Chi tiết tin tức

Tiếng chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm

20:00:00 - 14/09/2020
(PGNĐ) -  Trong mùa Vu lan - khoảng thời gian mà nhiều người dân ý thức lựa chọn lối sống hướng thiện, trong đó có việc phát nguyện ăn chay để hồi hướng an lành đến ông bà, cha mẹ đã qua đời cũng như còn sống, vụ việc nhiều người bị ngộ độc do sử dụng thức ăn đóng hộp patê Minh Chay - sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, đã gây sốc cho dư luận.

 

benhnhan.jpg
Một bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ nhận định, bệnh nhân phải thở máy thêm vài tháng nữa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

 

Từ 17-8, một số trường hợp nhập viện với các triệu chứng liệt cơ, yếu cơ, khó nuốt, khó thở, trong đó một số người ở tình trạng nặng, phải thở máy. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ngộ độc thực phẩm - nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, là loại vi khuẩn kỵ khí có độc lực mạnh, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe, có nguy cơ gây tử vong. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, thuốc giải độc phù hợp với tình trạng của bệnh nhân chưa có. Vài ngày sau thuốc giải độc mới được nhập khẩu với giá khá cao.

 

Vụ việc được báo cáo về Bộ Y tế, mãi đến sáng 30-8, Cục An toàn thực phẩm mới phát đi văn bản ký ngày 29-8 yêu cầu giám sát, thu hồi sản phẩm gây ngộ độc.

 

Nỗi lo ngại của người dân về an toàn thực phẩm những năm gần đây ngày càng gia tăng bởi nhiều nguyên do. Thông thường, đối với một sản phẩm thực phẩm như patê Minh Chay, khi được phép đưa ra thị trường phải qua tối thiểu 3 bộ, đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương, với hệ thống các cơ quan tham mưu chuyên môn. Khi gặp sự cố, như vụ việc ngộ độc thực phẩm đối với thức ăn đóng hộp patê Minh Chay, chính sự nhập nhằng trong quy trình quản lý như vậy đã dẫn đến sự phản ứng rất chậm trễ.

 

Sống an toàn là nhu cầu căn bản của người dân, trong đó an toàn thực phẩm là một trong số những vấn đề bức thiết nhất. Đến nay, mặc dù chưa có một thống kê chính thức, nhưng có thể nói tình trạng quá tải ở các bệnh viện phần nào liên quan tới ô nhiễm, trong đó không thể không đề cập đến thực phẩm bẩn, thực phẩm có chứa chất phụ gia độc hại thuộc nhóm cấm sử dụng. Đó là chưa kể tới số lượng thực phẩm không có nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, là tác nhân ảnh hưởng sức khỏe, giảm chất lượng sống của người dân một cách trực tiếp nhưng chưa thấy giải pháp xử lý triệt để và quyết liệt.

 

Vụ việc liên quan đến patê Minh Chay vừa qua khiến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch đe dọa tới mạng sống, khiến cơ quan chức năng cấp Bộ phải vào cuộc, đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến quy trình xử lý sự cố hiện nay. Nói như PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khi trả lời báo giới hôm 1-9, rằng lực lượng chuyên ngành về quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta còn yếu và còn thiếu, theo quy trình lại rất khó phối hợp. Cũng vì đó, nhiều tỉnh thành có trường hợp nhiễm độc do sử dụng patê Minh Chay nhưng gần 2 tuần kể từ khi phát hiện người sử dụng bị ngộ độc, vụ việc diễn biến tới đâu, bao nhiêu nạn nhân, số lượng sản phẩm cần thu hồi... vẫn chưa có kết quả cụ thể. 

 

Mong rằng cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh trong quản lý để không thả nổi trách nhiệm và chậm chạp trong quy trình, đặc biệt đối với các lĩnh vực thuộc nhóm nhu cầu căn bản của người dân như vệ sinh an toàn thực phẩm; không để người dân phải buột miệng “tới ăn chay mà cũng không tha” kèm tiếng thở dài như vụ việc đáng tiếc vừa qua.

 

Diệu Nghiêm

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin