Chi tiết tin tức Không nói dối 14:29:00 - 26/05/2017
(PGNĐ) - Cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có 49 năm đi hoằng pháp gần khắp nước Ấn Độ. Với trí tuệ uyên bác, đạo đức trong sáng, Ngài thấy con người từ lúc sinh ra đến lúc quy ẩn tổ tiên, nhiều người thường sống và tạo nghiệp xấu cho bản thân và xã hội mà họ không biết: thích họ nói, thích họ làm, ít người nghĩ tới hậu quả ra sao.
Trong tu hành vị sư nào giữ được trọn vẹn giới luật, sống trang nghiêm, thanh tịnh, đem giáo pháp của Phật giảng dạy cho Phật tử, để Phật tử sống thiện, sống tốt, để cuộc sống của con người giảm dần nỗi khổ đau, để con người được sống an vui, tự tại, hạnh phúc trên cõi đời này, đó là vị sư tốt, Phật tử và xã hội vô cùng quý mến, kính trọng. Vì thầy là tấm gương sáng trong để mọi người noi theo. Đối với Phật tử tại gia, Đức Phật dạy phải giữ 5 giới luật gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống chất gây nghiện. Nếu Phật tử giữ đúng, làm đầy đủ con người được sống an vui và xã hội được sống trong an lành; tuy nhiên, tưởng giữ được năm giới là dễ nhưng thực tế cũng khó lắm. Con người từ lúc sinh ra đến lúc xả báo thân tứ đại là một kiếp người. Trong kiếp người mỗi người tự tạo nghiệp và mang nghiệp của riêng mình, người nghiệp tốt, kẻ nghiệp xấu. Nghiệp kết tạo từ thân - khẩu - ý của mỗi người; nếu thân - khẩu - ý tốt đẹp, trong sáng thì tạo nghiệp tốt, và ngược lại. Theo đó, Đức Phật đã chỉ ra 10 nghiệp ác và 10 nghiệp thiện. Một nghiệp mà xã hội đang vướng mắc - khá phổ biến đó là nghiệp xấu tạo ra do nói dối, một trong 5 giới cấm Đức Phật đã chỉ ra nên tránh, đó là: không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời lật lọng, không nói lời độc ác. Trong cuộc sống hiện nay có nhiều người tốt, tuy nhiên để hiểu và thực hành giới luật không nói dối thì có: I. Số ít người 1. Hiểu đúng, làm đúng giáo pháp của Đức Phật, không nói dối thì cuộc sống luôn an vui, tu hành sớm đạt đạo. 2. Những người có trí tuệ cao, đạo đức trong sáng, tài năng giỏi, họ không nói dối. Vì họ biết tai hại của việc nói dối như thế nào. II. Số đông người Nói dối hàng ngày, vì họ chưa biết tác hại của nói dối, xin ví dụ: 1. Tôi có người bạn thân làm thầy giáo hiền lành, thanh bạch, hết lòng dạy bảo con cháu. Thầy có cô em gái, cô có nhiều đất. Cô bảo anh trai: khi nào em bán được đất, em cho anh đôi triệu. Cô bán đất làm nhà mới xong đã lâu, nay vẫn không cho anh trai đồng nào. Vậy là cô nói dối cả anh trai. Vừa không giữ chữ tín vừa không có tình cảm với người ruột thịt, có người biết chuyện cô hứa với anh trai mà không làm chê cô là thất hứa, thiếu tình nghĩa. 2. Một bà bán đất được vài tỷ, có người đến hỏi vay, nói bà cho con vay 1 tỷ để buôn bán, mỗi tháng con trả tiền lãi cho bà 6 triệu, sau một năm con trả bà tiền gốc 1 tỷ. Bà có tiền nghĩ mình có tiền, gửi ngân hàng lãi thấp, nay cho người này vay, mình chả phải làm gì mà một tháng có 6 triệu để tiêu nên đồng ý. Người vay tiền thực hiện đúng được vài tháng đầu, sau đó ôm tiền chạy. Người cho vay 1 tỷ mất cả gốc lẫn lãi. Người vay tiền đã lừa dối, sau bị công an bắt vào tù, người cho vay mất 1 tỷ vì người vay lừa đảo không còn tiền trả lại. 3. Chuyện xưa, có người nuôi đàn cừu, anh ta có tính không bình thường, một hôm anh ta bỗng dưng la làng, báo có chó sói đến bắt cừu. Vì tình thương, dân làng mang gậy gộc ra đuổi sói, thấy mọi người chạy tới giúp, anh ta không cám ơn mà anh ta còn cười vì lừa được mọi người. Lần sau, sói đến thật, anh ta lại la làng báo sói đến bắt cừu. Dân làng ai cũng bảo, nó nói dối nên không ai đến. Thế là sói bắt cừu thật, anh ta mất cừu lúc đó mới hối thì đã muộn. Nhờ chịu khó học và tu, tôi có kiến thức khoa học, xã hội lại hiểu về Phật pháp, đã có người hỏi: Có phải ông làm việc ở Sở Giáo dục? Phòng Giáo dục? Là Hiệu trưởng?. Tôi trả lời: Không, tôi chỉ là thầy giáo dạy học ở làng quê. Có người hỏi bà cháu làm gì? Nếu thích danh hão, tôi đã trả lời “bốc lên” là bà cháu là huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện,... Nhưng không, tôi trả lời bà cháu là nông dân, Phật tử thuần thành. Tôi trả lời thế người nghe không những không xem thường mà còn thể hiện sự tôn trọng vì quý sự chân thành, trung thực. Vì sự thật, trước sau là sự thật. Tôi không nói dối, nên không phải đóng kịch, không phải nghĩ mưu mẹo để che giấu gì nên cuộc sống luôn vui, luôn thanh thản. Trong việc làm, lời nói, suy nghĩ, trong lời giảng quý thầy giảng sư có nói lời Phật dạy: Phàm làm điều gì phải nghĩ đến hậu quả của nó: giữ cho thân trong sạch, chỉ làm việc tốt việc thiện, nói đúng nói lời thành thật thương yêu, nghĩ đúng nghĩ điều tốt đẹp là tạo nghiệp tốt lành cho mình và cho cả xã hội. Để cuộc sống tốt lành, mong sao Phật tử và mọi người không nói dối, bớt nói dối để cuộc sống được yên vui, tự tại, hạnh phúc dài lâu, phúc đức bền vững. Tự Tiến Đạt
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |