Chi tiết tin tức

Tri hành hợp nhất: con đường lý tưởng trong Phật giáo

22:36:00 - 19/02/2024
(PGNĐ) -  Đối với những ai đang khắc khoải trong tâm khảm những ưu tư trăn trở về kiếp nhân sinh, thì việc tìm hiểu về bản chất đích thực của cuộc sống này là một trong những mối quan tâm ưu tiên hàng đầu. Nhưng vấn đề mà chúng ta quan tâm ở đây, đó là phương pháp hay thái độ sống đúng đắn của một người học Phật về việc tiếp nhận tri thức và con đường thực hành tâm linh. Chính vì vậy, Đạo Phật nhấn mạnh đến tính Tri – Hành hợp nhất – con đường lý tưởng trong Phật giáo, tức là việc học và thực hành phải được diễn ra song hành. Đó cũng là nội dung chính trong bài viết này [1].

 

Sự phát triển của tri thức thế gian, hay khoa học kỹ thuật không đồng nghĩa với sự thăng hoa tâm linh, hay sự giải phóng tâm thức của con người ra khỏi mọi đau khổ, tham ái, sân hận.


TÌM HIỂU VỀ ĐỊNH NGHĨA TRI THỨC
Theo cách hiểu thông thường, “tri thức” (知識), hoặc “kiến thức” (見識) bao gồm những thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua quá trình giáo dục và học tập. Trong tiếng Việt, cả “tri” (知) lẫn “thức” (識) đều có nghĩa là hiểu biết, kiến giải [2]. Tri thức có thể chỉ sự hiểu biết về một đối tượng, về mặt lý thuyết hay thực hành. Nó có thể ẩn tàng, chẳng hạn những kỹ năng hay năng lực thực hành, hay tường minh, như những hiểu biết lý thuyết về một đối tượng; nó có thể ít nhiều mang tính hình thức hay có tính hệ thống.

Tùy theo trình độ, hay mức độ tiếp cận của mỗi cá nhân mà qua đó thế giới khách quan bên ngoài được nhìn nhận và đánh giá một cách sai biệt. Quá trình tích lũy và phát triển tri thức tùy thuộc vào mỗi người và không hạn cuộc vào thời gian không gian. Tri thức nhân loại được tích lũy qua nhiều thế hệ, qua đó phản ánh mức độ tương quan giữa con người đối với hoàn cảnh môi trường xã hội và thời đại, hình thành nên ý thức hệ của một dân tộc, quốc gia.

TRI THỨC THẾ GIAN
Xét theo sự phân loại theo phương diện của Phật giáo, loại tri thức hình thành do quá trình học tập đáp ứng nhu cầu thích ứng đối với thời đại thuộc về lĩnh vực thế gian, tức sự đặt để do sự quy định hay đặc thù riêng biệt của cộng đồng. Cá nhân trong đó nếu muốn tồn tại, thích ứng và phát triển, bắt buộc phải có một số tri thức/kiến thức về các lĩnh vực hay phạm vi có liên hệ đến đời sống.

Francis Bacon [3] với câu nói nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh”, ông khẳng định vai trò quan trọng của tri thức đối với quá trình tự hoàn thiện bản thân, tiến đến làm chủ khoa học kỹ thuật trong thời đại mới. Bởi chính nỗi ám ảnh “Đêm trường Trung cổ” đã khiến tinh thần và trí tuệ của con người trong suốt thời gian đó trở nên trì trệ. Friedrich Nietzsche [4] còn chứng tỏ rằng một thời đại ám ảnh đêm trường trung cổ đã qua, thế giới phương Tây đã mở ra một thời đại mới, thời đại của tri thức và sự bùng nổ khoa học kỹ thuật.

Không thể phủ nhận vai trò của tri thức đối với sự phát triển của cá nhân hay xã hội, bởi vì quá trình học tập rèn luyện tư duy sẽ đánh thức những sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người thông qua hoạt động suy nghĩ của não bộ và biểu hiện qua quá trình lao động sáng tạo của con người. Toàn bộ những kiến thức, hiểu biết có được do quá trình học tập trong suốt cuộc đời mỗi người, mà mục đích của nó hướng đến chính là phục vụ cho đời sống thường nhật. Tuy nhiên, loại tri thức này không có khả năng dẫn dắt con người đến sự chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Bởi xét cho cùng, tất cả vật chất của cải mà loài người đang có vẫn không thể nào đáp ứng nổi những ham muốn thỏa mãn của con người, trái lại đó có khi là nguyên nhân của tất cả xung đột đấu tranh và đau khổ cho nhân loại. Như vậy thì tri thức xuất thế gian có vai trò và ý nghĩa như thế nào đối với nhân loại?

Như thế tri thức xuất thế gian có ý nghĩa siêu việt các khái niệm ngôn ngữ thông thường, đó cũng chính là ngôn ngữ là chân lý ly niệm trong Kinh Kim Cang. Toàn bộ nền giáo pháp của Đức Phật không gì khác đó chính là nêu lên về Khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ, nói đầy đủ tức là Bốn sự thật cao quý (Catta-ariyasacca)/ Tứ Thánh đế bao gồm: Khổ đế (Dukkha), Tập đế (Samudaya), Diệt đế (Nirodha) và Đạo đế (Magga).

TRI THỨC XUẤT THẾ GIAN
Sự phát triển của tri thức thế gian, hay khoa học kỹ thuật không đồng nghĩa với sự thăng hoa tâm linh, hay sự giải phóng tâm thức của con người ra khỏi mọi đau khổ, tham ái, sân hận. Điều này đã được Đức Phật đề cập đến khi nói về giới hạn của sự nhận thức, tri thức mà con người thế gian có được thông qua sáu giác quan: “Vì rằng, này Malunkyaputta, đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết đến, ông sẽ chỉ thấy được với những vật thấy được, sẽ chỉ nghe được với những tiếng nghe được, sẽ chỉ cảm nhận được đối với những vật có thể cảm nhận được, sẽ chỉ nhận biết được đối với những vật có thể nhận biết được” [5]. Đây chính là giới hạn của sự nhận thức, hiểu biết của con người qua sáu căn của tấm thân năm uẩn này. Tuy nhiên ở bài kinh khác, Đức Phật tuyên bố rằng: “Chính ở trong thân thể dài một tầm, có tưởng, có thức này, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, sự đoạn diệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới” [6]. Điều này ngụ ý rằng, sự giải thoát giác ngộ là một tiến trình thanh lọc tự thân thoát ra khỏi ba độc, thông qua quá trình tư duy thiền quán và thực hành các công hạnh ba-la-mật ngay tại thế gian này, bằng chính cơ thể với sức lực và trí tuệ của chính chúng ta. Do vậy, giải thoát hay luân hồi nằm ở ý chí tự do hành động của mọi người mà không phải là sản phẩm từ một đấng tuyệt đối nào cả.

Như thế tri thức xuất thế gian có ý nghĩa siêu việt các khái niệm ngôn ngữ thông thường, đó cũng chính là ngôn ngữ là chân lý ly niệm trong Kinh Kim Cang. Toàn bộ nền giáo pháp của Đức Phật không gì khác đó chính là nêu lên về Khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ, nói đầy đủ tức là Bốn sự thật cao quý (Catta-ariyasacca)/ Tứ Thánh đế bao gồm: Khổ đế (Dukkha), Tập đế (Samudaya), Diệt đế (Nirodha) và Đạo đế (Magga). Mục tiêu tối hậu của Phật giáo không gì khác, đó chính là giải thoát mọi tham ái, khổ đau, vô minh của con người, tức là tri thức về con đường của bậc Thánh xuất thế gian.

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA TRI THỨC ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH TU HỌC
Hệ quả của việc tiếp nhận tri thức nhưng khiếm khuyết về thực hành
Tản mác trong các bài kinh, chúng ta thấy chi tiết Đức Phật thường hay khiển trách những vị tỳ kheo “ít nghe, kém học”, tức là những vị này không chịu lắng nghe, ghi nhớ những lời dạy của Đức Phật hoặc từ các vị đồng phạm hạnh. Đối với phương diện tiếp nhận tri thức xuất thế gian, ngay từ lúc sơ cơ, họ đã không có sự lãnh thọ. Nếu như không có tiếp nhận ghi nhớ về các phương pháp, kỹ thuật kiểm soát và làm chủ thân tâm, thì làm sao có thể thực hành và thành công một cách mỹ mãn trên đường đạo được. Như trong Kinh Pháp cú nói rằng: “Người ít nghe, kém học/ Lớn già như trâu đực/ Thịt nó tuy lớn lên/ Nhưng tuệ không tăng trưởng” [7]. Đó chính là hệ quả của sự giải đãi, lười nhác trong tư duy, do đó đối với trí tuệ của sự thể nhập chân lý thì không có sự tiến bộ.

Theo xu hướng thời đại, người xuất gia cũng phải trang bị cho mình một số kiến thức từ thế học cho đến Phật học. Tuy nhiên, việc đạt được những bằng cấp không phải là mục tiêu, là cứu cánh duy nhất mà người xuất gia hướng đến. Mục đích tối hậu của người xuất gia chính là thành tựu các quả thánh, đạt đến các cấp độ thiền định và Niết-bàn. Hơn nữa, sứ mệnh của người xuất gia không gì khác là học pháp, hành pháp, thể nhập pháp và hoằng truyền Chánh pháp.

Vấn đề này đã được Đức Phật nhiều lần nhắc nhở đại chúng, như trong Tăng chi bộ, Đức Phật nói về các biểu hiện của một vị Tỳ kheo không thực sự sống theo pháp: 1) tuy thuộc lòng nhiều kinh điển/ 2) thuyết pháp cho người khác nghe một cách rộng rãi/ 3) đọc tụng pháp một cách rộng rãi/ 4) với tâm tùy tầm tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng // nhưng không rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ, thì bốn trường hợp đó không được gọi là một vị sống với pháp, an trú với pháp (dhammavihāra) [8]. Cũng trong bài kinh đó, Phật xác nhận rằng, khi nào vị Tỳ kheo thuộc lòng nhiều kinh điển và rõ biết mục đích tối thượng với trí tuệ, thì vị ấy mới được gọi là vị sống theo pháp. Như vậy, Đức Phật đã một lần nữa nhấn mạnh về việc học pháp và hành pháp là hai yếu tố không thể tách rời. Việc học pháp cần được thực hành và áp dụng vào trong đời sống bởi bản chất của giáo pháp là “thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình tin hiểu và chứng nhận lấy”.

Hệ quả của việc thực hành nhưng khiếm khuyết về mặt tri thức
Trong một bài kinh thuộc Tăng chi bộ, Đức Phật có đề cập về tầm quan trọng của việc học giáo pháp một cách cẩn thận, bởi những vị Tỳ kheo đó chính là người gìn giữ mạng mạch Phật pháp: “Những Tỳ kheo nào,.., chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỳ kheo ấy,.., chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người…, chất chứa nhiều vô phước làm cho diệu pháp biến mất” [9]. Bởi khi không có sự học tập ghi nhớ giáo pháp sẽ dễ dẫn đến tình trạng hiểu sai lạc ý nghĩa và hơn nữa có thể diễn giải cho người khác cũng hiểu sai lầm. Việc học pháp như thế trở thành sai lầm, không có lợi ích.

Đối với giáo pháp cần học tập một cách đúng đắn, việc tiếp thu kiến thức đó có thể đến từ thẩm quyền của kinh điển, của các bậc thầy hoặc các vị đồng phạm hạnh, hơn nữa những kiến thức đó phải luôn được suy tư và thể nghiệm: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo xây dựng được cơ bản?… đối với các Tỳ kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập Agāma (A-hàm), bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, thường thường đến yết kiến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Pháp này ý nghĩa gì?”. Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác còn có những chỗ nghi ngờ, các vị ấy giải thích các sự nghi ngờ”[10]. Như thế thì việc căn bản đầu tiên, cửa ngõ để đi vào con đường Thánh đạo chính là việc thân cận, nương nhờ và học hỏi từ các vị thông tuệ. Chính những lời dạy và kinh nghiệm tu tập của các vị ấy sẽ là hành trang vô cùng quan trọng trên con đường tiến tu Thánh đạo.

Ngay cả trong hàng ngũ xuất gia, nếu một người không chịu học hành chân chính, có thể bị nhiễm thói hư tật xấu xã hội và thực hành sai lạc so với chánh pháp. Điều này gây ra sự hỗn loạn của diệu pháp, gây nên sự không lợi lạc, dắt dẫn người khác vào con đường tà kiến: “… Vị ấy có tà kiến, có tri kiến điên đảo; vị ấy làm cho nhiều người từ bỏ Diệu pháp, chấp nhận phi Diệu pháp. Vì vị Tỳ kheo trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì vị ấy được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vậy, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy… Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo trưởng lão đem lại bất hạnh cho đa số, đem lại không an lạc cho đa số, đem lại không lợi ích, bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người” [11]. Rõ ràng, học pháp là một việc cần thiết, là điều kiện ban đầu để hình thành nên nền tảng con đường tâm linh. Do đó, việc học này cần được áp dụng ngay từ lúc sơ cơ vào đạo, đặt dưới sự hướng dẫn của các vị thầy chân chính.

Toàn bộ con đường thực hành đạo đức Phật giáo chính xác cần được xây dựng trên nền tảng Như lý tác ý; hay ta có thể hiểu nó giống như Chánh kiến và Chánh tư duy trong Bát chánh đạo, đây chính là cốt lõi của trí tuệ ở trong Phật giáo.

SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA QUÁ TRÌNH TIẾP NHẬN TRI THỨC VÀ THỰC HÀNH CHUYỂN HÓA
Tri và hành là hai yếu tố không thể tách rời đối với người học Phật
Trong Phật giáo, chúng ta thường nghe đến thuật ngữ “đa văn”「多聞」tiếng Phạn: Bahuśruta. Trong đó bahu có nghĩa là rộng, lớn,…; śruta có nghĩa là lắng nghe, làm theo những gì đã được nghe, đã được học; bahuśruta nghĩa là lắng nghe lời dạy từ kinh điển và có sự chú ý ghi nhớ thọ trì những gì đã học một cách rộng rãi [12].

Đa văn (多聞), hay quảng trị (廣知), bác học (博學) là những từ có ý nghĩa tương đương. Từ đa văn, đã xuất hiện trong ngôn ngữ cổ của Ấn Độ trước thời Đức Phật, nhưng Phật giáo sử dụng từ này tức chỉ cho những vị có sự học tập ghi nhớ và hành trì giáo pháp một cách chân chính. Như định nghĩa trong Tạp A-hàm: “Tỳ kheo nên biết, nếu nghe pháp mà đối với sắc phát sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì đó gọi là đa văn. Cũng vậy nếu nghe pháp mà đối với thọ, tưởng, hành, thức phát sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là đa văn” [13] (HT. Thích Đức Thắng dịch).

Như vậy, đa văn tức là người sở hữu trí tuệ đến từ sự học tập trên phương diện hành trì tu tập hướng đến giải thoát. Ở đây có sự phân biệt rõ ràng với tri thức thế gian, vì nó không đưa đến chấm dứt khổ đau, do đó kiến thức trong Phật giáo chỉ nhằm mục tiêu phục vụ cho lý tưởng giải thoát và được thực chứng qua con đường hành trì tu tập.

Thiết lập nền tảng tâm linh: niềm tin được phát triển trên cơ sở của kinh nghiệm và kiểm chứng qua quá trình phản tư
Một hệ thống tâm linh vững chắc, đó là được xây dựng dựa trên một niềm tin chân tịnh và dưới sự soi rọi của tri thức, cùng với sự phản tư thông qua quá trình thực nghiệm. Kết quả theo đúng lộ trình đó, chính là sự “thấy và biết” đúng như thật. Nhưng cái thấy và biết ở đây cần xây dựng trên chánh tín, đúng với chánh pháp; đòi hỏi sự thật chứng nghiệm mà mỗi cá nhân có thể đạt đến. Trong Kinh Tất cả lậu hoặc (M.2.15) và trong Kinh Tương Ưng(S.II.29), Đức Phật xác nhận rằng Ngài thuyết pháp diệt tận các lậu hoặc cho người biết cho người thấy, không phải thuyết pháp cho người không biết, không thấy. Như thế, ta có thể nói, Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng lấy con người làm trung tâm, nhưng một người muốn thành tựu sự giác ngộ phải là một con người có khả năng nhận thức, hiểu biết, tư duy và chân lý có thể đạt đến được thông qua quá trình tu tập chuyển hóa các lậu hoặc, phiền não, đi đến sự chấm dứt mọi khổ đau.

Trong Abhayasutta (S.V.126), Đức Phật xác nhận rằng sự thấy và biết có nhân, có duyên, “nhờ thấy và biết” tức là trên cơ sở của tri thức xác định nảy sinh niềm tin chắc chắn rằng không có nguyên nhân thì không có hậu quả. Điều này ngụ ý rằng tất cả những thứ nhìn thấy đều có thể biết được, cũng như tất cả kiến thức của chúng ta đều dựa trên cơ sở thực nghiệm của sự tu tập như lý tác ý (yonisomanasikāra).

Con đường từ niềm tin để đi đến sự thấy biết như thật được Đức Phật diễn tả trong Kitāgirisutta (M.70.183). Đức Phật có nói đến trí tuệ được học, được thực hành, tu tập một cách tuần tự: khi một người có lòng tin – đi đến gần –  kính lễ – lóng tai – nghe pháp – thọ trì – suy tư ý nghĩa -…- nỗ lực – tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy (Như thực tri kiến). Điều đó chứng tỏ rằng sự giác ngộ trong mỗi chúng ta, tri kiến giải thoát hay thành tựu đạo quả là kết tinh từ quá trình tiếp nhận và hành trì giáo pháp một cách không gián đoạn, nền tảng giải thoát được xây dựng trên kinh nghiệm học tập và tích lũy qua quá trình phản tư.

Tri – hành hợp nhất: con đường lý tưởng trong Phật giáo
Một nhận thức đúng đắn dựa trên căn bổn thiện hoặc bất thiện tạo thành một giá trị đạo đức, ở đó con người có ý chí tự do quyết định hành động của mình, chuyển hóa từ phàm sang Thánh. Nhưng để bắt đầu cho những sơ khởi của tiến trình tự nhận thức đạo đức và hành động thì nó cần phải được thiết lập trên nền tảng Như lý tác ý (Yoniso ca manasikāra) có nghĩa là sự tư niệm đúng đắn theo tinh thần duyên sinh, vô thường, khổ và vô ngã.

Toàn bộ con đường thực hành đạo đức Phật giáo chính xác cần được xây dựng trên nền tảng Như lý tác ý; hay ta có thể hiểu nó giống như Chánh kiến và Chánh tư duy trong Bát chánh đạo, đây chính là cốt lõi của trí tuệ ở trong Phật giáo. Trong Nhập bồ-tát hạnh – Bodhicaryāvatāra (BCA), ngài Śāntideva đã nhắc lại lời dạy của bậc Đạo sư: tất cả mọi đau khổ, tai nạn điều phát xuất từ tâm. Cho dù thực hiện các hành động tốt như tụng kinh, hay ép xác lâu ngài cũng đều vô ích nếu tâm tán loạn, chứa đầy tà kiến [14]. Chính bởi vì nhận thức đúng đắn sẽ đưa đến hành động đúng đắn, hành động đúng đắn sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp. Cách để phát triển như lý tác ý đó là học tập (văn), suy tư các pháp (tư) và tự thân tu tập kiểm chứng (tu).

Nếu như nhận thức và hành động đạo đức được bắt nguồn từ ý chí tự do, vậy thì ý chí tự do cũng cần có điều kiện trợ duyên để cho nguồn lực ý chí đó tăng trưởng, chính sự thấy và biết là nguồn động lực để thúc đẩy sự tự do nhận thức và hành động đạo đức (M.2.15; S.II.29). Do đó, ngài Śāntideva nói rằng (BCA,VI.25): Như vậy, tất cả hành động xấu ác điều do nhân và duyên hòa hợp sanh khởi. Không có cái gì có thể phát sinh tự nó được. Ý nghĩa của câu này nói lên rằng, tất cả những hành động xấu ác hay thiện lành chúng xuất hiện điều có nguyên nhân, không phải không có nguyên nhân, do đó một khi chúng ta tìm hiểu được nguyên nhân nào khiến phát sinh những phiền não dẫn ta đến đọa lạc, thì tự thân mỗi người hoàn toàn có thể thực hành chuyển hóa những nguyên nhân xấu này, khiến nó trở nên tốt đẹp, thánh thiện.

Đối với giáo pháp cần học tập một cách đúng đắn, việc tiếp thu kiến thức đó có thể đến từ thẩm quyền của kinh điển, của các bậc thầy hoặc các vị đồng phạm hạnh, hơn nữa những kiến thức đó phải luôn được suy tư và thể nghiệm.

Trong BCA chương V, còn nêu lên mối quan hệ giữa sự giữ gìn tâm ý và sự thực hành giới luật. Bởi vì tâm ý hay nền đạo đức được thiết lập trên các giá trị hiện thực mà tối thiểu nhất chúng ta có thể cảm nhận và quan sát nó thông qua việc thực hành nền tảng đạo đức Phật giáo (giới luật). Một nền đạo đức nếu chỉ xây dựng trên các lý thuyết suông mà thiếu hẳn con đường thực hành hay sự kiểm nghiệm thì nền đạo đức đó không thể tồn tại bền vững được. Do đó, tri và hành là hai mặt không thể tách rời khỏi đời sống phạm hạnh của người xuất gia. Lý thuyết được kiểm nghiệm thông qua thực hành và quá trình thực hành xác nhận những kiến thức, đó mới thực là niềm tin khách quan, tiệm cận với chân lý.

KẾT LUẬN
Nếu như nói rằng cuộc sống là một sự trải nghiệm, thì quá trình tu tập cũng là một sự trải nghiệm tâm linh, nhưng nó cần soi rọi dưới ánh sáng của lý thuyết, tức tri thức do học hỏi và được nhận diện, kiểm chứng thông qua quá trình phản tư, tức sự thực hành. Đây chính là con đường lý tưởng trong Phật giáo: Tri – Hành hợp nhất./.

 

Thích Đức Trung/TCVHPG417

 

Chú thích:
* ĐĐ. Thích Đức Trung, Học viên Cao học khoá VI tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
[1] Quy ước chung: D-Dīghanīkāya; M-Majjhimanikāya; S-Saṃyuttanikāya; A-Aṅguttaranikāya.
[2] Xem thêm, Từ điển Hán Nôm, nguồn: https://hvdic.thivien.net
[3] Francis Bacon (1561-1626) triết gia người Anh, ông được xem là cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm, phương pháp khoa học và là một nhân vật quan trọng của Cách mạng khoa học thời kỳ Phục Hưng.
[4] Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia nổi tiếng người Đức thế kỷ XIX.
[5] S, iv, 73.
[6] S,i,61.
[7] Pháp cú 152.
[8] A,iii, 88.
[9] A,i,62,42.
[10]  A,i,62,42.
[11] A,iii,114.
[12] Xem thêm佛光大辭典, nguồn: https://www.fgs.org.tw/fgs_book/fgs_drser.aspx
[13] 《雜阿含經》卷1:(CBETA 2023.Q1, T02, no. 99, p. 5c3-7).
[14] BCA V.6; V.16.

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Kinh Trung Bộ, TTTĐ PGVN, Nxb. Tôn giáo.
2. Thích Minh Châu (dịch, 2021), Kinh Tương Ưng Bộ, TTTĐ PGVN, Nxb. Hồng Đức.
3. Thích Minh Châu (dịch, 2021), Kinh Tăng Chi Bộ, TTTĐ PGVN, Nxb. Hồng Đức.
4. Thích Minh Châu (dịch, 2021), Kinh Tiểu Bộ, TTTĐ PGVN, Nxb. Hồng Đức.
5. Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chỉnh & chú thích (2019), Kinh Tạp A-hàm I – II -III, Tiểu Tạng Kinh, Nxb. Hồng Đức, Hương Tích.
6. Śāntideva (Thích Trí Siêu dịch, 2008), Bồ-tát hạnh (Bodhicaryāvatāra), Nxb. Phương Đông.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin