Chi tiết tin tức

Cùng bạn trai trì chú Đại Bi qua điện thoại có được không?

06:33:00 - 24/09/2013
(PGNĐ) -  Khi trì chú thì thân ngồi ngay thẳng (không làm ác), miệng đọc chân ngôn (không nói lời ác) và ý nhiếp vào thần chú (không nghĩ ác) tức ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh. 
Nhờ đó chúng ta ngày càng trở nên hiền thiện, hạn chế được những lỗi lầm, tội chướng tiêu trừ, phước đức tăng trưởng, đời sống hướng thượng và thăng hoa hơn.
 
HỎI: Mỗi đêm, tôi và bạn trai đều trì chú chung với nhau bằng cách cả hai cầm điện thoại và đọc chú Đại bi 3 lần. Xin hỏi, chúng tôi sáng tạo ra cách cầm điện thoại trì chú chung với nhau như vậy có điều gì bất kính đối với kinh pháp không? Anh ấy hay hỏi tôi tại sao phải đọc kinh, trì chú mỗi ngày? Nếu ngày nào bận công việc quá không trì chú có được không? 

(HOA HẠNH, maitdung2011@yahoo.com.vn) 
 
ĐÁP: 

Bạn Hoa Hạnh thân mến! 

Các bạn đã sáng tạo ra cách trì chú Đại bi chung với nhau qua điện thoại là điều khá thú vị. Mỗi ngày đêm đều có trì ba biến thần chú Đại bi là rất tốt. Thân tâm của các bạn sẽ được tưới tẩm và thấm nhuận trong từ tâm vô hạn của Bồ-tát Quán Thế Âm. Trong tinh thần phương tiện, hàng Phật tử chúng ta có thể trì chú (hay niệm Phật) mọi lúc, mọi nơi với những cách thức khác nhau. Tâm thành thì Phật chứng. Nên thiết nghĩ, việc các bạn cùng nhau trì chú qua điện thoại nhằm trợ duyên, sách tấn nhau tu học không có điều gì bất kính với kinh pháp cả. 
Có thể xem đó là một trong những cách tu tập về trì niệm thần chú Đại bi. Tuy nhiên, sẽ hay hơn rất nhiều nếu hai bạn thu xếp thời gian để cùng nhau đi chùa tụng kinh, trì chú hay cùng nhau trì niệm kinh chú trước bàn thờ Phật. Có Tam bảo chứng minh và trợ duyên thì sự tu niệm sẽ tinh tấn và dễ nhiếp tâm hơn. 
Người Phật tử tu tập trì chú (hay tụng kinh, niệm Phật, thiền định…) hàng ngày nhằm thâu nhiếp và chuyển hóa ba nghiệp thân, miệng, ý cho thanh tịnh. Bình thường, ba nghiệp thân, miệng và ý của chúng ta luôn theo duyên trần dấy khởi hoặc là thiện, hoặc là ác. Khi trì chú thì thân ngồi ngay thẳng (không làm ác), miệng đọc chân ngôn (không nói lời ác) và ý nhiếp vào thần chú (không nghĩ ác) tức ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh. Nhờ đó chúng ta ngày càng trở nên hiền thiện, hạn chế được những lỗi lầm, tội chướng tiêu trừ, phước đức tăng trưởng, đời sống hướng thượng và thăng hoa hơn. 

Dĩ nhiên, nếu ngày nào có công việc đột xuất hoặc bận rộn quá thì người Phật tử có thể tạm nghỉ hoặc dời đổi thời gian công phu tu niệm cho thích hợp.

Chúc bạn tinh tấn! 
 

Nhiên Như - Quảng Tánh

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin