Chi tiết tin tức

Tại sao bất thối chuyển là quan trọng?

22:48:00 - 03/08/2021
(PGNĐ) -  Tự độ và độ tha là 2 hạnh nguyện, 2 đường hướng gắn liền xuyên suốt trong quá trình tu tập của người đệ tử Phật. Có người chủ trương tu có thành tựu rồi mới độ người khác, còn có người chủ trương vừa tu vừa độ người khác.

Ảnh minh họa

 

Thật ra pháp môn nào cũng đúng cả, hạnh nguyện nào cũng có cái lý cả, điều quan trọng là phải thấy được lợi hại, được mất của mỗi pháp môn cũng như mình thích hợp với pháp môn nào, pháp môn nào vừa sức với mình và mình tu hiệu quả. 

Có người khi tiếp xúc với tư tưởng Bồ-tát đạo được đề cập trong các kinh Đại thừa, như hạnh nguyện của Bồ-tát Địa Tạng “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ-đề” (Địa ngục chưa trống thề không thành Phật. Chúng sinh độ hết mới chứng Bồ-đề) hay của ngài A-nan “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập” (Đời ác năm trược thề nguyện vào trước), thì rất hoan hỷ và phấn chấn. 

Họ thấy con đường ấy sao mà cao thượng quá nên muốn làm giống như các vị ấy, thệ nguyện ở trong đời ác ngũ trược phụng sự và hóa độ chúng sinh, nguyện đồng cam cộng khổ và giúp chúng sinh giải thoát. Tuy nhiên lý tưởng là một chuyện nhưng có thể thực hiện được hay không là chuyện khác. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật Thích Ca giới thiệu cõi Cực lạc cho chúng sinh. Trong kinh nói vì thấy lợi ích của cõi Cực lạc nên Đức Phật đã nói ra kinh này (Kinh A Di Đà thuộc thể loại vô vấn tự thuyết - không người hỏi mà Phật tự nói) và khuyên chúng sinh nên phát nguyện sinh về cõi ấy. 

Pháp môn nào cũng hay cả nhưng riêng đối với bản thân, trong pháp môn Tịnh độ, tôi tâm đắc hai điều. Một là bất thối chuyển và hai là được gần gũi Đức Phật A Di Đà và các bậc thượng thiện nhơn hỗ trợ tu hành cho đến khi thành Phật. 

Vừa tu học vừa giáo hóa chúng sinh có cái hay là thể hiện được lòng từ bi của người đệ tử Phật nhưng cái không hay của nó là có thể mắc sai lầm trong khi giáo hóa do không đủ định lực và trí tuệ. Cõi Ta-bà này được gọi là cõi “kham nhẫn”, cõi của “chúng sinh cang cường, nan điều nan phục”. Do không đủ định lực và trí tuệ nên trong khi hành đạo, tiếp xúc với vị ngọt hoặc gặp phải chướng duyên, ta có thể bị khởi lên phiền não tham sân si, không những không giáo hóa được chúng sinh mà bản thân còn bị thối thất trong đạo nghiệp của mình. 

Như vị Tăng bị đọa làm thân chồn vì nói sai một câu giáo lý, đạo sĩ Uất-đầu-lam-phất bị đọa làm con phi ly chỉ vì một niệm giận khởi lên trong lúc thiền định. Sau khi chết nếu như bị đọa lạc thì coi như công tu hành tiêu tan thành mây khói, không những chịu vô vàn đau khổ trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, mà phải mất thêm một thời gian rất dài mới có thể trở lại làm người, được tu hành lại. Cứ vào ra 3 cõi, xuống lên 6 đường, không biết đến khi nào mới thành Chánh quả. 

Ngược lại, nếu được vãng sinh về cõi Cực lạc thì sẽ được bất thối chuyển, cứ một đường thẳng tới quả vị Phật. Bất thối chuyển gồm có Hạnh bất thối và Vị bất thối. Ở cõi Cực lạc, hoàn cảnh thì thù thắng, còn con người thì chỉ có chư Phật, Bồ-tát và các bậc thượng thiện nhơn nên không có gì làm cho ta bị phiền não mà phải thối tâm (hạnh bất thối), cho nên hễ đạt đến quả vị nào thì đảm bảo quả vị đó, chỉ có đi lên mà không bao giờ đi xuống (vị bất thối). 

Hơn nữa, tất cả các Đại Bồ-tát ở ngôi Đẳng giác nếu muốn diệt trừ hết trần sa hoặc và vô minh hoặc để bước lên ngôi Diệu giác, tức thành Phật thì đều phải gần gũi, thân cận chư Phật để mà “diệt trừ những lậu hoặc vi tế”. Nếu không có chư Phật hộ niệm thì các vị ấy không thể diệt trừ được các lậu hoặc vi tế để bước lên ngôi Diệu giác. Đó là lý do tại sao trong kinh (như kinh Hoa nghiêm) nói rằng các Đại Bồ-tát như Văn Thù, Phổ Hiền đều phát nguyện vãng sinh về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. 

Có quan niệm cho rằng pháp môn Tịnh độ chỉ dành cho người có căn cơ thấp. Nói như thế là chưa hiểu Tịnh độ. Thật ra pháp môn Tịnh độ mới thật sự là pháp môn dành cho các vị thượng căn thượng trí mà chỉ có bậc đại hùng đại lực và đại nguyện mới kham nổi. Ta thử nghĩ một người không thiết tha gì với thế gian này nữa, chỉ phát đại nguyện một đời tu hành thành Phật thôi thì đó có phải là hạng người vì mình không? Và với những ai cho rằng mình căn cơ cao nên không tu Tịnh độ, hãy dành một phút nhìn lại xem mình có được cái chí nguyện kiên cường đó hay không?

 

Thích Trung Hữu

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin