Chi tiết tin tức

Nghiên cứu sinh-Đại đức Thích Thanh Nguyên bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ tại Mỹ

10:27:00 - 04/05/2015
(PGNĐ) -  Vào ngày 29/4, tại trường University of the West, 1409 Walnut Grove Ave, thành phố Rosemead, tiểu bang California, Mỹ, nghiên cứu sinh-Đại đức Thích Thanh Nguyên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “So sánh truyền thống Bố tát, An cư, và Tự tứ trong Luật tạng Pāli và Luật Tứ phần” (Uposatha, Vassāvāsa, and Pavāraṇā of the Pāli Vinaya and the Four-Part Vinaya: A Comparative Study), dưới sự hướng dẫn khoa học GS.TS Jane Iwamura, GS.TS William Chu và GS.TS Darui Long.

Toàn cảnh buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ của NCS-Đại đức Thích Thanh Nguyên

 

Hiện có sáu bộ Luật được lưu truyền rộng rãi ngày nay. Đó là: Luật tạng Pāli, Luật Tứ phần, Luật Ngũ phần, Luật Thập tụng, Luật Ma ha Tăng kỳ, và Luật Hữu bộ. Luận án này so sánh hai bộ Luật quan trọng và được lưu hành rộng rãi nhất hiện nay. Đó là Luật Tạng Pāli thuộc hệ phái Nam truyền và Luật Tứ phần thuộc hệ phái Bắc truyền. Cụ thể hơn, Luận án này nghiên cứu chi tiết về các phần giống và khác nhau trong truyền thống Bố tát, An cư, và Tự tứ của Luật tạng Pāli và Luật Tứ phần.

 

NCS-Đại đức Thích Thanh Nguyên trình bày luận án

 

Trong khi so sánh các điểm giống và khác nhau giữa truyền thống Bố tát, An cư, và Tự tứ của Luật tạng Pāli và Luật Tứ phần, luận án cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến sự giống nhau và khác nhau giữa hai bộ Luật này là ở phương pháp đưa đến mục đích mà mỗi bộ Luật hướng tới. Mặc dù các điều luật giống nhau nhưng những câu chuyện dẫn tới việc đức Phật chế định ra những điều luật này lại rất khác nhau trong hai bộ Luật này. Trong khi Luật tạng Pāli miêu tả các vị tu sĩ Phật giáo một cách gần gũi và chân thật thì hình ảnh các vị tu sĩ Phật giáo trong Luật Tứ phần được xây dựng một cách lý tưởng hoá hơn. Nghĩa là, các vị tu sĩ Phật giáo trong Luật tạng Pāli còn có những lỗi lầm và còn có những khuyết điểm nhất định. Những lỗi lầm và những khuyết điểm này được ghi chép đúng như thực trong Luật tạng Pāli. Tuy nhiên, những lỗi lầm và những khuyết điểm này phần nhiều đã bị lược bỏ hoặc bị sửa đổi và các tu sĩ Phật giáo trong Luật Tứ phần thường là những vị siêng năng tích cực trong công việc và trong tu tập. Và do đó, trong Luật Tứ phần, hình ảnh các tu sĩ Phật giáo đã được lý tưởng hoá và họ luôn là những tấm gương mẫu mực cho mọi người noi theo.

 

 

Đề tài của nghiên cứu sinh-Đại đức Thích Thanh Nguyên được các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao. Trong Luận án này còn chỉ ra những yếu tố văn hoá và xã hội của Ấn Độ và Trung Quốc đã có những tác động nhất định tới Luật tạng Pāli và Luật Tứ phần. Chính những tác động này đã tạo nên những điểm giống và khác nhau giữa hai bộ Luật này. Do đó, Luận Án này giúp người đọc hiểu rõ hơn về những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự giống nhau và khác nhau cũng như tầm quan trọng trong mục đích mà cả Luật tạng Pāli và Luật Tứ phần hướng tới.

 

Các GS.TS trong hội đồng nêu lên những thành công mục đích, nhiệm vụ mà đề tài đề ra

 

Kết thúc buổi bảo vệ Luận án, nghiên cứu sinh-Đại đức Thích Thanh Nguyên thành viên trong Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ nhất trí thông qua.

Được biết, Đại đức Thích Thanh Nguyên là đệ tử của cố đại lão Hòa thượng Thích Tâm Thông, Phó Pháp chủ HĐCM TW GHPGVN (thụ Sa di), trụ trì Tổ đình Vọng Cung, thành phố Nam Định và cố đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Đệ nhị Pháp chủ HĐCM TW GHPGVN (thụ Tỷ khiêu), trụ trì chùa Quán Sứ, trụ sở TW GHPGVN. Trước khi du học tại Mỹ, Đại đức đã từng du học và bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Ấn Độ trong khoảng thời gian từ 2005-2008 và sau đó tiếp tục du học tại Mỹ từ năm 2008-21015. Sau khi bảo vệ Luận án xong, Đại đức sẽ trở về Tổ đình Vọng Cung, thành phố Nam Định phục vụ Giáo hội và Tổ đình.

 

Tin: Hà Thanh Nam - ảnh: CTV

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin