Chi tiết tin tức

Phát đại tâm và lý tưởng nhập thế của người xuất gia

20:01:00 - 10/07/2022
(PGNĐ) -  Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh, sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp”

Lý tưởng xuất gia chỉ ước mong

Từ bi vẹn nghĩa ẩn trong lòng

Tâm thơ nét bút, tình tu sĩ

Hướng dẫn mọi người bước thong dong

(HT. Trí Giải)

Khi đã chọn cho mình con đường này – con đường xuất thế thì ai cũng mang trong mình một hoài bão, một lý tưởng cao đẹp. Lý tưởng đó ngoài việc đáp đền công ơn cha mẹ, đáp đền bốn ơn sâu nặng, thì những người xuất gia còn mang trong mình lý tưởng thiêng liêng “Thượng cầu hạ hóa” [1]. Tuy nhiên, trong quá trình tu học, đôi khi chúng ta không tư duy đúng về cái sơ tâm ban đầu của mình. May mắn thay, chúng con đủ duyên lành được tiếp cận tác phẩm “Khuyến phát Bồ đề tâm văn” của ngài Tĩnh Am Đại sư. Chính những lời nói tâm huyết từ tận đáy lòng Ngài: “Nguyện lập thì có thể độ chúng sanh, tâm phát thì Phật đạo có thể thành” [2] đã đánh thức hạt giống Bồ đề tâm và cái chí nguyện trong chúng con bấy lâu. Chúng con lại càng xúc động hơn khi nghe câu nói của Ngài “Ta đi là sẽ trở lại liền; sanh tử là việc lớn, ai nấy hãy tự tịnh tâm mà niệm Phật” [3] khi Ngài sắp viên tịch. Ngài đích thị là một vị Bồ tát có tâm nguyện độ sanh rộng lớn. Mỗi người xuất gia là một vị sứ giả của Như Lai, cần phải làm việc của Như Lai, phải tiếp nối Như Lai gánh vác sứ mệnh hoằng dương chánh pháp. Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh, sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp” [4].

Mỗi lời mỗi chữ mà ngài Tĩnh Am dạy tựa như từng que diêm mang tên tâm Bồ đề được gieo vào tâm chúng con, thổi bùng lên ngọn lửa Bồ đề tâm vĩ đại trước kia. Chúng con nghe lòng mình rạo rực, mắt ngấn lệ, cổ họng như nghẹn cứng lại, nhất là đọc tới đoạn: “Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh, nghe con đường thành Phật lâu xa cũng không sanh tâm thối chí khiếp sợ, thấy chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi” [5]. Đó là cái tâm chân thật, có phát tâm như vậy mới thực gọi là phát tâm Chân theo như lời dạy của Ngài.

“Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh, nghe con đường thành Phật lâu xa cũng không sanh tâm thối chí khiếp sợ, thấy chúng sanh khó độ mà không chán nản mệt mỏi” tâm nguyện vĩ đại, một Bồ đề tâm cao thượng. Người xuất gia là phải bước tới phương trời rộng lớn “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng” nghĩa là: Là người xuất gia, phải hướng đến chân trời cao rộng, tâm và hình dáng phải khác hẳn người thế tục, để làm hưng dòng Thánh [6]. Dẫu biết rằng con đường thành đạo quả ấy phải trải qua vô số kiếp lâu xa, tu tập Bồ tát hạnh không biết nhàm mỏi, nhưng vẫn giữ một lòng không thối chí dù cho có muôn ngàn khó khăn xảy đến.

Để thành Phật phải gồm đủ cả tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn thì việc độ sanh là điều tất yếu. Nhờ tấm lòng thương yêu chúng sanh nên chư Bồ tát đều được thành tựu quả vị Phật. Bồ tát là tự giác và giác tha, nghĩa là trên cầu vô thượng Bồ đề bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sanh bằng tâm từ bi, tu các hạnh Ba-la-mật và trong vị lai sẽ thành Phật [7]. Khi chúng ta phát tâm đại Bồ đề ấy và tự nguyện đi trên con đường Bồ tát đạo, thực hành Bồ tát hạnh thì trước hết mình phải độ mình, phải trau dồi những phẩm hạnh cần có của một vị Bồ tát độ sanh. Phải trang bị cho mình sức mạnh của sự nhẫn nhục lớn, sức mạnh của tình thương yêu lớn và sự hiểu biết sâu. Để khi dấn thân vào đời độ sanh, ta không bị thối chí, không bị thối lui và làm thui chột đi hạt giống Bồ đề kia. Khi độ sanh, nếu có chúng sanh nào đem lòng oán hại, Bồ tát vẫn thương mến họ trọn không hờn giận. Nếu có ai tìm đủ mọi cách để bức hại, không vì thế mà tâm bị loạn động, vị Bồ tát thường làm thiện tri thức cho tất cả chúng sanh, đem chánh pháp diễn thuyết khiến họ tu tập. Vị Bồ tát phải thường vì lợi ích chúng sanh mà tu pháp lành, chẳng sanh lòng tổn hại chúng sanh, chẳng vì chúng sanh ác – tà kiến, khó điều phục mà rời bỏ, cũng chẳng vì chúng sanh vô ơn mà thối Bồ tát hạnh, bỏ Bồ đề đạo. Bồ tát thường nghĩ: “Tôi sẽ vì khắp tất cả chúng sanh chịu đủ sự khổ, khiến họ ra khỏi hố sanh tử khổ; vì tất cả chúng sanh mà tận vị lai kiếp chịu tất cả khổ trong các ác đạo nơi tất cả thế giới, nhưng vẫn luôn vì chúng sanh mà tu thiện căn. Tôi thà riêng mình chịu mọi sự khổ, đem thân chuộc tất cả ác đạo chúng sanh khiến họ được giải thoát, chớ chẳng để chúng sanh đọa nơi Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, Diêm La Vương các ác đạo” [8].

Tâm nguyện độ sanh là thế! Chí cầu Phật đạo là đây! Một hành giả tu học phải có chí nguyện độ sanh, phải đem lại lợi ích cho chúng sanh, dù đó là một việc làm rất nhỏ, chẳng hạn, chỉ cần thông qua hình tướng trang nghiêm của Tăng đoàn cũng làm toát lên vẻ uy nghiêm và làm lan tỏa năng lượng bình an đến cho mọi người. Do đó, điều quan trọng nhất bây giờ, mỗi người chúng ta phải hạ quyết tâm mạnh mẽ, gạn bỏ đi mọi hạt giống xấu ác trong tâm thức mình. Những tâm lượng hẹp hòi, ích kỷ, chạy theo danh lợi, những tâm oán hờn và cừu hận, sự biếng nhác, lười tu, ít học, chẳng buồn lao tác vì Tam bảo,… Bỏ luôn cả sự “giả trang thiền tướng, trong trược ngoài thanh” [9] ra vẻ oai nghi cho người xem, thể hiện tu hành tinh tấn chỉ để được khen ngợi. Bỏ luôn cả việc chỉ biết nhìn và phê phán lỗi người, bởi thói thường của chúng sanh phàm trần mắt thịt khi thấy lỗi người thì chỉ trích không ngừng, còn tội mình thì che đậy chẳng chịu sám hối, có lỗi cũng chẳng chịu từ bỏ như câu Pháp cú Phật dạy:

“Dễ thay thấy lỗi người

Lỗi mình thấy mới khó

Lỗi người ta phanh tìm

Như sàng trấu trong gạo

Còn lỗi mình, che đậy

Như kẻ gian giấu bài” [10].

Nhưng những người chỉ biết hướng mắt nhìn ra ngoài để thấy lỗi người thường là người ít có nội lực, ít quay vào bên trong để kiểm soát chính mình, do đó, họ thường chẳng được an lạc, chẳng có được lợi ích cho chính mình:

“Ai thấy lỗi của người

Thường sanh lòng chỉ trích

Người ấy lậu hoặc tăng

Rất xa lậu hoặc diệt” [11].

Thay vào đó, chúng ta phải cố gắng tu học, ngày đêm dùi mài kinh điển, ra sức công phu thiền quán, chánh niệm tỉnh giác, trở về với nội tâm chơn thật, trau dồi đức hạnh, luôn luôn giữ tâm niệm “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” và thệ nguyện thành tựu quả vị Phật, như vậy mới gọi là phát tâm đại Bồ đề.

Mùa An cư đã đến, một mùa tu truyền thống được lưu truyền hơn 26 thế kỷ qua từ thời Phật còn tại thế. Chẳng phải một năm chúng ta chỉ tu vào mùa An cư, mà đây chính là mùa để chúng con cố gắng thật nhiều, thật nhiều hơn những ngày thường, chuyên tâm tu học, thúc liễm thân tâm, trau giồi Giới – Định – Tuệ. Thay vì những ngày thường chúng con tu học có còn chưa thật chăm chỉ, lo học nhiều, ít dành thời gian để quay về quán chiếu chính mình, thì đây là cơ hội để chúng con hòa mình vào Tăng đoàn, nương mình vào Tăng đoàn để được hưởng năng lượng an lành từ đại chúng, có cơ hội quay về quán chiếu ngay nơi thân – thọ – tâm – pháp của chính mình nhiều hơn. Từ đó, tự mình có được lợi ích. Cũng là cơ hội để chúng con suy niệm, tư duy về trách nhiệm và nhiệm vụ của mình, của một người xuất gia là gì. Để rồi xác định hướng đi đúng đắn cho chính mình, đồng thời làm lợi lạc cho tha nhân, để không cô phụ đi bốn ơn sâu nặng.

Để thành tựu trên con đường tu tập, tất cả đều được đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt, phải trải qua nhiều kiếp hành Bồ tát hạnh. Cho nên, ngay từ bây giờ, việc phát tâm Bồ đề này rất quan trọng, “Nguyện lập chúng sanh độ, tâm phát Phật đạo thành” và luôn nhớ đến chí nguyện của mình, có như vậy mới dõng mãnh mà tiến bước, vượt qua mọi khó khăn.

 

 

Chú thích:

* Thích Nữ Vạn Dung – Cử nhân Phật học Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

[1] Thượng cầu hạ hóa: Trên cầu Bồ đề, dưới hóa độ chúng sanh, là nội dung của hạnh Bồ tát.

Thắng tư duy Phạm Thiên sở vấn kinh luận (Đại 26, 337 hạ): “Lợi mình lợi người, tu hành như thực, tự cầu Bồ đề và hóa độ chúng sanh, giúp họ cùng chứng Bồ đề”. Thượng cầu Bồ đề là lợi mình, hạ hóa chúng sanh là lợi người, muôn hạnh của Bồ tát không ngoài hai điều này. Bồ tát Đại thừa lúc mới phát tâm lập thệ nguyện rộng lớn, tự cầu Bồ đề làm cho cõi Phật thanh tịnh, dùng tâm đại bi đi đến những nơi khổ nạn để giáo hóa, dắt dẫn tất cả chúng sanh.

[X. Tứ niệm xứ Q.4: Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5, phần 2; Vãng sinh yếu tập Q. Thượng, phần cuối; Chính tu quán ký Q. Thượng]. (Xt. Bồ đề tâm)

Sa môn Thích Quảng Độ dịch, (2014), Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb. Phương Đông, tr.6705.

[2] Đại sư Tĩnh Am, HT. Tuyên Hóa lược giảng, Văn khuyến phát Bồ đề tâm, pdf.

[3] Đại sư Tĩnh Am, HT. Thích Trí Quang dịch, Khuyến phát Bồ đề tâm văn, pdf.

[4] HT. Thích Minh Châu dịch, (1999), kinh Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm thứ nhất, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.235.

[5] Tỳ kheo Trí Quang, (2010), Tổng tập Giới pháp xuất gia (tập 1 & 2), Ba – Sáu tiểu phẩm hộ giới, Bốn, Văn khuyến phát Bồ đề tâm, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.2144.

[6] Tỳ kheo Trí Quang, Sđd, tr.2055.

[7] Sa môn Thích Quảng Độ dịch, Sđd, tr.765.

[8] HT Thích Trí Tịnh, (2011), Trí Tịnh toàn tập – tập 2 – Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, phẩm Thập hồi hướng thứ hai mươi lăm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.90.

[9] Tỳ Kheo Trí Quang, Sđd.

[10] Kinh Pháp Cú, kệ 252.

[11] Kinh Pháp Cú, kệ 253.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin