Chi tiết tin tức

“Chỉ đạo Khắc Huề” - một đời đam mê

08:31:00 - 20/01/2019
(PGNĐ) -  Là nghệ sĩ violon đầu tiên của Việt Nam được phong tặng danh hiệu NSƯT (1984), nhưng ít ai nhớ và gọi ông với danh hiệu ấy. Họ nhắc đến ông nhiều hơn với câu cửa miệng: “Chỉ đạo Khắc Huề”, một danh xưng đã đi vào đời sống người dân Hà Nội hơn hai thập niên qua, như một thương hiệu cho tình yêu và đam mê bền bỉ mà người nghệ sĩ ấy đã cống hiến cho cộng đồng.

Mang âm nhạc chu du

Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Huề (SN 1944), từng tốt nghiệp khoa Vĩ cầm tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1980, sau khi đi học ở Hungary về, ông dành hết tâm huyết dựng những chương trình khiến khán giả phải háo hức mua vé vì có nhiều “món” sinh động: Dàn đàn dây, tốp ca; đơn ca; trích đoạn opera; hát những bài hát nước ngoài nổi tiếng; dân ca quan họ; ca cảnh... Sau khi ra mắt thành công, Khắc Huề dẫn đoàn đi biểu diễn khắp Bắc, Trung, Nam cùng tấm biển: “Chỉ đạo nghệ thuật: Khắc Huề”. 

Ông chia sẻ: “Hồi đó, chương trình truyền hình đơn điệu, lại chưa có phòng trà, karaoke nên dân chúng đến xem chúng tôi rất đông. Có đợt, cách một ngày chúng tôi diễn một buổi. Tôi lo từ A đến Z, chẳng khác gì tạp vụ, từ đọc loa quảng cáo, chỗ ăn chỗ ở cho anh chị em, xăng xe, phông màn sân khấu đến chỉ huy dàn nhạc”. 

Từ đó, hễ những chỗ ông đến, những nơi ông trở lại, người ta lại treo biển và reo loa: “Chỉ đạo Khắc Huề đã vào! Dàn nhạc Khắc Huề đã vào!”. Cái tên “chỉ đạo Khắc Huề” từ đấy trở nên nổi tiếng.

xh GN 982 Anh 1 - Luong Dinh Khoa (1).jpg
NSƯT Khắc Huề

Khắc Huề tận dụng mọi cơ hội để đoàn được diễn. Chỉ cần nơi nào có một mỏm đất nhỏ, có thể cắm cờ, chăng dây là đoàn hạ trại. Ông cho chạy máy nổ, rồi tự mình ngồi lên ô-tô cầm loa đi giới thiệu chương trình. “Nhớ nhất là chương trình hát cho cả đoàn thương binh ngồi xe lăn, họ từ Hà Đông nghe tiếng mà đi ô-tô ra. 

Hay như năm 1982, biên giới phía Bắc vẫn đang có chiến sự. Ô-tô đi dọc đường bị tai nạn, vỡ hết kính, nhưng đoàn vẫn quyết tâm lên. Biểu diễn xong, sáng hôm sau chuẩn bị rút thì dân yêu cầu phải ở lại biểu diễn cho họ xem. Cả đoàn gật đầu, đáp ứng lòng mong đợi của bà con. Không khí hôm đó vui như hội”.

Có những lần đi diễn cho lâm trường, sô diễn chỉ được trả công bằng những cái thớt gỗ và bữa cơm trưa, nhưng đoàn Khắc Huề vẫn hào hứng. Những khoảnh khắc gắn bó cùng đồng bào ở khắp các vùng miền như thế thành kỷ niệm khó quên với người nghệ sĩ đầy lửa đam mê vì nghệ thuật ấy. 

Nhạy bén, không khoảng cách

 Sự nhạy bén của Khắc Huề không chỉ mang đến đời sống tinh thần gần gũi cho hàng triệu người Việt Nam, mà còn cứu nhiều bàn thua về ngoại giao cho nhà hát. Đó là lần cả đoàn sang Viêng Chăn (Lào) biểu diễn, nhưng sơ suất không mang trang phục, đạo cụ diễn đi cùng. Lãnh đạo nhà hát đứng ngồi không yên, nghĩ phải hoãn chương trình lại. Khi đó Khắc Huề bảo: “Có gì khó đâu. Mình đến các đoàn văn công của Lào hỏi mượn là xong thôi!”. Vậy là chỉ trong buổi sáng, đoàn đã có cồng chiêng, quần áo diễn đầy đủ.

Âm nhạc của ông không phân biệt giàu nghèo, vùng miền, thậm chí cả những nơi mà người đời thời đó còn e ngại như ở trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn). “Ngày đó, do hiểu biết chưa đầy đủ nên ngay cả văn công của tỉnh cũng không dám vào biểu diễn vì sợ lây bệnh. Tôi đành phải hô hào, anh em nào dám xung kích thì đi với tôi. Cả tốp kéo vào, biểu diễn xong thì đi thăm các gia đình bệnh nhân. Quay đi quay lại cả đoàn còn mình tôi vì người khác sợ nên đã về hết. Bởi không có tiền trả, lãnh đạo trại mời đoàn một bữa ăn, nhưng anh em cũng “lủi” sạch vì sợ. Cuối cùng, họ trao cho tôi bằng khen vì có thành tích nâng cao đời sống tinh thần cho người bệnh và người... không bệnh; Và là đoàn văn công Trung ương đầu tiên dám vào trại biểu diễn”, nghệ sĩ Khắc Huề tâm sự.

Miệt mài đỏ đèn gần 30 năm

Đầu năm 1988, Khắc Huề cho ra đời chương trình “Khúc hát trữ tình” để thỏa niềm đam mê dạy violon và “rong chơi” cùng bạn bè, đưa nghề “chỉ đạo” vươn lên tầm “nghệ thuật”.

Dưới bàn tay chỉ đạo của Khắc Huề, sân khấu ca nhạc “Khúc hát trữ tình” đặt tại số 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), “đại bản doanh” của giới văn hóa văn nghệ, vẫn đều đặn đỏ đèn các tối thứ Bảy suốt gần 30 năm qua. Nhiều ca sĩ bỏ cả show để được hát trong chương trình với cát-sê chỉ đủ để… uống bia, dù làm việc với ông khá… căng, vì Khắc Huề là người khó tính, đòi hỏi đảm bảo sự chỉn chu cho mỗi tiết mục biểu diễn ở mức cao nhất với từng người. Nhiều tên tuổi nghệ sĩ gạo cội như: Trần Hiếu, Quang Thọ, Thanh Hoa, Đức Long... thường xuyên có mặt và “say” sân khấu này. Đây cũng là bệ đỡ cho nhiều ca sĩ trẻ trưởng thành.

Sức hút với khán giả thủ đô từ sân khấu này bởi không gian của nghệ thuật thuần khiết, khơi gợi, sẻ chia tâm sự để con người sống chậm lại, tìm về với những kỷ niệm, cảm xúc đẹp và bình yên đã có trong đời. Không có tiếng đàn điện tử ầm ầm, không ai hút thuốc, uống nước hay trò chuyện nhỏ to. Khán giả dưới 100 người ngồi chăm chú lắng nghe từng hơi thở, như một thứ “bùa mê”. Người ta say tiếng vĩ cầm sâu lắng của Khắc Huề, yêu luôn cái dáng tất bật, khi kéo violon nhấp nhỏm, “tưng tưng” phiêu hết mình cùng giai điệu của ông.

“Lúc kéo đàn, tôi thường thả hồn theo nó, liên tưởng đến những điều bài hát gửi gắm. Ví như biểu diễn “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi chợt nhớ đến một tỉnh nào đó, nơi tôi về tìm một người bạn nhưng không thấy bạn đâu. Hòn đá, giếng nước bị lấp, cây bị chặt… Những hình ảnh đó gọi nhớ đến những kỷ niệm xa xưa, đồng thời cứa vào lòng một nỗi đau của sự xa cách, chia ly”, Khắc Huề chia sẻ.

Để duy trì và tạo ra được sức hút, Khắc Huề phải nghiên cứu rất nhiều đối tượng khán giả, đưa ra “chiến lược” phù hợp cho đêm diễn từng tuần. Trước giờ diễn, ông thường hỏi xem khán giả mua vé là những ai, yêu cầu những bài hát gì, đồng thời chia khán giả thành các đối tượng nghe theo độ tuổi để “chìu” hết được tất cả mọi người. Bên cạnh đó ông nắm rõ ca sĩ nào thì hát bài nào, của ai là tốt nhất để khai thác điểm mạnh của người hát, bài hát. Thật tiếc đến năm 2017, sân khấu này đã không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Nhưng tình yêu, đam mê của Khắc Huề vẫn còn mãi những dư âm trong lòng các nghệ sĩ và khán giả thủ đô.

Có thể nói từ sân khấu này, NSƯT Khắc Huề đã thực hiện được nguyện vọng của mình là thỏa mãn niềm đam mê với âm nhạc và đưa âm nhạc tới công chúng. Ông tâm sự: “Khúc hát trữ tình không chỉ là một sân khấu ca nhạc, mà còn là nơi các ca sĩ cũng như khán giả được bộc lộ cảm xúc chân thật của mình và thực sự gần gũi nhau hơn. Ở đây, buồng nhỏ, ai cười biết ngay. Hát không hay khán giả sẽ đứng dậy”.

Đam mê lan tỏa

Ngoài thời gian “chỉ đạo nghệ thuật”, Khắc Huề thường xuyên dạy violon, soạn nhạc trên những chất liệu âm nhạc khác nhau. Những lúc rảnh, ông thường mời bạn bè đến chơi, đọc thơ, chơi đàn và hát với nhau. Căn nhà đầy ắp niềm vui. Ông nói: “Nhà tôi rộng chưa đầy 50m2 nhưng tôi dành 20m2 để làm sân vườn, là nơi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, những người bạn cô đơn luôn tìm đến tôi để sẻ chia. Tôi luôn mở rộng cánh cửa chào đón họ cũng như những ai yêu mến tôi. Hàng xóm rất quý mến tôi, thường mang củi sang cho, nên mỗi lần bạn bè đến, tôi thường mang củi ra đốt, nướng ngô nướng khoai. Tôi đánh đàn hay nhất là lúc ngửi thấy mùi khói, đặc biệt là mùi khói từ rơm rạ, mùi thơm của khoai nướng quyện hòa vào nhau. Dường như lúc đó trong tiếng đàn của tôi có thêm men say”.

Niềm đam mê với violon của Khắc Huề đã góp phần lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến những người thân của ông. Đại gia đình của ông có tới 11 người theo đuổi và chọn âm nhạc làm nghề và nghiệp, từ vợ, con cho đến anh em, cháu chắt. Em trai ông là  Khắc Hoan có tiếng cùng cô cháu gái Vi Cầm, vừa là violinist, vừa là diễn viên (nổi bật với vai diễn trong phim “Hoa cỏ may”)

Cậu con trai cả của ông là Khắc Quân, một vũ công Nhà hát Nhạc vũ kịch cũng là violinist, du học rồi định cư bên Mỹ, được coi như cây vĩ cầm xuất sắc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Nguyễn Xinh Xô - cháu gọi Khắc Huề là bác ruột cũng là nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc, những người cháu ruột khác của ông như: Khắc Uyên (nhạc trưởng ở Anh), Sầm Thi ở Mỹ, từng làm giảng viên violon Nhạc viện Hà Nội.

Và như thế, hạnh phúc đối với Khắc Huề còn là thấy con cháu mình lớn lên, dù ở phương trời nào cũng vẫn nuôi dưỡng, tỏa sáng với nghệ thuật, làm đẹp cho cuộc đời. Như tình yêu, sự say mê của ông, người nghệ sĩ già 70 tuổi vẫn ngày ngày lao động miệt mài trong từng đêm diễn cuối tuần cùng violon, nhạc trữ tình để phục vụ công chúng yêu nhạc thủ đô.

Bài, ảnh: Lương Đình Khoa

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin