Chi tiết tin tức

Ăn cơm thiền, uống nước pháp

16:02:00 - 01/04/2017
(PGNĐ) -  Chúng ta còn thân tứ đại, việc đầu tiên là phải thỏa hiệp với nghiệp của thân, nhưng không cho phép nó đòi hỏi quá đáng. Những đòi hỏi hợp lý cho sự sống còn của thân mạng này theo quy luật tự nhiên của thân người, tất nhiên chúng ta phải chấp nhận để sống chung được với nghiệp thân, nhờ vậy mới tu được.

Tuy nhiên, đối với người có cơ thể tốt, tức không có nghiệp thì một ngày ăn một bữa vẫn tốt và tu cao thì hai, ba ngày mới ăn một bữa cũng không sao. Các Thiền sư với nếp sống thật thanh đạm, tuy hơi gầy, nhưng các ngài đã thích nghi với đời sống phạm hạnh và vẫn khỏe mạnh.

nsgn 11.jpg

Mỗi người có một nghiệp riêng, phải tự tìm ra nghiệp của mình và tự khắc phục. Trong những vị tu cao và cơ thể đặc biệt, có vị suốt đời không ăn cơm cháo, không ăn thực phẩm nấu chín, mà chỉ ăn rau quả tươi, nhưng vẫn khỏe. Chúng ta phải chấp nhận họ hơn ta một bậc.

Theo tôi, tu hành hơn nhau ở điểm không lệ thuộc cuộc sống. Làm thế nào càng ít lệ thuộc đời sống vật chất càng tốt; trước tiên là không lệ thuộc việc ăn uống, ăn ít và ăn gì cũng được. Còn có nghiệp thì phải kiêng cữ đủ thứ, ăn những thứ đụng vô nghiệp mình là không được. Thí dụ bị nhức mỏi thì cữ ăn củ cải, cữ ăn măng tre; nhưng tôi thấy các Thiền sư Nhật thường xuyên ăn củ cải vì củ cải có nhiều đường, nên họ không cần phải ăn cơm nhiều nữa và măng tre có nhiều dinh dưỡng, nên chỉ ăn một mầm măng là nhịn được một ngày không thấy đói, vì họ không có bệnh nghiệp. Đời sống vật chất của bậc chân tu đơn giản, nên họ được tự do, tức giải thoát.

Ý nghĩa giải thoát của đạo Phật là không lệ thuộc. Đầu tiên chúng ta tránh lệ thuộc vật chất. Tuy tiện nghi vật chất tốt, nhưng nếu ta để lệ thuộc nó thì không tốt; vì sống có tiện nghi quen rồi, đến khi không có tiện nghi sẽ cảm thấy bực bội, không sống nổi, thậm chí sinh ra bệnh hoạn về thân lẫn tâm. Như vậy, tự nhiên tạo cho mình cuộc sống bị trói buộc vào tiện nghi vật chất để không được giải thoát. Người tu phải cố gắng thực tập việc cắt bỏ càng nhiều càng tốt sự lệ thuộc vật chất.

Tu theo Phật, thấu hiểu được ý Phật dạy, tuân thủ những điều giúp chúng ta giải thoát, thăng hoa đạo đức, trí tuệ, hoặc sửa đổi cho thích hợp với sinh hoạt của thời hiện đại mà vẫn giữ được nếp sống của người xuất gia. Điển hình như chư Tăng Phật giáo Nam tông ở các nước Thái Lan, Campuchia… vẫn giữ truyền thống khất thực, mỗi sáng các ngài đi khất thực, nhưng việc sử dụng thực phẩm được cúng có thay đổi.

Trước kia, tu sĩ khất thực phải dùng hết thức ăn trong bình bát và Phật tử cúng gì thì dùng nấy. Với cách này, việc ăn uống không điều độ và dùng những thức ăn không thích hợp nên sinh ra bệnh hoạn. Vì lý do đó mà Phật giáo Nam tông đã phải cải tiến, tất cả đồ dùng do Phật tử cúng dường khi đi khất thực được gom lại, sau đó, mỗi thầy chọn thức ăn thích hợp và số lượng vừa đủ với cơ thể mình; không phải ăn tất cả thực phẩm được cúng.

Vì cơ thể của mỗi người có nhu cầu khác nhau, phát xuất từ nghiệp khác nhau, theo tôi nên tổ chức cho đại chúng ăn theo cách tự chọn, vừa hợp vệ sinh, vừa hợp khẩu vị mỗi người, mà lại không tốn kém. Nếu những vị nào muốn giữ nghi thức cúng dường cũng vẫn làm món ăn tự chọn được. Quý vị dọn thức ăn ra bàn, đến giờ quả đường, mỗi người cầm bình bát đến lấy thức ăn theo ý mình và gắp vừa đủ vào bát; sau đó vào bàn, cúng dường như thường. Riêng tôi, nhờ sớm biết điều chỉnh thức ăn thức uống và số lượng thích hợp với thể trạng, tôi khỏe mạnh, không bị “bệnh tùng khẩu nhập”.

Nói về thức ăn, Phật dạy chúng ta rất kỹ lưỡng. Theo Ngài, người  tu có bốn món ăn là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Đoàn thực là thức ăn vật chất để nuôi cơ thể sống còn mà tu hành. Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy rằng không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Ngài Thiên Thai dạy thêm rằng không ăn những gì không thích hợp với  cơ thể. Đó là kinh nghiệm của Phật và Tổ sư đã thể nghiệm, mới đưa ra pháp tu tương ưng nhằm duy trì mạng sống của chúng Tăng được khỏe mạnh.

Về thức uống, sự tác hại của rượu đã quá rõ ràng mà ngày nay, y khoa đã khuyên người ta không nên sử dụng vì nó gây ra nhiều thứ bệnh tật có hại cho sức khỏe và nguy hiểm đến mạng sống của con người. Đức Phật là bậc Toàn giác thấy biết mọi việc tường tận, nên từ ngàn xưa, Ngài đã đưa ra giới cấm uống rượu trong năm giới căn bản. Vì theo Phật, chẳng những rượu tác hại con người trong cuộc sống hiện tại, mà còn làm mất hạt giống trí tuệ của con người, là điều tệ hại vô cùng cho kiếp tái sanh. Ngoài ra, ngày nay các loại nước ngọt giải khát cũng không tốt cho sức khỏe con người, vì chứa nhiều hóa chất độc hại.

Đặc biệt, trong các thức uống, trà được người ta dùng từ hàng ngàn năm trước như một vị thuốc tốt cho sức khỏe con người. Và theo y khoa hiện đại, trà cũng giúp phòng ngừa và chữa được một số bệnh tật. Trà có chứa chất chống oxy hóa, nên có thể làm chậm lại sự già cỗi của tế bào, hoặc làm giảm cholesterol, giảm huyết áp, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường loại 2, cũng được coi như loại thuốc giải độc trong một số trường hợp, làm tinh thần hưng phấn…

Như vậy, lợi ích của trà khá nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lệ thuộc vào loại thức uống này đến mức thành “Nghiện trà, ghiền trà” mà thiếu nó thì không thể chịu nổi, mệt mỏi, ngáp hoài… Vì trên bước đường tu theo Phật, chúng ta phải chuyển hóa các nghiệp hoặc từ nhiều kiếp cho đến hiện đời. Chẳng lẽ uống trà để huân tập thêm cái nghiệp nghiện trà là nghiệp tập quán do thói quen mới tạo ra trong cuộc sống này hay sao? Chắc chắn không phải như vậy.

Người tu thường dùng một tách trà nóng vào buổi khuya, thiết nghĩ đó cũng chỉ là một trong những phương tiện tốt trên con đường thăng hoa tâm trí, chứ không phải bị lệ thuộc nó. Chính vì vậy, người Nhật uống trà theo phong cách đặc biệt và trở thành văn hóa trà đạo Nhật Bản.

Trà đạo là một trong những nét văn hóa độc đáo đã có từ lâu đời tại Nhật Bản. Có thể nói đó không chỉ đơn giản để thưởng thức trà, mà nó còn thể hiện cả một nghệ thuật sống theo Phật giáo. Với trà đạo, tâm hồn hành giả thư thái, gột rửa được tâm phiền não, tâm loạn động và an trú trong từng phút giây hiện tại mà Thiền gọi là định tâm, để từ định này, đạt được tuệ giác. Vì thế, sau tách trà thiền, hành giả trở lại cuộc đời, tâm trí sáng suốt và thể hiện cuộc sống hài hòa với mọi người, với xã  hội, với thiên nhiên.

Ngoài thức ăn vật chất, thức ăn của tinh thần mới thực sự quan trọng đối với người tu. Thật vậy, thức ăn nuôi dưỡng tinh thần chúng ta là Thiền thực và Pháp hỷ thực mà mỗi ngày trước khi ăn, đại chúng luôn nhắc nhở nhau: “Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”. Vì vậy, bằng mọi cách, phải làm cho Thiền và Pháp trở thành món ăn tinh thần thực sự của chúng ta. Người tu mà không thích ăn cơm Thiền, uống nước Pháp, không thể sống trong đạo. Chùa thiếu món ăn tinh thần thì đại chúng đói, tìm những thức ăn không tốt sẽ bị nhiễm độc. Nếu nhiễm chất độc của thực phẩm, bị chết thân mạng, nhưng bị nhiễm độc tinh thần, sẽ chết giới thân huệ mạng, dù còn trong đạo, nhưng không dùng được. Trên thực tế, các tu viện sinh hoạt tốt đẹp nhờ Thiền chủ và các vị lãnh đạo đều sống phạm hạnh thanh tịnh, đại chúng mới nương theo đó thăng hoa được.

Xúc thực, tư niệm thực và thức thực được coi là ba món ăn tinh thần của người tu. Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày của chúng ta với cuộc đời. Nếu sống trong tu viện, mỗi ngày đọc kinh, được gần gũi các bậc tu hành kiểu mẫu, trông thấy đức hạnh của các ngài, chúng ta sẽ tốt theo.

Nếu hàng ngày, Tăng Ni thường tiếp xúc với người phải trái hơn thua, do năm giác quan tiếp xúc với tiền trần, đưa vào ý thức thì bắt đầu suy nghĩ theo đường thế tục, dẫn đến hư hỏng đời tu là tất yếu.

Xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày giữa ta và cuộc đời, nếu chứa đầy pháp Phật, tất cả nhiễm ô thế gian sẽ được pháp Phật tiêu hóa, chuyển đổi thành hiểu biết, trí giác để cho những lời khuyên tương ưng với hoàn cảnh của người, giúp họ giải quyết việc một cách nhẹ nhàng.

Ngoài xúc thực là sự tiếp xúc hàng ngày qua sáu giác quan của chúng ta với Phật, Pháp, Bồ-tát, còn có món ăn tinh thần là tư niệm thực, tức Thiền. Chúng ta đưa hình ảnh Phật, Pháp, Bồ-tát vào an trụ trong tâm ta, mới có huệ. Vạn Hạnh thiền sư an trụ Thiền mà cố vấn cho vua Lý Thái Tổ dựng nước, an dân và rất nhiều tấm gương sáng chói của các Thiền sư còn lưu danh thơm muôn thuở trong sử sách.

Nhờ xúc thực, đọc kinh mở rộng tri thức theo Phật và tư niệm thực, suy nghĩ áo nghĩa Phật dạy trong thiền định, hai thức ăn tinh thần này cho chúng ta hiểu biết là thức thực. Ngài Huyền Trang gọi đó là Đại viên cảnh trí, một sự thông minh tuyệt đỉnh, một sự hiểu biết xác thực hoàn toàn mọi việc như ảnh hiện trong gương và việc qua rồi, tâm người tu hoàn toàn thanh thản, tự tại, giống như gương sáng chẳng lưu lại hình ảnh của vật nào cả.

Tóm lại, tu theo Phật, cố gắng khắc phục nghiệp của mình. Nếu có thân nghiệp bệnh hoạn thì phải biết cách sống thỏa hiệp với thân để giải trừ bệnh nghiệp. Ngoài ra, nỗ lực khắc phục nghiệp của thân tâm bằng cách ăn cơm Thiền, uống nước Pháp; nói cách khác, giữ được chánh niệm và sống trong chánh định. Thành tựu được như vậy, chúng ta có thể biết rõ điều huyền bí của muôn sự muôn vật, đó là điều mà người đời cần ở thầy Tỳ-kheo hơn là cần những thứ có trong sách vở. Chúng tôi mong rằng hành trang của mỗi vị Tỳ-kheo mang theo mình trên con đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh là chánh niệm và chánh định.

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin