Chi tiết tin tức Duy trì mạng mạch Phật giáo là sứ mệnh của người con Phật 18:59:00 - 03/07/2022
(PGNĐ) - Là một đệ tử của Đức Phật, dù là người xuất gia hay cư sĩ đều mang trong mình sứ mệnh “Duy trì mạng mạch Phật giáo”, để Phật giáo luôn trường tồn và phát triển.
DẪN NHẬP Vào thế kỷ VI TCN, tại vùng đất Ấn Độ – nơi được xem là cái nôi của nền văn hóa phương Đông cổ đại – đã xuất hiện một tôn giáo lớn, sau này ảnh hưởng đến cả nhân loại, đó là Phật giáo. Theo dòng lịch sử, trải qua bao thăng trầm biến đổi, Phật giáo vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Đó vừa là bởi sự phong phú và hấp dẫn của giáo lý đạo Phật, vừa nhờ vào mỗi người con Phật gìn giữ, duy trì. Sở dĩ như thế, vì một tôn giáo phải có giáo chủ và giáo lý, kế đến là người truyền thừa. Cũng vậy, Phật giáo có Phật – Pháp – Tăng hay ba ngôi Tam bảo. Trong đó, Phật là bậc cao quý đã đạt thành quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Pháp là giáo lý của Đức Phật truyền dạy về con đường chân lý đưa chúng sanh thoát khỏi mọi đau khổ, phiền não của kiếp nhân sinh, để tiến đến giác ngộ giải thoát. Tăng là đệ tử xuất gia, tu học theo giáo lý của Đức Phật. Từ đó giáo pháp của Đức Phật được truyền bá đến với mọi người. Đệ tử của Đức Phật không chỉ là người xuất gia mà còn Phật tử tại gia. Là một đệ tử của Đức Phật, dù là người xuất gia hay cư sĩ đều mang trong mình sứ mệnh “Duy trì mạng mạch Phật giáo”, để Phật giáo luôn trường tồn và phát triển. ĐỐI VỚI NGƯỜI XUẤT GIA Thứ nhất, An cư kiết hạ để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức An cư kiết hạ là truyền thống lâu đời của Phật giáo, từ thời Đức Phật còn tại thế cho đến ngày nay. Sở dĩ có mùa “An cư kiết hạ” là do một sự duyên khởi thời Đức Phật còn tại thế. Vấn đề này được ghi chép lại trong Đại Phẩm Luật Tạng như sau: Vào những năm đầu, Đức Phật chưa quy định về việc cư trú vào mùa mưa. Ở Ấn Độ bấy giờ mưa nhiều, là mùa của các loài côn trùng sinh sôi nảy nở, lúc này, dân chúng mới phàn nàn: “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi” [1]. Những lời này truyền đến tai Đức Phật. Nhân đây, Ngài dạy: “Này các Tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (An cư) mưa” [2]. Từ đó, mùa mưa được lấy làm mùa An cư kiết hạ và điều này trở thành truyền thống của Phật giáo hàng ngàn năm nay. Với lòng từ bi của mình vì không muốn các chúng sanh bị giẫm đạp, giết hại một cách vô ý, Đức Phật đã quy định mùa An cư kiết hạ cho Tăng đoàn. Đây chính là dịp cho người xuất gia tạm ngưng mọi Phật sự bên ngoài để trở về chuyên tâm vào thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Thúc liễm thân tâm chính là quay về kiểm thúc thân và tâm của mình. Chuyên tâm vào tu học không để vọng niệm khởi lên làm tâm buông lung, xao nhãng. Đây là dịp để những người con Phật xem xét lại thân tâm đã thanh tịnh chưa, nếu chưa thì phải khéo chuyển hóa để thăng tiến trong tu tập. Từ đó, đức hạnh càng tăng trưởng, người đời còn gọi là âm đức. Là người xuất gia, được tác pháp An cư kiết hạ sống trong môi trường đại chúng, thân cận với các bậc minh sư để được chỉ dạy, học hỏi những điều tốt đẹp. Đây là cơ hội quay về thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, từ đó tăng trưởng đạo hạnh trang nghiêm, làm cho mọi người tín tâm hơn để quay về nương tựa ba ngôi Phật – Pháp – Tăng, hộ trì chánh pháp được lâu dài. Một yếu tố quan trọng là tinh tấn và luôn chánh niệm, hội đủ những điều đó sẽ giúp Tăng già thêm sinh lực, năng lượng. Mỗi địa điểm tập trung an cư là góp phần phát huy và nối tiếp truyền thống an cư kiết hạ hàng ngàn năm của Phật giáo. Thứ hai, nghiêm trì giới luật Đức Phật từng dạy: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất”. Một tôn giáo muốn tồn tại không thể thiếu giáo chủ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Trong đó, giáo luật là điều quan trọng nhất để phân biệt một tôn giáo và là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và tồn tại của tôn giáo đó. Phật giáo cũng vậy, chính nhờ vào giới luật mà Phật giáo tồn tại hơn 25 thế kỷ và ngày càng phát triển. Những người đệ tử Phật, trên con đường giác ngộ giải thoát của mình, không thể nào không có giới luật. Giới luật là cơ sở nền tảng cho hành giả trên tiến trình giải thoát. Người xuất gia phải luôn sống đời phạm hạnh, thực hành oai nghi tế hạnh là tự trang nghiêm thân tướng cho mình, vì Tăng Ni chính là đại diện cho một đoàn thể thanh tịnh, là mô phạm của mọi người và gương mẫu của tứ chúng. Mỗi một cá nhân trang nghiêm sẽ làm nên một Tăng đoàn trang nghiêm và thanh tịnh. Cho nên, ngoài việc thực hành oai nghi tế hạnh, còn phải tinh tấn tham thiền, trì chú và niệm Phật kể cả đi, đứng, nằm, ngồi. Thực hành không gián đoạn như vậy thì thân, khẩu, ý mới không sanh tạp niệm, buông lung. Nghiêm trì giới luật mới chế phục được dục vọng phiền não tự thân. Từ việc nỗ lực công phu tu tập, giữ gìn oai nghi nên Tăng Ni được an trụ trong chánh niệm và luôn sống trong tỉnh giác. Hình ảnh một Tăng đoàn thanh tịnh, lấy giới luật làm trang nghiêm, mọi người sẽ thấy tín tâm, Phật giáo ngày càng hưng thịnh. Thứ ba, hòa hợp và thanh tịnh Sự bất hoà là nguyên nhân dẫn đến việc chia rẽ, mất đoàn kết, từ đó xuất hiện tham, sân, si. Thấy được điều đó, từ xưa, Đức Phật đã dạy về pháp Lục hòa nhằm muốn Tăng đoàn hòa hợp và thanh tịnh. Người xuất gia phải luôn đi đầu gương mẫu trong việc thực hành pháp Lục hòa như lời Đức Phật dạy: Một là, thân hòa đồng trú. Hai là, khẩu hòa vô tranh. Ba là, ý hòa đồng duyệt. Bốn là, giới hòa đồng tu. Năm là, kiến hòa đồng giải. Sáu là, lợi hòa đồng quân. Như vậy, người xuất gia cùng cư trú và tu tập với nhau chung một mái chùa. Những người đệ tử Phật đang trên con đường học Phật, tu tập để giác ngộ, giải thoát vẫn còn nhiều tập khí từ nhiều đời nhiều kiếp như: tham, sân, si nhưng nhờ quá trình tu tập nên chuyển hóa tâm của mình thanh tịnh. Trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta cần tập lời nói từ tốn, khiêm nhường và tránh tranh luận hơn thua. Quan trọng hơn hết, yếu tố hình thành nên tất cả đều do ý của mỗi người. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình” [3]. Hiểu được ý đóng vai trò quan trọng trong mọi hành động cũng như hòa hợp, nên người xuất gia lúc nào tâm ý cũng duy trì thanh tịnh, vui vẻ hòa hợp trong đại chúng. Trước tiên phải luôn sống hỷ xả, bỏ ngoài tai những muộn phiền bởi lời nói và không chấp nhặt những hành động hay sai lầm của người khác. Chúng ta luôn lấy giới luật của Đức Phật dạy cùng nhau thực hành, học hỏi và chia sẻ cùng nhau tăng trưởng giới đức. Mỗi khi có những vật phẩm đàn na tín thí cúng dường thì chia đều, không được giữ riêng hay giành phần nhiều, luôn biết tàm quý và kính trên nhường dưới. Được như thế, Tăng già mới hòa hợp và thanh tịnh. Cổ đức thường dạy một câu rất hay: “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng Ni ly chúng Tăng Ni tàn”. Cho nên, yếu tố hòa hợp và thanh tịnh đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự hưng thịnh của Phật giáo. Mỗi người xuất gia sống trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh chính là góp phần làm cho Phật giáo trường tồn. Thứ tư, hoằng pháp lợi sanh Một người xuất gia phải luôn canh cánh cho mình hoài bão: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Trên luôn cầu giáo pháp để giác ngộ và giải thoát hay nói cách khác là mong thành Phật, dưới luôn đem những gì tu tập có kết quả lợi lạc để gieo vào lòng dân chúng. Cho nên, tu học thôi chưa đủ mà phải biết lấy những gì học tập, nghiên cứu về giáo pháp của Như Lai giảng dạy cho người có duyên để hướng họ đến với Phật pháp, được quy y Tam bảo. Các vị chư Tổ ngày xưa thường dạy: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, tức phải xem hoằng pháp là sự nghiệp là nhiệm vụ của chính bản thân mình. Hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, thời đại đổi mới, thế giới đang trong quá trình hội nhập, chúng ta cần có cái nhìn mới để hội nhập vào đời, trên tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan” để hoằng truyền giáo pháp Như Lai. Chư Tăng Ni cần am hiểu tâm tư, nguyện vọng của người trẻ để thuận tiện hơn trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của mình. Chúng ta tùy thuận thế gian, nhưng không cho nó cuốn hút mình. Muốn được như vậy, ngày ngày, chúng ta phải luôn trau dồi giới luật, thúc liễm thân tâm và sống tỉnh giác để không chỉ hoằng pháp qua những lời giảng mà còn là tấm gương thực hành để mọi người tín tâm hơn. ĐỐI VỚI PHẬT TỬ Tứ chúng đệ tử Phật, gồm: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni là người xuất gia và Ưu Bà Tắc (Phật tử nam), Ưu Bà Di (Phật tử nữ) là Phật tử tại gia. Cho nên, hàng Phật tử này có sứ mệnh quan trọng trong việc duy trì mạng mạch phật giáo. Từ ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, hàng Phật tử đã có trách nhiệm trong việc hộ trì Phật pháp, đóng vai trò nhất định trong Phật giáo thời xưa. Theo dòng thời gian, Phật giáo truyền khắp thế giới, tín đồ Phật giáo ngày càng đông. Trong đó, thành phần đông đảo nhất chính là hàng Phật tử tại gia. Là những người đệ tử của Đức Phật, hàng Phật tử tại gia phải biết rõ vai trò của mình là hộ trì chánh pháp, hộ trì Tam bảo cũng như trách nhiệm đối với giáo hội và dân tộc. Thứ nhất, hộ trì Tam Bảo Cổ đức có câu: “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh bởi đàn việt phát tâm”. Là một Phật tử tại gia, để góp phần cho Phật pháp trường tồn, việc đầu tiên đó là hộ trì ba ngôi quý báu Phật – Pháp – Tăng. Mà hộ trì ba ngôi quý báu, ngoài việc thành kính cúng dường Tam bảo, hỗ trợ vật chất cho Tăng Ni đảm bảo đời sống an sinh trong thiền môn để chuyên tâm tu học thì còn có thể tham gia những chương trình Phật sự như: Từ thiện xã hội, khóa tu bát quan trai. Bên cạnh đó, Phật tử với vai trò hộ trì Tam bảo còn có thể “hoằng pháp lợi sanh” bằng cách “Phật hóa gia đình”. Nghĩa là mình thực hành giới đã thọ, kiên quyết giữ gìn để thanh tịnh ba nghiệp. Từ đó, hướng dẫn những người trong gia đình, người thân, bạn bè làng xóm cùng đi chùa, quy y Tam bảo, tham gia các khóa tu, học tập và tìm hiểu giáo lý Đức Phật để hướng đến đạo đức xã hội rộng rãi. Thứ hai, thực hành lời Phật dạy Dù là người xuất gia hay tại gia đều hướng đến tu tập, giác ngộ và giải thoát theo giáo lý của Đức Thế Tôn. Với trách nhiệm duy trì mạng mạch Phật giáo, hướng đến giác ngộ và giải thoát, hàng Phật tử cần thực hành đời sống mô phạm của người Phật tử qua việc giữ giới, thực hành thập thiện nghiệp. Cần tìm cho mình một pháp môn tu tập và lập thời khóa rõ ràng cùng với tinh tấn thực hành pháp môn đó. Do điều kiện là một cư sĩ tại gia, thường ngày vẫn bộn bề công việc thế gian, lo cho gia đình nhưng phải luôn nhớ sống và làm việc trên tinh thần đời sống tu tập hướng đến Bát chánh đạo. Tùy theo điều kiện và khả năng về thời gian, công việc có thể tham gia các Phật sự của chùa tổ chức với vai trò công quả. Bên cạnh đó, người Phật tử tại gia khi thực hành tu tập và hộ trì Tam bảo phải biết khiêm cung, kính Phật trọng Tăng và nhiệt huyết với trách nhiệm của mình, dấn thân vào Phật sự để thực hiện sứ mệnh duy trì mạng mạch Phật giáo. KẾT LUẬN Có thể thấy, người xuất gia hay Phật tử tại gia đều là đệ tử Phật, đều mang trong mình sứ mệnh duy trì mạng mạch Phật giáo. Để thực hiện sứ mệnh cao cả đó, người xuất gia phải luôn thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức trong ba tháng An cư kiết hạ. Nghiêm trì giới luật cùng tinh thần hòa hợp thanh tịnh trong Tăng đoàn. Còn Phật tử tại gia luôn thực hiện trách nhiệm hộ trì Tam bảo và thực hành lời dạy Đức Phật. Kinh Tăng Chi Bộ có lời Đức Phật thuyết như sau: “Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận bậc Đạo Sư, sống cung kính tùy thuận Pháp; sống cung kính tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận học pháp; sống cung kính tùy thuận Thiền định; sống cung kính tùy thuận không phóng dật; sống cung kính tùy thuận nghinh đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài” [4]. Là tứ chúng đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia, mỗi cá nhân đều là người thừa hành Phật sự, phải biết phụng sự Phật pháp, Giáo hội. Mỗi người phải luôn thực hành chánh pháp và lý tưởng hoằng pháp lợi sanh, phát huy ánh sáng trí tuệ, cùng sống hòa hợp trong ngôi nhà chung chánh pháp, luôn dấn thân vì lợi ích của đạo pháp để góp phần “tốt đời, đẹp đạo”. Đó chính là góp phần duy trì, bồi đắp mạng mạch Phật giáo ngày càng vững mạnh và phát triển.
SC. Thích Nữ Huệ Giác/ VĂN HÓA PHẬT GIÁO 392
Chú thích và tài liệu tham khảo: [1] Tỳ Khưu Indacanda (dịch) (2021), Đại phẩm (tập 1), Nxb. Tôn giáo, tr.275. [2] Sđd, tr.276 [3] HT. Thích Thiện Siêu và HT. Thích Minh Châu (dịch) (2004), kinh Pháp Cú – Lời Phật dạy, Nxb. Hồng Đức, tr.19 [4] Thích Minh Châu (dịch) (2018), kinh Tăng Chi Bộ III (Chương VII – Bảy Pháp, Phẩm Không tuyên bố), Nxb. Tôn giáo, tr.395.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |