Chi tiết tin tức

Quan hệ thầy trò: Coi thầy là Phật hay giống như Phật?

15:19:00 - 18/07/2015
(PGNĐ) -  Quan điểm của Kim Cương thừa về mối quan hệ giữa thầy và trò trong giáo pháp có những điểm khác biệt với Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo Nguyên thủy. Chính vì thế, một nữ cư sĩ Phật giáo là Julia Hengst đã đến tận Pullawari [hay Puruwala?] để gặp ngài Tát- già Pháp vương (Sakya Trizin), người đứng đầu đời thứ 41 dòng truyền thừa Sakya của Phật giáo Tây Tạng để tham vấn về vấn đề này. Cuộc trao đổi diễn ra vào tháng Hai năm 2002 sau đó đã được đăng tải trên tạp chí Mandala của tổ chức Foundation   for the Preservation of the Mahayana Tradition (Quỹ Bảo tồn Truyền thống Đại thừa) số tháng Sáu và tháng Tám năm 2002. Bản dịch dưới đây do dịch giả gửi đến, VHPG xin giới thiệu với quý độc giả để tham khảo.

Julia Hengst: Ngài từng nói rằng theo Kim Cương thừa thì người thầy được coi là Phật; nhưng trong truyền thống Đại thừa, người thầy được coi giống như Phật chứ không phải là Phật. Ngài có thể giải thích thêm về sự khác biệt này?

Sakya Trizin: Đối với mọi dòng truyền thừa, Nguyên thủy, Đại thừa và Kim Cương thừa, người thầy là rất quan trọng. Kể cả trong ý nghĩa thông thường, không có thầy chẳng ai có thể học được điều gì. Mọi cấp độ trong các dòng truyền thừa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của người thầy. Tuy nhiên ở Nguyên thủy và Đại thừa, dù người thầy rất quan trọng, vẫn không được coi là Phật. Người thầy quan trọng như Phật, song không thực sự là Phật.

Với Kim Cương thừa, để nhận thức bản chất của tâm, ta cần sự gia trì của thầy và tích lũy công đức. Thiếu hai điều này, ta không thể giác ngộ, cho dù có học tập nghiên cứu, phân tích, lý luận hay ví dụ. Ta có thể hiểu biết, song không thể giác ngộ nếu thiếu sự gia trì của thầy. Ví dụ, mặt trời chiếu sáng suốt ngày. Nhưng nếu thiếu các công cụ cụ thể, không ai sử dụng được năng lượng của nó. Cũng vậy, sự gia trì của Phật luôn tỏa xuống cho mọi chúng sinh không bao giờ gián đoạn. Mặc dầu sự gia trì của Phật đối với chúng sinh là như nhau, không phân biệt; nhưng vì thiếu đức, ta không thể thấy Phật. Ta không may mắn được thấy Phật hay nghe Phật giảng, do vậy ta không thể trực tiếp nhận được sự gia trì của Phật.

Người thầy, xuất hiện như một người bình thường, đóng vai trò như một công cụ giữa mặt trời và trái đất để thông qua thầy, ta có thể nghe Pháp và có thể trực tiếp nhận được gia trì từ thầy. Do vậy, theo Kim Cương thừa, vị ban cho ta các phép quán đỉnh, giáo pháp, mật pháp và những chỉ dẫn cốt tủy, mặc dù vị ấy không xuất hiện như một vị Phật, vị ấy vẫn được các học trò coi là Phật. Mặc dầu vị thầy không hoàn hảo và có những khiếm khuyết, song nếu ta coi thầy là Phật thật, ta có thể nhận được sự gia trì của Phật. Vì rút cục, mọi sự do tâm, và mọi chúng sinh đều có Phật tính. Do vậy, kể cả khi thầy của ta đang ở địa ngục, nhưng nếu từ quan điểm học trò, ta vẫn coi thầy là thầy, thì ta vẫn nhận được sự gia trì của thầy. Phải vậy không?

Mức độ gia trì của Kim Cương thừa còn mãnh liệt hơn nhiều. Đó là lý do vì sao mà theo quan điểm Đại thừa thì không thể giác ngộ trong một kiếp; kể cả những vị có trí tuệ và cố gắng nhất thì vẫn phải mất đến vô số kiếp; nhưng theo Kim Cương thừa, những người siêu phàm và có đủ công đức có thể đạt được Phật quả ngay trong đời này.

JH: Hết lòng tôn kính thầy, như được trình bày theo các khái niệm Mật tông, là điều khó khăn nhất đối với người phương Tây; trong khi không muốn cáu giận với thầy thì mặt khác đôi lúc người phương Tây nghi ngờ về hành động của các vị thầy. Vì đã được đào tạo trên tinh thần khoa học duy lý, điều phổ biến đối với người phương Tây là xem vị thầy không phải là người hoàn hảo. Làm thế nào để người phương Tây có thể vượt qua được trở ngại này và thực sự thấy thầy là Phật?

ST: Thực sự không ai có thể buộc ta tin vào điều này – không ai có thể buộc ta phải chấp nhận người thầy. Chính Đức Phật cũng đã nói, ngay cả những lời dạy của Ngài cũng phải được ta kiểm chứng một cách kỹ lưỡng và chỉ sau khi đã tự mình tin chắc rằng đó là giáo pháp chân thực, bấy giờ ta mới nên chấp nhận – chứ không chỉ là sự tin tưởng đơn thuần. Tương tự như vậy, theo lời Phật dạy, ta không nên thiết lập quan hệ thầy trò ngay lập tức.

Đầu tiên người thầy phải kiểm tra học trò; sự chân thành và các phẩm chất của học trò… và học trò cũng nên tìm hiểu thầy. Ta phải rất cẩn thận trong việc chọn thầy. Có những văn bản cụ thể, ví dụ như Năm mươi bài kệ về sự hết lòng tôn kính thầy, trong đó có nhắc đến một cách rõ rệt tầm quan trọng của việc tìm hiểu lẫn nhau này. Do vậy chỉ khi tự mình tin chắc người thầy này là chấp nhận được thì mới nên tiếp nhận giáo pháp và phép quán đỉnh (của người ấy); khi đó, tôi cho rằng ta có thể cố gắng – ít nhất là cố gắng hết mức – để thấy thầy là Phật.

Dĩ nhiên ngày nay hầu như không thể tìm được người thầy hoàn hảo. Nếu thấy một người thầy có ít đức hạnh mà nhiều lỗi lầm thì ta nên tránh ngay từ ban đầu. Nhưng nếu vị ấy có nhiều đức hạnh và ít khiếm khuyết thì ta nên chấp nhận. Và một khi ta đã chấp nhận, rồi lại tiếp nhận giáo pháp từ vị ấy, thì mặc dầu có những hành động mà ta không thích hoặc không đồng ý, ta cũng nên cố gắng xem đấy chỉ là do tà kiến tà nghiệp của chính mình mà mình thấy như vậy. Trên thực tế, ta nên coi thầy như là Phật.

Ví dụ, khi nhìn ánh trăng phản chiếu trên mặt nước mờ đục, ta cũng không thấy rõ mặt trăng. Nhưng đó không phải là lỗi của mặt trăng, mà chính là do nước đục. Nếu nước trong, thì ánh trăng cũng sáng rõ. Nếu mặt nước đục hoàn toàn thì ta còn không nhìn thấy ánh trăng. Cho nên, ngay cả khi ta có những ý nghĩ tiêu cực, ta phải cố gắng thay đổi những ý nghĩ ấy và thấy thầy giống như những bậc thượng sư thời cổ. Nhiều vị thực sự là những đại hành giả thượng thừa, nhưng trong con mắt của người thường, họ đã làm những điều sai trái. Tất cả đều do những tà kiến thông thường; trong khi về thực tế, bất kỳ những gì các đại hành giả đã làm đều vượt qua những ràng buộc của nghiệp.

JH: Ngài nói rằng nếu học trò có suy nghĩ xấu về vị thầy thì nên cố gắng thay đổi những suy nghĩ ấy. Vậy có phải ta nên dùng những phép đối trị thông thường, như khởi lòng từ để khắc phục sự bực tức, hoặc quán tưởng về tánh Không?

ST: Áp dụng phương pháp nào không là vấn đề miễn sao ta thay đổi được suy nghĩ của mình. Và hầu hết là ta có thể thay đổi nhờ việc tìm hiểu về tiểu sử các vị thầy của dòng truyền thừa – làm thế nào mà các đại hành giả thời xưa có vẻ đã làm những điều lầm lỗi và những người học trò mất niềm tin đều không đạt được thành tựu, trong khi những người giữ vững niềm tin, tiếp tục xây dựng lòng tôn kính với thầy ngay cả khi thầy có những hành động lạ lùng, đều đạt được thành tựu? Về điều này, tôi cho rằng cách đối trị tốt nhất, đặc biệt đối với người phương Tây, là không nên chấp nhận vị thầy ngay lập tức. Trước hết ta phải nghiên cứu những bài học cơ bản, nhất là cách kiểm tra thầy và trò – cách thiết lập mối quan hệ thầy trò – và thực hiện điều này một cách cẩn thận. Một khi ta đã tin chắc vị thầy là chấp nhận được, rằng vị ấy có nhiều đức hạnh và ít khiếm khuyết, rồi khi ta đã tiếp nhận phép quán đỉnh và các bài giảng Mật tông, thì tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là hãy tiếp tục xây dựng lòng tôn kính…

JH: Thưa Ngài, ở phương Tây nhiều người rất nôn nóng về việc chưa được nhận phép quán đỉnh theo Mật tông.

ST: Đúng vậy, và tôi nghĩ sự nôn nóng này không hẳn là đúng đắn, vì phép quán đỉnh Mật tông chẳng dễ dàng gì. Không những thế, quán đỉnh Mật tông thường kèm theo nhiều giới luật, hạnh nguyện, quy tắc; do vậy ta phải rất cẩn thận để có khả năng gìn giữ tất cả những hạnh nguyện ấy và sự hết lòng tôn kính thầy. Theo tôi, giải pháp tốt nhất là ta phải biết rõ về tất cả những điều đó và khảo sát chúng ở cả hai mặt.

JH: Nếu các học trò chấp nhận mọi hạnh nguyện nhưng không biết rõ các hạnh nguyện ấy thế nào và vì thế mà vi phạm chúng thì điều đó ảnh hưởng thế nào tới người thầy?

ST: Nếu ta không giữ được hạnh nguyện và vi phạm giới luật, việc đó tác động đến nhiều điều nhưng đặc biệt là ảnh hưởng tới vị thầy. Người thầy ở lại cõi Ta-bà này là để cứu giúp chúng sinh, do vậy nếu các chúng sinh không được lợi lạc – nếu học trò không giữ hạnh nguyện và làm những việc sai trái – thì việc người thầy ở lại cõi này là vô nghĩa, do vậy nó ảnh hưởng tới sinh mệnh của người thầy.

JH: Người ta cho rằng Đức Đạt-lai Lạt-ma từng khuyên người Tây Tạng nên dành trọn 13 năm (một chu kỳ niên lịch Tây Tạng kèm theo một năm lẻ) để học hỏi về những bài giảng của vị Lạt-ma và tìm hiểu về người thầy tương lai. Phải chăng điều này là thích hợp hay cần thiết cho người phương Tây?

ST: Tôi cũng nghĩ vậy. Như đã nói trên, việc tìm hiểu cẩn thận là rất quan trọng. Người học trò có thể tiếp nhận những giáo huấn thông thường và cơ bản mà không nhận các giáo huấn Mật tông cao cấp, và bắt đầu thiết lập mối quan hệ thiện hữu – ta có thể coi người ấy là bạn. Dựa trên nền tảng này ta có thể nhận nhiều giáo huấn. Từ đó, ta cần nghiên cứu cẩn thận việc làm thế nào để có được người thầy Mật tông – thế nào là các phẩm chất của một vị thầy… Như thế, tôi không cho rằng phải có một khoảng thời gian nhất định, vì đối với một số người, ngay cả 13 năm cũng là quá ngắn, trong khi với một số người khác, 13 năm là dài một cách không cần thiết. Nhưng về cơ bản là cho tới khi ta biết đích xác mình sẽ làm gì, ta sẽ nhận được những gì và ta sẽ chấp nhận vị thầy như thế nào… Ta phải nghiên cứu kỹ cho tới tận thời điểm ấy. Tôi nghĩ điều này là rất quan trọng.

JH: Nếu ta nghiên cứu cẩn thận, tiến hành chậm rãi từng bước một, và xây dựng được lòng tôn kính lớn, nhưng mãi không tìm được thầy, thì có cách nào để tìm thấy thầy một cách nhanh chóng không? Có thể là qua cầu nguyện, hay một vài thực hành nào đó?

ST: Đúng, tôi nghĩ cũng giống như trong tiểu sử của các bậc thượng sư thời trước, họ cầu nguyện và tìm kiếm người thầy. Một vài người có khả năng siêu phàm, họ nhận được những dấu hiệu nào đó, ví dụ như trong mơ họ thấy trước người thầy. Hoặc họ có thể thấy người thầy từ kiếp trước. Một khi ta gặp một người thầy từ kiếp trước, chỉ từ cái nhìn đầu tiên ta đã có những cảm giác rất đặc biệt. Điều tốt nhất là phải tích lũy công đức. Nếu không đủ công đức thì ta không thể tìm thấy người thầy từ kiếp trước; nhưng nếu có đủ công đức thì điều này là rất dễ dàng. Có nhiều cách để tích lũy công đức; nhưng cách tốt nhất để tích lũy công đức trong một thời gian ngắn là xây dựng lòng từ bi và dựa trên cơ sở đó phát triển bồ-đề tâm.

JH: Đôi khi người thầy có vẻ như có những quyết định sai lầm, thậm chí dựa vào bói toán để đưa ra một lời tiên đoán mà tỏ ra là hiển nhiên sai lầm. Làm thế nào ta có thể học được cách đối xử với người thầy có quyết định có thể dẫn đến những kết quả (dường như là) tệ hại. Ví dụ có lần một vị Lạt-ma đã khuyên một cặp vợ chồng không nên tiêm phòng dại cho đứa con của họ bị chó cắn, và đứa trẻ đã chết. Làm sao ta có thể có được một sự hiểu biết về điều mâu thuẫn hiển nhiên này?

ST: Ngay cả khi quẻ bói của tôi nói rằng không nên tiêm phòng dại thì tôi cũng vẫn khuyên mọi người nên tiêm phòng dại để được an toàn! Bất luận thế nào thì câu hỏi này cũng đụng chạm tới nhiều vấn đề. Theo trường phái Trung luận, mọi sự đều do duyên khởi. Mọi thứ đều phụ thuộc (lẫn nhau) – thời gian, hoàn cảnh, con người có liên hệ… Và vì thế, nhiều khi điều này xảy ra vì sự thiếu tin tưởng, tin cậy của người học trò; cũng có khi, nếu ta có một nghiệp xấu quá nặng khó thể chuyển đổi thì những điều bói toán có thể sai lạc. Lại nữa, điều đó cũng còn phụ thuộc vào vị Lạt-ma – không phải mọi vị Lạt-ma đều hoàn hảo. Có Lạt-ma cấp cao, Lạt-ma cấp trung và Lạt-ma tầm thường; cho nên một số Lạt-ma cũng phạm sai lầm.

Không phải người thầy nào cũng là Phật. Như tôi đã nói, ngày nay gần như là không thể tìm được một người thầy hoàn hảo, nhưng chúng ta nên cố gắng thỏa hiệp với những vị Lạt-ma có nhiều đức hạnh và ít lỗi lầm.

JH: Người thầy xuất hiện như một người bằng xương bằng thịt, nhưng một trong các nhiệm vụ của vị thầy bên ngoài là để kết nối ta với vị thầy bên trong. Làm thế nào để ta có thể biết đây chính là người thầy bên trong đang nói với ta chứ không phải là ảo tưởng? Và liệu có khi nào người thầy bên trong thể hiện ra một cách rõ ràng như một giọng nói bên trong, một sự kiện xảy ra cùng lúc, hay một âm thanh trong môi trường?

ST: Tôi không cho rằng thực sự người thầy bên trong có nói. Người thầy bên trong ở đây có nghĩa là những trải nghiệm. Một cách cơ bản, người thầy bên trong có nghĩa là mọi chúng sinh đều có Phật tính – bản chất thực của tâm thức vốn không bao giờ bị ô uế bởi những sự che lấp. Nhưng tại thời điểm này ta chưa thấy được bản chất thực của tâm ta. Thay vào đó chúng ta hoàn toàn bị che lấp bởi những ảo tưởng và rất khó để thấy được điều đó. Nhưng nhờ sự gia trì của vị thầy bên ngoài, ta có thể có được một cái nhìn thoáng qua; nhờ thiền định, nhờ tích lũy công đức và nhờ nhận được sự gia trì của thầy, ta có thể thoáng thấy bản chất thực của tâm mình. Qua đó, với sự tinh tấn hành trì, ta có thể từng bước nhận thức được bản chất thực của tâm thức. Đây chính là người thầy bên trong.

Nói cách khác, người thầy bên trong không có nghĩa là điều gì đó bên trong nhắc bảo ta điều này điều kia hay đưa ra những chỉ thị – điều đó không phải như vậy. Điều đó có nghĩa là việc tìm kiếm bản chất của tâm.

JH: Người thầy bí mật là ai thưa Ngài?

ST: Người thầy bên ngoài là sự kết hợp của chư Phật, người thầy bên trong là tịnh quang – bản chất của tâm thức của mỗi người chính là người thầy bên trong, còn người thầy bí mật là bản chất của cái tâm ấy nhưng đã tách rời khỏi mọi điều thái quá, được gọi là Pháp thân. Ta có thể nói đây là một khía cạnh khác của tịnh quang. Đấy chính là người thầy bí mật.

JH: Nếu ta ở cách xa người thầy nhưng có cảm giác mãnh liệt rằng đang được thầy chỉ dẫn, điều này có nghĩa là gì nếu như không phải là người thầy bên trong? Đây có phải là một kết nối siêu phàm?

ST: Dĩ nhiên đúng là như vậy. Nhưng đây không phải là người thầy bên trong, mà là do sự tôn kính – một lòng tôn kính mãnh liệt. Điều đó dựa trên mối liên kết với người thầy bên ngoài. Người thầy bên trong có nghĩa là ta càng gắn kết với bản chất thật của tâm mình thì ta càng gần với người thầy bên trong. Còn khi ta có cảm giác mãnh liệt rằng mình đang được người thầy bên ngoài chỉ lối thì đây chính là sự gia trì của người thầy bên ngoài.

JH: Tục ngữ nói rằng người thầy như ngọn lửa; nếu ở quá gần thầy ta sẽ bị đốt cháy, nếu ở quá xa thầy ta sẽ bị lạnh. Thế nào là sự cân bằng thích đáng?

ST: Với người bình thường, nếu ở quá gần thầy, sẽ khó thấy được đức hạnh mà dễ thấy khiếm khuyết của thầy. Cho nên, ở gần thầy quá thì cũng không phải là lý tưởng. Nhưng đồng thời ta cần có sự kết nối để nhận được giáo huấn, phép quán đỉnh… và một khi đã có được mọi thứ rồi thì nên giữ một khoảng cách nhỏ. Ngay cả khi giữ khoảng cách này, ta cũng nên duy trì mối liên kết bằng cách thực hành việc hình dung, quán tưởng và thỉnh cầu sự gia trì của thầy để hòa nhập tâm mình với tâm có tuệ giác của thầy.

Vài người có khả năng ở gần thầy và số khác thì không. Điều này tùy thuộc vào từng cá nhân. Nhưng nếu có khó khăn thì có rất nhiều cách giải quyết, chẳng hạn như đọc tiểu sử của những bậc thượng sư đời trước.

JH: Phải chăng việc dâng hiến mọi năng lực của mình cho người thầy là một việc khôn ngoan hay đúng đắn?

ST: Sau khi đã chấp nhận một vị thầy là bổn sư, người ban cho ta các phép quán đỉnh và đặc biệt là vị thầy đã chỉ cho ta thấy bản chất của tâm thức, thì dĩ nhiên với vị ấy ta phải dâng hiến tất cả.

JH: Nếu vị bổn sư của ta ngày càng bận vì có nhiều học trò và có ít thời gian dành riêng cho từng học trò một thì làm thế nào ta có thể tránh được cảm giác không bằng lòng, ghen tị hay quá mẫn cảm? Làm thế nào có thể biết chắc rằng ta sẽ nhận được những chỉ dẫn cần thiết?

Ghen tị và các suy nghĩ tiêu cực khác rất có hại. Không chỉ trong tương lai mà ngay cả ở kiếp này, chúng sẽ phá hủy cuộc sống của ta. Cho nên, nhớ tới những hậu quả mà ta phải đối mặt vì dung dưỡng những tình cảm xấu ấy mà ta cố tránh mắc phải chúng.

Về phần tiếp nhận các chỉ dẫn, bất kỳ khi nào có cơ hội ta nên cố gắng tìm kiếm sự chỉ dẫn của thầy. Một cách cơ bản, bất kỳ những gì người thầy chỉ dẫn hay khuyên nhủ, điều rất quan trọng là ta phải làm theo. Nhiều người có khuynh hướng tiếp nhận nhiều giáo huấn nhưng sau đó thì không làm theo. Điều này là vô ích.

Bất kỳ giáo huấn nào ta nhận được – cho dù là ít ỏi – ta cũng nên thực hành bằng cả thân, khẩu và ý. Nếu liên tục có chướng ngại khiến không gặp được thầy thì ta nên cúng dường mạn-đà-la và tụng chú Kim cương Tát- đỏa nhiều hơn để tịnh hóa các nghiệp xấu và tích lũy công đức. Khi đã có đủ công đức thì sẽ có tất cả.■

JULIA HENGST & SAKYA TRIZIN  | HỒNG ĐIỆP dịch

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 180

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin