Chi tiết tin tức

Duyên khởi

14:46:00 - 28/06/2015
(PGNĐ) -  Pháp do Duyên sinh có mặt thì cũng từ Duyên sinh mà chấm dứt. Vì hễ cái gì do duyên sinh thì vô ngã.

Duyên khởi là gì?

Đức Thế Tôn dạy: “Ai thấy được Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy được Pháp là thấy Ta (Phật)”.

Trước đây, khi nghe nói đạo Phật chủ trương mọi thứ đều vô thường vô ngã, tôi và nhiều người lấy làm thắc mắc. Vô thường thì còn có lý vì thứ gì cũng không ngừng thay đổi. Con người nay gầy mai mập, nay trẻ mai già đi nhưng dù trẻ hay già đều là người đó, sao nói vô ngã?

Trong kinh Tương ưng bộ II có thuật câu chuyện, khi nghe Thế Tôn giảng dạy về Duyên khởi, Tôn giả Moliya  Phagguna  hỏi: “Bạch Thế Tôn, như vậy ai cảm xúc? Ai thọ? Ai khát ái? Ai chấp thủ? Thế Tôn dạy: Như Lai chỉ dạy là xúc, thọ, ái, thủ,… chớ không dạy người nào xúc, thọ, ái, thủ… nên các câu hỏi đó không phù hợp với định lý Duyên khởi. Câu hỏi phù hợp với Duyên khởi phải là: Do duyên gì mà xúc sinh, thọ sanh, ái sanh, thủ sanh…?”. Một hôm Kassapa, một ngoại đạo lõa thể và Timbakura, một du sĩ ngoại đạo hỏi Đức Thế Tôn: “Có phải khổ do mình làm ra? Do người khác làm ra? Hay do mình và người khác làm ra? Hoặc khổ do tự nhiên sinh?

Thế Tôn dạy: Khổ do Duyên sinh”(do xúc sinh, và 11 chi phần còn lại cũng thế do duyên mà khởi sinh). Tôi lại càng thấy lùng bùng hơn, và vô ngã cứ thế theo tôi mãi trăn trở cho đến khi học sâu Phật pháp tôi mới hiểu: Thì ra tất cả mọi thứ đều do Duyên sinh, Duyên khởi. Mà đã do duyên sinh khởi thì làm gì có tự tánh, tự thể vì thế không vô ngã mới là điều vô lý! Nhưng vô ngã không phải là không có, mà do duyên giả hợp, tập hợp bởi nhiều yếu tố mà có hình này dạng nọ, tạo ra sum la vạn tượng!

Duyên khởi được định nghĩa: “Do vô minh có hành sinh; Do hành có thức sinh; Do thức có danh sắc sinh; Do danh sắc có lục nhập sinh; Do lục nhập có xúc sinh; Do xúc có thọ sinh; Do thọ có ái sinh; Do ái có thủ sinh; Do thủ có hữu sinh; Do hữu có sinh sinh; Do sinh có lão tử sầu bi khổ ưu não sinh hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi hay Duyên sinh” (Kinh Tương ưng bộ II).           

Đây là 12 chi phần nhân duyên của Duyên khởi (12 nhân duyên) chi phối toàn bộ sinh khởi và hoại diệt của các pháp được Đức Thế Tôn xác nhận: “Pháp Duyên khởi ấy dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tính ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị”. Đức Phật dạy “Tất cả các pháp đều vô ngã, hết thảy các hành đều vô thường… muôn vật sinh diệt đều do nhân và duyên”.                           

Một hạt lúa (nhân) sẽ sinh ra cây lúa (quả) đó là nói tắt, thật ra để hạt lúa trở thành cây lúa (từ nhân đến quả) phải hội đủ nhiều yếu tố (duyên) như đất, nước, không khí, ánh sáng… con người. Và mỗi yếu tố, lại do bao nhiêu yếu tố khác tạo nên. Thiếu đi một yếu tố hạt lúa không thể thành cây lúa. Cả một lô yếu tố (duyên) hội tụ sinh ra một pháp. Ngôi nhà là tổng hợp của gạch, vôi, cát, gỗ, sắt, nhân công… Mỗi viên gạch, gỗ, sắt... cũng không thể tự mình có mà là tổng hợp nhiều yếu tố (duyên) đất, nước, lửa… người thợ tạo nên. Và con người lại là hợp duyên của tứ đại (đất, nước, gió, lửa) và tâm thức. Nói chung một sự vật, hiện tượng do không biết bao nhiêu duyên (yếu tố) tương quan tương tác tạo nên. Do đó làm gì có “tự thể” gạch, “tự thể” nhà, “tự thể” người...! Các pháp lớn nhỏ đều nương vào nhau để hình thành. Đủ duyên thì sinh, thiếu duyên thì diệt. Do đó không một pháp nào là nguyên nhân đầu tiên độc nhất quyết định sự hình thành vạn hữu.  

Duyên khởi tháo tung bức màn bí mật vũ trụ

62 học thuyết của các giáo phái Ấn Độ thời Đức Phật đều dạy con người chấp ngã và ngã sở. Họ sáng tạo ra đấng tối cao, đấng tạo hóa… để tôn sùng và nương tựa. Do đó khi phát hiện và tuyên bố Duyên khởi: “Mọi sự vật lớn nhỏ từ các hành tinh trong vũ trụ đến mảy mún hạt bụi, hạt cát đều do nhân duyên hòa hợp…”, Đức Phật khẳng định pháp giới vô ngã, vô tự tánh đã mở ra cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại làm kinh thiên động địa, gây sửng sốt cả thế giới thời bấy giờ. Giáo lý Duyên khởi khẳng quyết từ căn thân cho đến thế giới đều không thật có mà do Duyên sinh Duyên khởi nên không có ngã, vô tự tánh thì còn tìm đâu ra một nguyên nhân đầu tiên. Không ai sáng tạo cả mà muôn pháp do Duyên sinh, Duyên khởi đã làm sụp đổ quan điểm về một đấng sáng thế tạo vật!

Trong kinh Phật tự thuyết (Tiểu bộ I), Thế Tôn trình bày Duyên khởi một cách tóm tắt:  “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt”.

Cho đến thế kỷ XX, nhiều thành tựu của vật lý học, thiên văn học với các thuyết Nguyên tử, Big-bang rồi Tương đối, Cơ học lượng tử đến Hỗn hợp học… những nỗ lực của các nhà bác học đã từng bước đưa khoa học tiến gần uyên nguyên vũ trụ. Tuy nhiên cho đến nay mục tiêu ấy vẫn còn xa, bởi cái nhìn nhị nguyên chủ thể - khách thể.... khoa học chưa tiếp cận thực tại như nó vốn là. Trong khi hơn 2.600 năm trước Đức Phật với trực quán thiền định đã đi thẳng vào thực tại; xóa bỏ ranh giới chủ thể và khách thể.

Với quan điểm Trung đạo Duyên khởi thì chủ thể và đối tượng là một. Và “Pháp nhĩ như thị”(Pháp vốn như thế); “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” (Một là tất cả, tất cả là một - Kinh Hoa nghiêm). Duyên sinh, Duyên khởi là lời giải đáp minh bạch, hùng hồn đầy thuyết phục đáp ứng câu hỏi nhân loại bao lâu trăn trở!

Do vậy, Einstein, nhà bác học lỗi lạc thế kỷ XX đã nhận định: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để  theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. 

Duyên khởi mở ra cánh cửa giải thoát khổ đau

Không biết tự bao giờ, con người chấp chặt vào “cái ta và cái của ta” như định kiến thâm căn cố đế... để rồi sinh ra khổ đau. Phải chăng ngay từ khi lọt lòng mẹ đứa bé đã được mẹ, người thân và người xung quanh nâng niu trân quý gọi là con của cha mẹ, là cháu ngoan giỏi của ông bà. Kết hợp với chủng tử (gène) đã huân tập và ngủ sâu từ vô lượng kiếp trước được thức dậy mà từ đó hình thành cái ngã. Và đứa trẻ nào cũng được dạy “vật này là của con… phải nắm giữ”. Ai đụng tới là không được, nó giãy nãy khóc lóc, bảo vệ cho bằng được!

Rồi lớn lên, dưới áp lực của các tôn giáo, chủ thuyết khiến con người chấp vào Thượng đế, thánh thần, chủ thuyết của ta… gây bao hệ lụy: phân chia đẳng cấp, phân biệt chủng tộc, màu da sắc tộc… dẫn đến chiến tranh tàn sát để tranh giành, bành trướng tôn giáo, chủ thuyết. Lịch sử nhân loại chưa hết bàng hoàng trước những cuộc thánh chiến và chiến tranh khủng bố đẫm máu giữa các giáo phái đã gieo rắc khổ đau kinh hoàng cho con người và muôn loài. Bởi vô minh chúng sanh không nhận ra Duyên khởi nên sinh phân biệt ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và mãi triền miên trong lục đạo luân hồi sinh tử.

Pháp do Duyên sinh có mặt thì cũng từ Duyên sinh mà chấm dứt. Vì hễ cái gì do duyên sinh thì hữu vi, vô thường, đoạn diệt, biến hoại, không thật tức vô ngã. Duyên khởi với 12 chi phần quyết định hình thành và tàn hoại của vạn hữu. Và mỗi chi phần là sự có mặt của 11 chi phần kia. Do đó đoạn diệt hoàn toàn một chi phần cũng có nghĩa là đoạn diệt cả 12 chi phần nhân duyên. Vô minh, hành, thức, v.v… không thể có mặt một mình. Vậy nên khi ái diệt, hoặc thủ diệt, hoặc thức diệt... thì vô minh phải hoàn toàn diệt. Và Thế Tôn dạy: “Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn thì hành diệt, do hành diệt nên thức diệt; v.v… lão tử, sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn diệt. Này các Tỳ-kheo, như vậy là đoạn diệt”(Kinh Tương ưng bộ II).

Hết vô minh thì thấy pháp vô ngã, hành vô thường. Không còn chấp ngã, chấp pháp tức chứng đạt Chánh đẳng giác, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi.        

Duyên khởi là nền tảng xuyên suốt mọi giáo lý cơ bản của đạo Phật. Duyên khởi mà Đức Thế Tôn khám phá và tuyên thuyết đã mở ra cánh cửa thực tại. Trên cơ sở đó đập tan luận điểm về một đấng sáng thế, cứu thế và trả con người về với vai trò làm chủ vận mệnh của mình đồng thời khai mở cho chúng sanh con đường giải thoát sinh tử luân hồi, đưa con người và muôn loài đến bến bờ an vui hạnh phúc.

Võ Văn Lân

_____________

Tham khảo:

- Phật học khái luận - Thích Chơn Thiện

- Phật học phổ thông, q.1 - Thích Thiện Hoa                        

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin