Chi tiết tin tức Khi vua không phóng dật 21:56:00 - 07/03/2023
(PGNĐ) - Làm vua uy quyền thế, được nhiều người ngưỡng mộ và kỳ vọng đến thế nên “cái đức” của vua cũng phải lớn phải cao thì mới đủ sức lãnh đạo và giáo dục thần dân trăm họ.
“Không phóng dật, đường sống, Phóng dật là đường chết, Không phóng dật, không chết, Phóng dật như chết rồi. Biết rõ sai biệt ấy, Người trí không phóng dật, Hoan hỷ, không phóng dật, An vui hạnh bậc Thánh”1. Hai đoạn kệ kinh Pháp cú trên nói cho chúng ta biết rằng không phóng dật, nghĩa là một nếp sống cẩn trọng, biết giữ gìn lời ăn tiếng nói, có tư tưởng lành mạnh trong sáng, tránh các hành vi bê tha, chính là con đường sống, con đường của hạnh phúc an lạc. Trái lại, phóng dật, nghĩa là một nếp sống buông thả, không tu tập thân, khẩu, ý, đắm say trong men rượu, men dục vọng hay men quyền lực, chính là con đường chết, con đường của mọi bất hạnh khổ đau. Có thể không chết liền nhưng là chết dần chết mòn hoặc sống đó mà như chết rồi vậy. Thực tế chuyện đời cũng nói với chúng ta có rất nhiều nỗi bất hạnh khổ đau lẽ ra có thể tránh được, nếu con người biết cân nhắc thận trọng trong cuộc sống, khéo tu tập giữ gìn thân, khẩu, ý, không buông thả phóng dật. Làm dân hay làm chủ một gia đình mà sống buông lung phóng túng thì sớm muộn phải chịu cảnh tán gia bại sản. Còn làm vua hay lãnh đạo một đất nước do tổ tiên để lại mà dễ duôi phóng dật thì khó tránh khỏi cái họa nước mất nhà tan. Dân là người mà vua cũng là người. Nhưng vua cao hơn dân vì vua đứng trên dân, lãnh đạo dân, sống nêu gương cho dân, chịu trách nhiệm chăm lo hạnh phúc cho muôn dân. Làm vua uy quyền thế, được nhiều người ngưỡng mộ và kỳ vọng đến thế nên “cái đức” của vua cũng phải lớn phải cao thì mới đủ sức lãnh đạo và giáo dục thần dân trăm họ. Ngày xưa vua là Thiên tử nên vua là tất cả, mọi việc hưng vong của cơ đồ xã tắc đều trông chờ ở vua. Ngày nay lãnh đạo đất nước do dân bầu dân cử nên dân có quyền hơn trong việc chọn người thế vị. Nhưng dù thế nào đi nữa thì việc chọn ai bầu ai cũng chỉ là giải pháp nhất thời bên ngoài. Sự thực thì chính bản thân người lãnh đạo, cái đức cái trí thể hiện trong cuộc sống và trong đường lối lãnh đạo của người ấy, mới quan trọng để quyết định một nhà nước có trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và hướng dẫn đời sống chân chính của toàn dân hay không. Đức Phật đánh giá cao đức tính chân chính sáng suốt của người lãnh đạo đất nước, xem đó là yếu tố quyết định sự hưng thịnh của một xứ sở. Ngài cho rằng chính cuộc sống đạo đức sáng suốt của người lãnh đạo sẽ ảnh hưởng đến lối sống đạo đức chân chính của tất cả quan dân trong nước, nhờ vậy xứ sở được thái bình thịnh vượng2. Những lời khuyên của Ngài cho đức vua Pasenadi được trích dẫn dưới đây3 nói cho chúng ta biết cái may mắn to lớn của một đất nước khi có được một nhà lãnh đạo mẫu mực, sống chân chính đúng pháp, không phóng dật: “Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn: – Bạch Thế Tôn, có một pháp nào có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau? – Thưa Đại vương, có một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau. – Bạch Thế Tôn, pháp ấy là gì, có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau? – Bất phóng dật, thưa Đại vương, là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau. Do vậy, này Đại vương, Đại vương cần phải học tập như sau: “Tôi sẽ là thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du”. Như vậy, này Đại vương, Đại vương cần phải học tập. Này Đại vương, để có thể trở thành thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, Đại vương cần phải y cứ, an trú vào một pháp, tức là không phóng dật trong các thiện pháp. Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các nữ cung nhân sẽ suy nghĩ: “Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật”. Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các vị Sát-đế-lỵ chư hầu sẽ suy nghĩ: “Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật”. Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các dân chúng ở thị trấn và quốc độ sẽ suy nghĩ: “Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật”. Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời tự ngã được che chở, hộ trì, nội cung được che chở, hộ trì, kho tàng được che chở, hộ trì, quốc độ được che chở, hộ trì. Ai ước mong tài sản, Ai ước nguyện tuổi thọ, Không bệnh, có diệu sắc, Được sanh lên Thiên giới, Sanh các nhà quý tộc, Phải liên tục tăng thượng, Tinh tấn, không dừng nghỉ, Người hiền triết tán thán, Hạnh lành, không phóng dật, Đối với những người lành, Làm các hạnh công đức, Người hiền không phóng dật, Được cả hai lợi ích, Lợi ích trong đời này, Lợi ích cả đời sau. Kẻ anh hùng được gọi, Là bậc chơn hiền trí, Nếu biết nắm chụp lấy, Hạnh phúc cho chính mình”. ---------------- 1. Kinh Pháp cú, kệ số 21-22. 2. Kinh Phi pháp, Tăng chi bộ. 3. Kinh Không phóng dật, Tương ưng bộ. Nguyên Định
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |