Chi tiết tin tức Tang lễ trang trọng, đơn giản của Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ 22:00:00 - 23/10/2021
(PGNĐ) - Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã sống một cuộc đời thông tuệ, khiêm nhường. Trước khi viên tịch, ngài đề nghị không tổ chức tang lễ linh đình.
Thể theo di nguyện cuối đời của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, ngày 22-23/10, Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tang lễ trang trọng nhưng đơn giản tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng) ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đây là nơi ông trở thành Viện chủ và tu tập hàng chục năm qua. Tang lễ đơn giản theo di nguyện Từ tờ mờ sáng, nhiều tăng ni, phật tử đã tập trung tại chùa để chuẩn bị cho tang lễ của cố trưởng lão. Ngôi chùa nằm ven sông Hồng, tách biệt với khu dân cư, một bên là triền đê, một bên là đồng ruộng. Xung quanh chùa nhiều cây xanh, cảm giác thanh tịnh, yên ả. Theo lời kể của nguyên lãnh đạo vụ thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, thời điểm ông đến thăm thầy Tuệ cách đây 30 năm, bao quanh chùa vẫn là đồng ruộng, rặng tre. Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã cùng các đệ tử tự cấy lúa, làm vườn, sống “tự cung tự cấp”. Gần đây, khuôn viên chùa mới được cơi nới, sửa sang, xây thêm các gian phòng phục vụ công việc. Trước khi viên tịch, Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ có khẩu dụ: Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình. Nghi lễ giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống Đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của tăng ni và phật tử. Tang lễ được tổ chức trang trọng đúng theo di nguyện của Đại lão Hòa thượng. Linh cữu được bày hoa tươi xung quanh, hạn chế vòng hoa. Người đến viếng được yêu cầu xếp giày dép ngay hàng thẳng lối trước khi bước vào tổ đình dâng hương. Các nghi lễ phúng viếng và cúng bái nhanh gọn, được làm theo đúng nghi thức của nhà Phật. Ông Nguyễn Văn Minh (ở Thường Tín) cho biết vợ chồng ông đã xuống chùa từ đêm hôm 21/10, sau khi nghe tin Đại lão Hòa thượng viên tịch. Ông cùng vợ và các con dành ngày cả ngày hôm sau để hỗ trợ tổ chức lễ tang. “Khi còn sống, cụ cho tôi cùng vợ con tôi nhiều lời khuyên, bài học khiến chúng tôi rất cảm kích. Khi nghe tin cụ mất, nước mắt tôi cứ trào ra, vô cùng thương tiếc”, ông Minh bày tỏ. Mỗi năm đều đến chùa để diện kiến bậc Trưởng lão Hòa thượng và được nghe thầy giảng đạo, bà Lý Thị Chu (ở xã Quang Lãng) cho biết bà hụt hẫng khi nghe tin thầy đã về cõi niết bàn. Nhiều năm qua, bà cùng các tăng ni, phật tử được lĩnh hội tư tưởng, lối sống và trí tuệ tinh thông từ thầy. Hôm nay, bà xúc động khi về chùa viếng vị cao tăng. Thể theo di nguyện của thầy, bà cũng cầu cho nhân sinh an lạc khi thực hiện các nghi thức cúng bái. Một nhà sư ở chùa Ráng cho biết luôn ngưỡng mộ cách sống của bậc Trưởng lão. Chức sắc, đạo cao nhưng thầy vẫn giữ cách xưng hô “cụ và cháu” với các phật tử. “Khi Đức Pháp chủ viên tịch, tôi cảm thấy trống trải như mặt trời đã khuất bóng. Tấm gương của thầy là động lực nhắc nhở tôi trên con đường tu học”, nhà sư xúc động nói. Đức Pháp chủ uy nghiêm nhưng giản dị Nhớ lại những lần được gặp gỡ Đức pháp chủ, chị Trần Kim Thanh, cựu phóng viên Truyền hình An Viên và cũng là một Phật tử, cho biết ấn tượng của chị về thầy từ trước đến nay vẫn là một vị sư giản dị, thanh đạm nhưng vẫn rất uy nghiêm. Những ai được dự các buổi khai trường hạ có cụ đến khai giảng sẽ may mắn được nghe giảng về Phật pháp. “Cụ khiến người khác phải khâm phục vì ở tuổi cao nhưng rất thông tuệ, trí tuệ của cụ sáng ngời. Dù hơn 100 tuổi, cụ vẫn có giọng nói sang sảng khi giảng về lý lẽ và triết lý của Phật giáo, chỉ cần đứng gần là có thể nhận thấy được năng lượng đặc biệt tỏa ra từ cụ”, chị Thanh nói. Theo chị, người bình thường nếu có cơ duyên được nghe vị Trưởng lão Hòa thượng giảng Phật pháp cũng sẽ thấy sáng láng, dễ hiểu. Cụ làm cho Phật pháp dù cao siêu nhưng lại trở nên gần gũi, đi thẳng vào lòng người. Đây là điểm chị Thanh rất khâm phục. Nhắc về những kỷ niệm, chị cho biết nếu đến chùa không phải dịp lễ Tết và được ngồi ăn cơm với cụ cùng các sư vãi, phật tử trong chùa, chị cảm thấy rất gần gũi. Đại lão Hòa thượng nói chuyện bình thường, ăn mặc giống như các sư, nếu ai không biết sẽ không thể nhận ra thầy là một vị pháp chủ, người đứng đầu của Phật giáo Việt Nam mà chỉ thấy đây là một lão tăng gần gũi, yêu thương mọi người. “Có một điều đặc biệt là ai đến gần cụ sẽ cảm nhận được năng lượng bình an rất lớn tỏa ra từ cụ”, chị Thanh nói. Nữ cựu phóng viên cho rằng việc Đức Pháp chủ viên tịch là lẽ vô thường, cụ đã sống cuộc đời trọn vẹn, cống hiến hết mình cho Phật giáo, cho tăng ni, phật tử. Với chị Thanh, vị Trưởng lão là tấm gương sáng ngời về đạo hạnh khi không bao giờ cho mình là người quá quan trọng, luôn sống uy nghiêm nhưng giản dị, từ bi với mọi người. “Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ” Ông Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), cho biết khi được giao phụ trách công tác nhân sự cho Đại hội lần hai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1987, ông đã nhờ người tìm hiểu về những người tu hành có trình độ uyên bác về Phật học, Hán học để tham gia Hội đồng trị sự. Được người quen dẫn đường, ông đến gặp thầy Tuệ ở chùa Ráng. “Hồi đó, đường vào chùa rất khó khăn, gập ghềnh. Khi đến nơi, tôi rất bất ngờ khi thấy cụ ở một gian phòng nhỏ, giản dị, xung quanh chùa là cánh đồng”, ông Dư kể lại và cho biết ngay từ lần đầu gặp, ông đã thấy thầy Tuệ là người uyên bác nhưng cách sống rất khiêm nhường. Thời điểm đó, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ vẫn là trụ trì của ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành Hà Nội. Hàng ngày, ngoài việc đọc kinh sách, thầy còn cày ruộng, trồng rau. Ông chọn tu hành ở những nơi dân dã và thích cuộc sống vùng thôn quê. Sau đó, qua lời mời của ông Dư, thầy Phổ Tuệ dịch cuốn Kinh Bát Nhã để đăng trên nội san của Tạp chí nghiên cứu Phật học. Năm 1987, trong một lần gặp ông Dư, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bày tỏ mong muốn đưa thầy Tuệ tham gia hoạt động quản lý của giáo hội. Đây cũng là cơ duyên để Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tham gia vào Hội đồng Trị sự. Ông Dư nhớ đến lần tới dự lễ kỷ niệm và thăm vị Đức Pháp chủ vào 10 năm trước. Khi đó, một phóng viên đã chụp lại bức ảnh giữa hai người và gọi tên bức ảnh là “người xưa”. Ông Dư sau đó đã viết thơ để nhớ đến kỷ niệm này: Người xưa nhưng đã xưa đâu/Vẫn còn tại thế, vẫn câu ân tình/Vẫn còn trong cõi nhân sinh… “Hôm qua, nhận được tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, tôi cố gắng xuống đây dù tuổi đã cao, sức đã yếu để thắp cho cụ nén hương. Tôi nhớ nhất lời cụ dạy rằng: Không có trí tuệ, không có đạo hạnh thì dạy ai”, ông Dư nói. Khi còn sống, Đức pháp chủ được nhiều người tôn kính vì dù trí tuệ xuất chúng, ông lại giữ lối sống dung dị, an bần. Kể từ khi xuất gia đến những ngày cuối đời, ông sống theo mong muốn từng bày tỏ: “Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi… Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |