Chi tiết tin tức Đạo Phật mê tín hay chánh tín? 22:13:00 - 27/12/2014
(PGNĐ) - Câu trả lời chỉ có một: Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của giác ngộ. Người đạo Phật dùng trí tuệ để phá bỏ ngã chấp, phá bỏ vô minh, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử khổ đau. Trí tuệ là bước khởi đầu, và cũng là cứu cánh của hành giả. Trong những bước đi ban đầu, nếu không chọn được lối đi đúng đắn, hành giả chắc chắn sẽ lạc vào lối mê lầm, có khi không còn cơ hội quay đầu trở bước.
Thế nhưng, trong thực tế, không ít trong số những người “con Phật”, vẫn chưa thoát khỏi những mê lầm đáng tiếc. Và chính những biểu hiện không chánh kiến của họ như xin xâm, xem quẻ, bói toán, xem tướng, coi ngày, cúng sao giải hạn, ông đồng bà cốt, …. mà người đời thường có cái hiểu sai lầm rằng đạo Phật là đạo mê tín, dị đoan. Đây quả thật là một vấn đề còn nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được của Tăng Bảo nhiều đời. Thật ra, trong hầu hết những sách vở nói về đạo Phật, các tác giả -mà chủ yếu là do những vị danh tăng đạo cao đức trọng, hoặc các học giả uyên thâm – viết ra, trong những thời pháp giảng…, các bậc tôn túc đều phân tích rạch ròi về chánh tín và mê tín, rất nhiều lần khuyên người học Phật không nên tin vào những điều không đúng tinh thần khoa học, không đúng lý nhân duyên, nhân quả. Người học Phật đã hiểu rằng tất cả những hiện tượng, sự việc xảy ra trong thế gian này đều bị chi phối bởi định luật Nhân – duyên – quả, không có việc chi không dưng mà có, không nhân mà thành. Người Phật tử phải có cái nhìn trí huệ, xem xét, phân tích mọi sự việc bằng qui luật nhân duyên, nhân quả. Sự việc nào hiện có mà không thể giải thích bằng nhân quả, nhân duyên thì rõ ràng đó không phải là sự thật chân chánh. Có những điều gọi là mắt thấy, tai nghe rành rành, nhưng cũng chưa thể vội tin đó là chân lý. Lấy ví dụ như, chúng ta chắc chắn không ít lần xem ảo thuật, chẳng hạn thuật ra tiền, lấy tiền, đồ đạc từ trong áo người khác…., nhưng liệu đó có phải là sự thật? Nếu là thật, thì sao những người ảo thuật đó không thuật ra tiền để xài, chi phải sống một đời cực khổ? Như vậy chúng ta hiểu rằng cái thấy của mắt thật rõ ràng, hiển nhiên, nhưng chẳng qua là những người ảo thuật đã “mà mắt” chúng ta mà thôi. Hoặc thí dụ khác: Một người nào đó có con nhỏ, sợ khó nuôi, bèn đem con mình ra đặt ở vệ đường, liền sau đó thì một người khác, mà họ đã nhờ cậy trước, giả vờ như tình cờ trông thấy đứa trẻ nên nhặt đem về nuôi, nhưng họ không nuôi mà trao trở lại ngay cho cha mẹ ruột đứa trẻ, nói tiếng là mượn nuôi giùm! Chúng ta thử nghĩ, với diễn tiến sự việc như trên, đối với người phàm mắt thịt chúng ta cũng còn biết đó chỉ là một vở kịch thô thiển, lẽ nào một bậc Thánh Thần nào đó khuất mặt là những bậc vô hình có đủ pháp thuật thần thông (có khả năng “bắt” mất con của họ và sức họ không thể nào chống cự lại) lại không nhận biết để đến nỗi bị lừa? Ngẫm ra, người thế gian mà lại dám bày trò “ qua mắt” Thánh Thần bằng cái cách hết sức là thô thiển, trẻ con! Ấy vậy mà người cha mẹ ấy, sau màn kịch diễn ra chớp nhoáng đó, lại yên lòng nuôi con của họ. Ngày sau, khi nhắc lại chuyện cũ, họ hỉ hạ bảo nhau: “Nhờ hồi đó tao bỏ nó ở ngoài đường đó, chứ nếu không …. ”!!! Thông thường nhất mà chúng ta thường thấy: Một người suốt năm bán buôn gian dối, đến ngày rằm ngày vía sắm sửa đèn nhang thật dồi dào, đi cúng dường Tam Bảo “mười chùa” để cầu Phật, Bồ tát phù hộ cho mua may bán đắc, một vốn bốn lời….. Hãy cứ nghĩ, nếu việc buôn bán gian dối của họ là một “nhân bất thiện”, thì lẽ nào Phật và chư vị Bồ tát lại có thể vì những lễ vật cúng dường “bất tịnh” ấy mà giúp họ được hưởng những “quả lành” hay sao? Hoặc những người không hề làm lành lánh dữ, tạo nhiều oán hận đối với mọi người, rồi họ gởi tiền nhờ chùa cúng sao giải hạn, liệu có thể nhờ việc này mà tránh được chuyện trả thù rửa hận của những cừu nhân? Lại có những người tin rằng có những vị như Mẫu Mẹ, Bồ tát Quan Âm, Tề thiên Đại thánh …. gán vào xác ông đồng bà cốt để phán cho họ biết chuyện “thiên cơ”, như: ngày tận thế, những điều lành dữ, hoặc dạy phải làm điều này điều kia, nếu làm theo thì sẽ được giúp đỡ, không làm theo thì sẽ bị trừng phạt….Thiết nghĩ, nếu đã là bậc đã chứng đắc quả vị Phật, Thánh, Bồ tát…. thì hẳn nhiên Phật, Bồ tát …đã có thừa oai lực thần thông để thị hiện một cách “đường đường chính chính”, đâu cần, và cũng không thể nào, gá vào một thân tục xác phàm đầy uế trược của chúng sinh để biểu lộ uy lực! Và nếu là Phật hay Bồ tát đích thực, nếu có răn dạy chúng sinh cũng chỉ để cứu độ chúng sinh giải thoát, nếu chúng sinh nào vì căn nghiệp sâu dầy mà không thể tiếp nhận được chánh pháp, thì tự chúng sinh ấy sẽ gánh chịu những “quả nghiệp xấu ” từ những “nhân ác” mà họ đã tác ý làm ra, chứ Phật hay Bồ tát có bao giờ bận lòng “thưởng phạt có điều kiện” như một vị chúa tể trừng phạt những thuộc hạ lầm lỗi để tỏ rõ uy danh?! Hiểu nhân quả công bằng là qui luật hiển nhiên của muôn đời, tất cả những người”con Phật” dứt khoát không thể tin, không chấp nhận những điều u mê, xằng bậy. Ngày nào sự mê tín dị đoan vẫn còn phổ biến ngoài dân chúng và ngay cả ở một số chùa chiền như nhận cúng sao giải hạn, xin xăm,xem hướng, xem ngày,… thì ngày đó không thể trách sao đạo Phật vẫn còn bị “đồng hoá” là một đạo mê tín dị đoan!
Năng Trí Theo Tạng thư Phật học
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |