Chi tiết tin tức

Người giữ hồn cồng chiêng

18:17:00 - 16/09/2020
(PGNĐ) -  A Biu dành gần trọn một đời cho việc gom góp từng tiếng chiêng rơi… để bây giờ, khi tóc đã bạc, ông không có gì hối tiếc. Cũng chính vì tinh thần ấy, người ta luôn bắt gặp ông với nụ cười tươi.

Trong tim có lửa

 

Ngôi nhà ông A Biu nằm giữa làng Plei Klech (xã Ngọk Bay, TP.Kon Tum), nơi được xem là một địa chỉ quan trọng để tìm hiểu về văn hóa Bahnar. Ngay cổng vào nhà, gia chủ treo sẵn một dàn cồng chiêng, mỗi khi ai đến cũng đều tò mò đưa tay gõ thử. 

 

Dàn chiêng ấy như chiếc chuông cửa và tiếng gõ như báo hiệu cho chủ nhà biết họ có khách đến chơi. Vào hẳn bên trong nhà, khách như bước vào một thế giới văn hóa Bahnar được gìn giữ gần như nguyên bản. 

 

2.jpg
A Biu và bộ cồng chiêng của mình

 

Nhà A Biu là ngôi nhà sàn điển hình Bahnar, hàng cột hiên trang trí hoa văn “đậm đặc” màu sắc Bahnar, song cửa sổ đẽo gọt cầu kỳ theo đường hoa văn dzích dzắc. Gầm sàn tận dụng bày đồ dệt thổ cẩm, măng khô, mật ong rừng… 

 

Trước nhà là một khoảng sân có cây nêu, giá treo đầy cồng chiêng, trống và có cả đàn t’rưng, nơi ông và các con cháu, học trò thường trình diễn mỗi khi khách tới tham quan.

 

Buổi sáng, khi chúng tôi tìm đến, A Biu bận đi chỉnh chiêng ở một làng cách đó hơn 10km, đây là một phần công việc thường ngày của ông. Ngoài việc dạy các lớp cồng chiêng, chỉnh chiêng, hoặc đi biểu diễn, A Biu thường chỉ ở nhà đón khách. 

 

Lát sau, A Biu trở về trên con “chiến mã” màu đỏ. Người đàn ông 65 tuổi cao gầy nhưng rắn chắc với mái tóc dài rủ qua vai và đôi mắt thật sáng như ánh lên khí chất đại ngàn. Khi chủ và khách đã yên vị, A Biu vít nhẹ cần rượu dưới sàn, rồi thủng thẳng kể về cuộc đời mình. 

 

Với khách, văn hóa Bahnar chính là A Biu. Còn với A Biu, văn hóa dân tộc mình chính là cái tay đánh chiêng, cái tay cầm dùi đàn t’rưng, cái chân đi khắp vùng, cái mắt cái bụng tìm về nhạc cụ, tất cả đều là Bahnar hết. A Biu bảo: “Tất cả đều là văn hóa đấy!”. 

 

Gần nửa thế kỷ qua, A Biu chưa một lần ngơi nghỉ. Năm tuổi, ông đã được theo cha đi nhiều lễ hội, nghe cha đánh cồng chiêng, tiếng chiêng lẫn cả vào trong giấc ngủ, lẫn cả vào những chiều lên rẫy, trong khao khát, ước mơ.

 

Mấy mươi năm qua, chẳng ai còn nhớ bước chân A Biu đã đi lang thang những đâu để tìm cồng chiêng, đàn, trống, tượng gỗ… rải rác trong cộng đồng Bahnar; thế nhưng người làng vẫn nhớ chuyện lúc A Biu lấy vợ ở riêng, mê chiêng quá nên giấu vợ, bán con bò đi để mua được bộ chiêng quý và sưu tập thêm nhiều loại khác. 

 

“Hồi ấy, mình nghèo lắm. Thích chiêng mà không có tiền mua, mình đi rừng đi rẫy, làm đủ tiền là lại mua chiêng. Không có tiền mua cả bộ, mình mua từng cái mang về. Có nhiều cái chiêng lạ lắm, không giống tiếng chiêng, mình lại phải sửa. Mình có chiếc búa chỉnh chiêng từ bên Lào, đổi bằng chiếc vòng tay của cha mình để lại. Có chiếc búa ấy, mình mới làm được tiếng chiêng hay như thế”, A Biu hồi tưởng. Khi nhắc đến cồng chiêng, ngôn ngữ và đời người Barnah, A Biu vụt trở thành con người khác, như cá bơi trong nước.

 

A Biu chỉ vào ngực trái, ngay trái tim, bảo: “Nếu không có cái bụng lúc nào cũng có lửa này, chắc mình không làm được thế”. Và, chắc chẳng ai ngờ, vào thời điểm huy hoàng, A Biu có tới 12 bộ chiêng cổ, một tài sản “khủng khiếp” đối với người Bahnar lúc bấy giờ. 

 

Nhưng rồi, có những bộ chiêng ông tặng cho bảo tàng, dù có người trả cho ông tới cả trăm triệu mỗi bộ. Bán chiêng lấy tiền là việc ông không bao giờ muốn. Cái thời cần tiền đã qua rồi, A Biu chỉ muốn người cần chiêng và yêu Bahnar như ông vậy.

 

Hiện nay, A Biu còn 7 bộ chiêng, tất cả đều là chiêng quý có tuổi đời hàng trăm năm. Có những chiếc chiêng đổi bằng vài con bò, vài con trâu. Chừng đó đủ để mọi người biết được công tìm và giữ những bộ chiêng ấy giữa thời kỳ “chảy máu cồng chiêng” của ông lão tóc dài này lớn lao biết nhường nào. A Biu khoe với chúng tôi cái chiêng lớn nhất. 

 

Trên đó còn hằn hàng trăm vết búa chỉnh chiêng gõ vào để chiêng này mang linh hồn của làng gửi đến cho thần linh. Đó là một trong những bộ chiêng quý có tên Klang Brông (còn gọi là chiêng Đại Bàng). 

 

Đây là một trong “tứ đại kỳ chiêng” vô cùng quý của người Bahnar. Bộ chiêng này có 12 chiếc, trong đó, chiêng cái hay còn gọi là chiêng mẹ dày và nặng khoảng 12kg, được gò từ đồng với vân nổi khắc trên mặt chiêng giống cánh chim đại bàng đang xòe rộng, đánh một tiếng nghe rung đều, âm vang khắp không gian. 

 

Không chỉ yêu cồng chiêng, A Biu còn miệt mài với dân ca, thổ cẩm, nhạc cụ khác như đàn t’rưng, trống… cùng ước mong giữ gìn nguyên vẹn hồn cốt Bahnar. 

 

Mãn nguyện

 

Từ lâu rồi, người ta đã quên A Biu từng là một thầy giáo. Đã bao mùa, A Biu từng lặn lội qua suối, qua đồi để tìm lũ trẻ dạy học. Hơn 15 năm làm thầy giáo, không biết bao lần A Biu thổn thức khi thấy lũ trẻ chờ đến lớp, rồi A Biu cũng từng làm phó hiệu trưởng nhiều năm. 

 

8.jpg
A Biu đã mãn nguyện...

 

A Biu về làng nhưng vẫn đi dạy, dạy cho lũ trẻ trong vùng biết cái trống cái chiêng, biết cầm dùi từ lúc vừa 5 tuổi, biết chơi t’rưng khi đứng chưa tới ngang ngực. A Biu còn thường xuyên được mời sang các trường văn hóa nghệ thuật của các tỉnh bạn như Gia Lai, Đắk Lắk để dạy cồng chiêng… Ngày A Biu được Nhà nước công nhận là Nghệ sĩ Ưu tú, người làng nườm nượp đổ đến nhà A Biu để chúc mừng. 

 

A Biu đứng giữa sân nhà, mang cái chiêng quý nhất ra chơi, mang cái bụng mình ra giãi bày bằng những âm điệu ting-tong của t’rưng. A Biu cất giọng trầm ấm một khúc hát bằng tiếng mẹ đẻ, đó là hình ảnh một người nghệ sĩ phiêu lãng của làng Bahnar.

 

Giờ thì A Biu đã có thể mỉm cười mãn nguyện, bởi ngay tại nhà có hẳn một đội cồng chiêng hàng chục người, với những màn biểu diễn hàng tuần, hàng tháng ở khắp nơi. A Biu dạy đánh chiêng cho lũ trẻ con, dạy chỉnh chiêng cho thanh niên, dạy không chỉ cho người Bahnar mà cả người ở nơi khác. Những lúc ấy, A Biu đều nở nụ cười chúm chím đặc trưng nhưng đầy mãn nguyện. 

 

Từ ngày bắt nhịp hiện đại, được sự động viên của người nhà và chính quyền địa phương, A Biu mở homestay ngay trong chính ngôi nhà sàn của mình. Từ đó, ông đã truyền đi bao cung bậc cảm xúc từ văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

 

Bài, ảnh: Tiêu Dao

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin