Chi tiết tin tức

Hướng về Tam bảo

15:28:00 - 07/11/2014
(PGNĐ) -  Những người cao tuổi như chúng tôi ngoài việc nội trợ và giữ cháu, thời gian rảnh rỗi thích đi chùa hoặc tụ tập lại cạn tách trà thơm với ít bánh ngọt kể chuyện gia đình với bao nỗi buồn vui…
 

huong ve.jpg
Hướng về Tam bảo

Như đã hẹn trước, sáng nay tôi cùng ba người bạn già đến nhà chị Thục. Trên khoảng sân rộng tráng xi-măng, một chiếc chiếu đã trải có sẵn bộ bình trà và dĩa bánh kẹo với mấy chùm nho chín đỏ tươi. Nho từ lâu được gọi là đặc sản của quê hương Ninh Thuận. Là bạn bè lâu năm, chúng tôi rất thật lòng trong việc bánh ăn, nước uống.

- Chị Thục mang tỏi ra đây chị em mình vừa uống trà vừa lột để khỏi lãng phí thời gian - Lài nói vậy.

- Em thấy những nơi khác, chủ tỏi trả công mười ngàn một ký.

- Người ta trả chị mười hai nghìn rưỡi một ký đó Diễm. Người lớn tuổi có được việc làm là vui lắm rồi.

Qua câu nói, tôi thấy ánh mắt chị thoáng buồn. Chị buồn cũng phải thôi. Chị thuộc diện gia đình nghèo, neo đơn. Lột vỏ tỏi kiếm tiền là nguồn sống của chị. Sở thích của chị là đi chùa, đọc sách và sáng tác văn chương. Chị chịu khó lắng nghe tâm sự của người khác và dịu dàng góp ý chân thành nên bạn bè rất quý mến, thích đến nhà bên tách trà cùng sẻ chia tâm sự. Người có tâm trạng đau buồn nhất trong nhóm là Hồng, tuổi trên năm mươi, duyên tình gãy đổ. Bước thứ hai gặp phải người đàn ông thương tiền hơn vợ, ghen tuông nên Hồng chịu nhiều cay đắng trong cảnh vợ chồng.

Thỉnh thoảng Hồng có ý định tự hủy diệt sự sống nhưng nghĩ đến đàn con mất mẹ lúc tuổi còn nhỏ, Hồng thấy đau lòng. Từ đó Hồng suy nghĩ lại phải sống để nuôi con. Đã tạo chúng ra thì phải có trách nhiệm làm mẹ, không thể để con mình bơ vơ giữa cuộc đời này. Để thêm nghị lực vững bước tiến lên, Hồng thầm lặng niệm Phật. Hồng nói: “Đúng là Phật pháp nhiệm mầu. Từ lúc biết niệm Phật, em cảm nhận một điều ân đền nợ trả là cách sống chân thật nhất khi còn tồn tại trong thế giới làm người”.

Thả củ tỏi đang lột vỏ dở dang xuống rổ, chị Thục ngước nhìn Hồng dịu dàng hỏi:

- Cuộc sống gia đình em chắc là đầm ấm hơn xưa vì các con đã lớn, đi làm kiếm được đồng tiền rồi?

- Dạ, bây giờ cũng thấy thoải mái tâm hồn rồi. Hai đứa con gái của em đứa lớn sắp lập gia đình. Gái út vào Sài Gòn làm trong đó, lương tháng bốn triệu. Em kêu gởi về chút ít thôi, tiền còn tiếp tục học thêm tiếng Anh, mai mốt có việc cần đến đem ra sử dụng. Lúc này em chỉ muốn ngoài việc cơm nước trong gia đình thỉnh thoảng cùng chị em đến chùa dâng hương lễ Phật, nghe chư Tăng Ni thuyết pháp, quét lá, tưới cây trong sân chùa.

Lài xen vào:

- Việc đó ai mà chẳng thích. Gia đình an vui, nội tâm yên ổn, cuộc sống ấm no, Cực Lạc là đây rồi.

Chị Thục cười tươi, cầm bình rót nước vào ly mỗi người.

- Các em nghỉ tay, chị em mình ăn trái cây uống nước cho vui. Sống ngày nào chúng ta cố gắng tu tâm sửa tính, tập sống ích mình lợi người. Thời còn trẻ chị thích đi rong nên cũng quen biết nhiều anh chị có cách sống tốt đời đẹp đạo. Một câu nói từ anh cư sĩ: “Tôi nguyện làm viên đá lót đường cho những ai tìm về bờ giác” đã giúp chị dừng bước phiêu lưu, quay về với chính mình, cố gắng trau dồi tài đức. Hiện giờ anh ta đã ngồi vào hàng ghế chư Tăng, còn chị vẫn là…

Chị Thục bỏ lửng câu nói, ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh cao vời vợi, mỉm cười. Có điều gì đó mãn nguyện qua môi cười của chị - người phụ nữ đồng quê yêu văn chương, đang hướng về Tam bảo với tấm lòng vì người phục vụ, vì đạo hy sinh.

Phạm Thị Chín

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin