Chi tiết tin tức Ôi, thần lửa sinh nhật 20:19:00 - 19/12/2015
(PGNĐ) - Nuôi ngọn lửa sinh nhật để được tái sinh lên trời, đó là niềm tin của cha mẹ Bồ-tát và của nhiều bậc trưởng thượng Bà-la-môn khác. Đối với họ, đó là một điều không có gì phải nghi ngờ nữa. Trong xã hội luôn có nhiều niềm tin tương tự như vậy, những điều này có thể là một phần trong các “chuẩn mực” cho xã hội mà mọi người tuân theo.
Mỗi thời đại đều có những kinh nghiệm xã hội riêng, hình thành một cách nhìn thế giới và xã hội chung cho mọi người trong cùng một cộng đồng. Từ cách nhìn đó, con người thuộc một cộng đồng trong cùng một thời đại đồng thuận với nhau về những điều “đúng đắn” nên theo và những điều “sai lầm” không nên theo. Tập hợp những điều “đúng đắn” và những điều “sai lầm” đó trở thành nền tảng cho niềm tin cộng đồng và tạo ra các “chuẩn mực” về hành xử đòi hỏi mọi thành viên của cộng đồng phải tuân thủ. Có những chuẩn mực được xây dựng trên các lập luận khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều chuẩn mực được hình thành cảm tính và không chắc đúng. Bằng cớ là chúng ta biết rằng có những niềm tin trước kia là “chân lý”, ngày nay bỗng trở thành sai lầm. Chẳng hạn, trong thời đại của Galileo (1565-1642), niềm tin vững chắc của xã hội phương Tây cho rằng Trái đất là trung tâm vũ trụ, mọi tinh tú khác đều quay quanh Trái đất. Galileo phản ứng với niềm tin ấy và bị đưa ra tòa án dị giáo. Nhưng ngày nay một đứa trẻ cũng biết rằng Trái đất chỉ là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Vậy cho nên, không phải mọi chuẩn mực xã hội là hoàn toàn đúng. Giữa một rừng các chuẩn mực của xã hội, chúng ta nên tuân theo chuẩn mực nào. Cơ sở nào để quyết định điều đó? Chúng ta cần phải suy nghĩ. Chuyện tiền thân Nanguttha1 cho thấy tuệ giác của Đức Phật trong việc xử lý các vấn đề như vậy. Câu chuyện này, khi trú tại Jetavana, Bậc Ðạo Sư kể về tà khổ hạnh của các tu sĩ tà mạng Àjivaka. Lúc bấy giờ, các du sĩ tà mạng đang hành trì nhiều tà khổ hạnh khác nhau sau lưng Jetavana. Một số lớn Tỳ-kheo thấy họ hành trì các tà khổ hạnh khác nhau như tinh tấn ngồi chồm hổm, lắc qua lắc lại như dơi, nằm dựa trên gai, nướng thân với năm đống lửa…, liền hỏi Đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, do tà khổ hạnh này, có gì tốt chăng?”. Để mong có đời sống tốt về sau, có quan niệm cho rằng phải sống khổ hạnh theo một cách đặc biệt nào đó thì mới đạt được. Có những tu sĩ tà hạnh tu theo hạnh con bò, bắt chước cho thật đúng các hành vi của con bò. Lại có những vị khác tu theo hạnh con chó, bắt chước cho thật đúng các hành vi của con chó. Đó là niềm tin của một số nhà tu hành ở Ấn Độ thời xưa. Ta hãy tiếp tục theo dõi câu chuyện tiền thân. Bậc Đạo Sư nói: “Này các Tỳ-kheo, tà khổ hạnh này không có gì tốt cả, các bậc hiền trí thuở xưa nghĩ rằng thực hành tà khổ hạnh này sẽ có thêm điều tốt hay có gì tốt sẽ lớn lên. Tưởng vậy họ đem lửa sinh nhật vào thờ trong rừng. Tuy nhiên, họ không thấy có gì lớn lên từ pháp thờ lửa… Họ bèn dùng nước dập tắt lửa ấy, lấy một đề tài thiền quán để tu tập thắng trí và thiền chứng, thành tựu cứu cánh phạm hạnh”. Nói vậy xong, Bậc Đạo Sư kể lại câu chuyện quá khứ. Các chuẩn mực cần phải được quan sát với sự hiểu biết. Khi gặp phải các chuẩn mực xã hội, đa số thường tin và tuân theo không thắc mắc. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn thắc mắc: chuẩn mực đó đúng hay sai? Với đời sống ngắn ngủi trăm năm, với giới hạn hiểu biết của thời đại, có rất nhiều niềm tin chúng ta không thể biết đó là đúng hay sai. Nếu dựa vào hiểu biết của mình và của thời đại để phán quyết thì rất có khả năng ta sẽ lặp lại sai lầm của những người thời Galileo khi đưa ông ra tòa án dị giáo. Xét tính đúng sai của một chuẩn mực là việc cực kỳ khó khăn và nhiều khi nằm ngoài tầm của các hiểu biết hiện thời. Đức Phật đưa ra một giải pháp khác: không phán xét tính đúng sai của các chuẩn mực, niềm tin mà xét tính hợp lý của nó trong cuộc sống của bản thân từng người. Theo ngài, một chuẩn mực hay niềm tin là hợp lý nếu việc tuân thủ các chuẩn mực, niềm tin đó giúp điều tốt đang có được tăng trưởng, điều tốt chưa có được xuất hiện. Nếu nói đầy đủ theo bốn điều siêng năng đúng đắn (tứ chính cần), ta phải bổ sung thêm: điều xấu đang có phải giảm thiểu và điều xấu mới không phát sinh. Tất nhiên, theo Phật học, điều tốt là điều phải đem lại lợi ích cho mình, cho cộng đồng và cho môi trường. Đó chính là tiêu chuẩn để nhận biết sự hợp lý của việc tuân theo chuẩn mực. Thế nhưng, để có được quan điểm xem xét tính hợp lý của chuẩn mực như vậy, Đức Phật đã phải rút kinh nghiệm từ nhiều kiếp sống của mình. Ta hãy nghe về một trong các câu chuyện quá khứ ấy. Trong thời quá khứ, khi vua Bramadatta trị vì ở Benares, Bồ-tát sanh trong một gia đình Bà-la-môn phương Bắc. Ngày Bồ-tát sanh, cha mẹ đốt lên ngọn lửa sinh nhật và nuôi dưỡng lửa ấy. Khi Bồ-tát được mười sáu tuổi, cha mẹ Bồ-tát nói với Bồ-tát: “Này con, chúng ta đã gìn giữ ngọn lửa sinh nhật của con. Nếu con muốn sống trong gia đình hãy học ba tập Veda, nếu con muốn lên Phạm thiên giới hãy lấy ngọn lửa, để được Đại Phạm thiên ân sủng và đạt cứu cánh Phạm thiên giới”. Nuôi ngọn lửa sinh nhật để được tái sinh lên trời, đó là niềm tin của cha mẹ Bồ-tát và của nhiều bậc trưởng thượng Bà-la-môn khác. Đối với họ, đó là một điều không có gì phải nghi ngờ nữa. Trong xã hội luôn có nhiều niềm tin tương tự như vậy, những điều này có thể là một phần trong các “chuẩn mực” cho xã hội mà mọi người tuân theo. Ngày nay, dựa trên các chuẩn mực xã hội, các hoạt động giáo dục được định hướng là “chuyển hóa tự giác, tích cực những yêu cầu chuẩn mực xã hội đã quy định thành ý thức, thái độ, hành vi và thói quen hành vi tương ứng của học sinh dưới tác động chủ đạo của nhà giáo dục” (Giáo trình Giáo dục học phổ thông, ĐHSP TP.HCM, 2009, tr.9). Theo cách nhìn này, “chuẩn mực xã hội” là cái đúng đắn và giáo dục nghĩa là tạo ý thức và thói quen cho người học về các chuẩn mực đó. Trong câu chuyện tiền thân, “chuẩn mực” về việc thờ ngọn lửa sinh nhật đã được cha mẹ Bồ-tát trao truyền cho con mình. Bồ-tát nói: “Con không thích đời sống gia đình”. Ngài cầm lấy lửa, đi vào rừng, xây dựng một chòi am và sống trong rừng thờ lửa. Một hôm, Bồ-tát được cúng một con bò tại một làng biên địa, dắt con bò ấy đến chòi am, với ý định: “Ta sẽ dùng con bò này làm vật hiến tế vị Thần Lửa”. Rồi Bồ tát suy nghĩ: “Ở đây không có muối. Thần Lửa không thể ăn không có muối. Ta sẽ đem muối ở làng về, cúng dường thần lửa đồ ăn có muối!”. Bồ tát cột con bò tại đấy và đi đến làng để tìm muối. Tiến trình gia đình và cộng đồng Bà-la-môn giáo dục Bồ-tát hoàn toàn tương tự với những gì mà sách giáo dục học hiện nay đang giảng dạy. Do đó chúng ta thử vận dụng mô tả tiến trình giáo dục theo tài liệu này vào trường hợp của Bồ-tát. Tiến trình giáo dục nhân cách để đáp ứng yêu cầu xã hội bao gồm ba khâu (sđd, tr.16-18). Khâu thứ nhất: Tổ chức, điều khiển học sinh nắm vững những tri thức về các chuẩn mực xã hội đã được quy định. Trong trường hợp của Bồ-tát, điều này đã được cha mẹ ngài thực hiện với một ước mong con mình sống hạnh phúc trong đời này và trong đời sau. Cha mẹ ngài đã nuôi dưỡng ngọn lửa sinh nhật của ngài và giáo dục cho ngài biết về lợi ích của việc thờ lửa. Khâu thứ hai: Tổ chức, điều khiển học sinh hình thành tình cảm, niềm tin tích cực đối với những chuẩn mực đã được quy định. Cha mẹ ngài và cộng đồng Bà-la-môn đã làm cho Bồ-tát tin tưởng hoàn toàn vào lợi ích của việc thờ lửa. Khâu thứ ba: Tổ chức, điều khiển học sinh rèn luyện hành vi và thói quen hành vi phù hợp với chuẩn mực đã được quy định. Theo chuẩn mực truyền thống, Bồ-tát có hai lựa chọn: tại gia hoặc xuất gia. Ngài đã chọn xuất gia. Bồ-tát hoàn toàn tuân theo những chuẩn mực đó. Ngài phụng sự ngọn lửa sinh nhật một cách chu đáo và rất tôn kính. Công cuộc giáo dục của cha mẹ Bồ-tát và các vị Bà-la-môn đã hoàn thành tốt đẹp. Bồ-tát đã “hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách phù hợp với yêu cầu xã hội” (sđd, tr. 6). Ngài trở thành con người mẫu mực trong xã hội thời ấy. Chúng ta hãy theo dõi tiếp câu chuyện. Trong khi Bồ-tát đi, nhiều người thợ săn đến tại chỗ ấy, thấy con bò, giết nó, nấu thịt ăn, và vứt lại đuôi, ống chân và da, mang theo thịt còn lại và ra đi. Đây là một tình huống có xảy ra trong cuộc đời. Ta được giáo dục theo “những chuẩn mực đã được quy định” và hoàn toàn yên trí rằng các chuẩn mực ấy là đúng đắn, rằng mình đã hiểu và tin các chuẩn mực ấy. Bỗng nhiên ta gặp các tình huống không có trong các “ví dụ mẫu” đã được giảng dạy. Các tình huống này khiến ta bị ngả nghiêng chao đảo. Bồ-tát trở về chỉ thấy đuôi, v.v… liền suy nghĩ: “Thần Lửa này không thể hộ trì gia sản của chính mình thì chắc chắn không thể hộ trì ta được. Phải săn sóc ngọn lửa vô ích này, từ đây, không tăng trưởng một điều tốt gì cho ta”. Nghĩ vậy, Bồ tát mất hết ý săn sóc ngọn lửa. Đột nhiên, Bồ-tát cảm thấy việc thờ lửa chẳng đem lại lợi ích gì. Chuẩn mực đã bị đổ vỡ. Đây là một tình huống mà Ngài rút ra một kết luận quan trọng: các chuẩn mực cần phải làm tăng trưởng điều tốt cho người thực hiện thì mới nên theo. Đây chính là tiêu chí xét theo tính hợp lý của một chuẩn mực mà Đức Phật đã nói từ đầu câu chuyện. Trong các hoạt động giáo dục, ta cần chú ý điều này. Giáo dục nhân cách không phải là giáo dục người học “biết, tin và hành động” theo các chuẩn mực xã hội vì nếu các chuẩn mực ấy bị sai thì thật là thảm họa cho người học. Giáo dục nhân cách phải là việc giáo dục người học biết xét đoán tính hợp lý của các chuẩn mực xã hội để đem lại điều đúng tốt cho bản thân, cộng đồng và môi trường. Các chuẩn mực nào đem lại điều xấu thì không nên tuân thủ. Bồ-tát nói: “Thưa Thần Lửa, nếu ngài không có thể hộ trì gia sản của ngài, làm sao ngài có thể hộ trì cho tôi được. Thịt không còn, ngài phải tự bằng lòng với những vật này vậy”. Bồ tát quăng đuôi vào lửa… Và nói lên bài kệ: Ôi Thần Lửa sinh nhật, Thần Lửa không giá trị, Ta chỉ cúng cái đuôi, Hãy xem là nhiều vậy, Các loại thịt xứng đáng, Hiện nay không có nữa, Ngài hãy vui chấp nhận, Chỉ bộ phận cái đuôi. Nói vậy xong, bậc Đại sĩ lấy nước dập tắt lửa, xuất gia làm ẩn sĩ, chứng được thắng trí và thiền chứng, đạt được cứu cánh ở cõi trời Phạm thiên. ■
TẤN NGHĨA
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |