Chi tiết tin tức

Chuyển hóa nghiệp thức

15:09:00 - 28/06/2016
(PGNĐ) -  Đức Phật dạy khi con người chết, thân xác tứ đại bị tan hoại, nhưng trong ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, phần thức tồn tại, thường quen gọi là linh hồn, tức xác thân mất, nhưng linh hồn còn. Linh hồn có hai phần là chân linh muôn đời bất biến, còn vọng thức, hay nghiệp thức thay đổi theo từng kiếp người.

Nghiệp thức rất quan trọng, vì nó đóng vai trò chủ động cuộc sống kế tiếp của chúng ta sau khi chấm dứt mạng sống này. Mỗi kiếp, con người tích tụ những ý nghĩ, việc làm, lời nói, gọi là huân tập trong A-lại-da-thức. Cái đã huân tập sẽ bám vô vọng thức của con người, kết thành nghiệp tập quán.

chuyennghiep.jpg

Khi sống, người ta quen làm gì, nghĩ gì, nói gì, thì sau khi chết, thần thức chứa nhóm những thứ đó, cảm nhận cái đó và nó dẫn người ta đi thọ sanh. Thí dụ, lúc sanh tiền, làm nhiều việc ác, nghĩ điều ác, nói điều ác, tất cả những ác nghiệp này chất chứa trong A-lại-da-thức. Khi xác thân hữu hình này chết, thì A-lại-da-thức, hay thường gọi là thần thức của người chết vẫn còn tồn tại và nó sẽ chi phối mọi cảm nhận của người chết.

Nếu thần thức nghĩ tưởng đói khát thì linh hồn người chết sẽ cảm thấy bị đói khát, nếu thần thức nghĩ đến khổ đau thì họ bị khổ đau. Thần thức nghĩ tưởng, hay tất cả vọng tâm này đều là ảo giác. Chỉ có chân linh mới là thật và chân linh không bao giờ bị đói khát, khổ sở gì cả.

Vì phải sống với thần thức mê mờ và bị nó chi phối hoàn toàn, nên linh hồn người chết mới cảm nhận bị đói khát, nóng lạnh, khổ đau, oán hận, giận dữ…

Trái lại, người tu không huân tập xấu ác. Với tâm hướng thượng và việc làm thiện, không bị lục dục thất tình chi phối, nên tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng. Tâm thuần thiện thường nghĩ đến Thánh Hiền, Tiên, Phật sẽ dẫn thần thức người tu đi về thế giới Phật hay cõi Trời.

Nếu người đã tạo ác nghiệp, bị tù đày, khổ sở cho đến chết trong ngục, thì khi chết, ác nghiệp vẫn còn trong thức, họ vẫn cảm nhận sự đau đớn, tù tội hành hạ. Nghiệp thức đau khổ, thù hận sẽ dẫn họ đi đầu thai. Hoặc khi sống, người ăn chơi trác táng, thì chết, tâm tưởng của họ sẽ bị cảnh xấu xa, trụy lạc thu hút đến. Không có nghiệp xấu đó, chắc chắn cảnh này không hấp dẫn chúng ta được. Điều này dễ hiểu, vì bình thường lúc còn sống đã không ưa thích, không tham dự, tức không có trong tâm, trong cuộc sống ta, thì làm gì có chuyện khi chết, thần thức đi theo nó.

 Như vậy, thọ sanh cảnh giới nào là tùy ở nghiệp thức đưa đường, dẫn lối. Trên nền tảng nghiệp dẫn đi thọ sanh, người tạo nghiệp ác phải tái sanh làm thú vật, nhưng nó khôn hơn các con khác, vì tánh người vẫn còn. Điều này được Đức Phật cụ thể hóa qua câu chuyện ông nhà giàu chôn hũ vàng, chưa chỉ cho người con biết chỗ cất giấu. Lúc chết, thần thức của ông ta cứ mãi vấn vương việc giấu của và sợ mất của, nên nghiệp giữ của quá mạnh, kéo ông thọ sanh vào làm con chó trong gia đình của người con. Nó cứ nằm canh giữ ngay chỗ chôn hũ vàng. Một hôm, Đức Phật đến hóa duyên, nó sợ lấy mất hũ vàng, cứ sủa hoài. Đức Phật biết được tiền nghiệp của con chó, Ngài thuyết pháp, tác động cho nó nhớ lại đời trước và thức tỉnh, xả bỏ nghiệp thức tham đắm, mà phải sanh làm chó giữ của. Nhờ nghe Phật, nó giải được túc nghiệp bằng cách nhịn ăn, rồi chết.

Đối với hàng phàm phu, còn bị lục dục thất tình chi phối mạnh, khi bỏ xác thân, nghiệp dẫn thần thức của họ đi thọ sanh, không thể cưỡng lại được.

Nhưng, đối với người tu đắc đạo, không có nghiệp, nên không bị nghiệp lôi kéo thức. Họ hoàn toàn chủ động thần thức, hướng dẫn ý thức đi thọ sanh cảnh giới nào tùy theo nguyện của họ. Điều này đã được kiểm chứng gần đây, qua một số trường hợp tái sanh của các vị Lạt-ma Tây Tạng. Khi viên tịch, chỗ tái sanh được họ sắp xếp, chuẩn bị trước theo ý nguyện và báo cho các người đồng tu biết. Tùy theo hạnh nguyện tái sanh ở đâu, họ dồn thần lực tạo mầm sống đến nơi đó.

Theo Phật giáo, chúng ta thường tụng kinh, niệm Phật cho người thân hấp hối, nhằm mục đích nhờ thần lực của các vị, trên là Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng, kế là hiện tiền các bậc chân tu, đức hạnh để trợ lực cho thần thức của người hấp hối hướng tâm về cõi Phật. Thí dụ cho dễ hiểu, như chúng ta không làm việc gì, hoặc còn do dự, nhưng có người thương ta, muốn giúp đỡ, thì họ là động cơ thúc đẩy ta bắt tay vào việc. Cũng vậy, tất cả tâm thanh tịnh, trí sáng suốt và việc làm thánh thiện của nhiều vị đạo cao, đức trọng kết hợp cùng thần lực của chư vị Thánh Hiền ở thế giới vô hình, tạo thành năng lượng từ bi, giải thoát có sức mạnh thúc đẩy thần thức của người hấp hối đi đến thế giới tốt đẹp hơn, tức chuyển hóa được nghiệp thức của họ. Nhưng nếu người sống than khóc quá, thì hương hồn bị tình cảm nặng nề níu kéo lại, khó lòng đi được.

Đức Phật dạy, khi thần thức sắp rời khỏi xác, bị cận tử nghiệp chi phối, lúc ấy cái nào mạnh nhất, cái đó kéo họ đi, giống như mắc nợ nhiều người, người nào có thế lực nhất sẽ nắm được họ trước. Nghiệp ác nhiều và mạnh, còn thiện nghiệp ít và yếu, tất nhiên rất khó đi lên cõi tốt đẹp, mà lại dễ dàng rớt xuống chốn ác xấu. Trong vòng lục đạo luân hồi, con người bị sức hút của nghiệp cực mạnh, vì đã quen sống với nó nhiều đời nhiều kiếp.

Muốn thoát ra ngoài lực bao vây, siết chặt của luân hồi không đơn giản. Người chết phải dốc toàn lực của thần thức hướng về thế giới thánh thiện của Phật, tất nhiên đó là điều khó khăn vô cùng.

Thật vậy, khi còn sống, tâm họ ít khi nghĩ đến thế giới Phật (hay không nghĩ đến) thì lúc hấp hối, họ làm thế nào có thể nghĩ đến Phật; vì lúc đó, thân xác họ bị đau đớn hành hạ, thần thức khó có thể nghĩ tưởng đến điều tốt, nói chi nhớ đến Phật và nhất là nghiệp thức lúc lâm chung tự động nổi lên mãnh liệt, tạo thành sức mạnh cuồng phong cuốn hút họ trôi lăn vào cảnh giới nào, tùy thuộc ở nghiệp quả.

Chính vì vậy, người hấp hối cần nhờ đến sự trợ lực của các vị chân tu, để đưa hồn vượt qua khỏi cảnh xấu ác do nghiệp thức tác động để bay bổng đến thế giới thánh thiện. Có thể hình dung như sức đẩy mạnh tối đa của hỏa tiễn mới có thể phóng phi thuyền rời khỏi mặt đất, lao đến tận mặt trăng. Hỏa tiễn đẩy không nổi, nổ cháy thì phi thuyền cũng rớt xuống, banh xác.

Đối trước người thân hấp hối, chúng ta thỉnh chư Tăng tụng kinh, niệm Phật để cầu nguyện cho thần thức của họ nương theo pháp lực, đạo lực của chư Tăng đã thâm nhập thế giới thanh tịnh, giải thoát mà rời bỏ được thế giới ảo giác của nghiệp lực và được siêu thăng vào cảnh giới an lành, tốt đẹp.

Thiết nghĩ, tụng kinh, niệm Phật, cầu nguyện cho người thân trở về thế giới chân thật vĩnh hằng cũng có nghĩa là chúng ta chuẩn bị con đường trở về cõi vĩnh hằng của chính mình vậy.

Và không có cách nào tốt hơn là Tăng Ni, Phật tử cần nỗ lực tu hành, dứt trừ các nghiệp ác, tu tạo cội đức. Việc thiện chưa làm, tinh tấn làm, công đức đã tạo, phát triển hơn nữa. Ngày nào đầy đủ hạnh Bồ-tát, ra vào sanh tử tự tại, tùy hạnh nguyện ứng hiện khắp đó đây, mang tình thương và sự hiểu biết thánh thiện cho người. Đó là lý tưởng của hàng đệ tử Phật hằng ấp ủ, cần thể hiện cho được trong dòng sinh mệnh tương tục của lộ trình Bồ-tát đạo. Thành tựu được như vậy, chắc chắn chúng ta báo đáp được bốn trọng ân theo Phật dạy.

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin