Chi tiết tin tức Quyết tâm 13:48:00 - 01/07/2024
(PGNĐ) - Khi ta quyết định làm một việc nhưng sau đó quay lại làm một việc hoàn toàn khác, kết quả là ý định ban đầu của ta sẽ không xảy ra. Người như thế được xem là ngốc - một kẻ phản bội bản thân.
Giống như đứa trẻ chào cha mẹ đi học, nhưng sau đó đi lang thang xem phim hoặc tham gia chương trình du lịch. Cha mẹ không biết chuyện gì đang xảy ra. Họ nghĩ rằng đứa trẻ đang ở trường. Đến khi tìm ra sự thật, họ đã lãng phí biết bao thời gian. Như thế, đứa trẻ tự hại mình theo bốn cách: (1) Có nghiệp xấu là đã lừa dối cha mẹ. (2) Lãng phí tiền cha mẹ trả học phí cho mình. (3) Không hiểu biết gì và không tiếp thu được kiến thức mà nó có thể đạt được ở trường. (4) Cái chết cứ đến gần hơn từng ngày, đứa trẻ cuối cùng cũng trở thành cha mẹ, nhưng nó chẳng biết một chữ cái. Tương tự, khi bạn không thực sự có ý định thực hành - bạn đến đây ngồi thiền nhưng tâm trí của bạn không ở với thân; nó đi lang thang để suy nghĩ về những điều không liên quan gì đến Pháp, suy nghĩ về chuyện nhà, về con cháu, về người này hay người kia, về tương lai hay quá khứ; tâm bạn không thiết lập được sự tĩnh lặng; mắt bạn nhắm nhưng tâm bạn trượt đi để tìm kiếm niềm vui với các mối bận tâm khác nhau. Khi điều này xảy ra, bạn làm hại bản thân theo những cách như sau: (1) Trước tiên, bạn có nghiệp xấu là lừa dối thầy, bạn nói rằng bạn đến để thực hành, nhưng không thực sự thực hành. (2) Vị thầy không biết chuyện gì đang xảy ra, nên thuyết pháp cho đến khi miệng khô cứng, mà không có kết quả gì. (3) Bản thân bạn vô minh. Nên bạn có ngồi thiền ba năm cũng không có kết quả gì. Khi người ta hỏi bạn về việc thực hành, họ không thể học hiểu được gì từ bạn, điều này phản ánh xấu về thầy của mình. (4) Khi cái chết đến, bạn sẽ chết trong đau đớn và khó khăn, không có của cải nội tại để mang theo cho kiếp sau. Vì vậy, bạn sẽ tiếp tục quay cuồng trong cái chết và tái sinh, qua bao nhiêu kiếp, mà không bao giờ đạt đến Niết-bàn. Tất cả là do sự thiếu quyết tâm. Nếu bạn thực sự có ý định thực hành pháp, thì bất kể điều gì, bạn cũng sẽ đạt được kết quả - lớn hay nhỏ - tùy thuộc vào sức mạnh của bạn. Nếu bạn muốn hành thiền, hãy quyết tâm thiền. Nếu bạn định lắng nghe giáo pháp, hãy quyết tâm lắng nghe. Nếu bạn định nói, hãy quyết tâm nói. Dù bạn làm gì, hãy chú ý đến những gì bạn đang làm. Bằng cách đó, bạn sẽ nhận được kết quả bạn mong muốn từ hành động của mình. Để có được kết quả, quyết tâm của bạn phải bao gồm bốn cơ sở để thành công. Đó là: (1) Chanda: Thích thú với những gì bạn đang làm. Nếu bạn định thiền, hãy sẵn lòng chánh niệm về hơi thở. (2) Viriya: Hãy kiên trì và đừng nản lòng. Mặc dù có thể có những cơn đau nơi thân, bạn vẫn chịu đựng. (3) Citta: Dốc tâm trí vào việc bạn đang làm. Đừng bỡn cợt. Đừng để tâm trí của bạn lang thang để nghĩ về những thứ khác. (4) Vimansa: Khi bạn thực sự hành thiền, bạn quán chiếu để xem điều gì làm phát sinh cảm giác bình an và thoải mái nơi thân, tâm. Khi việc hành thiền của bạn bao gồm đầy đủ bốn yếu tố này, thì giống như bạn đang ngồi trên một chiếc ghế với bốn chân vững chắc. Bạn sẽ không phải sợ ghế nghiêng hoặc ngã. Ngay cả khi có ai đó chạy va vào bạn hoặc lắc ghế, bạn cũng không sợ té ngã. Hoặc ngay cả khi họ nhấc ghế lên và di chuyển nó đến một nơi khác, bạn vẫn có thể ngồi trên đó một cách thoải mái. Bạn không phải sợ bất kỳ sự nguy hiểm nào cả. Điều này khác với một người ngồi trên ghế chỉ có hai hoặc một chân. Nếu có ai tình cờ lướt qua, người đó cũng có thể bị lật hoặc ngã ngửa. Khi tâm trí của bạn hoàn toàn vững chắc và mạnh mẽ trong việc thiện bạn đang làm, thì đó là quả lành. Bạn có thể nằm, ngồi thoải mái. Dù bạn đang ở trong tu viện hay ở nhà, bạn vẫn có thể sống thoải mái. Bạn có thể ăn hoặc không ăn mà vẫn cảm thấy thoải mái. Bạn có thể xử lý rất nhiều công việc hoặc chỉ một ít việc mà vẫn thoải mái. Bạn có thể có mười triệu đồng hoặc thậm chí không một xu dính túi mà vẫn thoải mái. Khi cái chết đến, bạn có thể chết một cách dễ dàng, thoát khỏi đau khổ hay khó khăn. Khi bất cứ ai có thể làm điều này, chư thiên vỗ tay chia vui. Khi bất cứ ai không thể, chư thiên sẽ cau mày, trong khi Ma vương và đồng bọn vỗ tay cười vì họ đã lại đánh bại một đệ tử khác của Đức Phật. Hãy suy nghĩ về điều đó: bạn có thực sự muốn trở thành một trong những đệ tử của Ma vương không? Chúng ta phải sử dụng kỹ năng và công đức để tô điểm bản thân cho đến khi ta tỏa sáng rực rỡ. Nói cách khác, chúng ta tô điểm hành động của mình với giới, định và tuệ. Khi bạn rèn luyện tâm trí của mình với định tâm cho đến khi nó hoàn toàn được tôi luyện mạnh mẽ, nó sẽ tĩnh lặng, thanh khiết, sáng sủa và lấp lánh như nước dưới giếng sâu, hoặc giống như những ngôi sao trên bầu trời. Các chướng ngại sẽ không thể chế ngự bạn, vì mức độ tâm của bạn sẽ tiếp tục phát triển ngày càng cao hơn. Khi nó thực sự lên cao, nó sẽ trở nên tươi mát. Giống như khi ngồi ở đây: chúng ta không cảm thấy đặc biệt mát mẻ, nhưng nếu lên cao khỏi mặt đất vài cây số, ta sẽ cảm thấy lạnh ngay lập tức. Ngoài việc hạ nhiệt, mắt chúng ta sẽ có thể nhìn thấy mọi thứ ở xa, rất xa. Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy tình trạng của con người và động vật, tất cả những nguy hiểm và khó khăn của cuộc sống trên thế gian ở bên dưới. Chúng ta sẽ bắt đầu ghi nhớ những nguy hiểm này, để không muốn quay trở lại đó một lần nữa. Khi nói về tâm thức ở cấp độ cao, không có nghĩa rằng nó ở trên cao như một chiếc máy bay, mà chỉ đơn giản là chất lượng nhận thức của nó được nâng cao thông qua việc rèn luyện định và tuệ. Khi điều này xảy ra, bạn sẽ có thể thấy nhân và quả của mọi thứ đúng, sai. Bạn sẽ thấy sự nguy hiểm của việc lang thang trong luân hồi, và có thể cảm thấy thất vọng với sinh, lão, bệnh, tử, xem chúng không là gì ngoài đau đớn và phiền não. Khi bạn nhìn mọi thứ theo cách này, bạn sẽ mất tất cả sự khao khát về sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Bạn sẽ chỉ chú tâm đến việc phát triển tâm thức để thoát khỏi mọi uế nhiễm của thân tâm, để bạn sẽ không phải bơi lội qua cái chết và tái sinh trên thế gian một lần nữa. Ajahn Lee Dhammadaro Diệu Liên Lý Thu Linh (Chuyển ngữ từ INTENT, sách Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning Meditators - Bắt đầu từ việc nhỏ: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |