là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững". Pháp chủ Giáo hội Phật giáo nhắc lại lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã trở thành nền tảng tư tưởng trong đời sống. Từ đó đến nay, Phật giáo vẫn đang phát huy tinh hoa, đồng hành cùng dân tộc. "Thời kỳ Phật giáo vàng son cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc", Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viết và kỳ vọng các đại biểu dự Vesak 2019 cùng thảo luận để "đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Liên Hợp Quốc hướng tới". - Phật giáo thế giới đoàn kết và dấn thân hành động
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Vesak 2019, nhắc lại cách đây 26 thế kỷ, Đức Phật ra đời mang theo thông điệp đề cao trí tuệ, sự hiểu biết và lòng từ bi, hướng tới xây dựng một xã hội bình đẳng, không có giai cấp, xã hội vì hoà bình, không chiến tranh, hận thù. "Ngài đã đưa ra con đường trung đạo và sự kết hợp giữa từ bi với trí tuệ là giải pháp hữu hiệu để cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia trên thế giới", Hoà thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu và nhấn mạnh, chân lý đó ngày nay vẫn là kim chỉ nam mang lại ý nghĩa cho cuộc đời hàng triệu người trên thế giới. Ông nêu, thế giới đang phải đối mặt với nhiều xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội và các cấu trúc truyền thống thì càng cần phát huy giá trị cốt lõi của đạo Phật. Đó là tinh thần khoan dung, vô ngã, vị tha, hòa hợp, hòa bình. "Thông qua cuộc đời của Đức Phật cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc thực sự của mỗi người không phải chỉ tìm trong vật chất, mà thay vào đó, phải đi tìm sự an lạc trong tâm hồn. Xét trên bình diện quốc gia, thay vì đuổi theo tăng trưởng vô độ, không giới hạn hãy tăng trưởng sự giàu có tâm linh, an lạc, hạnh phúc và tôn trọng, bảo vệ môi trường", hoà thượng Thích Thiện Nhơn nói và kêu gọi Phật giáo thế giới đoàn kết, dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại hiện nay. - Việt Nam tổ chức Vesak ấn tượng
Hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc phát biểu bày tỏ biết ơn tới chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Vesak 2019. Qua hai lần Việt Nam đăng cai trước đó, ông đều thấy rất ấn tượng. Hòa thượng Phra Brahmapundit cho rằng Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển của Phật giáo thế giới. Chủ đề của Vesak năm nay đã thể hiện sự đóng góp của Phật giáo với sự phát triển của thế giới. "Chúng ta cùng nhau hội tụ ở đây để nêu những vấn đề quan ngại và ý kiến theo quan niệm Phật giáo để mang lại hoà bình, phát triển cho thế giới", ông nói. Gửi thông điệp tới lễ khai mạc qua video, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói: "Tôi kính gửi đến tất cả mọi người lời chúc tốt đẹp nhất nhân Đại lễ Vesak, lễ hội thiêng liêng đối với hàng triệu người trên khắp thế giới. Vesak là ngày đánh dấu Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập diệt. Tất cả chúng ta, là Phật tử hay không là Phật tử, đều có thể suy nghiệm về cuộc đời của Đức Phật và tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy của Ngài. Trong thời điểm sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và sự độ lượng ngày một thu hẹp lại, thông điệp của Đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết. -
- Không có hòa bình thế giới nếu lãnh đạo còn sân si
Ông M. Vekaiah Naidu, Phó tổng thống Ấn Độ nói Vesak là dịp để mỗi người nhìn lại bản thân, kiến tạo hoà bình, tránh xa xung đột. Phật giáo giúp con người vượt qua hận thù, bớt đi nhiều nước mắt, giúp áp dụng nguyên lý sự hoà hợp để đạt được điều tốt đẹp hơn. Theo ông, nếu áp dụng các giá trị của Đức Phật dạy như thiện tâm, từ bi, buông xả, biết ơn, chính trực, ngay thẳng thì thế giới sẽ tránh được bạo lực, xung đột, suy thoái. "Đức Phật nói rõ chúng ta không được tham sân si. Chúng ta không có được hoà bình nếu lãnh đạo thế giới còn tham, sân, si", ông nói và cho rằng Vesak là dịp kết nối Phật giáo toàn thế giới để thực hiện những lời dạy của Đức Phật. Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli nói rằng điều duy nhất người dân Nepal ao ước là hoà bình cho thế giới và vũ trụ. Nguyện ước đó thiên hợp với chủ đề Vesak 2019. "Phật giáo độc đáo ở chỗ là hết sức quan tâm tới nhân sinh, thiên nhiên. Chúng ta đâu cần đợi tới kiếp sau mới tìm được hạnh phúc mà có thể tìm được ngay trong cuộc sống này. Vì thế, chúng ta không nên giữ mãi hận thù mà hãy luôn từ bi, hỉ xả", ông nói và cho rằng mục tiêu tối thượng của Phật giáo là đạt được xã hội hoà hợp dựa trên công lý, tình bằng hữu và sự cộng sinh hoà bình. Theo ông, trước việc chủ nghĩa thực dụng phần nào đè bẹp giá trị con người và những điều tốt đẹp, các quốc gia ngày càng hướng nội hơn, lẽ ra phải lan toả thông điệp đoàn kết, gắn bó, tập trung kiến tạo hoà bình, phát triển lâu dài thì các quốc gia lại đi vào lợi ích ngắn hạn. Thế giới đang giàu có hơn nhưng 1/5 dân số thế giới sống nghèo khó, cùng cực. Các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc đang gặp nhiều thách thức. Môi trường ngày càng ô nhiễm. Nạn khủng bố tiếp tục diễn ra, đe doạ hòa bình và trật tự xã hội. Giữa biến động đó, sự cộng sinh hoà bình, tinh thần hữu nghị trở thành giá trị quan trọng. Khái niệm sự cân bằng trong con đường trung đạo của Phật giáo đang ngày càng khẳng định giá trị. "Hãy tìm ra con đường trung dung để tránh cho thế giới khỏi sự hỗn loạn. Thông điệp của Đức Phật đã nhấn mạnh sự cân bằng con người và thiên nhiên, vật chất và tinh thần, công việc hằng ngày và tương lai. Phật giáo không ủng hộ tham, sân, si vì điều này là nguyên nhân gây ra khủng hoảng thế giới", ông nói và cho rằng hoà bình hoàn toàn có thể đạt được nếu quyết tâm. - Hợp tác hướng đến xã hội thịnh vượng
Bà Armida Salsiah, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nhắc lại năm 1999 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận ngày Vesak để tôn vinh Đức Phật và các thông điệp ngài để lại, trong đó đặc biệt là lòng khoan dung, công bằng xã hội. Tuy nhiên, bà bày tỏ lo ngại khi thế giới ngày càng thiếu đi sự khoan dung, xung đột diễn ra nhiều hơn, bất bình đẳng nhiều hơn. Theo bà, Việt Nam phát triển cũng do một phần áp dụng các triết lý của Đức Phật. Liên Hợp Quốc sẵn sàng kết nối các nước trong khu vực. Vesak là cơ hội để các nước hợp tác, hướng tới xã hội thịnh vượng, bền vững. Phát biểu khép lại lễ khai mạc Vesak 2019 lúc 11h, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng khi thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như xung đột, đói nghèo, biến đổi khí hậu thì việc phát huy tư tưởng của Đức Phật sẽ nhân lên các giá trị tốt đẹp: Vì một thế giới hoà bình, hợp tác, tiến bộ. Ông kỳ vọng, Vesak là cơ hội để mọi người hiểu được giá trị của Phật giáo; hành động hướng tới xã hội công bằng, dân chủ, bền vững. -
Ban Thời sự
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|