Chi tiết tin tức

Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2015): “Thông tin nhạy cảm” & cách ứng xử với truyền thông, báo chí

18:48:00 - 22/06/2015
(PGNĐ) -  Ngày 12-6 vừa qua, tọa đàm “Trách nhiệm và bản lĩnh của cơ quan báo chí trong quy trình thực hiện tin bài thời sự” do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp tổ chức tại trụ sở tòa soạn Báo Tuổi Trẻ. Tham dự tọa đàm có đại diện những người làm báo đến từ 38 cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM đã phân tích, mổ xẻ về ứng xử của báo chí trước những thông tin được cho là nhạy cảm…
 
 
BTN_0014.JPG
Nhà báo Huỳnh Diệu tham gia đưa tin các kỳ hội nghị giao ban của Trung ương Giáo hội - Ảnh: Bảo Toàn
 
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Đức Hiển, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề: “Như vậy có nên đưa thông tin nhạy cảm hay không? Và nếu chúng ta không đưa tin thì người dân có biết hay không khi mà hiện nay chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông minh, ai cũng có thể tiếp cận thông tin dễ dàng và nhanh chóng? Tôi cho rằng nên lựa chọn cách tiếp cận chứ không phải từ chối việc đưa tin, phải vào cuộc một cách có trách nhiệm thay vì né tránh”…

Buổi tọa đàm đã giải tỏa phần nào tâm lý bức xúc, sự cảm thông giữa cơ quan báo chí, những người làm báo và cơ quan quản lý báo chí tại thời điểm mỗi ngày ra đường là gặp… thông tin nhạy cảm. Đó là vấn đề “thời sự” nóng hổi của làng báo hiện nay.

Đối với Phật giáo, thời gian qua cụm từ “thông tin nhạy cảm” cũng là nỗi ám ảnh của các cơ quan báo chí truyền thông Phật giáo chính thống, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các cấp và phóng viên. Với Phật giáo, chọn cách ứng xử với sự kiện, thông tin nhạy cảm như thế nào thì cần phải được xem xét…

Ứng xử của người phát ngôn

Chưa bao giờ, tại các cuộc họp, nghị sự của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, sinh hoạt Giáo hội, các cuộc họp giao ban của Giáo hội các cấp lại mổ xẻ, xem xét đến vấn đề thông tin - truyền thông có liên quan đến Phật giáo được đưa ra bàn bạc nhiều như vừa qua.

Nhiều vụ việc liên quan đến Phật giáo như: chùa Bồ Đề (Hà Nội), vụ thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên (Bình Dương), vụ nhúng tay chú tiểu vào nước sôi (Sóc Trăng), vụ Chúc Minh (Khánh Hòa), các vấn đề tranh chấp nội bộ liên quan Phật giáo… bị các cơ quan thông tấn báo chí bên ngoài Phật giáo đưa tin khi chưa kiểm chứng đã làm bức xúc trong giới Phật giáo.

Đối với báo chí bên ngoài, đặc biệt là những tờ báo điện tử, trang mạng, những đề tài “tình cảm xã hội” liên quan đến Phật giáo được xem là “hot” không thể bỏ qua, càng đưa tin nhanh, càng giật tít sốc thì lượng truy cập (view) càng cao, càng thu hút số lượng độc giả…

Đối với dạng thông tin này, giới Phật giáo được xem là nhạy cảm, báo chí chính thống của Phật giáo khó đăng tải và những người có trách nhiệm phát ngôn của Giáo hội cũng né tránh trả lời truyền thông, báo chí, hoặc trả lời chưa thẳng thắn, chưa kịp thời… đã dẫn đến khủng hoảng thông tin, thông tin bị đưa sai lệch, thông tin một chiều, chưa kiểm chứng làm mất hình ảnh trong sáng của đạo Phật, ảnh hưởng đến Giáo hội.

Trong thời buổi bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, sự bùng phát, “khủng hoảng” truyền thông Phật giáo là không thể tránh khỏi. Mâu thuẫn trong quản lý thông tin càng thể hiện rõ, khi mà những người có trách nhiệm phát ngôn của Giáo hội còn né tránh, còn từ chối trả lời truyền thông, báo chí, lại vừa muốn kiểm soát thông tin.

Còn nhớ, mới đây trong hội nghị sinh hoạt Giáo hội, TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN cũng đã phát biểu về vấn đề khủng hoảng truyền thông thông tin Phật giáo, chúng ta không thể kiểm soát sự bùng nổ của thông tin, chỉ mong bổn sư tại các trú xứ có trách nhiệm giáo dục, nêu cao nhận thức trong Tăng Ni trẻ nhằm hạn chế sử dụng Facebook, sử dụng phương tiện xã hội có trách nhiệm, biết sàng lọc thông tin, tránh đưa thông tin bất lợi liên quan Phật giáo kẻo một số kẻ cơ hội thừa cơ lợi dụng đánh phá Phật giáo…

Đó cũng chỉ là một cách đối phó tạm thời, điều cốt lõi để tránh bị đưa thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng liên quan đến Phật giáo trong xã hội từng giây sống trong làn sóng thông tin đa phương tiện là cần làm chủ sự kiện, không thoái thác trách nhiệm, không nên thúc thủ trước sự kiện.

Phật giáo cần những người phát ngôn dám nói, và có sự phản ứng nhanh trước những thông tin liên quan. Khi một thông tin, sự vụ có tính nhạy cảm xảy ra cần trả lời kịp thời, tôn trọng sự thật, làm chủ diễn đàn, chọn cách ứng xử khéo léo trước các vấn đề có liên quan. Nói cách khác, người phát ngôn của Giáo hội cần làm chủ sự kiện, quan trọng là chọn cách ứng xử kịp thời, có trách nhiệm với sự kiện, với báo chí thay vì chỉ né tránh, từ chối đưa tin.

“Cụ bảo thôi thì… thôi!”

Liên quan đến “thông tin nhạy cảm” thì né tránh, không trả lời, yêu cầu không đưa tin… đó là thực tế thường gặp của phóng viên báo Phật giáo.

Trong thế giới ngày nay, việc sử dụng điện thoại thông minh, iPad, máy tính kết nối mạng xã hội - Facebook, Twitter bùng nổ, len vào cửa thiền môn. Đặc biệt, giới Tăng Ni, Phật tử trẻ nhu cầu kết nối internet, mạng xã hội toàn cầu như là cơm ăn, nước uống. Chính vì thế, không thể ém nhẹm thông tin, không né tránh… trước sau cũng sẽ bị rò rỉ trên truyền thông đại chúng, lúc thông tin bị đưa ra truyền thông lại càng mất thế chủ động.

Do đó, cách ứng phó tốt nhất của cơ quan báo chí Phật giáo là không nên né tránh từ chối đưa tin mà nên chọn cách tiếp cận, cách đưa tin cho phù hợp, người phát ngôn của Giáo hội cần lựa chọn cách ứng xử thay vì từ chối, né tránh trả lời truyền thông, báo chí.

Còn nhớ một vị Thượng tọa đã nói với người viết câu này: “Cụ bảo thôi thì… thôi, tôi cũng đành bó tay! chị không thể thay đổi tư duy các cụ”... câu nói từ chối phát ngôn, từ chối phỏng vấn của phóng viên báo Phật giáo chính thống, tưởng như đùa ở cửa miệng nhưng tôi cũng vài lần được nghe từ những người có trách nhiệm trả lời với truyền thông, báo chí.

Đó là lối tư duy xưa cũ, cách ứng xử thụ động mà chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội thường dùng để thoái thác trước truyền thông, báo chí. Nếu trước đây… vài chục năm, một sự kiện có tính chất nhạy cảm liên quan đến Phật giáo được “bảo vệ”, cái sự “thôi thì sẽ… được thôi”, nó có thể sẽ nằm im lìm ở đó mãi.

Còn ngày nay, thông tin như vũ bão, càng ém nhẹm, thông tin bất lợi cho Phật giáo một khi đã được khai thác thì sẽ bị khai thác triệt để, thông tin bất lợi bị thừa cơ thổi phồng... Khi đó, chính Phật giáo đã tự đánh mất thế chủ động phát ngôn ở “diễn đàn” chính thức mà báo chí trao cho quyền phản biện và đánh mất thế làm chủ tạo ra dư luận xã hội theo hướng có lợi.

Liên quan đến “thông tin nhạy cảm”, phóng viên Báo Giác Ngộ cũng thường xuyên bị nhắc nhở “cái này nhạy cảm, không đưa tin” trong các cuộc họp của Giáo hội các cấp. Có khi, phóng viên bị thẳng thừng mời… ra ngoài. Có khi lại được yêu cầu “chỉ được note” (chỉ được ghi chú) mà không được đưa tin.

BTN_0367.JPG
PV tác nghiệp tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2015 tại Thái Lan - Ảnh: Bảo Toàn

Câu chuyện “Cụ bảo thôi… thì thôi!” có vẻ thật buồn cười với một phóng viên báo chí xã hội bên ngoài nhưng nó là câu chuyện buồn của những người làm báo Phật giáo gặp phải trong tác nghiệp. Một khi “Cụ bảo thôi” thì không có cách nào làm khác…

Công thức: “Kiên trì + cẩn trọng + chai mặt + của để dành”

Với một phóng viên, cây bút, sổ tay, máy ảnh, máy ghi âm là những thứ phương tiện không thể thiếu trong tác nghiệp. Đối với phóng viên báo Phật giáo thì cần nhiều hơn, trong nhiều năm làm phóng viên ở Giác Ngộ, người viết luôn có một công thức riêng cho mình, đó là “Kiên trì + cẩn trọng + chai mặt + của để dành”.

Với tôi, đi tác nghiệp bị đuổi về tay không thì là thiếu trách nhiệm, chưa làm tròn công việc được Ban Biên tập giao cho nên cần phải tập tính kiên trì, cộng thêm chai mặt ở địa bàn, cơ sở, lĩnh vực mình được phân công để nắm bắt thông tin, tạo mối quan hệ tốt với lãnh đạo, thông tín viên, từ đó mới có tin chính xác và kịp thời.

Đặc biệt, trong xử lý “thông tin nhạy cảm” qua các phát biểu, bài phỏng vấn cần có “của để dành”. Khi bài, tin đã được đăng không có nghĩa là đã xong chuyện. Có những câu chuyện nối tiếp còn nan giải hơn khi dấn thân tác nghiệp, đó là những phản hồi chối bỏ, lúc đó phóng viên cần có “của để dành” (tức là những tài liệu, ghi âm) cần thiết để đối chứng…

Kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí VN, là dịp để trải lòng với những thời sự nóng hổi của làng báo và nói “chuyện nhà”. Hiện nay, cùng với sự ra đời của Ban Thông tin-Truyền thông Giáo hội các cấp, hy vọng khi sự kiện, thông tin nhạy cảm liên quan Phật giáo ngoài ý muốn xuất hiện thì báo chí, truyền thông cần khách quan trong đưa tin, bài. Những vị có trách nhiệm phát ngôn của Phật giáo cũng cần tiếp nhận, chọn cách ứng xử nhanh và cởi mở hơn với truyền thông, báo chí.

H.Diệu

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin