Chi tiết tin tức

Ý nghĩa Phật thành đạo

07:54:00 - 08/01/2014
(PGNĐ) -  Mỗi năm đến ngày mùng 8 tháng Chạp, giới Phật giáo Bắc tông cử hành lễ kỷ niệm ngày thành đạo của Đức Phật Thích Ca. Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, ngày Đức Phật đản sinh, xuất gia, thành đạo và Niết bàn đều là ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch.

Riêng đối với tôi, ngày tháng thành đạo là ngày nào không quan trọng. Vấn đề chính chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa của sự thành đạo.

Kỷ niệm Đức Phật thành đạo, chúng ta cùng tư duy ý nghĩa thành đạo theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, để cùng tiến bước trên con đường chánh pháp, xây dựng cuộc sống an lạc tốt đạo đẹp đời.

Trong phần chính yếu của kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới diễn tả Thiện Tài đồng tử đi cầu đạo bằng niềm tin trong trắng, đầy đủ phước đức. Thiện Tài đã trải qua 110 thành gặp 50 thiện tri thức hay đủ các gương mặt tốt xấu của thế gian.

Tuy có thật nhiều kinh nghiệm, Thiện Tài gạt bỏ lại phía sau tất cả những gì của cuộc đời, để cuối cùng vẫn giữ được nét trong trắng của tâm thanh tịnh ban đầu. Ngài mới gặp được đồng tử Đức Sanh và đồng nữ Hữu Đức.

Học đạo với Đức Sanh và Hữu Đức rồi, Thiện Tài đến ra mắt Di Lặc Bồ tát, tiêu biểu cho ý nghĩa hành giả có đầy đủ đức hạnh. Trên bước đường tu gặp việc đáng buồn không buồn, đáng giận không giận. Trải qua bao nhiêu khó khăn phiền lụy, lòng không chút bợn nhơ.

Hành giả có đức hạnh hành đạo đến cuối cuộc đời, tóc vẫn xanh mắt vẫn sáng. Kinh diễn tả bằng hình ảnh trẻ thơ là đồng tử Thiện Tài suốt đời cầu đạo bằng tâm hồn ngây thơ, trong sáng.

Từ tâm thanh tịnh không thay đổi, khế hợp với Đức Sanh và Hữu Đức, Thiện Tài mới thâm nhập Phật đạo. Ngài gặp được Di Lặc Bồ tát là người giữ tạng báu Như Lai, kinh Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Lô Giá Na lâu các.

Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ tu thế nào cho thành tựu đức hạnh. Chỉ có đức hạnh mới là nhịp cầu đưa chúng ta đến với Di Lặc Bồ tát. Di Lặc là người tiêu biểu cho đức hạnh đệ nhất, được Phật Thích Ca thọ ký làm người thừa kế Ngài ở cõi Ta bà trong đời vị lai.

Thiện Tài với tư cách hài nhi trong trắng gặp Di Lặc Bồ tát dạy cho pháp giải thoát như huyễn. Mọi vật, mọi việc trần gian, nói chung là các pháp đều huyễn hóa, đều do tâm chúng ta biến hiện ra mà thôi. Thâm nhập pháp như huyễn, trở về bản tâm thanh tịnh, Thiện Tài thấy Tỳ Lô Giá Na lâu các xuất hiện. Tỳ Lô Giá Na lâu các gồm cả bốn phần nhân, hạnh, quả, đức của Phật Thích Ca mà kinh Pháp Hoa gọi là Pháp thân thường trú.

Tòa lâu các của đức Thích Ca Mâu Ni để lại, chúng ta phải hiểu là tòa vô hình tồn tại vô lượng kiếp không mất. Tòa lâu các hay Bảo sở là kho báu của Phật làm bằng gì, làm thế nào mà Đức Phật tạo được ?

Trong kinh Pháp Hoa có nói Đức Phật từ vô số kiếp trước hành Bồ tát đạo, cảm thành thọ mạng, thành tựu Pháp thân; nghĩa là Ngài đã tạo kho báu vô hình. Thật vậy, cuộc đời Đức Phật trang nghiêm toàn bằng chất liệu đạo đức, tri thức nên thọ mạng của Ngài vĩnh hằng bất tử.

Đức Phật tu Bồ tát pháp không phải một ngày một buổi. Cũng như Thiện Tài đồng tử phải vượt 110 thành, tham học với 50 thiện tri thức hay trải qua 50 chặng đường. Điều này cũng đồng nghĩa vượt thoát 500 do tuần đường hiểm sanh tử trong kinh Pháp Hoa. Tâm Bồ đề của Ngài vẫn kiên cố, đức hạnh vẫn tròn đầy. Ngài mới gặp Di Lặc Bồ tát mở cửa cho vào Tỳ Lô Giá Na lâu các. Còn những người thấp chí bạc tài, sợ hành Bồ tát đạo dài lâu, nửa đường muốn thoái lui thì muôn đời vẫn ở trong sanh tử luân hồi.

Riêng tôi, ý thức sâu sắc lời Phật dạy rằng chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, lăn lộn đủ trong các loài không biết mệt mỏi nhàm chán. Chúng ta giống y như người đam mê cờ bạc đánh hết ván này lại tiếp tục ván khác, thật phí công vô ích. Quán kỹ điều này tôi rất ngán sợ, tự nghĩ chỉ nếm mùi ba ván cờ sanh tử trong cuộc đời là quá đủ rồi.

Từ vô lượng kiếp Đức Phật hành đạo tích lũy công đức. Mỗi lần tái sanh, Ngài lại đưa thêm vào kho tư lương phước đức trí tuệ. Kết quả trong hiện đời Ngài có thể lực khỏe mạnh, trí lực siêu việt và điều kiện sống thật cao tột mà bao người thế gian ước mơ. Riêng chúng ta tự xét mỗi đời tái sanh, tạo thêm công đức hay nghiệp chướng ?

Trên bước đường tu, kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta phải cải tạo ngay trong tâm mình. Khi còn nhìn tha nhân bằng đôi mắt không thiện cảm, tự biết ta còn chất chứa nhiều nghiệp ác. Ta cần xóa bỏ niệm ác, sám hối, cho đến khi nhìn người với tâm hồn thanh thản. Cao hơn nữa, phải khởi được tâm đại bi đối với người chống phá mình.

Đức Phật dạy hành giả thực tu, theo dõi cải thiện tâm là chính. Tất cả diễn biến bên ngoài tốt xấu đều tùy thuộc nơi tâm chúng ta sanh khởi. Chính Đức Phật hành đạo dưới dạng tâm. Từ vô lượng kiếp đến nay Ngài hành Bồ tát hạnh, quán sát nghiệp chướng trần lao quá khứ thế nào để hóa giải, chuyển thành công đức.

Ai phát tâm tu Bồ tát đạo được Đức Phật nuôi lớn tâm này, nên mỗi ngày tâm họ gần Phật hơn, việc của họ cũng giống Phật hơn. Mỗi lần Đức Phật tái sanh, tiếp tục hành Bồ tát đạo, cộng thêm sự hành đạo của quyến thuộc. Có bao nhiêu người tốt theo Ngài thì việc tốt của Phật trở thành bội số nhân. Cứ như vậy mà hành động thánh thiện của Đức Phật ảnh hưởng cho người làm tốt theo cho đến kiếp hiện tại Ngài thành bậc Vô thượng Đẳng giác. Trong tất cả loài, không loài nào mà Ngài không hiện hữu, không xả bỏ sinh mạng vì họ.

Dưới kiến giải của Phật huệ, Ngài nhận ra được thân ta trong hiện tại là kết hợp thân của lục thú tứ sanh trong quá khứ. Ngược lại, trong thân của chúng sanh cũng có thân ta. Như vậy, từ phần vật chất xa cho đến vật chất hiện tại đều có liên hệ hỗ tương. Chúng tương quan mật thiết đến độ Phật quán thấy tất cả hợp nhất, trong một chứa tất cả.

Xa hơn nữa về tinh thần, Ngài cũng thấy tác động qua lại giữa các loài. Điều này dễ hiểu, như thực tế người thân của ta buồn, thì ta cũng buồn theo, họ vui ta cũng vui theo.

Trong liên hệ vô hình hỗ tương như vậy, Đức Phật hành Bồ tát đạo. Ngài đồng cảm với chúng sanh để giải buồn cho họ. Ngài tùy hỷ với chúng sanh để mang thêm nguồn vui cho họ. Tất cả việc làm của Ngài đều tạo thành hạnh ban vui cứu khổ.

Với quá trình tu hành từ vô lượng kiếp, Đức Phật tổng hợp được liên hệ sắc thân hữu cơ và liên hệ tình cảm vô hình giữa Ngài và chúng sanh. Điều đó tạo thành Pháp thân hay Tỳ Lô Giá Na thân của Phật. Đó là thân tổng thể bao hàm muôn loài.

Trước kia, Thiện Tài chỉ thấy thân Phật giới hạn trong một đời. Nay trải qua quá trình vượt 113 thành, học đạo với 53 thiện tri thức, Ngài thấy được thân tổng thể Tỳ Lô Giá Na. Lúc ấy, Di Lặc Bồ tát khuyên Thiện Tài nên cầu học một lần nữa với Văn Thù Sư Lợi Bồ tát.

Khi Thiện Tài vừa khởi ý niệm cầu đạo, thì Văn Thù Sư Lợi ở cách xa 110 do tuần đưa tay xoa đầu thọ ký Thiện Tài. Từ khởi đầu tham phương cầu học, Thiện Tài được Văn Thù khai ngộ và thâm nhập được Tỳ Lô Giá Na lâu các. Sau đó, Ngài trở ra, lại gặp Văn Thù gia bị lần thứ hai.

Điều này có thể hiểu là vị Thầy ở giai đoạn một dạy chúng ta bằng ngôn ngữ. Tu hành phát huy được tâm linh thì gặp thầy ở trong pháp giới dưới dạng tâm.

Ở dạng tâm hay nhìn bằng trí tuệ, tất cả thông thành một cõi, không còn chướng ngại, không còn chia chẻ từng quốc độ riêng biệt. Có thể ví như ngày nay chúng ta dùng viễn vọng kính, dễ dàng quan sát mọi vật ở các vì sao. Cũng vậy, nếu chúng ta nâng độ sáng của đôi mắttâm linh, chúng ta sẽ thấy pháp giới của Phật.

Vì vậy, Thiện Tài chỉ cần khởi tâm, Văn Thù Sư Lợi liền hiện hữu bên cạnh. Lúc ấy, Văn Thù và Thiện Tài cùng ở chung trên pháp tánh. Trong bể pháp tánh hay Tỳ Lô Giá Na biến chiếu mà quan sát, mới nhận chân được rằng tất cả cảnh tốt xấu phải trái đều do tâm tạo.

Tâm có khả năng biến khắp pháp giới, khởi niệm ác liền có ác, khởi niệm thiện có thiện. Chân lý này được Đức Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm qua bài kệ :

Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhứt thiết Phật

Ưng quán pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo

Tóm lại, Đức Phật thành đạo, hay trên con đường trở về an trú nơi bản tâm thanh tịnh, Ngài nhận ra được quy luật “Nhứt thiết do tâm tạo”. Và trong suốt pháp hội Hoa Nghiêm, Đức Phật đưa cho chúng ta mô hình tu dưới dạng tâm của Ngài trong quá trình hành Bồ tát đạo từ vô lượng kiếp. Ngài chăm sóc, nuôi dưỡng tâm cho hoàn toàn thánh thiện, thuần tịnh. Và Ngài liên hệ với muôn loài chúng sanh trong thập giới ở dạng tâm thanh tịnh.

Thiện Tài đồng tử cũng đi cầu đạo theo lộ trình đó, tham học với 53 thiện tri thức tiêu biểu cho hành trình dấn thân giáp mặt với tất cả thành phần trong xã hội. Đến khi tâm thuần thiện, đầy đủ tâm đại bi, Thiện Tài mới được Di Lặc Bồ tát mở cửa Tỳ Lô Giá Na lâu các và đưa tạng bí yếu của Như Lai.

Tôi mong rằng Tăng Ni Phật tử cũng đi theo mô hình này, nhận được phần nào pháp yếu của Đức Phật trao cho. Nhờ đó, tâm quý vị được khai mở, thanh tịnh, đến gần Tỳ Lô Giá Na lâu các của Di Lặc Bồ tát hay đến gần Pháp thân của chính mình. Đó là phẩm vật quý giá nhất chúng ta dâng lên cúng dường đức Thế Tôn trong mùa Thành đạo PL. 2537.

HT. Thích Trí Quảng

(Trích báo Giác Ngộ số 74, 15-1-1994, PL.2537)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin