Chi tiết tin tức

Tinh tấn để hạnh phúc

21:17:00 - 18/04/2025
(PGNĐ) -  Một trong những mong ước của con người là có cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên không phải ai cũng đạt được điều này. Bởi hạnh phúc là một thực tại rất khó nắm bắt, do đó con đường hay cách thức để có được hạnh phúc cũng hết sức trừu tượng, đa dạng và khác biệt.

Hạnh phúc của con người rất đa dạng, không ai giống ai. Người thì cho như thế này mới là hạnh phúc, người thì cho như thế kia mới là hạnh phúc. Thậm chí điều mà người này cho là hạnh phúc thì người kia cho là đau khổ và ngược lại. Cho nên không có cái hạnh phúc chung mà chỉ có cái hạnh phúc của từng cá nhân. Và mỗi cá nhân cũng không phải chỉ có một thứ hạnh phúc mà cần có rất nhiều thứ. Tuy hạnh phúc trừu tượng và đa dạng nhưng vẫn có một số yếu tố cơ bản góp phần tạo nên cái gọi là hạnh phúc. Yếu tố cơ bản đó, theo tôi, đó là tinh tấn để đạt được thành tựu của riêng mình. Nói cách khác, đó là hãy cố gắng để có thể đứng trên đôi chân của mình mà không phải dựa vào bất cứ ai, như Đức Phật đã dạy: “Mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy nương tựa vào chính mìnhđừng nương tựa vào ai khác”.

Cây tầm gửi dù có phát triển sum suê đến đâu thì vẫn phải sống dựa vào cây khác. Khi cây chủ chết, tầm gửi cũng chết theo. Ngược lại, cây cỏ dù yếu ớt thấp bé nhưng sự sống chết của nó là do nó quyết định chứ không lệ thuộc vào ai. Con người cũng vậy, muốn có được hạnh phúc thì phải có sự độc lập. Có độc lập mới có tự do. Có tự do mới có hạnh phúc. Nếu bạn nương tựa vào cha mẹ, anh chị em, chồng vợ, con cái, bà con, hay một ai đó, bạn phải phụ thuộc vào họ mọi mặt, từ vật chất cho đến tinh thần. Bạn sẽ không thể sống theo cách của bạn mà phải nhìn thái độ của họ để sống. Thử nghĩ, một cuộc sống như vậy có hạnh phúc không? 

Sự độc lập trước nhất là phải độc lập về kinh tế, tức là bạn phải có khả năng tự nuôi sống mình. Muốn tự nuôi sống mình được bạn phải có một nghề nào đó để làm ra tiền. Muốn có nghề, bạn phải học nghề, và trong tất cả các giai đoạn từ học nghề cho đến làm việc đều cần đến sự tinh tấn. Cho nên Lỗ Tấn có danh ngôn, “Trên con đường thành công không có dấu chân của người lười biếng” là vậy. Ngược lại với tinh tấn chính là lười biếng. Nếu như tinh tấn dẫn ta tới thành công thì lười biếng chỉ làm cho cuộc đời ta lụi tàn theo năm tháng mà thôi.

Tuy hạnh phúc trừu tượng và đa dạng nhưng vẫn có một số yếu tố cơ bản góp phần tạo nên cái gọi là hạnh phúc. Yếu tố cơ bản đó, theo tôi, đó là tinh tấn để đạt được thành tựu của riêng mình. Nói cách khác, đó là hãy cố gắng để có thể đứng trên đôi chân của mình mà không phải dựa vào bất cứ ai, như Đức Phật đã dạy: “Mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy nương tựa vào chính mình, đừng nương tựa vào ai khác”.

Trong kinh Thiện Sanh (Trung A-hàm,phẩm Đại), Đức Phật dạy người lười biếng có những biểu hiện và tai họa như sau: “Này con nhà cư sĩ, với người lười biếng, nên biết có sáu tai họa. Sáu món đó là gì? Một là quá sớm, không làm việc. Hai là quá trễ, không làm việc. Ba là quá lạnh, không làm việc. Bốn là quá nóng, không làm việc. Năm là quá no, không làm việc. Sáu là quá đói, không làm việc. Này con nhà cư sĩ, người lười biếng không phải lúc thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh được thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao”. 

Người lười biếng thường có đủ mọi lý do để biện hộ cho sự biếng nhác của mình. Sớm quá, trễ quá, lạnh quá, nóng quá, no quá, đói quá v.v… là những lý do để không làm việc. Họ đâu biết rằng hoàn cảnh khách quan không phải là nguyên nhân chính của chướng ngại mà chính tâm biếng nhác, chây lười mới thực sự làm cho con người mệt mỏi, chán nản, không thiết tha với công việc. Rõ ràng, lười biếng tư duy và lao động thì không thể thành công trong cuộc sống. Chẳng những sự nghiệp không thành tựu mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá nát những gì đang có.

Trên đây là nói về tác dụng của tinh tấn hay lười biếng đối với sự nghiệp bên ngoài. Còn xét về mặt đạo đức, người lười biếng là người có nhân cách kém và không có lòng tự trọng. Nếu bạn đem một con cá cho người nghèo nhưng siêng năng và có lòng tự trọng, họ sẽ tức giận vì cho rằng bạn khinh thường họ. Cái họ cần là cần câu. Nếu bạn cho họ cần câu, họ rất mừng và nhớ ơn bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đem cần câu cho một người cũng nghèo nhưng lường biếng và thiếu lòng tự trọng, họ sẽ không thích và oán trách sao bạn không cho họ luôn con cá mà cho cần câu làm gì để họ phải mất công đi câu, đi làm.

Những người lười biếng như thế không chỉ bản thân không tiến bộ mà còn thiếu trách nhiệm đối với người khác, với xã hội. Trong khi xã hội ai cũng làm việc, chỉ họ là không muốn làm. Chúng ta nên nhớ rằng cuộc sống này ai cũng phải làm mới có ăn. Nếu mình không làm mà ăn thì mình đang ăn của người khác. Nếu như xã hội có số người ăn nhiều hơn số người làm thì xã hội đó sẽ như thế nào? Ông Dương Chu thời Chiến Quốc có một câu rất nổi tiếng rằng: “Không vì cái lợi lớn của thiên hạ mà chịu mất đi một sợi lông chân của mình”. Đó không phải vì ông ích kỷ, không nhân từ, chẳng muốn giúp ai, mà ngược lại có khi còn đại nhân từ nữa là khác. Bởi theo ông, mình giúp họ thì họ sẽ ỷ lại mà không làm. Cá nhân không làm thì xã hội không phát triển. Giúp người trong nhất thời mà hại họ cả đời và hại cho cả xã hội thì không nên. 

Tại sao con người lười biếng? Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta lười biếng. Có người sinh ra bản tính là lười biếng, dù nghèo đói đến cỡ nào họ cũng không chịu đi làm, chấp nhận sống qua ngày dựa vào lòng tốt của người khác. Kiểu người này thật ra không nhiều. Nguyên nhân phổ biến khiến cho người ta lười biếng đó là do họ được sinh ra và sống trong hoàn cảnh quá đầy đủ, sung túc. Họ không cần làm mà cũng có ăn thì cần chi phải học, phải làm, phải phấn đấu. Nhiều bậc cha mẹ vì quá thương con cho nên muốn để lại cho con cái một khối tài sản khổng lồ với suy nghĩ chúng sẽ đỡ cực sau này. Cũng vì vậy mà chúng chỉ biết hưởng thụ, không lo học, chẳng thiết làm, không có sự cố gắng gì cả. Tuy nhiên, cũng có những bậc cha mẹ thương con theo cách khác. Họ không để lại tiền cho con, hoặc để lại rất ít. Cái mà họ để lại cho con là cách kiếm tiền, cách xài tiền và cách sống ở đời. Đó mới chính là yếu tố giúp con mình thành công và hạnh phúc.

Tóm lại dù là ở ngoài đời hay trong đạo, tinh tấn cũng là điều cần thiết để thành tựu sự nghiệp. Đối với người đời thì tinh tấn học hành để kiếm sống và rèn luyện kỹ năng sống, còn người trong đạo thì tinh tấn tu học để giác ngộ, giải thoát và hoằng dương Phật pháp, phụng sự chúng sanh. Mỗi người, bằng những cố gắng nỗ lực không ngừng, từng bước hiện thực hóa tâm nguyện, hoài bão chính là đang sống hạnh phúc

Một số người có suy nghĩ rất đơn giản rằng chỉ cần có tiền là có thể sống hạnh phúc, sống một cuộc đời viên mãn. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản như thế. Cuộc sống rất phức tạp, đầy cạm bẫy. Có tiền nhưng không có kỹ năng sống thì sẽ dễ sa ngã, bị lừa gạt, dẫn đến mất hết tài sản, thậm chí mất mạng. Phải biết rằng khi người ta học tập và đi làm thì đó không chỉ là cách kiếm tiền mà đó là quá trình rèn luyện bản thân và đúc kết kinh nghiệm sống. Gian khổ chính là môi trường để rèn luyện nên nhân cách đạo đức của một người. Họ sẽ hiểu bản thân mình hơn và cũng sẽ hiểu người khác, hiểu cuộc đời hơn. Một người giàu sẵn sẽ không có tính kiên trì, nhẫn nại để chịu đựng các áp lực cuộc sống. Họ sống trong đầy đủ, quen được cưng chiều, nên khi gặp chuyện bất như ý, họ không kham nhẫn được. Cũng rất ít người trong họ có được một trái tim nhân ái, biết trân trọng, yêu thương, thấu hiểu và cảm thông với người khác. Như vậy để có được hạnh phúc, đâu phải chỉ có tiền là đủ? 

Trong Phật giáo hiện nay chúng ta cũng có thể thấy một số hiện tượng tương tự như vậy. Có một số ít người xuất gia là đệ tử của các vị thầy lớn, họ có nhiều ưu thế hơn và do đó, cũng có tâm lý ỷ lại, không cố gắng học hành và rèn luyện, với suy nghĩ rằng không cần quá giỏi nhưng vẫn có nhiều cơ hội. Những người có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm như thế sẽ làm được gì cho Phật pháp? Tuy chỉ là cá biệt nhưng họ cần nhanh chóng chuyển hóa để thực sự tài đức mới có thể dấn thân phụng sự, lợi đạo, ích đời. 

Tóm lại dù là ở ngoài đời hay trong đạo, tinh tấn cũng là điều cần thiết để thành tựu sự nghiệp. Đối với người đời thì tinh tấn học hành để kiếm sống và rèn luyện kỹ năng sống, còn người trong đạo thì tinh tấn tu học để giác ngộ, giải thoát và hoằng dương Phật pháp, phụng sự chúng sanh. Mỗi người, bằng những cố gắng nỗ lực không ngừng, từng bước hiện thực hóa tâm nguyện, hoài bão chính là đang sống hạnh phúc.

Thích Trung Hữu

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin