Chi tiết tin tức Milinda Vấn Kinh: Những cuộc hội thoại thâm thúy giữa hoàng đế và cao tăng thông thái 21:40:00 - 28/07/2019
(PGNĐ) - Một người có quyền lực song lại thích tranh luận bình đẳng, một người học thức uyên thâm không ngại những câu hỏi hóc búa, chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn cho Milinda Vấn Kinh.
Nhiều người cho rằng đạo Phật chỉ mới được truyền sang Tây phương gần đây mà thôi, nhưng thực ra, nhiều thế kỷ trước Công nguyên, Phật giáo đã thấm nhuần vùng Tiểu Á và Tây Bắc Ấn, rồi ảnh hưởng trên cả nền triết học Hy-lạp và giáo lý của vài tôn giáo lớn có nguồn gốc Tây phương. Phật tử Việt nam vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm giáo pháp truyền từ Trung quốc nên ít biết đến sự giao hòa của 2 nền văn hóa Hy-lạp và Phật giáo khởi đầu rất sớm ở vùng đất này. Vua Milinda, trị vì trong khoảng từ năm 160 - 135 TCN, là vị vua vĩ đại trong những vua Hy-Ấn, đã cai trị một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Ấn, được gọi là vương quốc Bactria thụôc bán lục địa Ấn, ngày nay là một vùng đất kéo dài từ Pakistan đến Afghanistan. Ông được thần dân ngưỡng mộ vì tư cách đạo đức, có tài điều binh khiển tướng, cách trị quốc công minh, lối đối xử bình đẳng với các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Ông còn được mọi người kính trọng vì có những hiểu biết thâm sâu với các tư tưởng độc đáo của nhiều đạo phái. Ông thường có những cuộc thảo luận về triết học, thần học, đạo đức và tâm lý học, mà những cuộc trò chuyện với vị cao tăng thông thái Nagasena (sống vào khoảng năm 150 TCN) là một ví dụ. Sau khi gặp gỡ, quen biết và ngưỡng mộ sự thông thái và hiểu biết của cao tăng này, vua Milinda đã bái phục và xin quy y theo cửa Phật. Ông đã cho xây một tăng viện lớn cho Nagasena tại kinh đô Sagala và rất nhiệt tình hỗ trợ cho Phật giáo. Những cuộc đối đáp thú vị giữa vua Milinda và cao tăng Nagasena được ghi lại trong bộ Milinda Vấn Kinh (Milinda Panha) nổi tiếng, mà các câu chuyện được trích dẫn dưới đây đều nằm trong số đó. Nó là những cách nhìn hài hước mà thâm sâu về triết học, Phật giáo. Đồng thời, nó cũng cho ta cách nhìn mới mẻ, ấn tượng về thế giới, về cách đối đáp hóm hỉnh để trả lời những câu hỏi phức tạp một cách đơn giản của 2 cao nhân thời xưa. Câu chuyện thứ nhất: Ngài có thể trả lời ta không?Vua Milinda, một nhà vua xứ Bactria trị vì miền Đông Bắc xứ Ấn Ðộ gặp một cao tăng thông thái tên là Nagasena và nhà vua đặt nhiều câu hỏi về triết lý, tâm lý và đạo đức của Phật giáo. Một hôm, nhà vua nói với nhà sư Nagasena rằng, "Ta định hỏi ngài một câu này, ngài có thể trả lời ta không?" Nagasena trả lời, "Xin bệ hạ cứ hỏi". "Ta vừa mới hỏi rồi", nhà vua muốn làm khó cao tăng Nagasena. "Bần đạo cũng vừa mới trả lời đấy thôi", Nagasena hóm hỉnh trả lời. "Ngài đã trả lời thế nào vậy?", nhà vua Milinda vẫn chưa buông tha cho Nagasena. "Vậy bệ hạ đã hỏi gì?", Nagasena cũng thong thả hỏi lại. "Ta chẳng hỏi gì cả". "Vậy thì bần đạo cũng chưa trả lời gì cả". Câu chuyện thứ 2: Thử hỏi bệ hạ là nhà vua hay cái bóng là nhà vua?Nhà vua: "Xin cho biết ngài đã xuất gia được mấy mùa rồi?" Nagasena: "Thưa bệ hạ, đã được bảy mùa rồi." Nhà vua: "Nhưng làm thế nào mà ngài nói là đã được bảy mùa? Phải chăng ngài là bảy hay là con số là bảy?" Nagasena nói: "Cái bóng của bệ hạ đang ở trên mặt đất. Thử hỏi bệ hạ là nhà vua hay cái bóng là nhà vua?" Nhà vua: "Trẫm là vua, nhưng cái bóng mà có được là nhờ có trẫm." Nagasena: "Vậy thì, cũng tương tự, số năm bần đạo xuất gia là bảy, bần đạo không phải là bảy. Nhưng chính nhờ có bần đạo mà có số bảy đó, và số bảy là của bần đạo cũng cùng ý nghĩa như cái bóng là của bệ hạ vậy." Nhà vua: "Nagasena, thật là tuyệt diệu và độc đáo. Vấn đề này quả là khó mà ngài đã giải quyết được rồi." Câu chuyện thứ 3: Khi có đầy đủ các bộ phận hợp thành thì ta gọi là xe ngựa, khi có ngũ uẩn, thì tạo thành một con ngườiMột hôm, nhà vua Milinda tới viện tu của cao tăng Nagasena. Nagasena đã chào đón nhà vua và giới thiệu Nagasena là tên của ông, nhưng Nagasena cũng chỉ là một danh xưng, chứ không có Nagasena nào tồn tại vĩnh viễn. Nhà vua thấy thú vị, nên hỏi lại, "Vậy ai là người mặc áo choàng và ăn cơm? Nếu không có Nagasena, ai là người được nhận công hoặc chịu tội? Ai gây ra nghiệp? Nếu những gì ngài nói là đúng thì có kẻ giết ngài cũng không bị bắt tội sao? Nagasena chẳng là gì ngoài một âm thanh ư?" Chưa vội trả lời câu hỏi, Nagasena lại hỏi nhà vua, rằng: "Bệ hạ tới viện tu này bằng thứ gì? Bệ hạ đi bộ hay cưỡi ngựa?" "Trẫm tới bằng xe ngựa", nhà vua trả lời. "Vậy xe ngựa là gì? Nó là các bánh xe, trục xe, yên, hay khung, hay ghế ngồi? Hay tất cả các bộ phận trên cộng lại? Hay là không phải?", Nagasena hỏi lại. Với mỗi một câu hỏi, nhà vua đều trả lời là "Không". "Vậy thì chẳng có cái gì là xe ngựa",Nagasena khẳng định. Vì thế, nhà vua phải công nhận rằng "xe ngựa" là một danh xưng, được tạo nên bởi những bộ phận nói trên, nhưng "xe ngựa" cũng là một khái niệm, chứ không chỉ là tên gọi. Đến lúc này, Nagasena mới bình tĩnh đáp lời: "Vậy Nagasena cũng là một danh xưng, một tên gọi. Khi có đầy đủ các bộ phận hợp thành thì ta gọi là xe ngựa, khi có ngũ uẩn, thì tạo thành một con người". Câu chuyện thứ 4: Cõi Niết bàn có phải là sự từ bỏ không?Nhà vua Milinda: Cõi Niết bàn có phải là sự từ bỏ không? Nagasena: Đúng thế, thưa bệ hạ. Nhà vua: Tại sao lại thế, Nagasena? Nagasena: Tất cả những người bình thường đều tìm thấy sự vui thích qua các giác quan và mục đích của mình, họ bị ấn tượng bởi chúng, bị gắn bó với chúng. Theo đó, họ bị dòng lũ cuốn đi và không thể thoát khỏi vòng tròn của sự sinh ra, già cả và chết đi, của khổ đau, than vãn, đau đớn, buồn bã và sự thất vọng. Nhưng những Phật tử đã thông hiểu mọi nhẽ sẽ không như vậy, sẽ không bị ấn tượng hay gắn bó với những điều đó, và dẫn đến việc sự thèm khát của họ dừng lại, mà khi sự thèm khát dừng lại thì sẽ dẫn đến sự thấu hiểu về sự sinh ra, tuổi già, cái chết, sự khổ đau, than vãn, đau đớn, buồn bã hay thất vọng. Có nghĩa là, từ bỏ tất cả những thứ gây phiền não, và đó chính là Cõi niết bàn. Nhà vua: Nói hay lắm, Nagasena. Vậy tất cả chúng ta có tới được Cõi Niết bàn không? Nagasena: Không, thưa bệ hạ. Chỉ có những người đi đúng đường, với tầm hiểu biết sâu rộng của họ, lĩnh hội được Phật pháp, từ bỏ những gì nên từ bỏ thì mới có thể tới được Cõi Niết bàn. Nhà vua: Rất tốt, Nagasena. Vậy những người không tới được Cõi Niết bàn có biết thế nào là trạng thái hạnh phúc không? Nagasena: Có chứ, thưa bệ hạ. Nhà vua: Nhưng làm sao họ có thể biết về sự hạnh phúc của Cõi Niết bàn này mà lại không đạt được nó? Nagasena: Ngài nghĩ sao? Thưa bệ hạ, vậy những người không có tay hay chân bị chặt đi thì có biết việc bị chặt tay chân đau đớn thế nào không? Nhà vua: Có chứ. Nagasena: Làm sao mà họ biết? Nhà vua: Bằng cách nghe những tiếng than khóc của những người bị chặt tay chân. Nagasena: Vậy cũng tương tự như việc họ được nghe những người đã tới được Cõi Niết bàn kể lại. Nhà vua: Hay lắm, Nagasena! Theo Gist, Learn Religion & Budsas Theo Trí Thức Trẻ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |