Chi tiết tin tức Thấp thoáng lời Kinh Đà La Ni 21:01:00 - 22/12/2015
(PGNĐ) - Đà-la-ni, tổng trì, thần chú, linh chú, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay (mật) có vai trò như một công thức, nhắc nhở để người ta “nhập” vào Như Lai, nhập vào tri kiến Phật một cách an toàn và thường trực.
Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn hay thọ trì được kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc tụng thông lẹ, hoặc biên chép quyển kinh, đặng bao nhiêu phước đức?”. Dược Vương từ chỗ ngồi đứng dậy lên tiếng thưa hỏi… Phật trả lời: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn ở nơi kinh này có thể thọ trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu đọc tụng giải nghĩa, đúng như lời mà tu hành thời công đức rất nhiều”. Dược Vương hỏi phước đức, Phật trả lời công đức. Hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hỏi “thọ trì đọc tụng biên chép”, thì trả lời phải “giải nghĩa, đúng như lời mà tu hành”. Nói khác đi, nếu chỉ đọc Pháp Hoa ro ro, tụng ro ro… thì không ích lợi bao nhiêu! Học là để hành. Và học Pháp Hoa là để hành, để đưa Pháp Hoa vào đời sống. Pháp Đạt đến gặp Sư Huệ Năng tự hào đã tụng ba ngàn bộ Pháp Hoa, Sư nói: “Nếu ngươi niệm đến một muôn bộ, hiểu đặng ý kinh mà chẳng lấy đó gọi là hơn người, thì mới cùng ta đi một con đường…”. Pháp Đạt: “Nếu vậy, hiểu đặng nghĩa, thì chẳng cần tụng kinh?”. Sư nói: “Kinh có lỗi gì, há có ngăn trở sự tụng niệm của ngươi đâu! Miệng tụng mà tâm làm theo nghĩa kinh, tức là mình chuyển kinh. Miệng tụng mà tâm chẳng làm theo nghĩa kinh, tức là mình bị kinh chuyển”. Bèn đọc kệ rằng: Tâm mê Pháp Hoa chuyển (Pháp bảo Đàn kinh, HT Minh Trực dịch, 1944) Vị Pháp sư trong Pháp Hoa đến nay đã được “trang bị” khá đầy đủ những đức tánh cần thiết để có thể vào đời, đã học hạnh tôn trọng của Thường Bất Khinh Bồ-tát, học hạnh chân thành của Bồ-tát Dược Vương, học hạnh thấu cảm, từ bi của Diệu Âm, Quan Thế Âm Bồ-tát… có nghĩa là đã có thể “ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” rồi đó, thế nhưng đi vào cõi Ta-bà thời mạt pháp để truyền bá Pháp Hoa – sau khi Phật diệt độ – cũng chẳng dễ chút nào! Bây giờ Phật còn đó, Phật thuyết giảng mà nhiều người còn ngờ vực, không tin, bỏ đi. Phật phải nhắc đi nhắc lại: Ta nói thật đó, không nói hai lời! Rồi một số không nhỏ các vị Đại Bồ-tát tìm cách thoái thác, xin qua… xứ khác giảng kinh cho dễ, chẳng mấy ai chịu ở cõi Ta-bà đầy sóng gió này! Dù đã được khai, được thị, được ngộ rồi, nhưng nhập quả là không dễ. “Nhập” là xắn tay vào cuộc, là mang gươm xuống núi cứu khổn phò nguy, là “thõng tay vào chợ”… Cho nên Pháp sư chẳng những phải được trang bị tự bên trong mà còn cần có được sự giúp đỡ từ bên ngoài, tức cần một môi trường thuận lợi để “hành sự”. Cho nên Pháp Hoa có hẳn một phẩm gọi là “An lạc hạnh” và Đà-la-ni sẽ là những “liều thuốc” quý, những “cẩm nang” để vào đời, để tùy cơ ứng biến! Vào đời, chẳng những cần trí huệ mà còn cần cả dũng lược nên ở phẩm Đà-la-ni này, cạnh Bồ-tát Dược vương ta thấy có Bồ-tát Dõng Thí xuất hiện. Phật ân cần dặn Tú Vương Hoa: “Dược Vương… là món lương dược của người bệnh trong cõi Diêm-phù- đề; nếu người có bệnh đặng nghe kinh này bệnh liền tiêu diệt, chẳng già chẳng chết!”. Và ngay đó thì đã có tám muôn bốn nghìn Bồ-tát đặng pháp “Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn Đà-la-ni”… Cho nên có thể coi đà-la-ni là một thứ thuốc, thứ thuốc thần của Dược Vương, thứ thuốc của lòng kiên định, nhẫn nại, tinh cần, bố thí thân mạng, tự “đốt” thân mình suốt một ngàn hai trăm năm, rồi tự đốt cả hai cánh tay mình, đã thực sự “hành thâm Bát-nhã”, đã chiếu kiến ngũ uẩn giai không, đã đạt tới cõi “Bất nhị”, vô phân biệt mới đủ sức đi vào chốn gian nan mà không sợ lay chuyển. Dược Vương đã là một tấm gương kiên nhẫn, hùng tâm suốt chặng đường dài tu tập có lẽ một phần lớn đã nhờ đà-la-ni, những thần chú, linh chú nhắc nhở, hướng dẫn, điều chỉnh cho từng phút từng giây. Đà-la-ni, tổng trì, thần chú, linh chú, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay (mật) có vai trò như một công thức, nhắc nhở để người ta “nhập” vào Như Lai, nhập vào tri kiến Phật một cách an toàn và thường trực. “Tổng”, vì nó “gom” hết tất cả lại, “trì” vì nó luôn gìn giữ, luôn gợi nhớ. Khi cần, đọc lên, lập tức Dược Vương, Diệu Âm, Quán Thế Âm, Thường Bất Khinh… hiện ra ngay trước mắt, mỉm cười với ta, hoặc nghiêm khắc với ta, nhưng luôn luôn sẵn sàng giúp ta với nghìn tay nghìn mắt, với cam lồ rưới mát dập tắt mọi thứ tham sân si… Nghĩa của đà-la-ni, hiểu càng tốt nhưng chẳng hiểu còn tốt hơn! Có những âm thanh, những ú ớ đủ để truyền thông như khi bà mẹ trẻ nghe tiếng con rên rỉ, con ư ử, con khóc thét thì dù đang ngủ say cũng giật mình thức giấc… Ú ú ớ ớ là đủ rồi cho chính mình và cho những người cùng rung động sáu cách với mình. Nghĩa đen của Đà-la-ni nhiều khi nghe có vẻ như tầm thường, giản đơn… nhưng “thần lực” của nó thì không thể nghĩ bàn trong một bối cảnh, một không khí nào đó. A-nan là một Tỳ-kheo đẹp trai, suýt rơi vào tay một kỹ nữ xinh đẹp, Phật vội vàng kêu Văn Thù mang đến… một “đà-la-ni”. Thế là sực tỉnh. Một chữ AUM có khi là đủ cho tất cả. Một câu Om Mani Padme Hum là đủ cho tất cả. Một câu Gate gate paragate parasamgate… là đủ cho tất cả. Nó vang lên đúng lúc ở trong tâm trí để trở thành một thứ “lương dược” giúp vượt qua, vượt lên, vượt ra (Gate, Gate, Paragate…). Vào đời (Nhập) không đơn giản chút nào. Không phải như lúc ở núi cao, vực thẳm, xả ly, bịt mắt che tai. Giữa chốn chợ đời đông đúc, độc cư không dễ; giữa chốn âm thanh náo nhiệt “phản văn văn tự tánh” sao đây? Nói năng, đi đứng nằm ngồi, cái ăn cái mặc… đều từ một chọn lựa, từ một trách nhiệm, nói khác đi, từ nghiệp, tạo tác qua thân khẩu ý. Nếu có một cái gì đó nhắc ta, làm cho ta giật mình, véo cho ta một phát đau điếng hẳn là rất tốt, rất cần thiết. Cái gì đó có khi là một âm, một tiếng, một chữ, một câu là đã đủ. Một tiếng OM đúng lúc kia đã kịp cứu người Sa-môn sắp dìm mình xuống dòng sông, để rồi trở thành người chèo đò mải miết đưa khách sang “bờ bên kia” (Câu chuyện của dòng sông, Hermann Hesse). Sắc thọ tưởng hành thức thì “hành” là một phản ứng của tâm, một tiến trình tâm, xuất phát từ cả một kho chứa của thói quen, của phong tục, tập quán, của những nghĩ tưởng, những thành kiến… dồn dập xua tới, nhiều khi từ vô thức, khiến ta xử sự… không kịp kiểm soát. Đà-la-ni sẽ nhắc nhở, sẽ soi sáng, gọi về. Dược Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Con nay sẽ cho người nói kinh Pháp Hoa chú dalani này để giữ gìn…”. Giữ gìn là để không bị sa ngã. Rồi Dược Vương đọc: anye manye mane mamane citte carite same samitā… Dược Vương chưa đủ. Bi và Trí chưa đủ, còn cần phải có Dũng. Cho nên ở đây Bồ-tát Dõng Thí xuất hiện. Ngài cũng cho một đà-la-ni nữa, để giúp vị Pháp sư và cả những “người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa”, khỏi bị Dạ-xoa, La-sát, Ngạ quỷ ám hại… Bấy giờ các vị Thiên vương có mặt cũng lần lượt xuất hiện để giúp Pháp sư. Tỳ-sa-môn Thiên vương vốn là vị “hộ thế”, trấn giữ phương Bắc, chế phục chúng ma, tay cầm lọng báu che chở thế gian cũng cho một đà-la-ni để người thọ trì Pháp Hoa tránh tai hoạn. Rồi Trì quốc Thiên vương tay ôm đàn tỳ bà, cùng với nghìn muôn ức na-do- tha chúng Càn-thát-bà cũng xin góp một đà-la-ni! Pháp Hoa là “vua” của các kinh nên ở đây ta thấy xuất hiện các vị Thiên vương hộ pháp, kẻ thì làm cho thế giới hòa bình, kẻ thì làm cho đất nước thịnh vượng, an vui, chúng dân hạnh phúc. Có thể nói Pháp Hoa không dừng lại ở sự tu tập cá nhân để trở thành một A-la-hán hay Bồ-tát mà đã mở rộng ra chuyện “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” sau khi đã qua bước “tu thân”. Điều kỳ diệu và bất ngờ nhất ở đây là sự xuất hiện của các bà La-sát! Nào Lam bà, Tỳ lam bà, Đa pháp, Vô yểm túc, Trì anh lạc, Cao đế, Đoạt tinh chất… cũng sẵn sàng ra tay giúp một câu thần chú để ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa luôn “được an ổn, trừ khổ hoạn, tiêu các thuốc độc”…. “Thà trèo lên đầu chúng con chớ đừng não hại Pháp sư… nhẫn đến trong chiêm bao cũng chớ não hại!”. Các bà La-sát nói như vậy. Bởi các bà thừa biết nhiều khi chính trong chiêm bao “kẻ ác” mới hay gây não hại người! “Nếu cố tình gây não hại, nhất quyết không tha!” Các bà lên giọng đe dọa. Phật khen: Hay thay! Hay thay! Các người có thể chỉ ủng hộ người thọ trì tên kinh Pháp Hoa là phước chẳng thể lường được rồi, huống là ủng hộ người thọ trì toàn bộ cúng dường từ quyển kinh, hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa… rồi phan, lọng, kỹ, nhạc, đèn nến đèn dầu… nghìn trăm thứ như thế… Rõ ràng các bà La-sát hung dữ ở đâu không biết chớ ở đây thì… dễ thương hết sức, sẵn sàng cúng dường trăm nghìn thứ góp phần tạo nên một đạo tràng trang nghiêm cho Pháp sư. Ánh sáng lung linh của ngọn nến, mùi hương, sắc hoa, tiếng nhạc… không nói lên điều gì sao? Nhiều lắm chứ. Nó nói tiếng nói Như Lai, duyên sinh, vô ngã, vô tướng thật tướng… Các bà La- sát mà đã chịu giúp cho thì hẳn có thể tu thành chánh quả mau! Có vô số pháp môn, tùy căn cơ mà chọn lựa. Nhưng với kinh Pháp Hoa tổng hòa này thì Bồ-tát, Thiên vương, Quỷ thần đều hết lòng ủng hộ. Tu thân thì đã có đà-la-ni của Dược Vương, Dõng Thí; giúp nước giúp đời thì đã có đà-la-ni của Tỳ-sa-môn Thiên vương và Trì quốc thiên vương; bên cạnh nếu còn luôn có sự bảo hộ giúp đỡ không ngừng của các… bà La-sát dễ thương này nữa thì quá tốt! ■
ĐỖ HỒNG NGỌC
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |