Chi tiết tin tức

Tam bảo nguồn phước vô cùng

17:54:00 - 18/05/2018
(PGNĐ) -  Quy kính Tam bảo là pháp hành căn bản của người con Phật. Từ lúc phát tâm hướng đạo tới khi chính thức quy y, cho đến cả một đời người thì quy kính, phụng hành Tam bảo vẫn không rời hành trang của người tu Phật. 

Thế nên phụng hành Tam bảo được phước báo vô cùng. Câu chuyện một vị Phật tử nhờ phụng hành Tam bảo mà thành tựu phước đức sinh lên cõi trời Sắc giới dưới đây là một điển hình.
 

quy kinh Tambao.jpg
Quy kính Tam bảo là pháp hành căn bản của người con Phật - Ảnh minh họa

“Một thời, Phật ở tại tinh xá Khoáng Dã. Bấy giờ có gia chủ Khoáng Dã bệnh nặng từ trần, sanh về cõi trời Vô Nhiệt. Sau khi sanh về cõi trời ấy, liền nghĩ rằng: “Ta không nên ở đây lâu, không gặp Thế Tôn”. Nghĩ xong, trong khoảnh khắc, nhanh như người lực sĩ co duỗi cánh tay, biến mất từ cõi trời Vô Nhiệt, hiện ra trước Phật. Thân thể Thiên tử ấy trụ lại trên mặt đất mà không thể tự đứng, giống như dầu bơ tụ lại trên đất không thể tự đứng. Thân thể của Thiên tử ấy nhỏ nhắn, mềm nhũn, không thể tự đứng dậy được.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Thiên tử:

- Ông nên biến hóa thành thân thô để đứng trên đất.

Thiên tử liền hóa thành thân thô đứng trên đất. Thiên tử ấy đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thủ Thiên tử:

- Này, Thủ Thiên tử, những kinh pháp mà ông đã học trước đây khi làm thân người, ở thế gian này nay còn nhớ chẳng quên chăng?

Thủ Thiên tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, những gì con đã thu nhận đến nay vẫn không quên. Những pháp mà khi làm người ở thế gian, con đã nghe nhưng không hiểu hết, nay vẫn còn nhớ. Như Thế Tôn khéo nói, Thế Tôn nói rằng: “Nếu người được ở nơi an vui, có thể nhớ nghĩ pháp, chứ không phải ở chỗ khổ não”. Lời nói này rất chân thật. Như Thế Tôn ở tại Diêm-phù-đề thuyết pháp cho đủ tất cả các loài và bốn chúng vây quanh. Bốn chúng kia nghe Phật dạy, tất cả đều cung kính vâng làm. Con cũng như vậy, ở trên cõi trời Vô Nhiệt vì các Thiên nhân nơi đại hội nói pháp. Các vị trời này đều lãnh thọ tu học.

Phật bảo Thủ Thiên tử:

- Lúc ông ở thế gian, đối với những pháp gì không biết chán đủ mà được sanh về cõi trời Vô Nhiệt?

Thủ Thiên tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, con ở nơi ba pháp không biết chán, nên khi thân hoại, sanh lên cõi trời Vô Nhiệt. Những gì là ba pháp? Đó là vì con thấy Phật không biết chán nên khi chết sanh về cõi trời Vô Nhiệt. Do con đối với Pháp của Phật không biết chán nên sanh về cõi trời Vô Nhiệt. Do cúng dường chúng Tăng không biết chán nên khi chết sanh về cõi trời Vô Nhiệt.

Rồi Thủ Thiên tử nói kệ:

Thấy Phật không biết chán

Nghe Pháp cũng không chán

Cúng dưng các chúng Tăng

Cũng chưa từng biết đủ.

Thọ trì pháp Hiền Thánh

Điều phục tham trước bẩn

Ba pháp không biết đ

Nên sanh Vô Nhiệt thiên.

Thủ Thiên tử sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, rồi biến mất”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 594)

Vô Nhiệt thiên hay cõi trời Vô Nhiệt thuộc Sắc giới với phước báo thù thắng vi diệu. Vô Nhiệt có nghĩa là không còn nhiệt não bức bách thân tâm. Được sinh về một nơi an ổn, nhẹ nhàng, hạnh phúc như vậy là phước báo lớn. Chánh nhân của phước báo này này là phụng hành Tam bảo không chán mỏi. Nhờ thân cận Tam bảo, được nghe hiểu Chánh pháp, khi tái sinh vào cõi trời vẫn có thể “Vì các Thiên nhân nơi đại hội nói pháp. Các vị trời này đều lãnh thọ tu học”.

Vấn đề là làm cách nào để lễ Phật, nghe Pháp không hề biết chán, cúng dường Tăng không hề biết đủ? Trước phải phát xuất từ niềm tịnh tín. Lòng tin Tam bảo trong sạch, thuần khiết thì không gì có thể làm lay chuyển hay lu mờ. Kế là những lợi ích, an lạc mà người có niềm tin trong sạch cảm nhận được khi phụng hành Tam bảo. Hai pháp này nâng đỡ cho nhau để lòng tin Tam bảo ngày càng vững chắc, kiên cố, bất hoại. Đây là chánh nhân để thành tựu phước báo sinh thiên.

Quảng Tánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin