Chi tiết tin tức

Giữ giới có ý nghĩa gì?

06:10:00 - 30/11/2021
(PGNĐ) -  Có thể, một người tu không thành tựu viên mãn Giới-Định-Tuệ trong hiện đời nhưng chí ít cũng được an vui. An vui chính là nền tảng của Giới-Định.

Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan từ chỗ độc cư tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, giữ giới có ý nghĩa gì? 

Đức Thế Tôn đáp:

- Này A-nan, giữ giới có ý nghĩa là khiến cho không hối hận. Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận.

- Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có ý nghĩa gì?

- Này A-nan, không hối hận thì có ý nghĩa khiến cho được hân hoan. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan.

- Bạch Thế Tôn, hân hoan có ý nghĩa gì?

- Này A-nan, hân hoan có ý nghĩa là khiến cho có hỷ. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ.

- Bạch Thế Tôn, hỷ có ý nghĩa gì?

- Này A-nan, hỷ có ý nghĩa là khiến cho tĩnh chỉ. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có tĩnh chỉ của thân.

- Bạch Thế Tôn, tĩnh chỉ có ý nghĩa gì?

- Này A-nan, tĩnh chỉ có ý nghĩa là khiến cho lạc. A-nan, nếu ai tĩnh chỉ người ấy có cảm thọ lạc.

- Bạch Thế Tôn, lạc có ý nghĩa gì?

- Này A-nan, lạc có nghĩa khiến cho có định. A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định”. …

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Hà nghĩa, số 42 [trích])

Pháp thoại này, Tôn giả A-nan thưa hỏi Thế Tôn rằng “giữ giới có ý nghĩa gì?”. Theo chú giải, câu hỏi chính xác là: Giữ giới có ý nghĩa gì, có mục đích gì, có ích lợi gì? Đức Phật đã trả lời rất dễ hiểu, giữ giới để không hối hận. Giới ở đây có nghĩa là cấm ngăn, giúp mình đứng bên lề điều xấu ác, nhờ vậy mà tránh được ăn năn, hối tiếc về sau.

Không hối hận thì tâm được hân hoan. Vui thích, đẹp lòng, lâng lâng, phơi phới là hân hoan. Còn nếu cứ đau đáu với những niềm riêng, day dứt với lỗi lầm quá khứ thì không thể an vui được. Nhờ hân hoan mà hỷ phát sinh. Hân hoan và hỷ cũng đều là vui nhưng hân hoan là vui tươi rộn ràng, còn vui của hỷ có chiều sâu và lắng đọng hơn. 

Nhờ có hỷ, an vui nên thân được tĩnh chỉ. Tĩnh là vắng lặng, chỉ là dừng nghỉ, tĩnh chỉ là sự buông thư, thân an trú nhờ sự dừng nghỉ, thư giãn và xả buông. Khi đã xả ly các dục, không bám đuổi theo các đối tượng ưa thích để chiếm hữu nữa thì được vui, cái vui nhẹ nhàng của sự buông bỏ, nhờ vậy mà thân được an trú, tâm được lắng đọng. 

Tĩnh chỉ được thiết lập và an trú vững chắc thì lạc phát sinh. Lạc cũng là vui nhưng sâu lắng hơn hỷ nhờ tâm an tĩnh. Hỷ lạc tiếp tục nuôi dưỡng thân tâm để giúp hành giả tiến sâu vào định. Định ở đây chính là sự nhất tâm nhờ đoạn trừ năm triền cái, tiến đến chứng đắc Tứ thiền, chánh định của Bát Thánh đạo. Từ nền tảng định này, hành giả tiếp tục phát huy thiền quán đoạn trừ các kiết sử để thành tựu giải thoát.

Ngay đây lộ trình Giới-Định (của Giới-Định-Tuệ) đã hiển bày. Dù kết quả sau cùng đưa đến giải thoát là Tuệ nhưng Giới-Định có vai trò nền móng rất quan trọng. Điểm cần lưu ý là chất keo để kết dính cho Giới-Định chính là hân hoan, hỷ, tĩnh chỉ, lạc, nói tóm là an và vui. An vui là dấu hiệu của tu đúng và tu tiến. 

Có thể, một người tu không thành tựu viên mãn Giới-Định-Tuệ trong hiện đời nhưng chí ít cũng được an vui. An vui chính là nền tảng của Giới-Định. Sự nghiêm cẩn trong oai nghi và ứng xử (giữ giới), sự im lặng thiên về hướng nội (thiền định) thoạt nhìn có vẻ khắc kỷ, khổ hạnh nhưng đó chỉ là bên ngoài, tận trong sâu thẳm của bên trong nội tại là sự an vui, hỷ lạc.

 

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin