Chi tiết tin tức Vấn đề Trang nghiêm quyến thuộc 20:49:00 - 07/07/2021
(PGNĐ) - Đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có vô thủy Bồ đề, vô thủy Niết bàn, nếu y cứ theo Bồ đề, Niết bàn tu tập thì nhất định sẽ chứng được vô thượng Bồ đề, vô thượng Niết bàn, tức là thành Phật” (Kinh Lăng Nghiêm).
Dẫn nhập Trong ý nghĩa pháp giới duyên sinh vô tận, chủ bạn viên dung vô ngại, tất cả đều là tướng pháp giới, từ Chân như pháp giới hiện lên và tồn tại trong mối tương quan, tương duyên lẫn nhau. Do đó, sự hiện hữu của chúng sanh và người xuất gia tu hành theo Phật giáo, nhất là các bậc trụ trì, không những đã biểu thị những ý nghĩa cao đẹp và nặng nề của tướng pháp giới, mà còn hàm ngụ một yếu tố tích cực cho mọi công tác xây dựng và phát triển tâm linh, đạo pháp và giải thoát, giác ngộ Chân tâm. Do đó, không những chúng ta an trú trong chánh pháp, trên đất Tâm, trên cơ sở biểu tượng là pháp giới tướng, mà còn thể hiện sự an trú và phát huy mối liên hệ mật thiết hữu cơ trong chánh pháp, trong chân lý giữa con người với con người, giữa tình đạo pháp với nhau trong một mục đích chung nhất “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, làm tốt đời đẹp đạo. Được như vậy thì trách nhiệm người xuất gia, Trưởng tử Như Lai, Trung tôn trong đại chúng, phúc điền của chúng sanh mới trọn vẹn, chu toàn và cứu cánh. Trang nghiêm quyến thuộc, tạo mối liên hệ mật thiết, hữu cơ trên 5 lĩnh vực: 1. TỰ TÍNH QUYẾN THUỘC (QUAN HỆ VỀ MẶT BẢN THỂ) Tự tính quyến thuộc là mối quan hệ bản thể và biểu tượng của Tự tính. Do đó, chúng ta có thể xác định hai phần: – Bản thể quyến thuộc là mối quan hệ Tự tánh, Chân như, Niết bàn là cái có sẵn, là mối quan hệ vô cơ. Nói như thế có nghĩa là hễ có chúng sinh là có Phật tánh, Chân như, Niết bàn trong một hữu tình chúng sinh, không phải do tạo tác mà sinh, hay do ai ban cho. Thế nên Đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có vô thủy Bồ đề, vô thủy Niết bàn, nếu y cứ theo Bồ đề, Niết bàn tu tập thì nhất định sẽ chứng được vô thượng Bồ đề, vô thượng Niết bàn, tức là thành Phật” (Kinh Lăng Nghiêm). Từ cơ sở đó, chúng ta cần phải tương ưng, tưởng nhớ không quên, sống theo, sống đúng, sống hợp Chân lý, để tạo mối quan hệ với Chân tâm thanh tịnh, giải thoát sáng suốt của chính mình. Thế nên Cổ đức nói: Năm phần hương tỏa khắp mười phương. Kết lại thành mây nguyện cúng dường. Pháp thân thanh tịnh mười phương Phật. Mỗi niệm tương ưng lý Chơn thường. – Về biểu tượng tự tính quyến thuộc, chính là biểu tượng chân lý hiện hữu bên ngoài, như Cổ đức nói: “Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu. Đàn tín quy y tăng phúc tuệ. Ba cửa thanh tịnh, dứt sai lầm. Đàn na, thí chủ quy y thêm phúc tuệ”. Thế nên, từ ý nghĩa này, Ngài Triệu Châu nói với một vị khách: Phật ở trên chánh điện cứ lên đây lạy Phật đi. Nhưng vị khách tìm hoài không thấy Phật, chỉ thấy Phật đồng, Phật gỗ… Do đó, Ngài Triệu Châu khai thị: “Phật vàng không thoát khỏi lò đun. Phật đất không khỏi nước làm tan. Phật cây không khỏi bị lửa đốt. Nhưng Phật thật ở trong đấy” (Kim Phật bất độ lô. Thổ Phật bất độ thủy. Mộc Phật bất độ hỏa. Chơn Phật tại kỳ trung). Nói thế nghĩa là từ sự tướng mà chứng lý tánh. Muốn đạt lý phải từ sự tướng. Muốn chứng Phật tánh thì phải cung kính lễ bái Phật bên ngoài, rồi từ từ chứng nhập Phật tánh trong tâm là Tự tánh Phật bảo, là thể tánh sáng suốt của tự tâm. Như Ca dao Việt Nam có câu: “Vào chùa thấy Phật muốn tu, thấy kinh muốn tụng, thấy thầy muốn Quy y”. 2. HÀNH NGHIỆP QUYẾN THUỘC (QUAN HỆ VỀ MẶT HÀNH ĐỘNG) Trong mối quan hệ về hành động, chúng ta có thể định hình trên hai lĩnh vực: Tâm linh và quy luật. Hành động quyến thuộc trên cơ sở tâm linh là gì? Đó là 3 căn lành: Vô tham, vô sân, vô si. Vô tham là Giới đức. Vô sân là Tâm đức. Vô si là Tuệ đức. Do đó, phát huy, tu tập theo ba căn lành thì đoạn trừ được ba độc là tham, sân, si. Ba độc đã đoạn trừ thì thành tựu Vô tham là Giới đức, là Đoạn đức, là Niết bàn, là Pháp thân thanh tịnh giải thoát. Vô sân là Tâm đức, còn gọi là Định đức, là Pháp thân thường trụ, Chơn như. Vô si là Tuệ đức, là Bồ đề, Trí tuệ sẵn có của chúng sinh, của chúng ta, nhưng phải qua quá trình tu tập, có nghĩa là do Giới thành tựu Định, có Định phát sinh Trí tuệ. Thế nên Cổ đức nói: “Buộc Tâm lấy giới làm dây. Lắng tâm làm Định dựng xây Đạo tràng. Rõ Tâm đuốc Tuệ soi đàng. Tâm không, cảnh tịch, Niết bàn an vui.” Nói như thế, hành động như vậy là chứng quả Bồ đề, Niết bàn, thành Phật. Mỗi bước chân đi là mỗi bước tiến gần đến Đạo quả Vô thượng Bồ đề. Nên người xưa thường nói: “Mỗi bước lần sang chốn Niết bàn. Lướt dòng sanh tử chớ hề nan. Chân không dần bước trong ly niệm. Tịnh độ là đây, chính Niết bàn”. (Kinh Lăng Nghiêm Chính mạch) Hành động theo quy luật là mối quan hệ hữu cơ của chúng ta. Vì thực hành theo các qui định như: Hiến chương Giáo hội, Nội quy Tăng sự, Quy chế hoạt động của Ban Trị sự GHPGVN các cấp, Quy chế sử dụng con dấu các Tự, Viện… Hành động đúng chánh pháp, các quy định của Giáo hội, nhất định không có lỗi lầm, tạo được sự tuân thủ luật pháp. Như thế gian nói: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”.
Cổ đức có câu: “Sớm trống, tối chuông cảnh tỉnh người đời trong bể ái. Lời kinh tiếng kệ giục người thức tỉnh giữa cơn mê”. (Ảnh: sưu tầm)
Được vậy, chúng ta vừa hành động hữu cơ trong mối quan hệ Đạo pháp và thế gian. Đạo đời hai nẻo, nhưng một thể viên dung, như thế là không chướng ngại lẫn nhau, hỗ tương cho nhau, giúp ta hành động, thực hiện quyền làm chủ cơ sở, làm chủ hành động và phương tiện hành động. Nhất định sẽ đạt được kết quả an lạc, giải thoát tại thế gian, giữa cuộc đời nhân sinh thế tục, nhưng vượt lên và phát triển bền vững. Như Toàn Nhật Đại sư nói: “Xưa nay việc nước việc nhà. Cứu dân giúp nước sao mà chẳng nên. Luật rằng phương tiện xảo quyền. Từ bi lợi vật pháp truyền xưa nay.” Chính là ý nghĩa “Hộ quốc an dân, Tốt đời đẹp đạo”. 3. THỆ NGUYỆN QUYẾN THUỘC (QUAN HỆ VỀ MẶT ƯỚC NGUYỆN) Người xưa thường nói: “Không có thệ nguyện thì không thành tựu sự nghiệp. Cũng như Thái tử Tất Đạt Đa đã phát nguyện dưới cội cây Tất bát la – Ta ngồi dưới cội cây này, nếu không tìm ra Chân lý, thì dù xương tan thịt nát, nhất định Ta không rời khỏi chỗ ngồi này”. Kết quả, Ngài đã thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Từ cơ sở đó, chúng ta luôn luôn tâm niệm: “Một lòng kính lạy Phật đà. Cho con mãi được ở nhà Như Lai. Từ bi thương khắp mọi loài. Hành trang nhẫn nhục ra tay độ đời. Tâm không, cảnh tịch thảnh thơi. Niết bàn an lạc dạo chơi tháng ngày”. Trên đây là mối quan hệ tự thân, sau đây là mối quan hệ tha nhân: “Linh sơn nghĩa cũ tình xưa. Ta bà, Tịnh độ say sưa pháp mầu. Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu. Xây tình Pháp lữ bắt cầu Tâm giao. Đời nay đến những đời sau. Chung lo Phật sự biết bao nhiêu tình. Quyết lòng độ tận chúng sinh. Từ bi, Trí tuệ thỏa tình ước mong. Không rời bản thể Chân không. Tùy duyên hóa đạo thong dong mọi miền”. Tóm lại, ăn cơm có canh, tu hành có bạn là điều kiện tất yếu cho sự hình thành kết quả ý nghĩa tập hợp quyến thuộc trong sự tương quan, tương duyên lẫn nhau. Như Cổ đức nói: “Xin cho tôi làm một hạt cát, để góp thành sa mạc của thế gian, Xin cho tôi tháp cánh đại bàng, để tô điểm trần gian thêm tươi đẹp”. Cuối cùng quan hệ tự tâm, như thường nguyện “Nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não, nguyện được Trí tuệ chơn thật rõ ràng. Nguyện khắp tất cả trừ tội chướng, đời đời thường thực hành đạo Bồ tát”. Có nghĩa là, nguyện đoạn trừ phiền não, vì phiền não tham sân si chướng ngại sự xuất hiện Bồ đề. Nguyện đoạn trừ nghiệp (10 điều ác…), vì chướng ngại sự giải thoát, chứng Niết bàn. Nguyện đoạn trừ thân Dị thục báo, vì chướng ngại Pháp thân thanh tịnh thường trú, bất sinh bất diệt. Như vậy, do đoạn trừ phiền não chứng Bát đức của Pháp thân trừ nghiệp chướng, được tự tại giải thoát Niết bàn, thuộc giải thoát đức của Pháp thân. Đoạn trừ thân Dị thục báo (thân ngũ uẩn) chứng Pháp thân thanh tịnh thường trú, bất sinh bất diệt. 4. TẬP HỢP QUYẾN THUỘC (QUAN HỆ VỀ MẶT TẬP HỢP, QUY TỤ) Tập hợp quyến thuộc là mối quan hệ chung nhất, tương quan lẫn nhau. Tạo sự tương quan, quan hệ hữu cơ, hay vô cơ đều là quan trọng. Như Đại sư Huệ Tư khi trông thấy Thiên Thai Trí Khải, Ngài nói: Tôi nhớ ông đã cùng tôi dự hội Linh Sơn rồi mà? Trí Khải đáp: Chính vì đã từng dự hội Linh Sơn, nên nay con mới đến nương với Đại sư. Qua đó, chúng ta thấy, mối quan hệ đơn phương, cũng như đa phương, nhiều hay ít đều có nguyên nhân quyến thuộc nhiều đời, cần duy trì, trân trọng. Từ những khái niệm trên, tinh thần đoàn kết hòa hợp với nhau trong chánh pháp, trong một tổ chức, một đoàn thể thanh tịnh là điều quý báu. Chúng ta phải phát huy nhân rộng, tạo quyến thuộc với nhau trong đời này, đời sau… Do đó, độ chúng xuất gia, thu nhận đệ tử, hướng dẫn thiện nam, tín nữ quy y Tam bảo, mở các giới đàn tuyển chọn người làm Phật trong tương lai…, đều là tạo duyên quyến thuộc gần và xa. Gần là Phật tử, đệ tử đời này là những nhân tố tích cực có đạo đức cho đạo pháp, xa là Phật tử, đệ tử đời sau, cho đến khi giác ngộ giải thoát thành Phật. Lúc đó, khi một Đức Phật nói pháp thì tất cả thính chúng quây quần nghe pháp, các Bồ tát trong mười phương tập hợp lại nghe pháp, ủng hộ đạo tràng, pháp hội… Các Đức Phật trong mười phương cũng quay mặt về nơi Đức Phật nói pháp, phát lời tùy hỷ, tán thán và xác nhận pháp thoại được trình bày. Thế nên Cổ đức nói: “Một Đức Phật ra đời thì có 1.000 Đức Phật khác ở 10 phương hộ trì …”. Cũng như thế gian có câu: Nhất hô bá ứng, vạn nhân tùy (Một lời hô hào, có 100 người hưởng ứng và 10.000 người ủng hộ, cảm tình với chúng ta). Mặt khác, chúng ta đang hiện hữu trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Phật giáo Quận, Huyện, Thị, Thành phố thuộc tỉnh, trong các đạo tràng, cơ sở tự viện là sự tập hợp quy mô lớn, cũng như hiện nay chúng ta mở trường Phật học, mở lớp giáo lý, đạo tràng tu Bát Quan trai, đạo tràng Niệm Phật, tu thiền, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt Gia đình Phật tử, Thanh thiếu nhi Phật tử… đều là tạo nhân duyên quyến thuộc với nhau, tạo thành tiềm năng và lực lượng hậu thuẫn, cơ sở vững chắc cho Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm quản lý, duy trì, nuôi dưỡng, hướng dẫn học hành, sinh hoạt tổ chức theo tinh thần Phật giáo. Từ nhận thức trên, chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tương thân, tương ái lẫn nhau. Như Quý Sơn Đại sư nói: “Nguyện trăm kiếp ngàn đời, đều được làm bạn với nhau trong chánh pháp”. Do đó, chúng ta làm Phật sự, cộng tác với nhau, không phải chỉ trong một đời này, mà còn nhiều đời nhiều kiếp khác. Quả thực: “Dù sinh bất cứ nơi đâu. Mối tình Pháp lữ khắc sâu đời đời”. 5. BỒ ĐỀ QUYẾN THUỘC (QUAN HỆ VỀ MẶT TRÍ TUỆ) 5a. Quyến thuộc về mặt Trí tuệ, mối quan hệ Trí giác, Phật tánh, Bồ đề là vấn đề căn bản, vì nếu không có căn bản Trí tuệ và tác dụng Trí tuệ, thì sự giác ngộ giải thoát khó đạt được. Vì như Trừng Quán Đại sư nói: “Bồ đề Tâm tự thuở nào. Xưa nay thanh tịnh làu làu gương xưa. Muốn tu chứng Đạo Chân thừa. Bồ đề tâm nguyện sớm trưa tu trì”, đó chính là tự tính, bản thể quyến thuộc của chúng sinh, của những người xuất gia tu học Phật. Mặt khác, do có trí tuệ, chúng ta mới hiểu rõ lý Nhân quả, tránh điều ác, thực hiện điều lành, giữ tâm ý thanh tịnh, đạt an lạc, an tịnh, giải thoát. Như Thiền sư Trí Bảo nói: “Nếu không do gió trí tuệ quét sạch mây mù. Làm sao thấy được trời Thu vô tận” (Bất nhân phong quyện phù vân tận. Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu). Vì vậy, quyến thuộc về mặt tự tính trí tuệ rất căn bản và quan trọng, do đó người xuất gia tu học Phật, làm theo hạnh Phật, để thành Phật nên Trí tuệ là sự nghiệp quý báu của chính mình và làm phương tiện độ người, thực hành Phật sự… Thế nên, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Quên mất Tâm Bồ đề, tu tập các thiện pháp cũng chỉ là hành động theo việc làm của Ma” (Vong thất Bồ đề Tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp). Tại sao? Ma là phá hoại, là chướng ngại sự giải thoát, giác ngộ của chúng ta. Do đó, phải y cứ Bồ đề Tâm, phát tâm tu hành, thực hành Phật sự, mới mong thoát ly sanh tử luân hồi, thành Phật.
“Mỗi bước lần sang chốn Niết bàn. Lướt dòng sanh tử chớ hề nan. Chân không dần bước trong ly niệm. Tịnh độ là đây, chính Niết bàn”.
5b. Phương tiện Bồ đề, là quyến thuộc Trí tuệ ở lĩnh vực phương tiện, nhằm đạt được Trí tuệ, đạt được Tuệ giác. Như Kinh điển, băng đĩa, sách luận, tập văn, tạp chí, video, cassette, internet, kênh Truyền hình Phật giáo An Viên… tất cả đều là phương tiện quyến thuộc, giúp hành giả, giúp những người thực hành Phật sự, giúp cho người khác hiểu rõ chân lý, cùng tu, cùng học, cùng an trú trong chánh pháp, đạt trí tuệ tuyệt đối. Như Kinh A Hàm nói: “Có một Tỳ kheo chán nản, không muốn tụng kinh Pháp cú, Đức Phật bảo: Kinh Pháp cú có lỗi gì mà không đọc tụng”. Do đó, thầy Tỳ kheo bắt đầu đọc tụng, tu tập theo kinh Pháp cú, cuối cùng chứng quả A la hán. Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Một quyển sách hay là một ông thầy hữu ích”. Vì qua những điều đề cập trong quyển sách là những nguyên lý đạo đức, những lời dạy bổ ích, thánh thiện, nghiên cứu thực hành theo sẽ đạt được an lạc, giải thoát, phát sinh trí tuệ vô lậu. Từ những lý do trên, chúng ta cần tạo điều kiện phát huy phương tiện trí tuệ ở mức độ cao, tuyệt đối là tôn trọng, tôn thờ, cung kính, trang nghiêm Tam bảo – Phật, Pháp, Tăng. Vì nếu không có Tam bảo thì Trí tuệ tuyệt đối về mặt bản thể không phát hiện. Đó là Tự tính sáng suốt – Phật bảo. Tự tính thường trú – Pháp bảo, Tự tính thanh tịnh – Tăng bảo. Cổ đức có câu: “Sớm trống, tối chuông cảnh tỉnh người đời trong bể ái. Lời kinh tiếng kệ giục người thức tỉnh giữa cơn mê”. (Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách. Kinh thính Phật hiệu hoán hồi khổ hải mộng mê nhơn).
Kết luận: Trong tất cả hiện tượng, từ ý nghĩ đến hành động, từ phạm vi vật chất đến tinh thần, từ phạm vi thế gian đến xuất thế gian, từ phạm vi đạo đức xã hội cho đến đạo đức cứu cánh, dù đạo hay đời, tất cả đều có mối tương quan, tương duyên lẫn nhau. Chính yếu tố duyên sanh và quan hệ tất yếu, hữu cơ ấy mà tất cả chúng ta mới hoàn thành Phật sự, hoàn thành sự nghiệp độ sinh, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh, tốt đời đẹp đạo. Do đó, chúng ta cần nhận thức sâu sắc và thực hiện một cách tích cực và hữu hiệu, nhằm thắt chặt mối quan hệ hữu cơ, bền vững không những đời này mà cho đến những đời sau, đến khi chứng quả Vô thượng Bồ đề. Quả thực như Toàn Nhật Đại sư huấn thị: “Lưng mang bức tượng Di Đà. Chữ trung chữ hiếu nay đà vẹn phân. Dù qua bao cuộc phong trần. Đạo Tâm không để một lần phôi pha”.
HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |