Từ bước khởi thủy tìm thầy học đạo cho đến lúc phát kiến tự tâm, ngài đã trải qua bao gian lao khó nhọc, lắm lúc tưởng chừng như bỏ cuộc giữa đường thiên lý mịt mờ. Cuối cùng quả vị giác ngộ, giải thoát cũng đến với đấng Thế Tôn, người mà chư thiên và loài người đang quay về và nương tựa. Hôm nay một lần nữa mùa sen nở rộ, Phật đản lại về. Chúng ta cùngnhau đốt nén hương lòng chấp tay thành kính, ôn lại tiến trình đảnsinh của đức Phật. Nguyện noi theo bước đường tu tập của ngài, cho dùgặp bao chông gai bảo táp đến đâu, cũng không thối chí nản lòng mà bỏ cuộc.
Sự Ðản sinh của đức Phật ngang qua bảy bước mà Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi, kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Diệu Pháp môn phẩm Thụy Ứng ghi lại như sau: Sau khi thọ thai Ðấng Thánh lớn, gần ngày mãn nguyệt khai hoa, Hoàng hậu Ma Gia trở về quê mẹ. Trên đường về quê cũ, Hoàng hậu nghỉ chân dưới một vườn hoa Lâm Tỳ Ni xinh đẹp. Hoàng hậu khoan thai dạo bước quanh vườn, hít thở không khí trong lành của gió xuân mát dịu, lắng nghe từng đàn chim chuốt giọng trên cành, ngắm nhìn từng đóa hoa đua sắc khoe màu trong nắng sớm, rồi nhẹ tay vin hái cành hoa Vô Ưu thì liền Ðản sinh Ðấng Thánh lớn. Sự Ðản sinh ấy được đánh dấu qua tiến trình giải thoát giác ngộ, biểu trưng qua bảy bước nở hoa sen, mà nhân loại hôm nay đang ngưỡng vọng và noi theo Ngài.
1. Bước thứ nhất đức Phật nhìn về Phương Ðông và bảo rằng: “Phương Ðông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lãnh vực” (Thị Ðông phương vị chúng sinh vi đạo thủ cố). Ðức Phật lấy phương mặt trời mọc để chỉ cho sự phát huy trí tuệ. Thật vậy, từ phàm phu đến quả vị Thánh hiền, không một ai mà không cần đến ánh sáng của trí tuệ. Trí tuệ là ngọn đuốc soi đường đi đến chân - thiện - mỹ; mà “Văn hóa là chìa khóa mở đầu”. Từ trường đời đến trường đạo đều lấy sự giáo dục làm đầu. Bởi “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì chỉ là thư viện chứa sách”. Bước đầu học Phật, hành giả phải hình thành cho mình tri thức Phật học ngang qua kinh - luật - luận mà đức Phật và chư Tổ để lại. Rồi trên cơ sở lý trí và thực nghiệm, để hình thành cho mình một phàm tuệ để chuyển hóa thân tâm và ngoại tại, rồi mới thú hướng thánh tuệ bằng thiền định, nhằm vượt thoát dòng sinh tử khổ đau. Từ tri thức, hành giả hướng đến trí để làm cho tri hành hợp
nhất, hình thành thiện nghiệp theo luật nhân quả tương ứng, nhằm chuyển hóa thân tâm và ngoại tại, từ xấu sang tốt, từ dữ sang hiền, từ
khổ đau sang an vui hạnh phúc. Vì vậy cho nên, đức Thế Tôn chuyển sang bước thứ hai.
2. Bước thứ hai đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sinh gieo gặt” (Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố). Ðức Phật lấy phương Nam để chỉ cho chúng sinh nhờ phát huy trí tuệ, biết quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại nên biết quy hướng về những nghiệp nhân tốt lành. Khi đã hình thành cho mình tri thức Phật học, hành giả đem ra quán chiếu, hành trì để chuyển hóa nội tại và ngoại tại, làm cho thế giới cộng thông, nhằm đem đến sự bình ổn, tươi mát và an lạc cho cuộc sống tương duyên, hạnh phúc cho loài người và chan rải cho cả vạn loại hữu tình. Thấy rõ luật nhân quả tương ứng trong cuộc sống trùng duyên, nên không phó thác đời mình cho một đấng siêu nhiên phi thực nào, không đổ lỗi cho một ai, cũng không quay lưng sấp mặt hay chạy trốn thực tại. Đức Phật dạy: “Đạp mây uống nước cam lộ cũng tại các ngươi; mà đào sâu hố thẳm địa ngục cũng chính tại các ngươi chứ không do ai khác”. Một biệt nghiệp tương tác vào cộng nghiệp; và những cộng nghiệp cũng chi phối đến từng cá nhân. Thấy rõ thế giới đảo điên là do lòng người điên đảo, để rồi cùng nhau tạo ra bao nhiêu nổi thống khổ cho thế gian này. Một cá nhân tạo ra nghiệp nhân xấu ác thì sẽ cộng hưởng vào cuộc sống của cộng đồng; và những cộng đồng tạo ra nghiệp nhân xấu ác cũng ảnh hưởng đến cho từng cá nhân. Phải thấy rõ vạn pháp trùng duyên sinh, nên một là tất cả và tất cả bao hàm một, mà không ỷ lại hay phó thác cho một ai. Trong cuộc sống nhân sinh có rất nhiều nổi khổ, nhưng không ngoài hai nổi khổ của thân và tâm. Những thứ làm cho thân khổ phần lớn đều thuộc về yếu tố vật lý; như không ý thức được những sự tác hại của ma túy, của thuốc lá, của rượu và những thực phẩm có pha chế hóa chất, thuốc trừ sâu, những thứ làm ô nhiễm môi trường, nên làm cho thân thể bị tác hại sinh ra bệnh tật khổ đau. Những thứ làm cho tâm khổ phần lớn đều thuộc về yếu tố tâm lý không lành mạnh; như tham giận, ganh tỵ, nhỏ mọn, mỉa mai, châm thọc, ích kỷ, keo kiết, độc ác, cống cao ngã mạn, thích đấu tranh, thích hơn thua thắng bại, ngộ nhận và mê lầm.
Có những nổi thống khổ thuộc yếu tố chủ quan như đã phân tích ở trên; nhưng cũng có những nổi thống khổ do yếu tố khách quan đưa lại như
thiên tai, chiến tranh do cộng nghiệp xấu ác của quá khứ nhiều đời tạo nên “Y báo và chánh báo tương ứng”. Mỗi khi phát huy được tuệ quán, thấu rõ nguyên nhân và hệ quả của mọi nổi thống khổ ấy; chúng ta mới tìm cách chuyển hóa và giải trừ. Vì vậy cho nên, hướng đến nghiệp lành chính là tạo ruộng phước an lành cho cuộc sống thực hữu của nhân sinh. Ðức Phật dạy:
Ðem thù đến trả thù
Mình, người đều đau khổ
Từ bi thắng hận thù
An lạc tận nghìn thu.
Lời dạy ấy vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc để cứu nguy sự diệt vong của nhân loại cho hôm nay và cả mai sau. Chúng ta không tìm đâu ra những trận Thánh chiến bằng cách giết hại đồng loại mang khác nhãn hiệu với mình ở trong những lời dạy của đức Phật. Giải trừ nghiệp nhân
xấu ác, thực hành nghiệp lành là bước đầu học Phật, hay hướng đến
phương nam vậy.
3. Bước thứ ba đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây ấy chỉ cho chúng sanh cách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sanh thân cuối cùng” (Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố). Phương Tây là phương mặt trời lặn, để chỉ cho sự an nghỉ tuyệt đối của tâm
thức. Dòng tâm thức (Samsàra) đã đưa đẩy chúng sinh trong sáu nẻo luân chuyển từ vô lượng kiếp đến nay. Ðức Phật đã thấy rõ nguyên nhân của dòng sinh tử là do động lực của Vô minh. Từ vô minh mà phát sinh Hành, từ Hành phát sinh Thức, từ Thức phát sinh Danh Sắc, từ Danh Sắc phát sinh Sáu nhập, từ Sáu nhập phát sinh Xúc, từ Xúc phát sinh Thọ, từ Thọ phát sinh Ái, từ Ái phát sinh Chấp thủ, từ Chấp thủ phát sinh Hữu, từ Hữu phát sinh Sanh, từ Sanh phát sinh Già bệnh chết. Giải trừ vọng thức, hoặc chặc đứt nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nên sinh tử cũng chấm dứt. Ðến đây đức Phật xác quyết: “Sinh đã tận, lậu đã tận, gánh nặng đã để xuống, những việc nên làm đã làm; từ nay không còn trở lại sinh tử nữa”; hay đây chính là sanh thân cuối cùng vậy. Đến đây, phần tự giác ngộ đã hoàn thành, đức Phật bắt đầu dấn thân đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh.
4. Bước thứ tư đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sinh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác” (Thị Bắc phương vị chúng sanh ngã đắc A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề). Chúng sinh đang quằn quại trong đêm dài tăm tối lạnh lùng (phương Bắc) với bao sầu bi khổ ưu não. Bóng vô minh tưởng chừng như mãi đè nặng lên tâm hồn nhân thế. Dòng tâm sinh diệt như con tạo tưởng chừng cứ mãi đong đưa. Bóng thời gian phủ mờ nhân ảnh, như đẩy xô về bất định trong kiếp luân chuyển trùng trùng. Nhưng không, Ðấng Giác ngộ đã xuất hiện giữa thế gian, để làm ngọn đuốt soi đường đến giải thoát giác ngộ. Ðến đây, đức Thế Tôn bắt đầu chuyển bánh xe pháp. Ngài tiếp cận với cuộc thế đầy huyễn mộng mà lắm khổ đau. Đức Phật như vị lương y biết bệnh và cho thuốc, nên ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vì vậy cho nên, Ngài chuyển qua bước thứ năm, tức tiếp cận với cuộc đời để tùy duyên mà hóa độ.
5. Bước thứ năm đức Phật nhìn xuống phương dưới và bảo rằng: “Phương dưới ấy ta sẽ chỉ cho chúng sinh chinh phục ma lực (của tham ái, si
mê, và sân hận) để vượt thoát mọi khổ đau” (Thị Hạ phương vị chúng sanh dị dục hàng ma cố). Vì lòng thương tưởng đến chúng sinh đang quằn quại trong biển đời đầy đau khổ bởi bóng tối vô minh, nên đức Phật bắt đầu chuyển bánh xe pháp. Từ thành thị đến nông thôn, từ rừng già hoang vu cho đến phố phường tấp nập, từ giai cấp thượng lưu cho đến người bần cùng nghèo khó; đức Phật tùy bệnh nặng nhẹ mà cứu nguy và cho thuốc. Phương dưới ấy là chỉ cho cảnh khổ đau của Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Sở dĩ chúng sinh rơi vào trong ba đường xấu ác ấy là do nghiệp nhân xấu ác của ý, miệng và thân, và bởi sự thúc đẩy của tham, sân, si. Thật vậy, vì do lòng tham vượt quá tầm tay nên người ta mới xâm phạm đến tiền tài, danh vọng, địa vị và lẻ sống còn của kẻ khác. Biết bao cuộc chiến tranh từ xa xưa cho đến ngày nay, đâu không do
lòng tham ấy? Cũng vì lòng tham không đáy mà con người mệnh danh nầy nọ kia để gây chiến tranh, làm khổ đau cho nhau tưởng chừng không có ngày kết thúc. Muốn vượt thoát ba đường xấu ác, thì phải đưa tâm thức hướng thượng, nên đức Phật tiếp tục chỉ cho chúng sinh phương trên.
6.Bước thứ sáu đức Phật chỉ lên phương trên và bảo rằng: “Phương trên ấy là chỉ cho chúng sinh sống đúng năm nhân cách và mười điều thiện”
(Thị Thượng phương vị chúng sinh quy y thiên nhân cố). Chúng sinh muốn vượt thoát ba đường dữ là Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh thì phải trở lại sống đúng năm nhân cách (5 giới) và mười điều thiện. Thật vậy, năm nhân cách là nền tảng cho một cuộc sống có hạnh phúc, có chí hướng vị tha, có năng lực bảo vệ giống nòi, bảo vệ thân sống, nguồn sống, và cả lẽ sống của nhân loại. Ðây chính là thước đo đạo đức của một con người có đủ lý trí và tình thương trên thế gian này.
1-Trước hết phải ý thức rằng: Thân mạng là quý nhất, nên phải tôn trọng mạng sống của mình và của người. Không tự hủy hoại nó bằng những
độc tố, những nguồn thực phẩm có hóa chất và những sản phẩm tinh thần không lành mạnh như phim ảnh, sách báo có nội dung bạo động, hận thù v.v…Không giết hại mạng sống của nhau. Không gây chiến tranh cũng không tán thành mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa. Phải lấy lý trí dể hóa
giải khổ đau, lấy từ tâm để yêu thương tất cả. Con người không phải là đối tượng đáng ghét, mà cái đáng ghét chính là chất liệu ngu si (vô
minh) do không nhận ra lẽ sống trong mỗi tâm hồn. Giải trừ vô minh bằng cách sống đúng với năm nhân tính là bước đầu làm một con người
lương thiện vậy.
2-Có thân sống nên phải có nguồn sống để nuôi thân. Vì vậy cho nên phải biết tạo ra nguồn sống bằng bàn tay, khối óc và con tim của mình. Phải ý thức bảo vệ nguồn sống của mình và nguồn sống của người, nên không manh tâm cướp đoạt nguồn sống của nhau dưới mọi hình thức. Nguồn sống được tạo ra bởi sự soi sáng của trí tuệ và sự hướng dẫn của tình
thương, nên không đánh mất nhân cách và không tạo ra khổ đau.
3-Sự mưu cầu hạnh phúc lứa đôi là điều mà những người sắp trưởng thành trong thế gian đều mong ước. Nhưng, hạnh phúc ấy không từ một Ðấng nào ban cho, mà do chính mình tạo ra bằng lý trí và tình thương. Nhờ vào trí tuệ, nên chúng ta biết gạn đục khơi trong trong mỗi hành vi của sự sống. Luôn trang điểm cho đời bằng những đóa hoa tươi thắm, và sưởi ấm tình đời bằng lòng thương yêu chân thật. Ý thức rằng, đem đến sự an vui hạnh phúc cho người cũng chính là xây dựng sự an vui và hạnh phúc cho chính mình. Thấu rõ lý tính ở trong nhau và đi vào nhau (tương tức), nên không tự làm khổ mình, người. Thực hiện một cuộc sống hạnh phúc chung cùng là biết mở ra tuệ giác hiện pháp lạc trú cho mình và người vậy.
4- Và cũng chính nhờ vào tuệ giác an lạc, nên biết sử dụng ái ngữ trong mọi truyền thông của sự sống. Biết dùng lời nói nhẹ nhàng, êm ái, thân
thương, đoàn kết và xây dựng. Không dùng những lời nói nặng nề, cộc cằn, thô lỗ, tục tỉu, mĩa mai, châm thọc, cống cao, ngã mạn, gây chia rẽ, hận thù. Tránh không nói lời sai sự thật, trừ lúc vị tha. Không đi chuyền nói lỗi người, cũng không phê phán những gì mình không biết. Ý thức rằng, ngôn ngữ là tài sản chung của mọi người, nên nguyện dùng lời hay ý đẹp để đi vào cuộc sống, nhằm đem đến cho nhau những truyền
thông lành mạnh, tạo nên thế giới cộng thông trong niềm tin yêu và hòa kính. Không xem nghe những sách vở, phim ảnh và báo đài có nội dung
không lành mạnh.
5- Ý thức rằng, trí tuệ là ngọn đuốc soi đường đến chân thiện mỹ, nên nguyện luôn luôn gìn giữ sự định tĩnh và trong sáng của tâm hồn. Bởi tâm hồn có trong sáng mới giúp chúng ta thấu rõ mọi hành vi thiện ác, tốt xấu nhằm chuyển hóa thân tâm và ngoại tại. Vì vậy cho nên, phát
huy trí tuệ và bảo vệ tình thương chính là giềng mối của nền đạo đức nhân bản. Ý thức như vậy, nên không sa vào rượu chè, cờ bạc, xì ke ma
túy và những thú vui trụy lạc, đam mê mất lý trí. Ðó chính là sự trở về sống đúng năm nhân cách căn bản, để làm một con người sống có đạo
đức trên cuộc đời. Ngoài ra, đức Phật còn khuyên mọi người thực hành mười điều thiện để có được đạo đức của một vị trời. Thân có ba là: không giết hại, không trộm cắp, và không tà dâm. Miệng có bốn là: không nói dối (vọng ngôn), không nói hai chiều (lưỡng thiệt), không nói lời cộc cằn thô lỗ (ác khẩu), không nói lời vô ích (ỷ ngữ). Ý có ba là: tham lam, sân giận, si mê tà kiến. Thực hành mười thiện thì được một cuộc sống an vui của vị trời. Ngược lại, làm mười điều ác thì bị rơi xuống ba đường dữ là Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Vì vậy cho nên, phương trên ấy chính là phương của trời người.
7.Và cuối cùng là bước thứ bảy: Đức Phật một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng
sinh tử, ư kim hỷ tận” : Từ các cõi trời cho đến địa ngục (chúng sinh luôn trôi lăn trong ba cõi sáu đường) đều do vọng tâm ngã chấp chi phối; vì vậy cho nên đã trôi dài trong vô lượng kiếp sinh tử, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của ta vậy”. Thật vậy, cái tình thức của chúng sinh hữu tình nó đeo đẳng tâm hồn trong vô lượng kiếp đến nay, thật khó mà bỏ xuống. Khi thì làm người, khi thì sinh ở loài trời, khi thì lộn nhào xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh .v.v… Dòng tâm thức có từ vô thủy, chi phối chúng sinh hữu tình bởi dòng samsàra lên xuống theo nghiệp cảm duyên khởi trùng trùng. Đến đây Ngài đã thấy rõ chủ nhân của sự dựng xây ngôi nhà sinh tử chính là tình thức (duy ngã độc tôn), nên tìm cách để thoát ra, hay xóa sạch mọi động cơ của chấp ngã và chấp pháp.
Vì vậy cho nên, mọi ý hướng đi tìm chân lý bởi thứ tình thức mang tính chủ quan của từng bộ óc (pháp môn), nó chỉ tạo nên những uy lực đè
nặng tâm hồn và phân hóa thực tại mà thôi. Nếu quán sát tâm theo khuôn mẫu của ký ức đã chết cứng tự bao giờ, thì vô tình ta đã quay lưng sấp mặt bỏ qua thực tại với những uyên nguyên của nó. Chân tướng của vạn hữu là bản thể sống động bao hàm, và luôn vận hành một cách lung linh mầu nhiệm.
Vì vậy cho nên, dùng mọi cách để theo dõi tâm, nhận dạng tâm, hướng dẫn tâm, điều phục tâm chỉ là cách chế ngự ý, hoặc an lập ý của hàng
Nhị thừa bởi người kiểm duyệt và kẻ bị kiểm duyệt. Trong khi người kiểm duyệt (năng quán) và kẻ bị kiểm duyệt (sở quán) cũng chỉ là tâm.
Ðức Phật đã thấu rõ là: “Tâm không thể nắm bắt từ bên trong, từ bên ngoài hay ở giữa. Tâm vô hướng, vô niệm, không có chỗ sở y, không nơi
chốn quy túc. Các đức Như Lai không thấy tâm trong quá khứ, trong hiện tại, hay ở vị lai”. (kinh Phật). Cái mà chư Phật không thấy thì làm sao mà quán niệm được? Nếu có quán niệm thì chẳng qua là sự quán niệm về những vọng tưởng giả lập của tâm thức mà thôi. “Một lưỡi gươm không thể tự cắt nó, một ngón tay không thể tự sờ mó nó, tâm không thể tự quán tâm”. Những pháp môn được dựng lập bởi tình thức (duy ngã độc tôn) chỉ tạo thêm vòng lẫn quẫn bởi chính công họa sư tâm ý, và vẫn bị giam hãm trong cái rọ tư tưởng ngàn đời; chẳng khác nào kiến bò quanh miệng chén, mãi tìm lối nhưng không thể thoát ra.
Ðức Phật dạy: “Thấy biết mà lập biết là gốc của vô minh, thấy biết mà không lập biết chính là Niết bàn”. Liễu ngộ chân lý không hạn cuộc bởi
dòng thức chủ quan, nên không cần tích tập kiến thức cũng không cần vay thêm kiến thức của ai khác. Cái thấy biết chân thật nó siêu vượt
khỏi tầm đối đãi của Nhị nguyên, nên ta chỉ cần rỗng rang mọi sự thì tâm được giải phóng, thông lưu và vô nhiểm. Ðến đây đức Phật xác quyết: “Sinh đã tận, lậu đã tận, gánh nặng đã để xuống, những việc nên làm đã làm, từ nay không còn trở lại sinh tử nữa”. Công hạnh tự giác,
giác tha, giác hạnh đã viên mãn, một vị Phật ra đời giữa thế gian. Một tiến trình từ phàm phu đến quả vị Phật phải trải qua bảy bước, mà chư
Phật quá khứ, đức Phật Thích Ca trong hiện tại đã thành, và những vị Phật tương lai sẽ thành.
Hôm nay, kỷ niệm ngày đản sinh của đức Thế Tôn; với bao nghi lễ tôn kính của những đệ tử của đức Phật trên khắp thế giới. Nhưng những tưởng niệm ấy không chỉ giới hạn trong không gian và thời gian, mà là ghi nhớ về một đại sự nhân duyên hy hữu luôn luôn tỏa sáng, hướng dẫn cho sự phát triển tâm linh, làm tăng trưởng quyết tâm tu tập, thực hành theo giáo pháp của Ngài. chúng ta cùng nhau ôn lại tiến trình tu học mà đức Phật đã thành tựu. Nguyện lấy đó làm tư lương cho bước đường tu học của mình, cho dù gặp bao chông gai bảo táp đến đâu cũng không thối chí nản lòng mà bỏ cuộc.
Thích Minh Điền