Chi tiết tin tức Chấp trước và giải thoát 22:01:00 - 09/09/2013
(PGNĐ) - Hãy trở về với chính mình bằng sự quán sát của tự thân qua các động thái của đi, đứng, nằm, ngồi, của tư duy, của sự tỉnh thức. Những gì không thể thực hiện được hãy cầu nguyện nơi tha lực. Vì chính khả năng tự lực của mình khó thành tựu nổi.
Khi Đức Phật ra đời, Ngài đã chỉ bày rõ ràng, cặn kẽ cho người xuất gia cũng như người tại gia ởtừng địa hạt một của tâm linh. Ví dụ như việc nầy từ đâu mà có, sau đó như thế nào và kết quả ra sao giữa các hành vi thiện cũng như ác. Ngài đã nói pháp duyên khởi, duyên sanh và Ngài cũng đã nói pháp Tứ Diệu Đế. Từ thấp đến cao; từ hẹp đến rộng. Từ phàm phu đến Thánh nhơn; từcõi nầy cho đến cõi khác. Giáo lý ấy ngày nay vẫn còn tồn tại trên thế gian nầy; nhưng tại sao ngày xưa, sau khi nghe Phật giảng dạy xong thì có người đắc quả Dự Lưu cho đến A La Hán. Còn ngày nay cũng pháp đó, chúng ta đã nghe qua quá nhiều lần mà người chứng đắc lại không có? Căn cứ trong kinh Trường A Hàm là những bản kinh căn bản của Nam Truyền và Bắc Truyền. Kinh nầy có sớm nhất từ khi Đức Phật còn tại thế và đã lập thành văn tự vào năm 85 trước Tây lịch. Đầu tiên hệ Pali được kết thành và sau đó được chuyển dịch qua Hán văn rồi lần lượt đến các ngôn ngữ khác. Dĩ nhiên Phạn ngữ cũng đã được hình thành song hành với Pali trong từng giai đoạn; nhưng được hướng về phía Phật Giáo cải cách nhiều hơn. Kinh Trường A Hàm cho biết rằng: Con người ngày xưa từ cõi Trời Quang Âm Thiên đầu thai xuống cõi nầy. Ngày ấy con người có thần thông và mọi nhu cầu của cuộc sống không cần phải lo toan. Tất cả đều hiện ra trên khắp mặt đất nầy. Loài người chỉ cần đưa ngón tay vào mặt đất là lấy lên đồ ăn ngon ngọt để nuôi thân. Kế đó con người tự suy nghĩ rằng: Nếu không lấy để dành thì ngày mai, ngày mốt không còn gì để ăn nữa. Rồi từ đó con người bắt đầu tích tụ thức ăn cho ba ngày, bảy ngày hoặc nhiều ngày hơn nữa. Do vậy con người sanh ra cạnh tranh với nhau; nên be bờ đắp lũy, tạo thành ruộng vườn riêng tư, nhiều nhà trở thành thôn xóm và nhiều xóm trở thành làng. Tiếp đến có Thôn trưởng, Xã trưởng, Quận trưởng v.v... cứ thế và cứ thế, con người tích chứa của cải, tài sản, danh vọng, địa vị... cho nên trở thành xấu xí và mất hết thần thông. Lúc thịnh hành nhất là khi con người sống đến 80.000 tuổi mới qua đời. Con gái thuở ấy 500 tuổi mới đi lấy chồng; nhưng của cải giàu có trên thế gian nầy tiêu xài hoài cũng đến ngày phải cạn kiệt. Quả đất không còn gì để cung cấp cho con người nữa, ngoại trừ hạt bông cỏ là thức ăn chính của con người. Lúc ấy con người chỉ còn sống đến 10 tuổi và 5 tháng tuổi đã dựng vợ gảchồng, sinh con đẻ cái ... Như thế sẽ trải qua nhiều kiếp tăng và kiếp giảm; cho đến khi nào con người được 8 vạn tuổi thì Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời. Ngài sẽ độ 3 lần trong thời gian làm Phật của Ngài và sau thời kỳ chánh pháp đến tượng pháp, rồi mạt pháp. Cứ thế và cứ thế, quả đất nầy được thành tựu, quả đất nầy biến hiện và quả đất nầy sẽ bị hủy diệt qua các thời kỳ của Tiểu Tam Tai như: Nạn đói khát, chiến tranh và bệnh tật. Cũng như Đại Tam Tai gồm: Lửa đốt cháy, nước dâng cao, gió thổi mạnh... Con người vẫn mãi bị chi phối bởi vòng nghiệp lực nầy. Lý do duy nhất là con người hay chấp trước. Chữ chấp có nghĩa là bám víu vào; trước có nghĩa là dính chặt vào đó, do tâm niệm của con người qua các việc như: Chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn, chấp ngã, chấp ái, chấp ta, chấp người v.v... Tất cả những điều nầy đều do ý khởi lên và thân là vật bị động, bị sai sử để thực hiện những hành vi tốt hoặc xấu đó. Nếu cái thiện nhiều hơn thì nó sẽ kéo cái ác theo và trung hòa cái ác, để cái ác kia dần dà biến thành lương thiện. Ngược lại, nếu cái ác nhiều hơn, nó sẽ kéo cái thiện chạy theo cái ác. Điều nầy cũng giống như ánh sáng và bóng tối vậy. Nếu bóng tối còn ngự trị trên thế gian nầy, thì điều ấy có nghĩa là chân lý chưa xuất hiện, ma Ba Tuần vẫn còn có cơ hội để ngự chiếm nhân gian; nhưng nếu ánh sáng hay chân lý ngự trị mãi trên cuộc đời nầy thì có nghĩa là loài A Tu La không có cơ hội để tồn tại nữa. Giữa cái thiện và cái ác, nó chẳng khác nhau mấy với ánh sáng và bóng tối kia là vậy. Bây giờ chúng ta thử điểm qua từng loại chấp trước nầy để từ đó tạo cho mỗi người một cái nhìn thông thoáng hơn, khi thực hành giáo lý của Đức Phật. Đầu tiên là chấp có. Ví dụ như chấp vào thân, tài sản, địa vị, sự nghiệp v.v... Thân nầy do tứ đại hợp thành, gồm có: đất, nước, gió, lửa; nhưng những thứ nầy không có thật tướng. Thoạt có, thoạt không. Thế mà ta nghĩ rằng nó vĩnh viễn có thật bên mình. Cái thân nầy từ trẻ đến già phải trải qua 4 giai đoạn của thành, trụ, hoại, diệt. Thế nhưng con người vừa chấp chặt vào nó, cho nó thật là của mình; nhưng trên thực tế thân nầy bị vô thường biến đổi. Điều nầy rất hợp với thuyết duyên khởi. Đó là: tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh. Tất cả các pháp đều do nhân duyên diệt và tự tánh của các pháp là không. Ai hiểu được pháp duyên khởi, người ấy sẽ hiểu được Phật Pháp và ai hiểu được Phật Pháp, người ấy sẽ hiểu được pháp duyên khởi. Chính vì chấp vào thân nầy là của ta, tài sản nầy của ta, vợ con nầy của ta, địa vị nầy của ta, con cái nầy của ta, sự nghiệp nầy của ta v.v... nhưng người học Phật phải nhìn kỹ và nhìn sâu vào sự việc đểthấy bên trong tất cả những điều nầy đều ẩn chứa sự khổ và chính sự khổ nầy con người không biết diệt nó; nên mới sinh ra thất vọng, hối tiếc, bi quan. Vì lẽ ta chấp trước vào nó quá nhiều. Tương truyền rằng vua Khang Hy đầu triều nhà Thanh ở Trung Hoa vào năm 1640 là một vị Sưngười Việt Nam tái thế đã đầu thai. Khi vua sanh ra trên hai bả vai hiện lên 10 chữ. Bên bả vai trái có 5 chữ là: An Nam Quang Minh tự. Bên bả vai phải cũng hiện lên 5 chữ: Sa Môn Tỳ Kheo Tăng. Cuối cùng triều đình nhà Thanh phải cho người qua Việt Nam đến chùa Quang Minh lấy nước giếng tại đó, đem về rửa những chữ nầy mới mất hẳn. Cả một đời làm vua, Khang Hy đã đểlại nhiều tư tưởng rất hay. Trong đó có 2 câu đối là: Cửu trùng điện khuyết đa ưu lự Bất kiến sơn Tăng bán nhựt nhà. Dịch ý: Nơi chốn cửu trùng với nhiều nỗi lo toan Chẳng thể sánh với nửa ngày an lạc của một người tu trên núi. Suốt một đời làm vua mà chưa bằng nửa ngày của một người tu có đời sống an lạc. Điều ấy hẳn đúng; nên Đức Phật của chúng ta đã tìm ra chân lý ấy từ lâu rồi; nên Ngài mới bỏ cung thành, xuất gia, học đạo. Thế mà ngày nay có không biết bao nhiêu người muốn chiếm được ngai vàng cũng như những chốn quyền uy cao cả ấy, mà bản chất của nó vốn không chắc thật. Về chấp ngã cũng tương tự như vậy. Ta chấp cái nầy là của ta; cái nầy thuộc về ta. Đôi khi ta nổi lên sân si, giận dữ. Vì lẽ ta cho mình là đúng, còn người đối diện sai. Nhưng chắc gì ta đã đúng. Vì khi cơn giận dữ ngự trị nơi tâm thức, thì lúc ấy chân lý đi chỗ khác, không hiện hữu, chỉ còn lại sự chấp ngã, tồn tại. Sở dĩ ta nóng giận, vì ta muốn chứng minh cho mọi người biết rằng điều ta nói, điều ta suy nghĩ, điều ta hành xử là đúng. Do vậy mới chứng tỏ một một uy quyền để bắt người khác phải tuân phục. Đa phần sự nóng giận dẫn theo sự nghi ngờ và cố chấp. Từ đó sinh ra rất nhiều việc sai trái; nhưng cái ngã của ta không chịu thừa nhận mà lại còn kéo theo những cái liên hệ thuộc về ta nữa. Để đối trị lại vấn đề chấp ngã nầy ta nên quán sát nơi tự thân của mỗi người là cái ngã nầy không thật có. Nó chỉ là một ảo ảnh, một cảm giác. Thoạt có, thoạt không,ẩn ẩn, hiện hiện; không nơi chốn; nhưng lại hay tới lui cổ động việc dở xấu của mình. Hãy chiêm nghiệm và quán sát cho thật kỹ, vì cái ngã không có thật. Nếu ngã có thật thì ta phải làm chủ nó, tại sao ta phải bị lệ thuộc vào nó? Về ái dục cũng như vậy thôi. Sở dĩ có ái vì do sự ham muốn về thể xác làm chủ động, sai khiến. Do vậy ta mới thấy người nầy đẹp hơn người kia, và khuynh hướng chiếm hữu ngự trị nơi chấp ái nầy; nên ta lôi người đối diện về phía mình và cho rằng người ấy thuộc về mình, mình là chủ; nhưng sự làm chủ ấy được bao lâu? ngay cả vợ chồng, con cái, bè bạn cũng không bền. Có những cặp vợ chồng sống đến khi lâm chung; nhưng trong cuộc sống mấy mươi năm chung đụng ấy có quá nhiều sóng gió, chẳng qua chỉ là sự gá nghĩa mà thôi. Người nầy cần người kia và ngược lại người kia cần lại người nầy. Mỗi người đều mong làm cho thỏa mãn sự ái dục của mình. Do vậy sự đổ vỡ chắc chắn sẽ xảy ra không chóng thì muộn. Thế rồi người ta đi tìm một đối tượng khác; nhưng sẽ được bao lâu? Nếu ta không nhận chân ra được cái gốc của ái là cái nhân của sanh tử luân hồi? Đa phần con người không tự làm chủ mình được trong những thử thách nầy; nên cứ mãi dong ruổi trong lộ trình sinh tử. Tất cả những cái gì xảy ra trên thế gian nầy trong thời gian chúng ta sinh sống, trước đây mấy ngàn năm và sau đây mấy vạn năm cũng sẽ như vậy; nhưng thuở xưa có Đức Phật và các vị Thánh nhơn ra đời. Các Ngài thấy rõ bộ mặt khổ đau của sinh tử; nên đã chỉ cho con người và con người thuở ấy trí tuệ còn nhiều nên chấp nhận một cách dễ dàng và từ đó dự nhập vào hàng Thánh. Còn bây giờ, những việc như thế ta vẫn thấy, ta vẫn nghe, ta vẫn cảm nhận; nhưng không đủ tự lực và nghị lực để vượt qua, nên khó mà làm chủ mình để hội nhập vào hàng Thánh được. Biết thì ta vẫn biết; nhưng làm chủ cái tâm nầy vẫn chưa được. Do vậy con người đời nay mãi bị trầm luân trong sanh tử là vậy. Về chấp trước của tâm thức nầy còn hay mất sau khi chết cũng như vậy. Có người thì cho rằng: Chết là hết, chẳng có cái gì theo sau nữa. Có người lại bảo rằng: Chết không phải là hết, mà còn mãi với thời gian nầy. Vậy đâu là sự thật? Đức Phật với cái nhìn siêu việt của trí tuệ, Ngài thấy rõ và quán chiếu thế gian nầy cũng như tâm thức của chúng sanh trước khi sinh ra đến lúc đầu thai và sau cái chết. Tất cả đều được thay đổi theo nghiệp lực và thức biến hiện, để tạo thành một chúng sanh ở cõi nầy và nhiều cõi khác nữa. Theo kinh Đại Bảo Tích Phẩm Nhập Thai Tạng Pháp Giới, Đức Phật đã phân tích kỹ càng, chi tiết từng loại đi đầu thai như thế nào khi vào bụng mẹ. Thật ra khi một người nam và một người nữ có ý niệm hành dục với nhau, ngay lúc ấy một tâm thức hiện hữu bên ngoài đã cố bám víu vào đểthành con của hai người nam nữ được gọi là cha mẹ đó. Như vậy một chúng sanh được hình thành từ tư tưởng lúc ban đầu của vợ chồng, khế hợp với tâm thức của một chúng sanh sắp gá vào sự phối hợp giữa nam và nữ để tạo thành một con người trong tương lai. Theo tánh dục, nếu tâm thức ấy là con gái, nó sẽ nhận cha nó trong tương lai, ngay lúc ấy là chồng của nó. Nếu tâm thức là con trai, nó sẽ nhận người mẹ trong tương lai, ngay lúc gá thai là vợ của nó. Từ đó nó yêu thương ấp ủ, sống chết để chờ ngày sinh ra báo ân hoặc báo oán. Rồi trưởng thành, rồi già chết, rồi tiếp tục đi đầu thai trong luân hồi sanh tử. Riêng các vị Bồ Tát chỉ gá vào thai mẹ để sinh ra đời. Cho nên Bồ Tát đứng bên hông phải của người mẹ, chứ không gá vào tử cung. Do vậy khi sinh ra, Bồ Tát từ hông bên phải của người mẹđể chào đời; chứ không ra khỏi cửa mình của người mẹ như bao đứa trẻ phàm phu khác. Đây là nhân duyên, đây là nghiệp lực, đây là sinh tử luân hồi. Cứ vay trả, trả vay hết đời nầy qua đời nọ; nhưng vì căn bản của chúng sanh là vô minh; nên dễ bị đắm trước bởi tất cả những chấp ngã, chấp ái, chấp thuờng, chấp đoạn ấy. Bậc trí thức sẽ biết rõ mình lối đi về, còn đa phần phàm phu không trí tuệ, cứ để cho nghiệp lực sai sử và dẫn dắt đi đến đâu thì nương vào đó, để rồi mãi mãi vẫn đau khổ, khổ đau mà thôi. Thương và ghét cũng như vậy. Đây là những cặp đối đãi của 8 loại gió nghiệp. Trên thực tướng chúng bị chi phối bởi sự chấp trước của con người. Ví dụ như khi thương thì „trái ấu cũng tròn“ mà ghét nhau thì „trái bồ hòn cũng méo“. Tại sao vậy? Đây chính là do tâm chấp thủ của con người mà ra. Đối tượng để mình thương và được thương, vì nó hợp với nhãn quan qua tia quang phổ chấp vào tướng của mình. Mình cho người đối diện mình là đẹp, trong khi đó những người khác, thì ngược lại. Vì không hợp với tầng số của sóng ái; nên kẻ khác cho là xấu; nên không thương và trở nên xa lánh; nhưng sự thương, yêu ấy chẳng được bao lâu lại sanh ra ghét gỏng, đổ vỡ.Lý do là người nam đã thỏa mãn sự chiếm thủ rồi, bây giờ họ lo đi tìm đối tượng khác. Trong khi đó người nữ, khuynh hướng nương tựa, cậy nhờ không còn tiếp tục nữa; nên người nữ sinh ra thù ghét đối phương và tìm đủ cách để xa lánh. Vậy thì cái thương yêu mới đó nó đã đi đâu rồi? Nó có thật chăng? hay chỉ là một trò huyễn hóa? Điều quan trọng của người học Phật là phải nhận chân ra mặt mũi thật, hư của nó. Giận hờn và oán trách cũng lại như vậy. Tất cả đều do sự chấp trước mà ra. Sở dĩ chúng ta tựgiận mình hay giận người đối diện. Vì lẽ mình không tự làm vừa lòng mình hay người khác không làm thỏa mãn điều mình mong đợi; nên mình sinh ra hờn trách và oán than. Sở dĩ có việc nầy, vì ta lấy cái ta làm chủ thể để so sánh. Nó phải như thế nầy hay như thế kia. Nó phải như thế nầy hoặc như thế nọ. Nhưng tất cả sự hy vọng ấy nó không đến với mình, thế rồi cái ta đó làm chủ, nó khiến cho mình mù quáng, đâm ra hờn trách, giận giỗi đối phương. Đôi khi đối phương chẳng có lỗi nào. Lỗi ấy chính do mình tạo ra mà thôi. Nếu ta biết rằng: hãy đừng hy vọng gì nơi người đối diện thì chẳng có gì để thất vọng cả. Vì ta hy vọng quá nhiều; nên đâm ra thất vọng và từ đó sinh ra giận hờn và oán trách. Nếu chúng ta tự đặt mình ngược lại là đối phương, thì ta không có lý do gì để oán trách cả. Chiến thắng và thất bại cũng nương vào tự ngã; tự ái của con người. Vì chúng ta muốn làm thỏa mãn cái ta của mình và cái ta ấy phải trên cái ta của người khác; nên chúng ta tìm cách để chiến thắng; nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng là gì cả. Ngày xưa vua A Dục được xưng là Vạn Thắng Quân; nghĩa là đánh đâu thắng đó; nhưng cuối cùng rồi cũng thua phép Phật. Bằng chứng là khi ông đi đến Bồ Đề Đạo Tràng, lúc ấy ông vẫn còn tâm ganh tị với Đức Phật và ông thách thức rằng: Nếu Phật có linh thiêng thì những cành lá cây Bồ Đề mà ông ra lệnh đốn hạ đó, phải mọc lại ngay lập tức, cũng như nếu Đức Phật có thần lực thì hãy cho ông chứng nghiệm một sự nhiệm mầu. Khi ông ra lệnh cho quân lính đốt những cành lá của cây Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo thì kỳ lạ thay! Ánh hào quang tỏa ra chung quanh những cành cây bị đốt cháy đó. Ngần ấy việc cũng chưa khiến cho đức vua tin. Tối hôm đó ông nằm mơ, chư Thiên mách bảo rằng: Ngày mai bệ hạ đem sữa bò tươi tưới vào gốc Bồ Đề đã cho chặt hôm qua thì tự nhiên nhành lá sẽ mọc trở lại. Sáng ra nhà vua đích thân làm điều ấy và quả nhiên cây Bồ Đề đã mọc cành, đâm lộc. Từ đó nhà vua đã xin quy y Tam Bảo và trở thành một Phật Tử hỗ trợ đắc lực cho vấn đề truyền bá Phật Pháp tận đến Âu, Phi, mà ngày nay nếu có ai nghiên cứu đến vấn đề truyền thừa nầy đều không thể không thán phục. Do vậy Đức Phật đã từng dạy rằng: Người Nga định nghĩa rằng: „Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì người ta đi tìm“. Điều ấy hẳn không sai; nhưng cái có ấy được bao lâu và nó có bị chi phối bởi vô thường, sanh diệt không? hay nó vẫn mãi có? Cái có ấy chỉ đem so sánh và đối đãi với cái không. Trên thực tế nằm sâu dưới cái có hạnh phúc ấy là sự khổ đau chồng chất. Thế nhưng sựkhổ đau có thật tướng chăng? Xin thưa rằng: cũng không ! Thế nhưng nhiều lúc chúng ta thấy rằng không còn lối thoát nữa; nên nhiều kẻ đã quyên sinh; nhưng họ quên đi rằng: sự khổ đauấy cũng chẳng có thật tướng. Nếu có chăng đi nữa, qua thời gian nó sẽ phôi pha đi và người ta lại tiếp tục đi tìm một loại hạnh phúc khác. Tất cả cũng chỉ để đắp vá những khoảng trống không vô nghĩa của cuộc đời nầy. Chỉ có lòng từ bi, sự hỷ xả trong 4 tâm vô lượng mà Đức Phật đã dạy, mới có thể mang chúng ta ra khỏi tục lụy của chốn Ta Bà nầy. Hãy đứng lên trên tất cả để quán chiếu về pháp duyên khởi. Khi các pháp sanh, mọi pháp đều sanh; khi các pháp diệt, mọi vật đều diệt theo và tự tánh của các pháp nầy là một cái không to tướng. Không nên bám víu vào đó để khổ đau hay hy vọng có hạnh phúc lâu dài. Hãy đứng ra ngoài sự tranh chấp và lấy tâm bi để cứu độ chúng sanh. Có như vậy tâm ta mới ngự trị nơi niềm an vui vĩnh cửu và hãy vui khi thấy chúng sanh hết khổ và hãy xả bỏ tất cả mọi thứ chấp trước để giúp mình và giúp người vượt qua khỏi sông mê, bể ái. Dưới cái nhìn của Đức Phật, chúng sanh không phải chỉ tồn tại trong mỗi một cõi nầy, mà chúng sanh hiện đang có mặt trong vô lượng vô biên thế giới. Mỗi thế giới như vậy có một loại hình khác nhau của chúng sanh và mỗi cảnh giới như vậy chúng sanh ấy tùy theo nghiệp lực mà tâm thức biến hiện. Ví dụ chỉ riêng việc ăn uống và tiêu hóa, các chúng sanh ở cõi nầy không ăn thì đói; khi ăn xong phải lo đại tiện và tiểu tiện. Ngược lại chúng sanh ở cõi Vô Sắc Giới thì không cần ăn uống mà cũng chẳng cần tiểu tiện. Tất cả chỉ do thức biến hiện để được no đủ trong mọi thời gian. Đó là những cảnh giới chưa giải thoát. Còn ở những cảnh giới khác thì sao? Ở cõi Tịnh Độnội cung Đẩu Suất của Bồ Tát Di Lặc đang cư trú trong hiện tại thì chỉ có thiền duyệt thực. Các vịBồ Tát ở cõi nầy chỉ chờ đợi để được bổ xứ đi làm Phật ở những nơi khác. Trong khi đó Tịnh Độở Phương Đông của Đức Phật A Súc thì vẫn còn có sự hiện diện của người nữ. Vì do sự thệnguyện của Đức Phật nầy. Riêng cõi Tịnh độ Phương Tây của Đức Phật A Di Đà, theo lời nguyện thứ 35 của Ngài thì thân nữ biến thành thân nam mới có thể hiện diện nơi cõi Tây Phương Cực Lạc. Mỗi một vị Phật có một đại nguyện khác nhau và hãy nương theo đại nguyện ấy để được thành tựu ý nguyện của mỗi người. Trên bầu trời có bao nhiêu vì tinh tú; thì nơi ấy có một thế giới, như Đức Phật đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm; không phải chỉ trong cõi nầy, mà ở muôn cõi khác cũng như thế. Cho nên đứng vềphương diện thế giới quan của Phật Giáo thì tâm thức của chúng sanh biến hiện vô cùng vô tận, khắp tận hư không giới nầy. Có lúc làm ma vương, có khi làm ngạ quỷ. Có kẻ làm A Tu La; có người làm Tứ Thiên Vương, làm Phạm Vương Đế Thích, làm Ngọc Nữ, chư Thiên, Càn Thát Bà v.v… thật là đầy đủ với thiên hình vạn trạng. Nói về nghiệp thì cũng có thiên hình vạn trạng; nên chúng sanh cũng có nhiều loại khác nhau đểthọ nghiệp nhân hay nghiệp quả. Thế nhưng nghiệp nầy cũng có thể hoán chuyển được; nếu chúng ta biết cách tu tập. Nó cũng giống như sự chấp trước bên trên. Nếu con người biết hoán chuyển thì ta có thể thoát ra khỏi sự chấp trước nầy. Ví như một nắm muối bỏ vào trong một ly nhỏ, ta không thể hòa nước ra để uống được; nhưng nếu cũng nắm muối ấy đem hòa vào trong nước giếng thì ta có thể uống như thường. Vì lẽ muối đã tan đi và nghiệp cũng thế. Nếu ta biết bốthí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ qua lục độ vạn hạnh nầy thì nghiệp ấy sẽtrải mỏng ra, khiến ta có thể nhanh chóng hội nhập vào con đường Bồ Tát hạnh. Nếu chúng ta vẫn luôn luôn chấp chặt, cố thủ thì sự chấp trước ấy khó mà nới lỏng ra để hòa tan cùng những hạnh nguyện khác. Nhanh hay chậm; tốt hay xấu. Tất cả đều do ta; không ai có thể thay thế cho chúng ta trong trường hợp nầy được cả. Tôi nhận thấy nhiều người tu học Phật Pháp lâu năm nhưng vẫn khổ sở, ít an vui. Vì lẽ bị kẹt vào những sự chấp trước bên trên. Nếu khéo biết chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển khổ đau thành an lạc giải thoát thì hay biết mấy. Một ví dụ điển hình ở trái cam thì ta sẽ rõ. Khi cam còn non, ai ăn cũng sẽ bảo rằng chua; nhưng khi trái cam chín; chắc chắn là cam sẽ ngọt. Vậy câu hỏi được đặt ra là chất ngọt ấy từ đâu đến? – Nếu trả lời theo sự phân tích hóa học thì người ta cho rằng: Chất ngọt ấy là do chất chua tự biến thể qua sự xúc tác mà thành và nếu trả lời theo Phật học thì trong chất chua ấy đã hàm chứa có chất ngọt. Điều nầy có nghĩa là „phiền não tức bồ đề“. Bồ đề không ngoài phiền não mà có được. Tu là như vậy đó. Tu là chuyển mê khai ngộ; chứ không phải quy nạp mà ký thác vào đó, mà chính con người phải có ý chí đổi thay nghiệp lực của chính mình. Muốn tâm mình được an ổn thì hãy đừng trụ vào tiếng khen và lời chê, sựthành công hay thất bại. Vì họ khen mình trẻ qua lối xã giao; nhưng trên thực tế mình đâu có trẻ. Nếu mình tự vui theo lời khen ấy. Hóa ra ta đã bị đánh lừa mà không biết. Sự chê bai cũng nhưthế. Người không thích hoa hồng thì họ không thể khen hoa hồng đẹp được. Trong khi đó có không biết bao nhiêu người thích loại hoa nầy. Bản chất của hoa là chỉ mang hương sắc đến đểtô điểm cho đời. Hoa không tội tình gì hết cả. Chỉ có con người vì phân biệt bỉ thử nên mới có sựso sánh ấy; nhưng trên thực tế, hoa không vì lời khen mà đẹp hơn. Đồng thời hoa không phải bịchê mà xấu đi. Từ đó chúng ta suy ra cũng vậy; lời khen và tiếng chê cũng không thật. Hãy đừng trụ vào đó thì tâm ta sẽ thư thả hơn nhiều. Lúc ấy ta sẽ không giận, không hờn, không oán, không than ai hết. Tâm ta sẽ trở nên rỗng rang và tự tại. Tâm tự tại là tâm an định. Có an định, ta mới có thể làm chủ ta được. Nếu tâm không an thì ta đã để cho ngoại cảnh làm chủ tâm ta rồi. Lúcấy đi tìm cái chân tánh sẽ không bao giờ thấy được. Hãy bỏ tất cả ngoài tai nào thị, phi, nhơn, ngã, tốt, xấu, được, mất v.v… Vì tất cả những loại nầy chỉ là những sự đối đãi trong cuộc đời. Ta không vì được nó mà tốt hơn. Ta cũng chẳng phải vì mất nó mà xấu đi. Hãy quán tất cả mọi pháp đều là Phật Pháp. Các pháp đều như như với chơn tánh thường hằng của nó. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng: Tất cả các pháp như là thật tướng của nó. Đó là tánh thường hằng, không bị biến đổi bởi thị, phi, còn, mất v.v… Là người Phật Tử, xuất gia cũng như tại gia hãy quán sát và chiêm nghiệm kỹ điều nầy. Hãy trở về với chính mình bằng sự quán sát của tự thân qua các động thái của đi, đứng, nằm, ngồi, của tư duy, của sự tỉnh thức. Những gì không thể thực hiện được hãy cầu nguyện nơi tha lực. Vì chính khả năng tự lực của mình khó thành tựu nổi. Đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc theo bổn nguyện của mình như trong kinh Vô Lượng Thọ mà Ngài đã phát nguyện, chúng ta chỉ cần nương theo danh hiệu của Ngài đểđược vãng sanh về thế giới đặc biệt nầy. Vì sao gọi thế giới nầy là thế giới đặc biệt? Vì lẽ theo lời nguyện thứ 18 của Ngài trong kinh Vô Lượng Thọ thì Ngài không tiếp độ những chúng sanh phạm vào tội ngũ nghịch (1) và Nhứt xiển đề (2): Kẻ không tin bất cừ điều gì về thế giới của Ngài. Tuy nhiên trong kinh Đại Bát Niết Bàn (3), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khẳng định rằng: „Tất cảcác pháp đều bất định; nên nhứt xiển đề cũng bất định“. Nghĩa là ngày hôm qua nhứt xiển đềkhông tin nhân quả tội phước; nhưng ngày mai và ngày mai nữa nhứt xiển đề sẽ tin. Do vậy pháp nầy được gọi là pháp bất định. Năm trọng tội cũng giống hư vậy. Ngoài ra trong kinh Quán Vô Lượng Thọ phần quán thứ 16, Đức Phật Thích Ca mâu Ni cũng đã dạy cho bà Vi Đề Hy về việc vãng sanh Thai Cung biên địa của hai hạng nầy. Hai điều kiện cần thiết quan trọng để được vãng sanh là cá nhân của những người ấy phải tự biết xấu hổ những việc của mình đã làm trong quá khứ, sám hối tội xưa và điều quan trọng hơn nữa là phải cần những thiện hữu tri thức đi kèm. Nếu thiếu hai điều kiện nầy thì cá nhân những kẻ phạm tội ấy không thể vãng sanh về nghi thành nầy được. Khi về được hạ phẩm hạ sanh rồi, tâm thức của những người phạm tội ấy sẽ ở trong hoa sen trong vòng 12 Tiểu Kiếp (4). Trong thời gian nầy chẳng nghe được các vị Bồ Tát thuyết pháp và dĩ nhiên là chẳng gặp được Thánh Chúng. Chỉ có một điều duy nhất là ở đó từ từ tu tiếp lên cao hơn và không bị đọa lạc vào biển khổ của luân hồi sanh tử nữa. Xem 5 bộ kinh căn bản (5) chúng ta vẫn thấy Đức Phật khuyên chúng xuất gia và tại gia nên ăn chay, giữ giới và thọ bát quan trai 6 ngày trong tháng như ngày mồng 8, 14, rằm, 23, 29 (nếu tháng thiếu), 30 và mồng một.. Ngoài ra Đức Phật cũng đã dạy cho chư Tăng về 6 phép niệm Phật và quán tưởng. Đó là: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới và niệm Thiên. Thật ra tất cả những sự phát triển của Đại Thừa về sau nầy đều do những tư tưởng căn bản của Phật Giáo Nam Truyền mà thành tựu. Rồi từ đó triển khai ra ở những phương diện rộng và cao xa hơn nữa. Vì giáo lý ấy không thể đóng khung trong một thời gian dài 2556 năm như vậy mà không có sự đổi thay được. Các vị Bồ Tát như các Ngài: Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, ThếThân… đã ra đời và đã phát triển tinh thần Đại Thừa về sau nầy dựa theo những kinh điển căn bản của Nam Truyền. Ngài Pháp Nhiên là Thầy của Ngài Thân Loan ở vào thế kỷ thứ 13 tại Nhật. Một vị là Giáo Tổ của Tịnh Độ Tông và một vị là khai sơn của Tịnh Độ Chơn Tông. Vị Thầy thì chủ trương về niệm Phật tự lực; trong khi đó Ngài Thân Loan là đệ tử, chủ trương niệm Phật tha lực. Cả hai đều không sai và đã đúng tùy theo từng thời điểm một cũng như quan niệm của người niệm Phật như thế nào. Niệm Phật tự lực là chính mình niệm Phật và chính mình được giải thoát sanh tử, qua câu Phật hiệu „Nam Mô A Di Đà“. Còn niệm Phật tha lực là cứ niệm Phật và việc vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là một chuyện tự nhiên. Vì đây là do bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà chúng sanh thành tựu việc vãng sanh nầy. Theo Ngài Thân Loan, sự vãng sanh nầy cũng thuộc về „Dị hành đạo“ mà khi Đức Phật A Di Đà lúc còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo đã thệ nguyện dũng mãnh như vậy để cõi giới của Ngài thành tựu trang nghiêm như tâm Ngài đã phát nguyện. Qua ánh sáng Vô Lượng Quang, chiếu soi khắp mười phương vô biên thế giới và qua đời sống thọ mệnh vô lượng của Ngài, chúng sanh trong khắp vô lượng quốc độ được cậy nhờ. Sự giải thoát sanh tử khỏi sự chấp trước và những sự triền phược khổ đau ở thế giới Ta Bà nầy về Tây Phương Cực Lạc được gọi là cảnh giới của „Phàm Thánh đồng cư Tịnh Độ“. Bất cứ là ai, khi niệm Phật và phát nguyện sanh về đó, đều được hóa sanh như nguyện ước qua thuyền từphổ độ mà Ngài sẽ chuyên chở cho chúng sanh về đó, dầu cho những chúng sanh ấy có thếnào đi chăng nữa. Nếu không có tâm nguyện nầy thì các chúng sanh như vậy cũng khó được về. Cũng ví như hạt cát dầu cho nhỏ đến bao nhiêu; nhưng bỏ vào sông vào biển, thì cát kia sẽchìm xuống đáy. Ngược lại tảng đá dầu lớn đến bao nhiêu; nhưng nếu chở trên một chiếc thuyền, thì đá kia sẽ nổi. Chúng ta phải nhớ một điều quan trọng là: Đức Phật A Di Đà không dùng thần lực của Ngài để biến hòn đá kia từ lớn trở thành nhỏ, mà chính bản thân của mỗi người, khi đã được sanh về đó rồi, phải dốc chí tu học, thì đá kia mới nhỏ dần. Từ đó sanh về ởthế giới cao hơn nữa trong chín phẩm hoa sen. Điều quan trọng của Phật Giáo Nam Truyền là người Cư sĩ cũng có thể giải thoát sanh tử qua việc hành thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ; nhưng với vai trò của Cư sĩ, tối đa chỉ chứng đến quảDự Lưu của một trong bốn Thánh quả. Không thể chứng 3 quả vị tiếp theo như: Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán, khi mà ái dục chưa dứt trừ hẳn. Vì A La Hán có nghĩa là vô sanh, vô học hay còn gọi là Sát Tặc. Vị nầy đã dứt hẳn đường sanh tử. Muốn thế, phải xuất gia cầu giải thoát; chứ không thể mang hình thức tại gia được. Những Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, ai đã hoàn toàn giữ gìn phẩm hạnh và thực hành, đầy đủ 37 phẩm trợ đạo sẽ là những bậc ứng cúng nầy. Về phía Đại Thừa cũng vậy, người Cư sĩ tu theo pháp môn nào cũng có thể giải thoát sanh tử, dầu cho đó là Thiền hay Mật hay Tịnh; nhưng Phật quả chỉ dành cho người xuất gia đã đoạn trừái dục và sanh tử; còn người tại gia chỉ co thể chứng đến Bồ Tát, chứ chưa thể thành Phật được. Bồ Tát từ sơ địa đến đệ bát địa vẫn còn những vi tế hoặc chi phối. Chỉ trừ những vị đã chứng được Càng Huệ Địa và Pháp Vân Địa là những vị đã đoạn trừ ái dục và lậu hoặc, mới có khảnăng đi đến địa vị của Phật quả. Trong đời pháp nhược ma cường nầy có nhiều người chứng đạo; nhưng họ lại không nói. Trong khi đó có rất nhiều người nói mà lại chẳng chứng. Do vậy chúng ta nên thận trọng, vì biết đâu có những vị Bồ Tát và những vị A La Hán sống gần mình, mà có khi nào mình nhận ra được đâu. Vì lẽ vô minh và chấp trước làm cho ta không có trí tuệ để quán chiếu những hành trạng của nhiều người giác ngộ đang ở chung quanh mình. Đây là điều đáng tiếc vô cùng. Thật ra thời nào cũng có những người như vậy; chỉ có nhiều hay ít mà thôi. Bốn câu kệ cuối trong kinh Kim Cang đã lột tả hết được mọi cái nhìn, cái nghe, cái thấy, cái hiện tượng và sự giả tướng trên cuộc đời nầy. Đó là: Nhứt thiết hữu vi pháp Như mộng huyễn bào ảnh Như lộ diệc như điện Ưng tác như thị quán Nghĩa: Tất cả pháp hữu vi Như mộng như ảo ảnh Như sương lại như điện Hãy nên quán nhưvậy. Hãy buông bỏ tất cả, dầu cho đó là gì gì đi nữa. Những hình tướng hữu vi như nhà cửa, sự nghiệp, con cái, tài sản, học trò, đệ tử, bằng cấp, địa vị v.v... tất cả rồi cũng sẽ trôi vào dĩ vãng của cuộc đời. Nếu ta không bỏ nó thì nó cũng sẽ tìm cách bỏ ta. Do vậy là người trí hãy nhận chân ra bộ mặt thật của nó để giác ngộ cho chính mình và cho tha nhân bằng hữu. Vì bản chất của cuộc đời nầy thật ra nó cũng giống như sương mai, điện chớp mà thôi. Do vậy Đức Phật vẫn thường hay dạy quán về pháp nhân duyên hay duyên khởi là vậy. Những gì mà ta thành tựu được ngày hôm nay. Tất cả đều do duyên tạo nên; khi duyên không còn nữa, trạng thái uyên nguyên của đất trời, vạn vật sẽ luân lưu lại như cũ. Chỉ có người tỉnh thức mới có thể vượt qua sự khổ đau một cách dễ dàng. Nếu ai bị pháp vô thường, sanh diệt chi phối thì người ấy khó nắm bắt lý duyên sanh của Đạo Phật. Một chặng đường sanh tử của một kiếp nhân sinh nó không phải là 10 năm, 50 năm hay 100 năm, mà nếu không khéo tu cũng như không nhận thức rõ ràng đâu là chấp trước, đâu là giải thoát thì tâm thức của chúng ta phải bị luân hồi xoay chuyển mãi trong nhiều vạn năm như thếchưa ra khỏi sự khổ đau triền phược nầy. Để giúp đỡ cho chính mình và cho những thiện hữu tri thức học Phật và hành theo hạnh Phật, tôi có gắng diễn đạt qua ngôn từ và cách thực hiện làm sao để chuyển đổi sự khổ đau thành ra an lạc, hạnh phúc và thực chứng một niệm vô sanh qua câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà, khi mà trung ấm thân cần thể nhập vào trạng thái của vô lượng quang minh ấy. Xin nguyện cầu cho tất cả chúng ta hãy đừng tự gây khổ đau cho nhau nữa, mà hãy tự cởi trói ra khỏi những sự ràng buộc của sanh tử, chúng ta được thong dong tự tại ở bên ngoài cõi luân hồi nầy. Đó mới chính là mục đích của người tu hướng về con đường giải thoát. Viết xong vào lúc 15 giờ chiều ngày 16 tháng 1 năm 2013 tại Tu Viện Đa Bảo trên vùng núi đồi Blue Mountains thuộc Sydney, Úc Đại Lợi, nhân lần tịnh tu nhập thất thứ 10, cũng là lần cuối cùng tại đây.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |