Chi tiết tin tức Lời Phật dạy về Chánh tinh tấn trong Kinh Bồ Đề Vương Tử 19:49:00 - 21/07/2022
(PGNĐ) - Kinh Bồ đề Vương Tử là bài kinh số 85 thuộc kinh Trung Bộ II, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu. Nhân duyên Phật nói kinh này là vương tử Bồ-đề thỉnh Phật đến nhà thọ trai. Sau buổi ấy, Phật đã trả lời câu hỏi của vương tử và giảng dạy về một số vấn đề.
DẪN NHẬP Trong đời sống con người, bất kỳ một công việc, kế hoạch nào cũng cần phải có sự siêng năng. Siêng năng, cần cù là yếu tố tối cần thiết để thành công trọn vẹn. Đối với Phật giáo, việc siêng năng, cần cù còn phải kèm theo ý nghĩa chánh đáng, tức siêng năng cần, cù trong những việc đem lại lợi ích thật sự hiện tiền và quả vị an lạc giải thoát. Siêng năng trong Phật giáo là hướng đến mục đích tối thượng, chứ không đơn thuần là những thành công về danh lợi thường tình như số đông con người hướng đến. Đối với vai trò của tinh tấn trong giải thoát, ở kinh Đại Bát Niết bàn, Đức Phật đã để lại lời di huấn rằng: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ phóng dật” [1]. Chánh tinh tấn là một thành phần trong Bát chánh đạo – con đường thành tựu giác ngộ giải thoát. Đức Phật còn nhấn mạnh tầm quan trọng của Chánh tinh tấn trong rất nhiều bài kinh thuộc hệ kinh tạng Nikāya. Người viết chọn bài kinh Bồ đề Vương Tử (Trung bộ II.85) để phân tích về sự tinh tấn cũng như các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, đối chiếu so sánh với một vài bài kinh để làm rõ ý nghĩa cùng sự vận dụng của tinh cần trong đời sống tu tập hằng ngày. GIỚI THIỆU BÀI KINH Kinh Bồ đề Vương Tử là bài kinh số 85 thuộc kinh Trung Bộ II, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu. Nhân duyên Phật nói kinh này là vương tử Bồ-đề thỉnh Phật đến nhà thọ trai. Sau buổi ấy, Phật đã trả lời câu hỏi của vương tử và giảng dạy về một số vấn đề. Vấn đề thứ nhất, Đức Phật bác bỏ quan niệm của vương tử Bồ-đề cho rằng: “Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ” [2]. Đây cũng là quan điểm của các Ni-kiền-tử về Nghiệp và sự tu tập, đã bị Phật bác bỏ và phân tích rất kỹ càng trong bài kinh Devadaha (Trung Bộ II. 101). Đối với bản kinh mà bài viết đề cập, Đức Phật chỉ dạy cho vương tử bằng cách nhắc lại những kinh nghiệm tu học của mình. Đức Phật là người đã từng thực hành khổ hạnh đến cùng cực, Ngài nhận ra đây không phải là con đường đưa đến giác ngộ nên đã từ bỏ và chọn con đường Trung đạo. Phật cũng nêu lên việc Ngài đã dạy giáo lý Trung đạo cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh, họ đã được giải thoát và trở thành Thánh đệ tử của Ngài. Vương tử Bồ-đề sau đó hỏi Đức Phật về việc sau bao lâu thì “một vị Tỳ kheo chấp nhận Như Lai là vị lãnh đạo, chứng được mục đích tối cao… … và an trú” [3]. Đức Phật trả lời câu hỏi trên, cũng chính là vấn đề thứ hai mà bài kinh đề cập. Vấn đề thứ hai, bản kinh nói đến năm tinh tấn chi phần trợ đạo cho sự giác ngộ trong thời gian sớm nhất có thể là chiều nghe pháp, sáng ngộ đạo. Nhận thấy vương tử Bồ-đề là một người dòng dõi vua chúa, chắc chắn biết thuật thuần hóa và học cưỡi voi, Phật đã lấy chính việc này làm ví dụ so sánh, nêu ra các đức tính của một người có thể học cưỡi voi, từ đó liên hệ đến năm tinh cần chi, trợ đạo cho một người trên con đường giác ngộ. Năm tinh tấn chi phần được nhắc đến, gồm: Có niềm tin vào sự giác ngộ của Phật, có sức khỏe tốt, trung thực, siêng năng từ bỏ các bất thiện và tu tập thiện pháp, có trí tuệ. Cuối cùng, vương tử Bồ-đề tán thán Đức Phật khéo thuyết pháp nhưng chưa nói lời quy y Tam bảo. Thanh niên Sañjikāputta nhắc nhở điều này và vương tử đính chính rằng mình từ trong thai mẹ tới bây giờ đã quy y Tam bảo ba lần. KHÁI NIỆM VỀ CHÁNH TINH TẤN Trước khi phân tích năm tinh tấn chi phần được Phật nói đến trong bản kinh, người viết xin nêu lên khái niệm về Chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn, hiểu cơ bản là siêng năng, cần cù, luôn tiến tới thực hiện và thành tựu những gì tốt đẹp. Chánh tinh tấn là một chi phần quan trọng trong Bát chánh đạo, thường được nhắc đến với bốn phương diện chính (Tứ chánh cần: Ngăn ngừa điều ác chưa phát sinh, đoạn trừ điều ác đã phát sinh, phát triển điều lành chưa sanh và giữ gìn làm cho lớn mạnh điều lành đã phát sinh). Như đã đề cập ở phần mở đầu, đối với Phật giáo, việc siêng năng, cần cù trong mọi công việc đều phải hướng đến mục đích giải thoát cao thượng, mới được xem là Chánh tinh tấn. Nếu chúng ta cũng siêng năng nhưng lại siêng năng với những điều bất thiện thì trái ngược đạo đức xã hội, chắc chắn đem lại hậu quả không tốt đẹp. Tuy nhiên, có những điều siêng năng không vi phạm đạo đức xã hội, nhưng đối với Phật giáo, chúng lại nuôi dưỡng lậu hoặc, những phiền não từ thô đến tế và hành giả tu tập nhiệt tâm để đoạn trừ. Tóm lại, Chánh tinh tấn là nỗ lực, siêng năng thực hiện những thiện pháp, đưa đến mục đích chấm dứt khổ đau, đem lại an lạc hạnh phúc cho chính bản thân và tha nhân. Có như vậy mới nên tinh tấn thực hiện, còn không thà không làm gì còn hơn là làm những điều phi nghĩa. Như trong Tương Ưng Bộ kinh nói rằng: “Không làm, hơn làm dở, Làm dở sau khổ đau. Đã làm nên làm tốt, Làm tốt không khổ đau” [4]. NĂM TINH TẤN CHI TRONG BẢN KINH Trong kinh Bồ đề Vương Tử, Phật nhắc đến năm tinh tấn chi như sau: “Cũng vậy, này vương tử, có năm tinh tấn chi này. Thế nào là năm? Ở đây, này vương tử, vị Tỳ kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai. Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ít bệnh, ít não, với bộ tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn. Vị ấy không gian trá, xảo trá, tự mình xử sự như chơn đối với bậc Đạo sư, đối với các vị có trí hay đối với các vị đồng phạm hạnh. Vị ấy sống tinh cần, tinh tấn từ bỏ các bất thiện pháp, làm cho khởi lên các thiện pháp, kiên cố, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Vị ấy có trí tuệ thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt (của các pháp), với sự thể nhập bậc Thánh đưa đến sự chơn chánh đoạn diệt khổ đau” [5]. Nếu áp dụng năm tinh tấn chi này hành giả có thể đạt được sự giác ngộ trong khoảng thời gian ngắn nhất. Có niềm tin: Có niềm tin vào Phật, tức tin vào sự giác ngộ của Như Lai, là bậc trọn vẹn thành tựu với những danh hiệu A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đây là những công hạnh, những đặc tính siêu việt mà một bậc đại giác ngộ có được. Những ai muốn tu tập để hướng đến các giá trị cao tột như vậy, điều chính yếu trước tiên phải có niềm tin vững vàng vào Phật, vào cuộc đời tu tập và sự giác ngộ của Ngài. Có như vậy, chúng ta mới bắt đầu học tập và thực hành Phật pháp. Có lòng tin vững chắc vào đích đến thì mới đủ khả năng bước đi trên con đường, tinh tấn, kham nhẫn, vượt qua những khó khăn vướng phải trên con đường đó. Việc ứng dụng niềm tin trong đời sống tu tập không chỉ dừng lại ở việc tin vào đấng Đạo sư dẫn đường mà còn là có niềm tin vào chính mình. Kỹ năng xây dựng niềm tin và tạo động lực cho bản thân trên tiến tiến trình tu tập là rất cần thiết. Vậy, phải tin vào những gì của chính mình? Thứ nhất, tin vào Phật tánh nơi mỗi chúng sanh và chính bản thân. Đức Phật hiện thân là một người bằng xương bằng thịt, con đường tu tập được lịch sử ghi nhận rõ ràng, sự thành tựu giải thoát của Ngài là sự thành tựu giải thoát của một con người mà trở thành, không có gì là huyễn hoặc. Ngài dạy rằng bất kỳ ai đi theo con đường như Ngài, cũng có thể giải thoát khỏi khổ đau luân hồi. Hành giả tu tập xây dựng niềm tin vào Phật, cũng chính là tin vào những lời dạy và người truyền bá lời dạy của Phật (Pháp và Tăng). Hành giả còn phải tin rằng trong tương lai, bản thân sẽ thành bậc giác giả. Thứ hai, tin vào nỗ lực của chính mình. Trên con đường tu tập giải thoát, chỉ có bản thân mỗi người tự nỗ lực cố gắng mới đạt được kết quả, không một đấng siêu nhiên nào, một bậc Giáo chủ nào đi thay con đường của chính mình cả. Như Phật dạy trong kinh Tương Ưng: “Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỳ kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”[6]. Hành giả tu tập phải có niềm tin vững mạnh vào chính mình như thế, rồi lấy những gì Phật dạy làm kim chỉ nam, tự mình bước đi trên con đường tu tập một cách tinh tấn thì mới mong đạt được lợi ích cho chính mình. Cũng như kinh Di Giáo dạy rằng: “Như lai như vị lương y, biết tịnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y. Lại như người dẫn đường rất tốt, chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người dẫn đường” [7]. Giáo pháp Phật đã chỉ dạy rõ ràng, chúng ta như người bệnh đã được thuốc, kẻ lạc đường được chỉ dẫn, tự thân mỗi hành giả phải lựa chọn con đường phù hợp theo lời dạy của Phật rồi bước đi trên đôi chân của mình là yếu tố quyết định nhất trong việc tu tập. Như vậy, muốn có được Chánh tin tấn, niềm tin là một nền tảng quan trọng. Cũng chính vì thế, Đức Phật nêu điều này lên trước tiên trong năm chi phần tinh tấn. Trên lộ trình tu tập, hành giả phải xây dựng một niềm tin vững mạnh vào Phật, Pháp, Tăng, từ đó lắng nghe, học hỏi và thực hành những lời dạy của Đức Phật. Việc thực hành đạt đến giải thoát cũng chính yếu phụ thuộc nơi bản thân mỗi người, vì vậy cần tin rằng mình tương lai sẽ thành Phật và sự nỗ lực của tự thân là yếu tố quyết định cho tương lai đó. Có sức khỏe, ít bệnh: Chi phần thứ hai trong kinh Bồ đề Vương Tử, Đức Phật đề cập đến vấn đề sức khỏe: “Vị ấy ít bệnh, ít não, với bộ tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn” [8]. Ngoài đoạn kinh trên, cũng có một vài đoạn kinh đề cập đến vấn đề này. Kinh Tăng chi II, Phật dạy về những điều kiện đúng thời để tinh tấn cũng nhắc đến sức khỏe và ăn uống. Các điều kiện đó bao gồm: Khi còn trẻ, tuổi thanh xuân là lúc sức lực cung mãn nhất của đời người, tinh thần tham học và mong cầu phát triển cũng mãnh liệt nhất trong thời điểm này; Tiếp theo, là điều kiện nhắc lại điều kiện được trích dẫn trên về ít bệnh, ít não; Điều kiện thứ ba, liên quan đến sức khỏe là khi dân chúng được mùa, việc khất thực được dễ dàng và ăn uống đủ đầy, có như vậy mới đảm bảo việc tu tập [9]. Có sức khỏe, ít bệnh là một điều kiện hết sức quan trọng cho việc tinh tấn, không có một chiếc xe hỏng nào có thể chạy an toàn trên đường, không có sự thực hành rốt ráo nào nếu thân thể bệnh tật, thiếu sức sống. Điều này thể hiện rõ nhất qua sự trải nghiệm việc tu khổ hạnh của Đức Phật. Sau khi dốc hết toàn lực tu tập khổ hạnh cùng cực, thân thể Phật dường như không còn chút sức sống, từ đó Ngài nhận ra việc khổ hạnh ép xác chính là cực đoan hết sức nguy hiểm mà người xuất gia nên tránh. Phật diễn tả sự vô ích của khổ hạnh trong kinh Tương Ưng: “Biết được pháp khổ hạnh, Được xem là bất tử, Pháp ấy không lợi ích, Không đem lợi ích nào, Như chèo và bánh lái, Chiếc thuyền trên đất cạn” [10]. Chèo lái một con thuyền trên cạn là việc làm vô ích, được Phật ví cho việc tu khổ hạnh. Trong khi trước xuất gia, Phật là một Thái tử với sức khỏe tráng kiện, thể chất tuyệt diệu, rất hiếm ai thời bấy giờ có thể sánh kịp. Nhưng việc tu khổ hạnh đã làm cho thân thể trở nên khô cằn yếu đuối, không còn sức sống. Do vậy, Phật nhận ra không thể tu tập giải thoát nếu thân thể không đủ sức lực. Thế nên, để có thể nỗ lực tinh tấn trọn vẹn, sức khỏe là điều rất cần thiết, có sức khỏe mới tinh tấn thực hiện được mọi việc. Trung thực, không gian trá: Chi phần thứ ba trong kinh Bồ đề Vương Tử, Phật đề cập đến đức tính trung thực: “Vị ấy không gian trá, xảo trá, tự mình xử sự như chơn đối với bậc Đạo sư, đối với các vị có trí hay đối với các vị đồng phạm hạnh”. Chúng ta có thể phân tích sự trung thực này thông qua hai khía cạnh: Trung thực với người khác và trung thực với chính mình. Như thế nào là trung thực với người khác? Như trong đoạn kinh trích dẫn ở trên đề cập, trung thực với các bậc Đạo sư, những người có trí hay đồng phạm hạnh là để họ có khả năng biết chính xác những gì chúng ta đang mắc phải, những gì tu tập chưa đạt được. Nhờ vậy, những người có trí bên cạnh có thể hỗ trợ mình trong việc tinh tấn tu tập. Giả như một người sống trong đại chúng, có sự kỷ luật của đại chúng, có sự hướng dẫn của Đạo sư, của bạn trí giúp họ tinh tấn, nhưng luôn tìm cách luồn lách, trách né bằng những lý do thiếu trung thực. Người đó không thể nào tinh tấn hòa theo tinh thần tu tập của đại chúng được. Thế nào là trung thực với chính bản thân? Khi ở một mình, có những việc mình làm chỉ riêng mình biết. Đôi khi chúng ta biết đó là điều sai quấy, không đem lại lợi ích, nhưng vẫn giả dối với chính mình, tự tìm lý do để biện hộ cho những điều sai quấy đó và tiếp tục thực hiện. Như vậy quả thực rất nguy hiểm, như người biết rõ ràng là vực sâu, là thuốc độc, nhưng vẫn nhảy, vẫn uống mà còn tìm lý do biện hộ cho đó là điều tốt đẹp. Như vậy, có niềm tin, có sức khỏe, có sự trung thực, hành giả sẽ dễ dàng nỗ lực tinh tấn trong việc tu tập. Tu tập ở đây cốt yếu chỉ là từ bỏ, ngăn ngừa các pháp bất thiện và thực hành, phát triển những thiện pháp. Siêng năng từ bỏ các bất thiện và tu tập thiện pháp: Chi phần tiếp theo là từ bỏ bất thiện và tu tập thiện, vậy những gì là bất thiện cần được từ bỏ? Những gì là thiện cần được tu tập? Có rất nhiều bài kinh giải thích phạm trù thiện và bất thiện này, ở đây, người viết xin nêu ra một vài điều cơ bản ứng dụng trong đời sống tu tập hằng ngày. Kinh Chánh tri kiến (Trung Bộ kinh số 9) nói về những điều thiện và căn bản thiện, những điều ác và căn bản ác: “Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện. Và chư Hiền, thế nào là căn bổn bất thiện? Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất thiện, si là căn bổn bất thiện” [11]. Những điều được dạy trong đoạn kinh trích dẫn ở trên là những bất thiện có căn bản là tham, sân, si mà hành giả tu tập phải từ bỏ. Từ bỏ những hành động bất thiện như trên chính là thiện với căn bản là vô tham, vô sân, vô si. Kinh Sāleyya (Trung Bộ kinh số 41) nói về mười thiện và mười bất thiện nghiệp: “Này các gia chủ, có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo; có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo; có ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo” [12]. Trong đó ba ác nghiệp thuộc thân là sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh; bốn nghiệp ác thuộc khẩu là vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời thô ác và nói lời phù phiếm; ba nghiệp ác thuộc ý là tham, sân và si. Ngược lại với mười bất thiện nghiệp là mười thiện nghiệp. Kinh Khởi thế nhân bổn (Trường Bộ kinh số 27) cũng nhắc đến vấn đề trên. Mười bất thiện nghiệp đem lại khổ đau, gây hại cho mình và người ở hiện tại lẫn đời sau, Đức Phật dạy nên từ bỏ những điều này và hành trì mười thiện nghiệp đem đến ích lợi, giải thoát. Ngoài ra, còn có kinh Tương Ưng tập 2, V. Mười Nghiệp Đạo [13] đề cập tới vấn đề người làm thiện sẽ đồng thanh tương ứng với người làm thiện, cùng chung hòa hợp với người thiện và ngược lại. Như vậy, trong toàn bộ lời dạy của Đức Phật nói chung và kinh tạng Nikāya nói riêng, Đức Phật luôn nhắc nhở việc siêng năng đoạn trừ các điều bất thiện và chỉ rõ đâu là điều bất thiện cũng như siêng năng tu tập, phát triển những điều thiện nhằm gạn lọc thân tâm, đưa đến thành tựu con đường Giới-Định-Tuệ, hoàn thành tiến trình tu tập giải thoát. Cốt yếu lời dạy của Phật được tóm gọn trong bài kinh Pháp Cú rất nổi tiếng: “Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy”. (Kinh Pháp Cú 183) Trong kho tàng văn học Trung Hoa, có một câu chuyện về cuộc đối thoại giữa Bạch Cư Dị và Ô Sào thiền sư có ý nghĩa rằng: Một cậu bé 5 tuổi có thể học thuộc lòng những điều trên nhưng rất nhiều người đến hết cả cuộc đời cũng không thể thực hiện được rốt ráo. Việc cốt yếu của những lời dạy này cũng nhằm vào việc thực hành giáo pháp của Phật như một quả cam ngọt, có nếm thử mới biết mùi vị thế nào, không thể chỉ nghe nói hay nhìn mà trải nghiệm được vị ngọt. Cũng như thế, thực hành tới đâu thì điều ác được loại bỏ, khổ đau được đoạn trừ, điều thiện được phát sinh, hạnh phúc theo tới đó. Có trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp Chi phần thứ năm trong bài kinh chính là có trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp. Sự sanh diệt của các pháp là một giáo lý rất quan trọng của Phật giáo, các pháp có sanh, ắt có diệt, cái này sanh cho nên cái kia sanh, cái này diệt cho nên cái kia diệt. Đây là trí tuệ thấu rõ về Duyên khởi, Vô thường, Khổ, Vô ngã của các pháp trong thế gian. Những khổ đau trong cuộc đời bắt nguồn từ thiếu hiểu biết các bản chất trên của mọi sự mọi vật, từ đó xuất hiện tư duy hữu ngã, muốn các pháp là thường hằng hoặc vận hành theo ý mình. Nhưng các pháp vốn dĩ không thể như vậy, cho nên xuất hiện những điều bất như ý đem lại khổ đau. Thấu rõ được sự sanh diệt của các pháp cũng chính là sự giải thoát khỏi sự ràng buộc của các pháp, không còn tư duy hữu ngã đem lại khổ đau và đạt được sự bình an trước tiến trình sanh diệt này. Khi có trí tuệ về sự sanh diệt của mọi thứ trong cuộc đời, chúng ta không còn tin vào những gì là số phận, định mệnh, không còn mê tín. Chi phần thứ năm này vừa là nhân, vừa là quả cho sự tinh tấn chính đáng. Có nghĩa rằng, khi bắt đầu nhìn nhận được phần nào bản chất của các pháp, hành giả nhàm chán và phát khởi Tâm Bồ-đề, siêng năng tu tập Phật pháp. Nhờ sự tinh tấn đó mà càng tu tập, các thiện pháp càng phát sinh và thành tựu trí tuệ, càng thấu rõ bản chất của các pháp hơn và đạt đến quả vị giải thoát sau cùng. KẾT LUẬN Kinh Bồ đề Vương Tử là bài kinh Phật dạy cho một vương tử có sự nhanh nhẹn trong tư duy. Bằng phương pháp nhắc lại những trải nghiệm của bản thân khi tu tập khổ hạnh, Đức Phật đã chỉ rõ và bác bỏ quan niệm sai lầm của vương tử về sự tu tập. Sau đó, thông qua sự so sánh với người học cưỡi voi, Phật chỉ dạy về năm tinh cần chi, là một phương pháp tu tập phù hợp với vị vương tử trong bài kinh nói riêng và tất cả những hành giả đang trên con đường tìm cầu chân hạnh phúc nói chung. Chánh tinh tấn được xây dựng trên niềm tin vững chắc với Tam bảo và niềm tin vào khả năng cũng như sự nỗ lực của tự thân là yếu tố quyết định trên lộ trình tu tập. Một điều kiện quan trọng cho việc thực hiện tinh tấn pháp học và pháp hành chính là sức khỏe ổn định, tinh thần minh mẫn. Khi đã đủ điều kiện để hình thành sự tinh tấn, hành giả siêng năng đoạn trừ những điều ác và phát triển những điều thiện. Nhờ sự tinh tấn này mà phát sinh trí tuệ, thấu rõ bản chất sanh diệt của các pháp, thoát khỏi mọi sự ràng buộc trong thế gian, giải thoát khỏi khổ đau.
Tịnh Đạo/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 393Chú thích: [1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), kinh Trường Bộ 1, 16. kinh Đại Bát Niết bàn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.665. [2] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung Bộ 2, 85. Kinh Bồ đề Vương Tử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.121. [3] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung Bộ 2, 85. Kinh Bồ đề Vương Tử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 121. [4] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương II Tương Ưng Thiên Tử I. Phẩm Thứ Nhất, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.113. [5] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung Bộ 2, 85. Kinh Bồ đề Vương Tử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.122-123. [6] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2013), kinh Tương Ưng Bộ (tập I, V), Phẩm Tự mình làm hòn đảo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.673. [7] Tỳ kheo Trí Quang (2010), Tổng tập Giới Pháp xuất gia (tập 1 & 2), 1. Kinh Phụng Kinh Dị giáo, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr.48. [8] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung Bộ 2, 85. Kinh Bồ đề Vương Tử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.122. [9] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1996), kinh Tăng Chi Bộ 2, Chương V Năm Pháp VI. Phẩm Triền Cái, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.412. [10] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2013), kinh Tương Ưng Bộ (tập I), Chương IV. Tương Ưng Ác Ma, I. Phẩm Thứ Nhất, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.175. [11] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung Bộ 1, 9. Kinh Chánh Tri Kiến, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.75. [12] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Trung Bộ 1, 41. Kinh Sāleyyaka, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.352. [13] S.ii, tr.167.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |