Chi tiết tin tức

Bốn Điều Làm Lùi Mất Trí Huệ Của Bồ Tát

16:02:00 - 20/02/2014
(PGNĐ) -  “Vào ngày ấy, Đức Thế Tôn dạy bảo Trưởng Lão Mahakasyapa (Ma Ha Ca Diếp) rằng: Này Đại Ca Diếp! Có bốn điều khiến cho trí huệ của một Bồ Tát bị sút giảm hoặc bị đánh mất. Bốn điều này là bốn điều gì? Đây là bốn điều làm thối thất, làm lùi mất đi trí huệ của một Bồ Tát:

1. Không tôn kính Phật Pháp và không kính trọng những vị Pháp sư, những  bậc thầy dạy Phật Pháp;

2. Giữ lại Phật Pháp thâm sâu bí ẩn mà mình đã thụ lãnh và không chịu khai mở cho người khác một cách trọn vẹn;

3. Làm chướng ngại tinh thần những kẻ vui sướng tu hành Phật Pháp bằng cách gây tạo những nhân duyên lý lẽ làm cho họ hoang mang nản lòng;

4. Có lòng tự cao, tự đại, kiêu ngạo, ngạo mạn, và khinh thường những kẻ khác hay miệt thị những kẻ khác.

Đó là bốn pháp làm thối thất lùi mất trí huệ của Bồ Tát”.

sen - phapbao.org

Con người bình thường không thể nào so sánh được với bậc Bồ Tát; chỉ có những kẻ phi thường xuất chúng mới tiến lên gần gũi đôi chút với trí huệ Bồ Tát. Nhưng trí huệ của Bồ Tát cũng được thể hiện trong nhiều cấp bậc khác nhau từ địa thứ nhất (hoan hỷ địa) cho đến địa thứ mười (pháp vân địa). Những bậc Bồ Tát còn ở những giai đoạn thấp phải thường trực thức tỉnh, giữ gìn tâm thức trong sáng và trong sạch trọn vẹn để khỏi phải đánh mất trí huệ phi thường của mình. Đức Phật đã chỉ dạy bốn điều vô cùng quan trọng cho tất cả chúng ta, mỗi khi chúng ta muốn dấn bước vào con đường Bồ Tát Hạnh, chỉ khi nào lên tới bất động địa (địa thứ tám) thì mới hẳn là bất thối chuyển. Phải tu chứng bao nhiêu kiếp khó khăn mới may ra được lên địa đầu tiên thứ nhất (hoan hỷ địa). Tất nhiên, khi đã là bậc Bồ Tát ở sơ địa, ở địa thứ nhất (hoan hỷ địa), bốn pháp làm thối thất trí huệ không hẳn không còn tác động một cách vi tế, âm thầm lặng lẽ, khó nhận thấy dễ dàng.

Do đó, đức Phật đã dạy bảo Bồ Tát ngay từ đầu bốn điều cực trọng:

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình không kính trọng Phật Pháp và không kính trọng sư phụ.

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình cố tình giữ giấu đạo lý bí ẩn thâm sâu mà mình đã được và không chịu mở bày, truyền đạt, giảng giải cho kẻ khác để đem lợi phúc cho họ.

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình gây chướng ngại cho những kẻ vui sướng  tu hành Phật Pháp bằng cách cho họ những lý do duyên cớ để họ chán nản, thoái chí thất vọng trong việc hành đạo.

Mình sẽ đánh mất đi sự thông minh của mình, mỗi khi mình nỗi lên lòng kiêu mạn, kiêu ngạo và kiêu hãnh, tự cao, tự phụ, khinh thường kẻ khác, không biết quý trọng kẻ khác.

Thế nào là không kính trọng Phật Pháp? Có nhiều dạng thái dễ nhận thấy, nhưng có nhiều hình thái khác rất khó nhận ra, nhưng rất nguy hiểm, như những trường hợp sau đây:

Bên ngoài lộ vẻ kính trọng Phật Pháp, nhưng bên trong tận đáy lòng thì vẫn dửng dưng thờ ơ;

Tách rời Phật Pháp với bản thân, với tâm thức của mình; có thái độ nhị tướng (phân ra hai thực thể tách biệt với nhau), một bên là Phật Pháp và một bên là bản thân tâm thức của mình;

Coi Phật Pháp như một môn ở trường ốc để biến thành đề tài hý luận, để khoa trương sở học “uyên bác” của mình;

Không thực hành Phật Pháp, không tu hành Phật Pháp vẫn là hình thức rõ rệt nhất về việc bất tôn trọng Phật Pháp; tuy là hình thức rõ rệt nhất nhưng vẫn khó nhận ra nhất, vì sự tu hành chỉ được thể hiện trong chiều kín đáo nhất và sâu thẳm bí mật nhất của tâm thức mình.

Thế nào là không kính trọng Pháp sư? Tất cả những thầy dạy Phật Pháp đều là những Pháp sư của mình, dù có vị chỉ dạy một chữ duy nhất thôi hay chỉ dạy bằng cách mỉm cười hay bằng một cái nhìn đầy từ bi hay bằng sự im lặng liên tục từ năm này qua năm khác. Kính trọng Sư phụ là luôn luôn nhìn Sư phụ với cái nhìn trong sạch (chữ Tây Tạng gọi là “dag snang” mà người Anh Mỹ dịch là “pure vision”, “pure perception”, tức là coi tất cả chúng sinh đều là trong sạch, hoàn thiện tự bản lai nguyên ủy).

Trong Kinh Ứng Hiện Về Tịnh Kiến (Dag snang sprul pa’i legs bam) Bồ Tát Thánh Tăng Shabkar của Phật giáo Tây Tạng đã giải thích về việc cần phải khai triển cái nhìn trong sạch trong việc tin tưởng và tôn trọng kính ngưỡng tất cả những bậc Đạo sư, dù có những bậc Đạo sư không từ bỏ ngũ dục và đã sử dụng ngũ dục như là sự trang nghiêm cho mật hạnh của họ. Mình không là Phật và không được có cái nhìn dơ bẩn về những bậc Đạo sư thọ hưởng ngũ dục này và phải luôn kính trọng hoàn toàn tất cả bậc Đạo sư, không phân biệt gì cả. (Tất nhiên, khi mới bắt đầu học đạo thì cần phải biết phân biệt đâu là minh sư, đâu là tà sư, nhưng sau khi đã tu hành sâu rộng hơn thì tất cả mọi sự đều là cảnh hoạt hiện huyễn ảo của Đạo sư và tất cả hoàn cảnh xấu tốt đều trở thành bậc Thầy dạy đạo cho chính bản thân, cho chính tâm thức lưu chuyển vô tận của mình).

Tuy nhiên, một Đạo sư chân chính không bao giờ vướng kẹt vào ngũ dục, không bao giờ nô lệ vào sắc, thanh, hương vị và xúc. Một Đạo sư đúng nghĩa chẳng bao giờ bị trói buộc bởi tiền tài, danh vọng, sắc dục, ăn uống và ngủ nghĩ. Một Đạo sư đáng kính không bao giờ chỉ trích tấn công những Đạo sư khác một cách trực tiếp, một cách gián tiếp hay một cách mỉa mai ám muội.

Một trong những điểm nổi bật nhất dễ nhận thấy nơi một Đạo sư là lòng từ bi tự nhiên, tự phát và không có tính cách thảm kịch theo điệu tình cảm thường nhân.

Điểm sáng rực nhất ở một Đạo sư là sự khiêm tốn lạ lùng nhất và lòng kiên nhẫn phi thường nhất, đồng thời thể hiện sự đồng nhất dị thường siêu việt giữa Phật Pháp và Pháp sư. Không bao giờ có sự dị biệt hay tách rời mảy may giữa Phật Pháp và người dạy Phật Pháp. Mỗi một cử chỉ của bậc Thầy làm sống lại tất cả cử chỉ của chư Phật và chư Đại Bồ Tát. Mỗi một bậc Thầy là một vị Phật di động tự tại giữa sinh tử luân hồi. Do đó, kính trọng Phật Pháp cũng đồng nghĩa với việc kính trọng những vị Pháp sư, và kính trọng những vị Pháp sư cũng chính là tôn trọng Phật Pháp.

Điều thứ hai nêu ra ở trên: “nhận thọ giáo pháp thâm sâu bí ẩn mà chẳng nói hết cho những kẻ khác biết tới để tu hành”, “ôm lại những pháp môn thâm sâu bí ẩn mà mình đã lãnh thọ và không chịu khai mở truyền lại cho người khác một cách trọn vẹn”, điều này không có nghĩa rằng lúc nào cũng cần phải rao giảng, lúc nào cũng giảng nghĩa Phật Pháp, vì tất cả đều tùy thuộc vào thời, vào tiết, vào nhân và vào duyên. Phải có đủ bốn yếu tố hiện diện đồng lúc (thời, tiết, nhân và duyên) thì mới khai mở được trọn vẹn bất cứ việc gì trên đời này; hơn nữa, tùy thuộc vào căn cơ và tập khí từng người mà sự tương giao liên hệ mới được thiết lập một cách hữu hiệu tốt đẹp. Điều thứ hai ở đây chỉ nói lên lòng Bố Thí bao la của bậc Bồ Tát, và tất nhiên sự Bố Thí lớn lao nhất là Bố Thí Phật Pháp, bố thí hiến dâng tất cả giáo lý pháp môn của Phật Pháp toàn diện cho tất cả chúng sinh, vì lợi phúc hưng thịnh vô tận cho tất cả chúng sinh để long thịnh Phật chủng.

Điều thứ ba: “Làm chướng nạn cho những người ưa thích tu hành vì nói ra những lý lẽ giải thích khả dĩ gây ra sự chán nản thất vọng cho việc tu hành của họ”, “làm chướng ngại tinh thần những kẻ vốn vui sướng tu hành Phật Pháp bằng cách bày biện những duyên cớ lý do khiến cho họ hoang mang nản chí…”

Xin cử ra đây một trường hợp thường xảy ra: có những bậc chân tu lại bị trói buộc vào “chủ nghĩa khoa học vạn năng” (scientism) hoặc bị ảnh hưởng bởi một cách nông cạn bởi thuyết “triệt tiêu thần thoại” (demythologization) hay “phá hủy huyền thoại” theo điệu thần học Tin Lành của nhà thần học Rudolf Bultmann (gọi là “Ent-mythologisierung” trong Đức ngữ mà người Anh Mỹ gọi là “dethologizing” hay “religion without myth”, “tôn giáo không cần thần thoại”, loại bỏ huyền thoại”), họ liền đề nghị một thứ đạo Phật không còn thần thoại hay linh thoại gì cả. Họ đả kích những lời lẽ trong kinh Phật có liên hệ tới những điều khó hiểu như việc đức Phật sinh ở nách hay hông của hoàng hậu mẫu thân hay như 32 tướng của đức Phật, và họ tự cho rằng “ người đời sau tự ý bày đặt thêm vào những điều thần thoại như việc đức Phật hiện thân làm con voi trắng sáu ngà vào thai mẹ , đức Phật từ hông của mẹ mà nhập thai, 32 tướng tốt của đức Phật, vân vân, nghĩa là người đời sau làm interpolation, vân vân…”

Dù với thiện chí cao cả nào đi nữa trong việc “canh tân” hay “hiện đại hóa” giáo lý Phật Giáo, những việc làm vừa nêu ra ở trên của những bậc chân tu (hay những bậc “thiền sư hiện đại”) đều vô tình phô bày ra những hiện trạng quái lạ sau đây:

Gây ra nỗi hoang mang, lòng bối rối ngờ vực hoài nghi trong tinh thần yếu đuối của những Phật tử thuần thành chất phác.

Khiến cho họ trọng vọng những tiêu chuẩn nhất thời của những khoa học hữu hạn thuộc phạm vi thế tục, hơn là sống hồn nhiên trọn vẹn vào trong cõi bí mật linh thiêng của thế giới tâm linh.

Ngờ vực hoài nghi là điều rất tốt để tránh khỏi tất cả mê tín dị đoan, nhưng có khả năng biết ngờ vực, biết hoài nghi đúng chỗ là điều vô cùng khó khăn, không dễ thực hiện được, nếu chúng ta không ý thức được trọn vẹn giới hạn của ngôn ngữ, của lý trí và của sự hiểu biết.

Hơn nữa, sau đây là đôi điều đáng lưu ý:

Không phải tất cả những thần thoại đều là “hoang đường” hay đều là “huyền thoại”, mỗi một thần thoại đều chứa đựng những ý nghĩa bí ẩn siêu việt vô cùng phong phú khả dĩ nuôi dưỡng chiều tâm linh sâu thẳm nhất của linh thức con người (tất cả sự nghiệp khảo cứu của Joseph Campbell đều nói lên điều đáng nói này);

Đối với Phật Pháp, tất cả đều giống như mộng, huyễn, bào, ảnh, vân vân và tất cả đều nằm trong tinh thần “bản lai vô nhất vật” của Lục Tổ Huệ Năng, do đó, không thể lấy tiêu chuẩn và lý do từ những “cái có thực” để giải trừ những “cái không có thực”, khi tất cả những gì người ta cho rằng “có thực” đều bị Phật Pháp phủ nhận rằng tất cả những cái ấy đều không có thực. Vì ngay đến cả bản thân của con người chỉ là sự giả hợp của ngũ uẩn, tức là sự giả hợp của năm loại “thần thoại” khủng khiếp nhất: “thần thoại” do sắc tạo ra, “thần thoại” do thọ tạo ra, do tưởnghành, và thức tạo ra; “thần thoại” do năm uẩn tạo ra đồng lúc. Và chính những danh từ như sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là những “giả danh” hay “những thần thoại”, “những huyễn thoại” của ngôn ngữ vọng niệm và của vọng tưởng.

Không thể áp dụng phương pháp thần học Tin Lành hay thần học Thiên Chúa Giáo vào trong lãnh vực Phật Giáo, vì một lý do dễ hiểu nhất là thần học đặt trọng tâm vào cái Hữu (viết hoa) và cái hữu (viết thường) đang khi Phật giáo đã phủ nhận hữu và phủ nhận  từ bước đầu, mặc dù do lòng Đại Bi mà không bao giờ bỏ quên tục đế hay thế đế, thế mà vẫn vô ngại chứng nhập đệ nhất nghĩa đế (Trí Tuệ Khôn Tính, Trí Tuệ Bát Nhã vô tự tính) và đồng hóa thuyết duyên khởi với Không Tính siêu việt. Vào lúc cuối đời, nhà thần học Tin Lành Paul Tillich đã muốn áp dụng cái nhìn của Phật giáo vào nên thần học của mình, sau khi ông đã được gặp gỡ thảo luận với những thiền sư Nhật Bản, đang khi ấy, những thiền sư của Việt Nam lại làm chuyện ngược và lạ lùng: áp dụng Thần Học Tin Lành vào Phật Giáo!

Do duyên cớ gì mà Đức Phật hiện thân tợ bạch tượng sáu ngà vào thai mẹ?”, “Do duyên cớ gì Bồ tát từ hông của mẹ mà nhập thai”, vân vân, đều được giải đáp cặn kẽ một cách viên thông trong kinh Đại Thừa Phương Tiện Hội (Kinh 38, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 310, trang 594-607), chúng ta chỉ cần tụng đọc lại đầy đủ kinh luận thích ứng thì tránh được cái tội đổ oan cho “người sau bày đặt thêm thắt vào” (“interpolation”).

Còn riêng về 32 tướng của Đức Phật thì cần đọc tụng lại Tổ Sư Long Thọ (Nagarjuna) nơi luậnRājaparikathā-ratnamāla (đoạn thi kệ thứ 176 cho đến đoạn thi kệ thứ 200). Nơi những đoạn thi kệ này, Tổ sư Long Thọ đã giải thích những nhân duyên nào lại tạo ra 32 tướng của Chuyển Luân Thánh Vương và của chư Phật. Đồng thời ngài cũa cho ta thấy được ý nghĩa siêu việt diệu tướng của 32 tướng của tất cả chư Phật.

Tất cả kinh điển Phật giáo đều liệt kê 32 tướng của chư Phật, nhưng vì sợ chấp tướng và hiểu sai ý nghĩa “vô tướng” trong Phật Giáo; vì hiểu sai câu kinh “Như Lai sở thuyết thân tướng tức phi thân tướng” hoặc mấy câu kinh “Như Lai thuyết tam thập nhị tướng tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng” của Kinh Kim Cương Bát Nhã; vì chỉ giữ lại “tức phi” và “tức nhị phi” mà không đồng lúc giữ lại luôn “thị danh”; hoặc vừa giữ vừa bỏ đồng lúc; hoặc chỉ nhấn mạnh “sắc bất dị không” mà bỏ quên “không bất dị sắc” cho nên các nhà thiền sư hiện đại lại thoải mái hoạt hiện thái độ “tẩy trừ thần thoại” (demythologizing) theo điệu thần học Tin Lành Rudolf Bultmann vào lòng kinh điển Phật Giáo! Đây là điều ngộ nghĩnh, rất tức cười, nhưng chúng ta không nên cười, chỉ cần mỉm cười nhẹ nhàng, vì không nên bao giờ bỏ quên điều thứ tư mà đức Phật đã dạy chúng ta: “Kiêu mạn tự cao và khinh thường kẻ khác là điều thứ tư làm cho thối thất trí huệ Bồ Tát.”

Chúng ta thường lầm lẫn ý nghĩa đích thực của sự phê bình với thái độ chỉ trích hạ thấp người khác. Phê  bình đúng nghĩa là để cho ánh sáng được là ánh sáng và để cho bóng tối được là bóng tối, dù không thể làm cái việc “để cho…” thì chỉ tỏ cho kẻ khác nhìn thấy đâu là sáng và đâu là tối, đâu là trưa, đâu là chiều và hoàng hôn, vân vân. Có những thế lực vô minh mà mình không thể đồng lõa được. Cần nói lên những điều cần nói với tất cả khiêm tốn và khiêm hạ đúng mức, và không giả vờ khiêm tốn để tự cao kiêu mạn một cách vi tế kín đáo. Một người bình thường chỉ im lặng cho lắng xuống tận đáy lòng chừng vài ba phút thì đủ thấy tất cả sự tối tăm lù mù của tâm thức mình và không thể nào tự dám lường gạt với dáng điệu kiêu căng ngạo mạn hay dám khinh thường bất cứ ai trên đời này. Trí huệ của Bồ Tát sẽ tắt ngay lập tức nếu Bồ Tát móng lên một ý tưởng mảy may khinh thường bất cứ chúng sinh nào.

Khinh thường người khác chính là tự khinh thường mình, vì mình là tất cả người khác, tất cả chúng sinh khác. Kiêu mạn và tự cao chỉ là ảo ảnh của mình về vị thế “độc lập” của tự thể: Phật giáo phá vỡ những cái gọi là “độc lập” của “tự thể”, của “bản thể” và của “hữu thể”. Tất cả những cái gọi là “thể” đều là giả danh, đều không có “tự tính”. Bồ Tát còn phiền não lay động từ “bản thể” và “tha thể” thì liền đánh mất Trí Huệ siêu thể và bị trói buộc vào nhị tướng (tướng phân hai).

Bốn điều khiến cho lùi mất trí huệ của Bồ Tát  đều liên hệ mật thiết với nhau: Vì không tôn trọng Phật Pháp, cho nên không kính trọng Pháp sư, cho nên giữ lại Phật Pháp thâm sâu và làm chướng ngại cho những kẻ vui sướng tu hành, cho nên có lòng kiêu mạn và khinh thường hạ thấp người khác. Hoặc cũng có thể hiểu từ điều thứ tư (kiêu mạn) trở lui đến điều thứ nhất (không tôn trọng Phật Pháp); vì có lòng kiêu mạn cho nên không tôn trọng Phật Pháp và tôn kính Pháp sư.

sen - phapbao.org

Kiêu mạn là gì?

Kiêu khác với mạnkiêu có liên hệ với những cái mình đang có tạm thời, còn mạn có liên hệ tới những gì mình không có mà tưởng rằng mình có. Kiêu và mạn gọi chung là kiêu mạn để nói lên thái độ tâm thức về những cái mình đang có tạm thời và sẽ mất (kiêu), và về những gì mình không có mà vọng tưởng rằng mình có. Hai thái độ (kiêu và mạn) đều xuất phát từ cái vọng tưởng về sự xác nhận: “tôi là” (như “tôi hiện là thế”, “tôi bằng ngang với…”, “tôi thấp thua đối với…”, “tôi lớn cao hơn đối với…”)

Trong kinh Phúng Tụng (Sangiti Sutta) đức Phật đã dạy rằng có ba điều gọi là kiêu:

I. Vô bệnh kiêu (arogya-mado; kiêu ngạo về sức khỏe lành mạnh của mình)

II. Niên tráng kiêu (yobbana-mado; kiêu ngạo về tuổi trẻ của mình)

III. Hoạt mệnh kiêu (jivita-mado; kiêu ngạo về đời sống sinh tiền của mình)

“Vô bệnh kiêu”, “niên tráng kiêu”, “hoạt mệnh kiêu” là những điều đang tạm có đó nhưng sẽ mất. Mình đừng nên tự phụ và khoe khoang rằng mình không bệnh, rằng mình còn trẻ, rằng mình đang sống, vì tất cả đều vô thường. Ba điều “kiêu” này khiến mình làm điều ác về thân, khẩu và ý, để rồi “sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục”; cũng vì ba cái “kiêu” này mà kẻ tu hành đã “từ bỏ Phật Pháp và trở lui lại đời sống thế tục” (Anguttara Nikaya, Kinh Bộ Tăng Chi, chương Ba, tiết 39).

Còn về mạn, đức Phật dạy rằng có ba mạn:

I. Thắng mạn (atimana; tự phụ cho rằng mình cao quí hơn…);

II. Đẳng mạn (māna; tự phụ cho rằng mình bằng ngang như…);

III. Ty liệt mạn (omāna; tự phụ cho rằng mình kém thua…).

Theo kinh Phúng Tụng (Sangiti Sutta), đây là ba hình thức của mạn:

a) “Tôi tốt đẹp hơn…” (“seyyo’ham asmiti vidha…)

b) “Tôi ngang bằng với…” (“sadiso’ham asmiti” vidha…)

c) “Tôi tệ thua đối với…” (“hino’ham asmiti” vidha…)

Kinh luận Phật giáo thường nói đến ba mạn, bảy mạn và mười hai mạn, nhưng tất cả đều xuất xứ từ ngã mạn(Asmimana).

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm (quyển 9) có liệt kê ra bảy mạn (thất mạn):

I. Mạn (māna: hơn ít mà tưởng hơn nhiều)

II. Ngã mạn (asmimāna: tưởng mình tài giỏi, khinh thường kẻ khác)

III. Tà mạn (mithyamāna: ngạo vì chấp trước tà kiến)

IV. Quá mạn (abhimāna: bằng mà tự cho là hơn hoặc thua mà cho là bằng)

V. Mạn quá mạn (manatimana: thua nhiều mà tự cho là hơn)

VI. Tăng thượng mạng (adhimāna: chưa chứng đạo mà tự cho chứng đạo)

VII. Ty liệt mạn (unamāna: thua nhiều mà cho là thua ít hoặc không thua; có ít lại khoe nhiều)

Chúng ta cũng có thể hiểu bảy cái mạn một cách cụ thể rõ ràng trong những trường hợp khác như vầy:

a) Thấy tưởng mình cao siêu hơn một người nào đó kém thua mình;

b) Thấy tưởng mình cao siêu hơn một người nào đó ngang hàng với mình;

c) Thấy tưởng mình cao siêu hơn một người nào đó cao siêu hơn mình;

d) Thấy tưởng mình có bản ngã cao siêu hơn mọi người về nhiều phương diện (cá tính, màu da, vị thế xã hội, quốc tịch, giáo dục, vân vân);

e) Thấy tưởng mình cao siêu về những đức tính mà mình tưởng rằng mình đạt được nhưng thực ra đó chỉ là tưởng tượng;

f) Thấy tưởng mình cao siêu vì tự cho rằng mình ngang hàng hay gần ngang hàng với những kẻ quá vĩ đại hơn mình đến một trời một vực, chẳng hạn cho rằng mình ngang hàng với Phật, với chư Đại Bồ Tát, với những bậc Đại Thánh Tăng, Đại Sư Trưởng, Đại Thiền Sư hay Đại Vĩ Nhân, vân vân.

g) Thấy tưởng mình cao siêu vì tưởng rằng mình hơn người qua những tài vặt, như kiểu anh hùng rơm qua những thành công có tính cách thế tục như đào hoa, trụy lạc, buôn lậu, thể thao, săn bắn, đánh bạc, du côn, đàng điếm hay bất cứ mánh khóe bịp bợm nào khả dĩ qua mặt và lường gạt người khác.

Có một điều dễ nhận rõ ràng: bất cứ kẻ nào còn có một chút mảy may kiêu ngạo thì không bao giờ có thể học được Phật Pháp một cách đứng đắn; tu hành chứng nhập những giáo lý cơ bản ở ngay bước đầu hành trình cần phải dẹp trừ tính kiêu căng, khinh mạn, tự phụ, tự cao, tự đại.

Kiêu mạn làm dơ bẩn tâm thức và đóng chặt lại trí óc. Một Phật tử kiêu mạn là người phá hoại Phật Pháp, và một thầy Tỳ kheo kiêu mạn là kẻ chỉ mang danh hiệu “Tỳ kheo” mà thực chất thì tệ hại hơn kẻ phàm phu tục tử, vì chính sự kiêu mạn trong hàng tăng chúng sẽ đưa Phật Pháp đến chỗ tiêu diệt. Đó là lý do mà đức Phật đã nêu ra về sự thối thất trí huệ của bậc Bồ Tát: “Không tôn trọng Phật Pháp, không kính Pháp sư, kiêu mạn tự cao, và khinh bỉ, làm thấp hèn kẻ khác”.

Những biến thái đa dạng của sự kiêu mạn.

Tự tin khác hẳn sự kiêu mạn. Tự tin rằng mình có khả năng dẹp bỏ tất cả mọi kiêu mạn; tự tin rằng mình có khả năng vô tận để tiêu diệt tất cả những phiền não; tự tin rằng mình có khả năng vô biên để thành Phật vì lợi ích bao la cho tất cả chúng sinh; tự tin rằng mình có sức mạnh tâm linh mênh mông để giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi tất cả nỗi sợ hãi và đau khổ trong cõi luân hồi; tự tin rằng mình không khác gì ảo tưởng phù du và như một giấc chiêm bao; tự tin rằng lúc chết mình sẵn sàng hóa kiếp xuống địa ngục để cứu giúp những kẻ đọa đày bi thảm, vân vân…

Có thể tự tin như vậy, vì thấy hiểu rằng cái “tôi” không có thực, và “mình” chính là tất cả những gì được thấy và được hiểu; chính là tất cả những gì chưa được thấy và chưa được hiểu; chính là tất cả những gì không thể thấy và không thể hiểu.

Còn sự kiêu mạn chỉ là xây dựng tất cả những “thần thoại” và “huyễn thoại” chung quanh ngũ uẩn vô thường. Sự kiêu mạn được thành hình từ vọng tưởng về cái “tôi là thế này” hay “tôi là thế kia”, “tôi không là thế này”, “tôi không là thế kia”, “tôi đã như thế” và “tôi sẽ như vậy”, vân vân…

“Mặc cảm tự tôn” chỉ là hình thức khác của “mặc cảm tự ty”, và chính “mặc cảm tự ty” lại là hình thức ẩn giấu vi tế của “mặc cảm tự tôn”: thấy tưởng rằng mình hơn chỉ là hình thức khác của việc thấy tưởng mình thua, còn thấy tưởng rằng mình ngang hàng với ai hoặc với cái gì đó chỉ là kết quả của sự so sánh, sự đo lường, sự tính toán, sự phân biệt giữa cái này và cái kia, đây là bước đầu phá vỡ sự kiêu mạn.

Từ ba mối đầu của Mạn:

I. Tôi cao siêu hơn kẻ khác (thắng mạn)

II. Tôi ngang hàng kẻ khác (đẳng mạn)

III. Tôi kém thua kẻ khác (liệt mạn)

Chúng ta có thể nhìn thấy bao nhiêu biến thái đa dạng của sự kiêu mạn (gọi chung là “kiêu mạn”, nhưng mạn vẫn trọng hơn kiêu và tất cả kiêu đều khởi phát từ mạn, từ ngã mạn); trong kiêu đã hàm ý mạn, do đó, chúng ta có thể diễn giải ba kiêu như sau:

I. Vô bệnh kiêu: tôi lành mạnh hơn kẻ khác;

II. Niên tráng kiêu: tôi trẻ tuổi hơn kẻ khác

III. Hoạt mệnh kiêu: tôi linh động tràn trề sức sống hơn kẻ khác.

Chỉ có chứng nhập pháp vô thường là dẹp bỏ mọi kiêu, mọi mạn, và mọi kiêu mạn. Một người sắp chết khó lòng tiếp tục giữ được tâm kiêu mạn. Sự bất khuất của một anh hùng trước cái chết không phải là kiêu mạn mà là thái độ bất lay chuyển của một người dám hy sinh bản thân cho một cái gì siêu việt cao cả vượt lên trên kiếp người.

Sau đây, cũng nên liệt kê ra những biến thái đa dạng của kiêu mạn để chúng ta dễ nhận những phiền não đã trói buộc mình và khiến cho mình đánh mất trí huệ Bồ Tát:

a) Mình tưởng rằng mình cao siêu, vì mình cho rằng mình hơn kẻ khác;

b) Mình tưởng rằng mình cao siêu, vì mình cho rằng mình bằng kẻ khác;

c) Mình tưởng rằng mình cao siêu, vì mình cho rằng mình kém thua kẻ khác.

Điều kiêu mạn thứ ba ở trên có vẻ mâu thuẫn, sự thực thì sự kiêu mạn càng tăng trưởng qua sự mâu thuẫn bề ngoài: có những sự “khiêm tốn” hay “hạ mình” chỉ là hình thức tế nhị của kiêu mạn; nhận rằng mình thua kém chỉ là lùi lại để nhảy thực xa hơn nữa… Nói một cách văn chương: có sự toàn thiện của cái bất toàn… Hay nói một cách thơ mộng cải lương: “tình chỉ đẹp lúc dang dở…” hay nói một cách triết lý: sự thành tựu của cái gì chưa xong, sự có mặt của cái vắng mặt…

Ngoài ba hình thức kiêu mạn chính yếu trên, có thể nhìn ra những dạng thái phồn thịnh khác của kiêu mạn:

a) Mình tưởng rằng mình cao siêu, vì mình cho rằng mình hơn cả cái hơn của kẻ khác;

b) Mình tưởng rằng mình cao siêu, vì mình cho rằng mình ngang bằng cái hơn của kẻ khác;

c) Mình tưởng rằng mình cao siêu, vì mình cho rằng mình thua kém hơn cái hơn của kẻ khác;

d) Cao siêu, vì hơn cả cái trung bình của kẻ khác;

e) Cao siêu, vì ngang bằng với cái trung bình của kẻ khác;

f) Cao siêu, vì thua kém với cái trung bình của kẻ khác;

g) Cao siêu, vì hơn cái kém của kẻ khác;

h) Cao siêu, vì bằng với cái kém của kẻ khác;

i) Cao siêu, vì thua kém với cái kém của kẻ khác…

Tóm lại, tất cả mọi dạng thái của kiêu mạn đều là trò hý luận chằng chịt của tâm thức vọng động, xô đẩy con người ra ngoài sự tịch lặng của Phật Pháp, khiến cho mình đánh mất trí huệ của Bồ Tát, vì khinh thường chúng sinh, tự tôn tự đại, không tôn trọng Phật Pháp và không tôn kính Đạo sư, chướng ngại cho chúng sinh và chướng nạn cho sự thành tựu Phật Đạo ra ngoài sáu nẻo luân hồi.

Phạm Công Hoan

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin