Chi tiết tin tức Hà Nội: Trường TCPH Đại Từ Ân khai pháp khóa an cư 15:45:00 - 06/07/2015
(PGNĐ) - Sáng ngày 05 tháng 07 năm 2015, nhằm ngày 20 tháng 05 năm Ất Mùi, tại chùa Đại Từ Ân – thị trấn Phùng – huyện Đan Phượng – HN, được sự cho phép của BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Trường hạ Đại Từ Ân đã trang nghiêm tổ chức lễ khai pháp khóa an cư của trường Trung cấp Phật học Hà Nội, PL2559 – DL2015.
Chùa Đại Từ Ân chính là cơ sở mới của Trường Trung cấp Phật học Hà Nội, chuyển từ địa điểm chùa Mộ Lao - quận Hà Đông về. Vì vậy, năm nay cũng chính là năm đầu tiên hạ trường Đại Từ Ân tổ chức khóa an cư kết hạ.
Về chứng minh buổi lễ, ban tổ chức hạ trường vô cùng phúc duyên được cung đón Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Đệ Tam Pháp Chủ TW GHPGVN quang lâm Hạ trường, cùng sự chứng minh của chư tôn đức HĐTS TW GHPGVN: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Chính - Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng ban thường trực GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban Pháp Chế TW GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký GHPGVN Thành phố Hà Nội, Trưởng BTC hạ trường Đại Từ Ân; Thượng tọa Thích Chiếu Tạng - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội cùng sự hiện diện của chư tôn thiền đức trong BTS Phật giáo các quận huyện thị, Ban giám hiệu hạ trường, chư tôn đức đến từ các Trụ xứ, tổ đình, tự viện trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Về phía chính quyền có: Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Tuấn Bình – Phó trưởng phòng PA88 Công an thành phố Hà Nội; Ông Đặng Quốc Hội - Ủy viên thường vụ, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc huyện Đan Phượng; Ông Đỗ Xuân Hùng – Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc huyện Đan Phượng; Ông Nguyễn Vũ Băng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư DIA cùng quý vị đại diện cho các cơ quan TW, ban ngành sở tại và sự tham dự của đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương.
Mở đầu buổi lễ là lời phát biểu khai mạc của Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Trưởng BTC Hạ trường Đại Từ Ân. Trong lời phát biểu, Thượng tọa khẳng định “An cư là nhiệm vụ trọng yếu của người xuất gia. Mỗi lần kết thúc một khóa an cư, thì một con dấu pháp ấn được đóng vào trong luật tạng, con số ấy đến nay đã tròn 2559 mùa an cư theo Phật lịch. An cư không chỉ là dừng chân một chỗ để tu tập, tránh dẫm đạp cỏ cây, thể hiện lòng từ bi thương tưởng muôn loài của Đức Thế Tôn mà an cư chính là thời điểm thích hợp để các hàng đệ tử xuất gia của Đức Phật dừng chân ở một địa điểm thích hợp, nghiêm trì giới luật, tiến tu tam vô lậu học, để tăng trưởng đạo tâm, tăng cường đạo lực, thành tựu sự nghiệp tu hành. Nhờ đó mà có năng lực để tiếp tục hóa độ chúng sinh…Việc an cư kết hạ và bố tát thuyết giới là nền tảng căn bản cho chính pháp tồn tại. Nơi nào không an cư kết hạ, nơi nào không bố tát thuyết giới, dù có tăng chúng đến 8 vạn 4 ngàn người cũng không phải là nơi có chính pháp. An cư còn là điều kiện thuận lợi để hàng Phật tử tại gia được thân cận với Tam Bảo, gieo trồng phúc điền, thân cận chư Tăng học hỏi giáo pháp, duy trì chính pháp. Chính vì vậy, an cư mới có sức sống mãnh liệt và trải qua trên 2500 năm vẫn tồn tại và truyền thừa mãi mãi”.
Sau đó, chư tôn đức Tăng Ni đại diện hạ trường đã đê đầu đỉnh lễ Đức Pháp Chủ tác bạch cầu Pháp và lắng nghe lời huấn từ của Trưởng lão Hòa thượng Pháp Chủ. Tuy Ngài đã 99 tuổi, nhưng Ngài vẫn vô cùng minh mẫn. Từng lời Ngài nói vẫn không một từ sai không một câu lẫn, vẫn âm vang như tiếng sư tử đầy oai nghi, toát lên khí chất một vị chân tu thạc đức, một cây đại thụ của Phật giáo Việt Nam:
“Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni
Kính thưa các quý vị đạo hữu trong các cơ quan cùng Phật tử thập phương
Tôi không phải là những người học cao học rộng, đối với Phật pháp thì sâu như biển, rộng như rừng, mà cũng như lời của quý vị vừa nói, Đức Thích Ca vì chúng sinh mà cầu đạo giác ngộ, giải thoát, làm lợi ích cho chúng sinh thoát khỏi sông mê. Vì thế, Ngài đã từ bỏ ngai vàng bệ ngọc đi xuất gia, tìm đạo với ý chí cao siêu vì chúng sinh. Tại đây, có cả chúng tôi chứ không phải chúng tôi tự tạo nên ngôi vị này, chúng tôi chỉ là một ông tu sư mà thôi. Nhưng chúng tôi xuất gia, Giáo hội chỉ đạo thì chúng tôi phải y giáo phụng hành, chúng tôi phải nhận lấy ngôi cao đạo quan trọng này để đền đáp công ơn Phật Tổ, đền đáp công ơn các bậc tôn tăng trong Giáo hội cũng như thập phương các Đạo hữu có lòng tin cậy giao phó, cho chúng tôi phải đảm nhiệm công việc. Chúng tôi rất lấy làm lo lắng, nhưng không biết làm thế nào để báo ơn Phật Tổ và báo ơn sư trưởng, báo ơn các bậc trưởng lão đại hội Tăng đoàn. Vì thế, dù rằng ngu hèn dốt nát, nhưng đã nhận sự chỉ đạo của chư tôn Hòa thượng trong Giáo hội giao cho trách nhiệm nặng nề này, chúng tôi không dám khước từ nan. Hôm nay đây, hạ trường khai giảng, cho tôi biết và thực hiện tới đây cùng tham gia việc đạo pháp, việc hoằng dương trong giáo lý của Đức Bản Sư truyền lại, chúng tôi cố gắng tháp tùng. Đến đây trước hết là thực hiện trách nhiệm của mình đã được Giáo hội giao phó, đồng thời cũng là sự hân hạnh được đoàn thể các đạo hữu thiện nam tín nữ tham dự trong Pháp hội này để được lời nhắc nhở cho chúng tôi đáp ứng nguyện vọng thực hiện Phật sự, chúng tôi xin y giáo phụng hành. Trên nhờ Tam Bảo gia hộ và thập phương chư tăng hiện tại gia hộ, thập phương giao phó và giúp đỡ cho chúng tôi làm tròn sứ mệnh trong công việc khai giảng hạ trường hôm nay. Xin thành kính cảm ơn!”
Tiếp đó là nghi thức khai kinh kệ, Thượng tọa Thích Tiến Đạt đọc bình văn bài tựa "thị yếu" của bộ luận Nhị Khóa Hợp Giải, Đức Đệ Tam Pháp Chủ đã cắt nghĩa bài tựa và tóm tắt ý nghĩa của hai thời khóa tụng: lễ tụng khóa sáng là để "minh tâm kiến tính", hành trì khóa tối là để hồi hướng Tây Phương Tịnh Độ.
Sau khi cung rước Đức Pháp Chủ hồi quy khách đường, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời đạo từ tới toàn thể đại chúng có mặt trong buổi lễ này. Trước tiên, Hòa thượng đã vô cùng hoan hỷ bởi kể từ tháng 8/2008, Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XII đã quyết định sát nhập Hà Tây và Hà Nội thành thủ đô Hà Nội mới trên địa bàn diện tích rộng. Và Phật giáo cũng từ đó sát nhập 2 hòa làm 1, theo Hiến chương mới là GHPGVN Thành phố Hà Nội. Từ ngày thành lập tới nay, bao bậc Tăng Ni đều mong muốn GHPGVN Thành phố Hà Nội có một cơ sở để cho hoạt động Phật sự và phục vụ cho ngành giáo dục đào tạo Tăng tài, và ngôi Đại Từ Ân hôm nay đã được ra đời với mục đích thiêng liêng đó. Qua đó, Hòa thượng đã nhắc lại tinh thần Kinh tuổi trẻ trong Bộ Nikaya về bốn ví dụ đó là: Hoàng tử nhỏ, Sa di nhỏ, con rắn nhỏ, đốm lửa nhỏ. Hoàng tử nhỏ mà được giáo dục bởi đức vua anh minh, được sự chăm sóc của triều đình và sự cần mẫn học hỏi thì vị hoàng tử đó sẽ trở thành vị đại hoàng đế trị vì thiên hạ. Một vị Sa di nhỏ được các thầy dạy bảo, vị đó chăm học tiến tu thì sẽ trở thành Bậc Đại Sa Môn như Đức Đệ Tam Pháp Chủ là tấm gương để ta noi theo. Đó chính là 2 mặt tốt của vấn đề. Còn ngược lại, nếu như một đốm lửa nhỏ không cẩn trọng sẽ đốt cháy cả khu rừng, một con rắn nhỏ sẽ trở thành con mãng xà lớn hung dữ. Cho nên trong 37 Phẩm trợ đạo, có phần "tứ chính cần", Đức Phật dạy những điều thiện gì chưa sinh thì hãy làm cho nó phát sinh, nếu đã phát sinh rồi hãy làm cho nó tăng trưởng phát triển. Còn những điều bất thiện chưa sinh thì quyết định không cho nó sinh, nếu nó đã sinh thì phải nhổ bỏ đoạn trừ nó. Đó chính là 2 mặt thiện và ác của xã hội. Và với ngành giáo dục cũng vậy. Chư Tổ đã dạy “Tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”. Muốn báo đền ơn cao cả của Đức Phật không có gì bằng “thiệu long thánh chủng”. Qua đó, Hòa thượng bày tỏ sự quan tâm tới việc giáo dục đào tạo Tăng tài. Hòa thượng mong rằng ngôi Đại Từ Ân này sẽ là ngôi trường giáo dục đào tạo ra những thế hệ Tăng Ni mẫu mực, xứng đáng là những người con của Đức Phật, đem giáo lý và tinh thần Đạo hạnh cứu độ chúng sinh. Đồng thời, Hòa thượng cũng khuyến tấn các hành giả an cư trong 3 tháng hạ hãy chuyên tâm tu tập, tinh tiến trau dồi tam vô lậu học, ngõ hầu trưởng dưỡng đạo tâm góp phần làm trang nghiêm Giáo hội.
Cuối buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn đã thay mặt chính quyền có lời phát biểu chúc mừng trong Pháp hội.
Buổi lễ đã thành tựu viên mãn trong sự đoàn kết hòa hợp của Tứ chúng đồng tu.
Được biết, hạ trường Đại Từ Ân năm nay có 262 hành giả an cư, với 34 vị Tỳ khiêu, 44 Tỳ khiêu ni, 55 vị Thức xoa, 49 vị Sa Di, 60 vị Sa Di Ni, 6 hình đồng, 14 hình đồng ni.
Phật tử Đạo tràng Chúng A Nan Miền Bắc cúng dường Trường hạ Đại Từ Ân nhân mùa an cư kết hạ
Ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Đại Từ Ân vẫn đang trong quá trình xây dựng
Chùa Bằng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |