Lễ rước cây bồ-đề thiêng về tới chùa Tam Chúc (Hà Nam) - nơi dự kiến sẽ tổ chức Đại lễ Vesak 2019
Lễ rước cây bồ-đề thiêng từ Sri Lanka về Việt Nam diễn ra vào ngày 22-7. Theo đó, đúng 12 giờ trưa hôm qua, đoàn xe đón các thành viên đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại sân bay Nội Bài trở về chùa Tam Chúc (Ba Sao, Hà Nam).
Trước đó, đoàn đã có mặt và trực tiếp đón nhận cây bồ-đề tại đất nước Sri Lanka do Chủ tịch Quốc hội nước này trao tặng vào ngày 20-7. Đi theo đoàn hộ tống cây bồ-đề từ Sri Lanka về Việt Nam có Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka và 2 vị Thượng tọa - trụ trì quản lý cây bồ-đề tổ ở thánh tích Anuradhapura. Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam cũng có mặt để tham gia chương trình.
Hàng ngàn Phật tử xếp hàng dài đón cây bồ-đề
Trước khi tiến hành nghi thức lễ trồng cây, chư tôn đức và quan khách niệm Phật cầu gia hộ và tụng kinh cầu quốc thái dân an theo hai nghi thức Bắc truyền và Nam truyền.
Đại diện cho Sri Lanka, Thượng tọa Pallegama Siriniwasa Nayaka Thera - trụ trì quản lý cây bồ-đề tổ Sri Maha Bodhi và chùa Atamasthanadipathi ở thánh tích Anuradhapura bày tỏ niềm vinh dự khi được mang chứng tích của Phật từ Sri Lanka về Việt Nam. Thượng tọa cho biết, tại Sri Lanka, 70% người dân theo đạo Phật, và mọi người cầu nguyện cây bồ-đề cũng giống như cầu nguyện Đức Phật.
HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS
cùng trợ lý Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trồng cây bồ-đề
Theo TT.Thích Minh Quang, Phó ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Ninh Bình, vào thế kỷ thứ 3 trước CN, vua A Dục đã phái công chúa Sanghanitta mang nhánh cây bồ-đề thiêng được chiết từ Bodh Gaya - Ấn Độ (nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo) sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka. Vì vậy, đây là một nhân duyên lớn với chùa Tam Chúc nói riêng, với Giáo hội Phật giáo VN nói chung khi được đón nhận cây bồ-đề thiêng chiết nhánh từ cây bồ-đề hơn 2.500 năm tại Sri Lanka.
Được biết, đất nước Sri Lanka có 4 quốc bảo mà bất cứ người dân nào khi nhắc đến cũng đều tự hào. Đó là xá-lợi răng Phật (được thờ tại Kandy nằm trong khuôn viên của hoàng cung cũ); Thuparama (một trong những thánh tích cổ nhất của Phật giáo tại Sri Lanka, và còn lưu giữ một mảnh xương vai phải của Đức Phật); Đại bảo tháp Ruwanweliseya - nơi được xem là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo và linh thiêng nhất trên toàn thế giới, lưu giữ hài cốt của các vị cao tăng đắc đạo ở Sri Lanka.
Quốc bảo thứ 4 là cây bồ-đề hơn 2.500 năm được chiết nhánh từ cây bồ-đề Đức Phật đã thành đạo.
Lương Đình Khoa