Chi tiết tin tức Đừng để chủ trương đúng bị hoài nghi 11:00:00 - 04/04/2017
(PGNĐ) - Những ngày này, nếu ai có dịp dạo qua các tuyến đường tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ bắt gặp cảnh đập phá ngổn ngang các bậc tam cấp, những phần xây dựng, gắn thêm được cho là lấn chiếm lòng lề đường dành cho người đi bộ.
Hiện tượng này có thể nói bùng nổ tại TP.Hồ Chí Minh, khi một quan chức - Phó Chủ tịch UBND quận 1 đích thân “xuống đường” chỉ đạo xử lý dọn dẹp vỉa hè luôn có sự tháp tùng của đông đảo phóng viên báo đài. Trong hiện tượng đó, qua các kênh truyền thông, vị Phó Chủ tịch này đã được các ống kính máy ảnh, quay phim tập trung ghi lại và trở thành tiêu điểm của thông tin. Hành vi của vị này cũng được đặc tả nhiều góc độ với những cử chỉ được cho là thiếu sự thân thiện khi chỉ huy công việc dọn dẹp “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” diễn ra trong hơn hai tháng qua. Công việc chỉnh trang đô thị - một chủ trương xuyên suốt và có tính lịch sử - qua phản ánh của báo chí có lúc biến thành “cuộc chiến” nhân danh vì lợi ích cho 13 triệu dân thành phố. “Cuộc chiến” ấy khiến nhiều người băn khoăn và lo lắng khi những người thi hành công vụ quyết định đập phá một phần tam cấp tại rạp Công Nhân - công trình văn hóa có tuổi đời gần trăm năm gắn liền với đời sống tinh thần của người dân thành phố, khiến công luận có phản ứng hoài nghi, “liệu việc dọn dẹp vỉa hè theo cách máy móc như vậy có còn là một chủ trương đúng đắn?” - báo Tin Tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam đặt vấn đề. Không băn khoăn, lo lắng sao được khi việc dọn dẹp vỉa hè trở nên quá đà diễn ra ở một số nơi, như tại các xã Cẩm Yên và Lại Thương thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội), một số cán bộ chức trách đã cho triệt hạ nhiều cây xanh hàng chục năm tuổi để tạo “đường thông hè thoáng”, gây bức xúc trong dư luận. Việc lập lại kỷ cương nếp sống đô thị không phải là việc làm phong trào, làm lấy được, bất chấp những bất tiện, ảnh hưởng làm xáo trộn tới sinh hoạt hàng ngày và mưu sinh của người dân. Nhìn hàng loạt căn nhà hoặc tự nguyện hoặc bị cưỡng chế phải đập bỏ tam cấp, có nơi vẫn để nham nhở, ngổn ngang, mất mỹ quan và giải pháp khắc phục hiện nay của người dân có thể nói chỉ mang tính đối phó tạm thời. Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng cần một lộ trình, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó căn bản và lâu dài vẫn là giáo dục nhận thức, đồng thời phải nghiêm minh trong việc quy hoạch, quản lý xây dựng ban đầu. Vấn đề là làm sao tạo được sự chia sẻ và đồng thuận của số đông. Có động cơ đúng, nhưng nếu lời nói, sự diễn đạt và hành động không phù hợp sẽ không chắc chắn đem lại kết quả tốt đẹp. Khi có được kết quả tốt đẹp, nếu không nuôi dưỡng, chăm sóc, giám sát phù hợp thì sẽ không tồn tại lâu dài, đó là chưa nói tới sự phát triển bền vững. Mong rằng các cơ quan chức năng có cách truyền thông hợp lý hơn, tránh việc một chủ trương đúng bị hoài nghi là hiện tượng ngẫu hứng, có phần tùy tiện, anh hùng cá nhân, bột phát theo nhiệm kỳ, và tránh sự hiểu lầm rằng người đại diện thi hành công vụ có đặc quyền bất khả xâm phạm, muốn làm gì thì làm. Hoài nghi sẽ là một trở lực cho sự ổn định và phát triển. Diệu Nghiêm
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |