Chi tiết tin tức

Vô lượng nghĩa xứ định

20:18:00 - 07/03/2018
(PGNĐ) -  Kinh Vô lượng nghĩa và định Vô lượng nghĩa là pháp căn bản nhất cho người xuất gia. Vì vậy, Trí Giả đại sư trong Thiên Thai tông bảo người tu phải biết kết hợp giáo pháp và thiền. 


 

Sacred Quadrangle 1.jpg

Tượng Đức Phật thiền tọa tại một di tích Phật giáo ở Sri Lanka


Thiền mà không hiểu biết đúng đắn giáo pháp thì rớt qua ngoại đạo; hiểu biết giáo pháp nhưng không thiền trở thành Pháp sư danh tự ví như người giới thiệu món ăn, nhưng không ăn không thể sống, nghĩa là Pháp thân chúng ta không thể sống được. Nhưng Pháp thân chết mà hình thức tu còn thì rớt vào tăng thượng mạn, bị đọa. 

Về hình thức, chúng ta ngồi thiền đơn giản, nhưng nhập định phải vượt được biển Thức. Ai thiền thực sự đều gặp những tảng đá ngầm là nghiệp chướng nổi dậy, khởi lên hiện hành, đó là tâm thức hay A-lại-da thức của chúng ta tự nổi dậy. Nếu không vượt thức uẩn không vào thế giới Phật được. 

Vì vậy, chủ yếu chúng ta tu hành, hiểu biết đúng đắn về giáo pháp xong, phải thực hành thiền là vượt sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. 

Không vượt được thức uẩn thì tướng vô minh hiện ra. Vô minh là sai lầm mới gặp tảng đá ngầm, tức những vấn đề chúng ta không lý giải được. Như vậy, phải phá vô minh, vì vô minh hiện ra năng kiến tướng là hành uẩn làm sống trở lại những cái bình thường mình đã huân tập. Như vậy, hành uẩn cũng do tâm khởi. Quán 12 nhân duyên, nhận chân rằng vì vô minh sanh ra hành uẩn và hành sanh ra sum la vạn tượng…, cứ như vậy mà trở thành chúng sanh xoay vần trong địa ngục muôn trùng kiên cố. 

Ngồi thiền giống nhau, nhưng sinh hoạt nội giới, chuyển được nội tâm mới là điều quan trọng, gọi là phá kiến hoặc, tư hoặc, đi vào thiền định. Từ Ly sanh hỷ lạc tiến qua Định sanh hỷ lạc, đến Ly hỷ diệu lạc và Xả niệm thanh tịnh. Trải qua bốn tầng định này đưa chúng ta lên cao đến Trời Sắc giới. 

Người tu phá được ngũ uẩn, vượt lên đến Sắc giới, dù còn thân người, nhưng tâm thức họ ở trong Sắc giới là trên tầng Trời Dục giới. Ở Dục giới còn tình cảm, nhưng phá tình cảm, chúng ta qua Sắc giới. 

Bắt đầu đạt Ly sanh hỷ lạc là tìm được nguồn vui sâu kín trong lòng, vì trong thiền định khám phá được điều bình thường không thấy mới sung sướng trong lòng; nói cách khác, đó là tìm được nguồn vui ngoài cuộc sống của ngũ uẩn. Không được như vậy, tu cũng như không. Vào được chỗ này của thế giới thiền, chúng ta bắt đầu khám phá. 

Tất cả các kinh gọi là Vô lượng nghĩa kinh và thực tập Vô lượng nghĩa kinh để vào Vô lượng nghĩa xứ định. Theo Nguyên thủy, Xá Lợi Phất dạy kinh và Mục Kiền Liên dạy thiền định. Nhưng theo Đại thừa, hay theo Pháp hoa thì đổi khác; vì định này là định Vô lượng nghĩa, phải được Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi khai thị và Bồ-tát Phổ Hiền gia bị. Bởi thế giới này của Phật và Bồ-tát quá rộng, hàng Nhị thừa không vào được, vì đó là thế giới đặc thù khác với thế giới Nhị thừa chứng Ly sanh hỷ lạc. 

Đắc La-hán vào đại định, bắt đầu quan sát loại hình thứ hai thấy Phật giáo hóa các Bồ-tát. Chưa vào loại hình thứ hai, còn ở loại hình một, như các tiểu thuyết gia diễn tả cuộc đời của Đức Phật rất tầm thường. Kinh Pháp hoa nói ý này rằng chúng sanh ở trong ba cõi chỉ thấy ba cõi, không thể thấy Phật. 

Vào định mới thấy Phật. Và Thanh văn thấy Phật đi một mình nói rằng Ngài một mình một bát, ăn cơm ngàn nhà. Nhưng tu Đại thừa, thực tập thiền quán thấy khác. Tuy Phật một mình, nhưng dùng mắt thiền định, mắt trí tuệ thấy hoàn toàn khác là thấy có Thiên long bát bộ, thấy có chư Thiên thỉnh Phật thuyết pháp. Phật giáo Nguyên thủy cũng thấy như vậy và tiến xa hơn, theo Đại thừa, thấy Phật giáo hóa Bồ-tát. Vì vậy, Bồ-tát cách Phật nghìn trùng, nhưng lúc nào cũng gần Phật. Còn hàng tăng thượng mạn ở cạnh Phật, nhưng vẫn cách xa Phật. 

Nhận thức sâu sắc lý này, chúng ta cố gắng tu, dù cách Phật nhiều ngàn năm nhưng vẫn vào pháp hội Phật như ngài Trí Giả, đó là tu Đại thừa, hành Bồ tát đạo. Thấy theo phàm phu, tăng thượng mạn nghĩ Phật chết rồi, họ mừng. 

Ai thấy Phật? Người có nhập định, vào định thấy Phật là thấy loại hình thứ hai là Thật báo trang nghiêm Tịnh độ của Phật và Bồ-tát, ở đó có Phật giáo hóa các Bồ-tát. 

Thực tế chúng ta lên núi Linh Thứu nơi Phật thuyết kinh Pháp hoa, diện tích khoảng 20 mét vuông, nhưng có đến tám vạn Bồ-tát nghe pháp. Làm sao chúng ta thâm nhập thế giới này. Phải nhờ Phổ Hiền Bồ-tát hướng dẫn và nhập Vô lượng nghĩa xứ định mới vào được thế giới Phật. 

Phổ Hiền nói trong một hạt trần đã có trần số cõi nước là vào Thật báo thấy Phật giáo hóa vô số Bồ-tát và Phật Báo thân đó hiện hữu trong vô số thế giới Thật báo. Còn thế giới hữu hạn này thì giáo hóa được mấy người. Cảm nhận sâu sắc thế giới Phật như vậy, chúng ta mới thích tu Đại thừa và hành Bồ-tát đạo không chán nản. 

Kinh Pháp hoa khuyên chúng ta học Vô lượng nghĩa kinh và thực tập kinh này phải có ba tiêu chuẩn. Một là phải có phạm hạnh thanh tịnh, không phạm lỗi lầm. Hai là tu giới định tuệ, đạt được trí tuệ vô lậu. Không có hai điều này không thể vào đạo. Và ba là phát Bồ-đề tâm độ chúng sanh là đồng hạnh nguyện với Phật, Bồ-tát. Thành tựu ba tiêu chuẩn này mới vào Vô lượng nghĩa xứ định. Chỉ học lý thuyết suông không vào cửa đạo được. 

Và khi chúng ta vào Vô lượng nghĩa xứ định, thấy hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa, nghĩa là tâm thanh tịnh, an vui trong thiền định. Chúng ta mỉm cười được, vì cửa Vô lượng nghĩa hé mở cho chúng ta thấy tám vạn Bồ-tát mà Phật đang giáo hóa. Các vị Bồ-tát này có thể thay Phật giáo hóa khắp nơi, tâm từ của họ trải khắp trong các cõi nước, được Phật ngợi khen vì họ đã từng cứu độ vô số chúng sanh thoát khỏi khổ não. 

Trên bước đường tu, theo kinh nghiệm của tôi, Phật dạy thính giáo tham thiền giúp chúng ta bình tĩnh, sáng suốt mới quyết định đúng, mới làm lợi ích cho cuộc đời được. Thật vậy, tiêu chuẩn của Tỳ-kheo là giới đức do giữ giới và có thính giáo tham thiền là trụ định mới có trí tuệ. Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng điều gì mà người hỏi và ngài có suy nghĩ trả lời thì đúng được 50%, nhưng cái gì không suy nghĩ, tức có trực giác, có thiền định thấy đúng đến 70%, 80%. Vì vậy, Tỳ-kheo cần thiền định công phu, có tâm thanh tịnh mới nhìn đời sáng. Nhìn đúng 70% thì việc hành đạo dễ dàng thành tựu công đức. 

Từ bên ngoài mình thấy được và thấy bên trong là thấy trong thiền định, phải nhập Vô lượng nghĩa xứ định, hay Pháp hoa tam muội. Vì vậy, thấy trên ngôn ngữ văn tự khác với thấy trong thiền định. 

Thấy trên ngôn ngữ văn tự thì đầu tiên thấy Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định và trời mưa hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa. Điều này gợi ý quan trọng rằng người tu phải có được Mạn-đà-la hoa, nghĩa là đầu tiên, chúng ta nhập định thì định thấp nhất mà chúng ta phải có là sự hỷ lạc, cho nên làm bất cứ việc gì mình vui được thì mới tiếp tục làm; còn bất an thì vứt bỏ, vì càng làm càng bị phiền lụy. 

Từ yếu lý này, khi vào định của Pháp hoa, chúng ta thấy cuộc đời muôn màu muôn vẻ. Thật vậy, trên thực tế, Tỳ-kheo sống hẩm hiu, chỉ có ba y, một bát, nhưng Tỳ-kheo vào định thấy vui vô cùng, mới thích dấn thân hành đạo, không rơi vào cạm bẫy của cuộc đời, vì mình được an lạc, giải thoát trong giáo pháp của Phật. 

Mạn-đà-la là ý lạc hoa, là tâm vui, vì các Tỳ-kheo đã thành tựu giới hạnh, làm lợi ích cho cuộc đời, đạt quả vị A-la-hán, nên hoàn toàn vui. Mình thấy vui và sống bằng niềm vui giải thoát, thì người tới với mình cũng được vui theo, tiêu biểu bằng hoa Mạn-đà-la. Thí dụ tôi thuyết kinh Pháp hoa, cảm thấy vui trong lòng và các thầy nghe pháp cũng vui, như vậy mới có Pháp hoa. Nếu chỉ có một phía vui thì chưa thể có Pháp hoa. 

Trong thế giới Thiền định, ngoài hoa Mạn-đà-la, còn có hoa Mạn-thù-sa. Mạn-thù-sa nghĩa là trong sạch, thân trong sạch ví như hoa sen và tâm trong sạch ví như viên ngọc quý. 

Có hoa Mạn-thù-sa, hay có thân tâm trong sạch, từ đây nâng tư cách của Tỳ-kheo lên. Vì mới tu, thân này là thùng phân biết đi, là cái đãy da đựng đồ ô uế. Nhưng tiến tu, kinh Hoa nghiêm dạy rằng Bồ-đề không mọc trong hư không, sen không mọc trên đất, sen phải mọc trong bùn, Bồ-đề phải mọc trên đất. Đó chính là căn bản thực tế tu của chúng ta. Nhờ có túi da ô uế, hay bùn đất, nhưng biết cấy mầm sen vào đó sẽ lên cây sen. 

Cái thấy trong thiền định, thì định có nhiều loại. Diệt tận định là bỏ hết, không nghĩ gì sẽ quên tất cả. Nhưng Vô lượng nghĩa xứ định thì muôn màu muôn vẻ, thấy cuộc đời đúng như nó là và giải quyết cho đúng, không phải không thấy. Thấy được mặt trái mới uốn nắn người thành công. 

Nhìn kỹ thấy cái thực của sự việc. Điển hình như Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa chỉ độ một người là Huệ Khả, không có người thứ hai, vì trao truyền tâm ấn không dễ chút nào. 

Trong định, quan sát bằng trực giác, bằng trí tuệ, thấy anh này tu được, anh kia chỉ đến chùa để nhận quà và khen thầy tốt, đến bữa sau không cho quà, thì bỏ đạo. Phải quan sát trong định mới thấy đúng. 

Khi Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định, các Tỳ-kheo quan sát theo định của Phật là Phật dẫn chúng ta quan sát thấy tất cả các loài từ địa ngục A-tỳ đến Trời Sắc cứu cánh đều trôi lăn trong sinh tử luân hồi và trong chúng sanh khổ não thấy có Phật ra đời, nhưng chỉ giáo hóa được hàng nhân thiên. Ai là Thanh văn, Duyên giác, hay Bồ-tát, Phật tùy theo đó giáo hóa, không phải ai cũng là Tỳ-kheo, Bồ-tát. Người xuất gia làm Tỳ-kheo được, thì dạy họ pháp tu của Tỳ-kheo, đó là cách giáo hóa của người có trí tuệ. Người không làm Tỳ-kheo được mà bắt làm, họ sẽ phá giới, làm hỏng việc giáo hóa của mình. 

Phật dẫn vô thiền định cho chúng ta thấy rõ người đáng dùng pháp nào độ thì dùng pháp đó, không phải cho xuất gia hết, rồi hoàn tục. 

Trong ánh quang của Phật, đại chúng cũng thấy các Bồ-tát tùy thuận chúng sanh hiện tất cả loại hình để cứu khổ ban vui, thành tựu lục độ vạn hạnh, trụ bậc bất thoái… Thấy như vậy là thấy thế giới Thật báo của Phật, tức thấy vô tác diệu lực, nghĩa là không làm nhưng thành tựu công đức. 

Tóm lại, nhận chân sâu sắc lý này, chúng ta nương vào kinh Vô lượng nghĩa, thành tựu giới đức, tuệ giác và hành Bồ-tát đạo cứu độ chúng sanh. 

Từ sở đắc này, vào định, thâm nhập thế giới Thật báo của Phật, từng bước sẽ nhận ra Phật dạy nhiều loại định. 

Đặc biệt Vô lượng nghĩa xứ định giúp hành giả quán sát các pháp và sự diễn biến của muôn pháp một cách đúng đắn hoàn toàn và trở lại cuộc đời này hành đạo làm lợi ích cho chúng hữu tình.
 

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin