Chi tiết tin tức

Ai bảo đi tu là khổ?

21:17:00 - 10/03/2019
(PGNĐ) -  Nếu có ai hỏi sư đi tu có khổ không thì sư sẽ trả lời là có, đi tu khổ lắm chớ, vì đi tu thức sự là dành cả cuộc đời này để chuyển hóa phiền não, phụng sự nhân sinh, sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ, chớ có bao giờ được ngồi yên trong chùa mà hưởng nhàn, tám chuyện Đông Tây? 

vithayoque.jpg
Ai bảo đi tu là khổ? - Ảnh minh họa

 

Phật thì thương chúng sanh như con đỏ, đến cả Ngài cũng không dám ngồi trên bàn thờ để hưởng lộc từ bà con Phật tử, mang tiếng là Phật mà vẫn phải làm việc quần quật từ sáng đến tối. Là đệ tử Phật, không ít thì nhiều cũng phải biết phụ Ngài một tay. Nhiều lúc cũng muốn buông xuôi để tự do bay nhảy như các bạn trẻ, hưởng một cuộc sống mà nghe các bạn ấy nói vui lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy thương Phật, giờ mà sư bỏ Ngài thì cảm thấy có lỗi với Ngài lắm.

Thân mạng này là của Ngài ban cho, nếu không có Ngài thì sư cũng vong mạng rồi. Có tu cả chục kiếp cũng chưa chắc gì trả nổi ơn đức của Ngài. Thôi thì đành gác lại bao vui thích cá nhân mà xăn tay áo lao vào phụ giúp Ngài một tay chớ sao. Thế mà ai bảo đi tu là ngồi mát ăn bát vàng, là lười biếng nhác việc, rồi thì chán đời thất tình, lánh xa xã hội, bi quan yếm thế. Đấy, mọi người thấy không, ai còn bảo đi tu sướng lắm đâu?

Thật tình mà nói thì đi tu có nhiều việc để làm lắm, chớ không rảnh rỗi như bao người đã nghĩ đâu. Người tu nào cũng chịu phần thiệt cho mình, dành thời gian tu tập chuyển hóa thân tâm, quyết tâm từ bỏ tham sân si, áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày rồi đem chia sẻ cho bà con Phật tử, mong sao phần nào họ cũng được hưởng nguồn pháp lạc của Đức Thế Tôn. Cuộc sống của người tu thì cực kỳ đơn giản, nếu làm trụ trì thì cũng có tiền đấy nhưng không phải của họ, tiền đó họ không được phép xài riêng mà là để lo công tác Phật sự. Chỗ nào nghèo đói thiếu thốn, lũ lụt bão tố, người già neo đơn không ai chăm sóc, vùng sâu vùng xa, là họ phải lặn lội đi tới tận nơi thăm hỏi động viên, chia sẻ với bà con nghèo đói. Cả cuộc đời của nhà tu đều đem trí tuệ và công sức ra để phục vụ chúng sinh, vì thế trải qua bao nhiêu thời kỳ lịch sử, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, đi tới đâu Phật cũng đem lợi lạc cho mọi người.

Đức Phật có dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, thế mà nhiều lúc chúng ta không bao giờ trân quý hình hài này, cũng chẳng thèm quan tâm đến lời Phật dạy. Nhiều người đã quy y cửa Phật từ lâu, tự nhận mình là Phật tử nhưng cả đời không bao giờ đụng tới cuốn kinh, cũng chẳng biết Đức Phật dạy những gì, họ làm những điều mà Phật nhìn thấy cũng buồn huống chi là sư. Mỗi dịp cúng giỗ lễ lộc, họ bỏ ra cả hàng trăm triệu để mua vàng mã về đốt, nghĩ tới mà thương cho họ, người khác tiền không có để ăn mà họ lại có tiền mua giấy vàng mã đốt. Nói thì động tới lòng tự ái, lại bảo quý thầy không hiểu gì về tâm linh, rồi từ đó cũng bỏ đi chùa luôn. Thế có khổ không, ai bảo đi tu là vui, đi tu khổ lắm chớ.

Nói đi thì cũng nói lại, cũng thấy thương bà con Phật tử, cũng bởi vì dân ta bị Tàu đô hộ quá lâu nên những văn hóa đẹp đều bị mất dần, thay vào đó là một đạo Phật thiên về tín ngưỡng, một đạo Phật chỉ nặng về cúng kính nghi lễ rườm rà, ít có cơ hội áp dụng lời Phật dạy vào trong đời sống thực tiễn. Từ đó giới trẻ có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đạo Phật, họ nghĩ đạo Phật chỉ dành cho những người già lớn tuổi cô đơn, chỉ có người già mới đi chùa, còn trẻ mà đi chùa thì bị người khác chê cười.

Vài thập niên gần đây, dân Việt mới có cái nhìn khác hơn về đạo Phật, đặc biệt là giới tri thức trẻ có cái nhìn rất mới về đạo Phật. Tất cả đều nhờ ơn đức của những vị cao đức có tài thực tu thực học, quý ngài đã thổi một luồng sinh khí mới giúp cho cây bồ-đề Chánh pháp ngày càng đơm hoa kết trái, giới trẻ đi chùa tu học mỗi năm đông hơn trước. Từ đó ta mới hiểu được giá trị của lời Phật dạy quý giá đến nhường nào, giới trẻ chịu học Phật tức có nghĩa là các bạn đang trau dồi đạo đức, giúp cho cuộc sống an bình, xã hội văn minh, đem lại hòa bình cho xã hội.

Đạo Phật dạy chúng ta tu tập giữ gìn năm điều đạo đức, nếu thực tập đúng thì an lạc sẽ có mặt tức thời, không ai có thể ban thưởng và trừng phạt ta được, duy chỉ có ta mới tự làm cho ta khổ hay vui thôi.

Điều thứ nhất là bảo vệ sự sống, rõ hơn là tôn trọng mạng sống. Chúng ta không có quyền cướp đi mạng sống của ai, ai cũng tham sống sợ chết, họ có quyền được do vui sống trong sự bảo hộ của pháp luật nhà nước. Ý thức được điều đó ta sẽ không bao giờ làm tổn hại người khác để rồi phải vướng vào tù tội.

Đạo đức thứ hai là tránh xa trộm cắp. Đồng tiền đi liền khúc ruột, khó lắm người ta mới kiếm ra đồng tiền; để có được đồng tiền họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt chớ không phải ngồi không mà có, vì thế đừng bao giờ nghĩ đến việc chiếm đoạt tài sài của người khác.

Ngày nay tệ nạn tà dâm ngày càng lớn mạnh, bao nhiêu gia đình tan vỡ vì chồng mèo mỡ, vợ thì thích của lạ, kèm theo đó là bao hệ lụy cho những đứa con thơ vô tội. Cha mẹ chúng làm thì không chịu trách nhiệm, bỏ mặc con cái cho xã hội nuôi dạy, phần thì đùn đẩy cho ông bà. Con cái lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, rồi cũng không được dạy dỗ kỹ nên sau này cũng giống như bố mẹ chúng, sống không có trách nhiệm, ăn chơi lêu lổng. Thực tập điều đạo đức này giúp cho xã hội ổn định hơn và cũng là gieo trồng hạt giống từ bi nơi tự tâm.

Điều đạo đức thứ tư có giá trị xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Thực tập ái ngữ và lắng nghe, tránh xa những lời nói cay độc có khả năng gây ra sự rạn nứt gia đình và gây mất đoàn kết. Ông cha ta cũng đã dạy, “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chúng ta ai cũng có hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và một cái miệng; không rõ xã hội sẽ ra sao nếu con người có hai cái miệng, lúc ấy chiến tranh khẩu nghiệp chắc sẽ bùng nổ khắp nơi. Đôi khi im lặng là vàng, im lặng một cách hùng tráng, im lặng cũng đã làm vơi rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.

Chả hiểu từ đâu mà có cái ý niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, tạm dịch là đàn ông mà không uống rượu thì như cờ không gió. Chẳng liên quan với nhau tí nào, cờ không có gió thì có làm sao, đàn ông không uống rượu thì tốt chớ sao. Câu nói đó đã giết chết bao nhiêu thanh niên trai tráng, làm tan nát bao nhiêu gia đình. Hậu quả của việc uống bia rượu là chết chóc tang thương. Thứ chất cồn đó một khi đã vào người thì mất hết cả lý trí, ta không thể làm chủ được cảm xúc, bao nhiêu tai nạn thảm khốc xảy ra đều do bia rượu mang đến. Nếu đàn ông mà tránh xa bia rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện thì bớt khổ, điều đạo đức này giúp cho người tuân theo có một cuộc sống lành mạnh tự chủ, có thể quản lý tốt tài chính cũng như sức khỏe của mình.

Đi tu khổ thật các bạn ạ, khổ vì phải lo nghĩ cho người khác, nghĩ cách nào để giúp cho mọi người bớt khổ. Các bạn thấy có ngộ không, đi tu đã khổ mà lại đòi giúp người khác thoát khổ. Cuộc sống đâu phải là chỉ để nhận, vì khi ta sinh ra là ta đã bắt đầu nợ cuộc đời này, không khí mà ta đang hít vào là của cuộc đời, công ơn cha mẹ thật to lớn đối với ta, ta nợ bạn hữu tri thức, nợ đất nước tổ quốc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để mang đến sự bình yên cho ta.

Đi tu khổ, khổ vì phải chuyển hóa phiền não, khổ vì thương yêu lo nghĩ cho mọi người, khổ vì không được sống theo thói đời hư hỏng, khổ vì phải chia sẻ giáo pháp cho bà con không ngừng nghỉ. Tất cả mọi thứ khổ của người tu cộng lại thành vui, thật lạ lùng, sư cũng không thể hiểu cách vận hành này của cuộc đời. Vì vậy có khổ tí cũng không sao, miễn sao giúp mọi người sống có hiểu biết và thương yêu là vui rồi.

Quang Tế

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin