Chi tiết tin tức Trì kinh 15:39:00 - 12/04/2016
(PGNĐ) - Ai có thể ở trong cõi Ta-bà này rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa nay chính phải lúc. Như Lai không bao lâu sẽ vào Niết-bàn, Phật muốn đem kinh Pháp Hoa này phó chúc cho các người”. Cuối phẩm“Hiện bảo tháp”, Phật tiếng lớn khắp bảo mọi người như thế.
Trước đó, Phật đã nêu một “nhu cầu” khẩn thiết, đó là cần những pháp sư chân chính, với lòng từ bi rộng lớn, có đức nhu hòa, nhẫn nhục, với trí huệ rốt ráo, để có thể trở thành sứ giả của Như Lai, thay Phật đưa Pháp Hoa vào đời, một khi Phật đã vào Niết-bàn, nhằm giúp chúng sanh thoát khổ đau ách nạn. Phật biết cõi ta-bà, thời mạt pháp, “chúng sanh căn lành thì ít, tăng thượng mạn tham lợi dưỡng thì nhiều, xa lìa đạo giải thoát…” sẽ không dễ dàng cho kẻ làm pháp sư, sẽ không nhiều kẻ sẵn sàng tiếp nhận sự“phó chúc” này của Phật nên đã “hiện bảo tháp” cho thật thấy rõ hết “bổn mạt cứu cánh như thị”, thấy rõ ngàn xưa ngàn sau vô thủy vô chung bất sanh bất diệt qua hình tượng Đa Bảo Như Lai và Phật Thích-ca cùng nắm tay ngồi trong tháp báu chuyện trò thân mật mà vững tâm làm “pháp sư” ở cõi Ta-bà. Thế nhưng năm trăm vị A-la-hán vừa được thọ ký, tám nghìn bậc học và vô học, cùng các vị Tỳ-kheo-ni, có vị là thân bằng quyến thuộc của Phật cũng đều xin… qua xứ khác làm pháp sư chớ chẳng dám làm pháp sư ở cõi ta-bà đầy ác trược này! “Thế Tôn! Chúng con cũng thệ nguyện ở nơi cõi khác rộng nói kinh này”. Cho nên “Trì” kinh Pháp Hoa được ở cõi Ta-bà là khó, rất khó. “Bao nhiêu kinh điển nhiều như hằng sa, nói hết, không khó. Ném núi Diệu Cao từ nơi này sang nơi khác: không khó. Dùng ngón chân làm động nước Đại thiên, dời qua chỗ khác: không khó. Đứng trên hữu-đảnh, nói vô lượng kinh khác để dạy người: không khó; dùng tay nắm hư không đi dạo khắp nơi, không khó; đem cả cõi đất để trên móng chân bay đến Phạm thiên: không khó. Gánh cỏ khô vào lửa không bị cháy: không khó; trì các tạng pháp, đủ mười hai bộ kinh, diễn nói giúp người đạt sáu thần thông không khó…”. Vậy thì cái gì mới là khó? – “Sau khi ta diệt độ, ai có thể hộ trì, đọc nói kinh pháp này… thì cái đó mới thật là khó!”, Phật bảo. Cho nên cũng đừng vội trách các đệ tử Phật bấy giờ tìm cách thoái thác. “Trì” là gìn giữ, nhưng không phải gìn giữ bằng cách đóng bìa da, mạ vàng, cất kỹ trong tủ kính mà ở đây là Thọ trì, Hộ trì, nghĩa là đọc tụng, giải nói, nghĩ nhớ, đúng như pháp mà tu hành, nói khác đi là đưa Pháp Hoa vào đời sống. “Thọ trì”, nên phải có “thọ”. Có thọ thì mới trì hiệu quả, miên mật. Trì khơi khơi không ăn thua. Thọ là cảm xúc, là “rung động sáu cách”. Nói khác đi, phải có cảm xúc, có tin tưởng, thì “trì” mới có hiệu quả. Trước khi “phó chúc” Pháp Hoa cho mọi người, Phật đã phải “khai thị” bằng cách mở toang cánh cửa bảo tháp ra, nghĩa là chịu khui ra cái điều bấy nay vẫn giữ kín, đó là cái tạng Như Lai, cái bào thai Như Lai, cái kho tàng bí mật của Như Lai nay đã đến lúc bày ra cho mọi người thấy cái “tri kiến” Phật, biết cái Như Lai thọ lượng vô thủy vô chung. Nó vậy đó. Muốn không muốn nó vẫn vậy đó. Chịu không chịu nó vẫn vậy đó. Nó như thị. Bổn mạt cứu cánh nó như thị. Chẳng đến từ đâu chẳng đi về đâu! Không có thời gian không có không gian. Nó vĩnh hằng tồn tại… Và luôn cứ gặp nhau thì cười cười nói nói tay bắt mặt mừng như Đức Thích-ca và Đa Bảo Như Lai trong tháp báu buổi hôm nay. Vậy thì còn gì để sợ, có gì để lo? Nhưng vấn đề là thấy biết rồi đó, nhưng “ngộ nhập” ra sao đây, làm sao cho người ta chịu tin? Làm sao truyền lại được cái thấy biết này cho muôn đời sau đây để giúp con người thoát khỏi mọi khổ đau ách nạn, nhất là thời mạt pháp, khi “chúng sanh căn lành thì ít, tăng thượng mạn tham lợi dưỡng thì nhiều, xa lìa đạo giải thoát…”. Cho nên Phật lo. Lo chứ. Lo nhiều hơn nữa là khác. Đọc kinh Pháp Hoa thấy thương Phật! Đôi khi Phật đã phải nói đi nói lại hai ba lần, rằng chẳng bao giờ nói dối, đôi khi than thở chỉ có Phật mới hiểu Phật mà thôi! Bây giờ Phật còn sống sờ sờ đó, là bậc Thế tôn, Thiên nhân sư, Thiện thệ… vậy mà người ta còn chưa tin, thậm chí một số người còn bỏ đi, huống chi khi đã nhập Niết-bàn, đã diệt độ. Thấy mọi người tìm cách thoái thác, Phật giữ yên lặng, chờ đợi, chẳng nói chẳng rằng. Trong tình thế có vẻ khá “căng thẳng” như vậy, Dược Vương và Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát đồng thanh nói: “Cúi xin Đức Thế Tôn chớ lo, sau khi Phật diệt độ chúng con sẽ phụng trì đọc tụng, nói kinh điển này!”. Dược Vương, ông “vua thuốc” không phải ai xa lạ. Đó là vị Bồ-tát dám“không tiếc thân mạng”, dám“bố thí thân mạng”, tự đốt cháy mình lên, đốt toàn thân rồi đốt cả hai tay âm ỉ hàng chục ngàn năm để sau cùng trở thành vị Bồ-tát ai thấy cũng vui (nhất thiết chúng sanh hỷ kiến), có khả năng biến mình thành bất cứ một đối tượng nào cần tiếp cận (hiện nhất thiết chúng sanh) và nhất là có khả năng thấu hiểu bất cứ ngôn ngữ nào… (giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn)… Đây chính là kết quả của sự tu tập thiền định một cách tinh tấn và nhẫn nhục, mang lại kết quả là đã chuyển hóa mình thành một con người có những đức tính chân thành và thấu cảm nên hòa nhập được với mọi người bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, không khó. Ở trong thiền định, Dược Vương mới sống cùng Như Lai, thấy biết Như Lai, gặp được Như Lai Đa Bảo của chính mình nên đã có niềm tin rất vững chắc. Tâm có thông thì thuyết mới thông là vậy. Còn Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát vốn là người có khả năng “giảng nói”, ưa thích (nhạo) công việc này, sẵn sàng mang “Pháp Hoa” ra giữa dòng đời để trao truyền cho mọi người. Đại Nhạo Thuyết chắc chắn có kỹ năng truyền thông “đa phương tiện” rất tốt, biết thuyết phục, giảng nói theo phương pháp giáo dục chủ động, dựa trên đối tượng đích, khiến người nghe không chỉ có kiến thức mà còn thay đổi hành vi, lối sống. Hai vị Đại Bồ-tát phải phối hợp nhau. Một người nội lực thâm hậu bên trong, nhiều điều biết mà“nói không được”, một người có khả năng đọc tụng, biên chép, giải thích, có kỹ năng truyền thông tuyệt vời bên ngoài, phối hợp lại thì lo gì không giúp được mọi người“đúng như pháp mà tu hành”. Trì cần có cả hai vị Đại Bồ-tát đó xuất hiện nên hai vị “đều ở trước Phật” nói lời thệ rằng: “Thế Tôn! Sau khi Như Lai diệt độ, chúng con đi giáp vòng qua lại khắp mười phương thế giới, hay khiến chúng sanh biên chép, thọ trì, đọc tụng, giải nói, nghĩ nhớ chơn chánh, đúng như pháp mà tu hành”. Thực ra chẳng nên bi quan thời mạt pháp! Biết đâu thời mạt pháp này nhờ có internet mà kinh Phật được phổ biến rộng rãi hơn xưa gấp triệu lần, nhờ sống trong đời “ác trược” mà người ta “thiện” nhiều hơn, nhờ “Khổ tập” mà người ta tìm đến “Diệt đạo”! Mặt khác, chẳng phải nhờ khoa học tiến bộ mà người ta thấy rõ duyên sinh, duyên khởi, thấy những hạt nhỏ hạ nguyên tử nối kết mà thành vật chất để có hằng hà sa vũ trụ này. Thấy để giật mình. Thấy để làm quen. Và dĩ nhiên không dừng ở đó, bởi rồi đây sẽ đến lúc nhận ra “bổn lai vô nhất vật”, “thực tướng vô tướng” vậy! ■
ĐỖ HỒNG NGỌC
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |