Chi tiết tin tức Những điều tâm đắc trong quá trình tu học Phật pháp 21:37:00 - 28/01/2024
(PGNĐ) - Pháp thoại này là một trong những bài giảng thuộc loạt đề tài Làm thế nào để thay đổi hoàn cảnh xã hội do Pháp sư Tịnh Không giảng dạy vào mùa hạ năm 1997 tại Ðài Bắc, được phát sóng trên truyền hình Ðài Loan, Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) và đã nhận được nhiều lời bình tốt đẹp.
Nội dung của Phật pháp thật rộng lớn. Kinh điển nhiều mênh mông như biển, biết bắt đầu học từ đâu? Cho nên, việc học Phật đối với chúng ta sẽ có hiệu quả trong thời gian ngắn khi và chỉ khi chúng ta nắm được cương lĩnh, tìm được phương hướng để đi. Ðức Phật rất từ bi. Cả cuộc đời Ngài thuyết pháp độ sinh được kết tập thành một hệ thống, có đơn giản, có phức tạp. Ví dụ như tam học, tam tuệ tuy đơn giản nhưng ý nghĩa rất thâm sâu. Chúng ta hiểu tam học là giới - định - tuệ, tam tuệ là văn - tư - tu đó chỉ là cái hiểu biết hình thức, danh tướng mà thôi. Thực chất bên trong hình thức, danh tướng đó hàm chứa ý nghĩa rất thâm diệu, không thể hiểu biết hết được. Do đó, chỉ nghe thôi chưa thể ứng dụng được. Cái học cũ không thể tìm ra được phương hướng để đạt đến mục đích. Chúng ta thử so sánh những điều dễ hiểu hơn như tam phước, lục hòa, lục độ, thập nguyện, những từ này dùng văn tự, thuật ngữ Phật học để giải thích cũng đã rất khó khăn, và cảnh giới trong đó cũng rất rộng lớn. Ví dụ chỉ hai chữ bố thí trong kinh Hoa nghiêm (chương Hồi hướng), cũng đã giải thích hơn cả trăm loại rồi, thì chúng ta có thể thấy nó không phải là hai chữ đơn giản! Tôi đem những gì mình tu học tâm đắc nhất tóm tắt thành 10 điều, gồm 20 chữ. Ðây là những điều rất dễ hiểu, dễ nhớ. Năm điều đầu tiên là: Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chính giác, từ bi. Chân thành Tiêu chuẩn của cái tốt là gì? Ðó là lòng chân thật, không lừa mình dối người. Trong xã hội hiện tại, người có thể làm được một điều này không còn nhiều, nhưng nhất định chúng ta phải làm được. Thực sự mong muốn thoát khỏi khổ đau, được sống an lạc hạnh phúc thì không còn cách nào khác ngoài việc lấy cái tâm chân thật để đối xử với mọi người, mọi loài. Sau đó mới thực sự làm việc gì, nhất cử nhất động đều không còn sợ hãi; trên đối với trời đất, dưới đối với tất cả chúng sinh lòng luôn thanh thản, khoan khoái dễ chịu, tự do tự tại. Nếu dùng tấm lòng giả dối để đối xử với người, thì dù cho không có sám hối trước tượng Phật, bản thân mình vẫn còn có lương tâm, không ai hay biết thì cũng bị lương tâm quở trách, tâm bất an, trong giấc ngủ thường gặp ác mộng. Nỗi khổ đó từ đâu mà đến? Ðó là kết quả từ cái tâm lừa dối khi đối xử với mọi người, mọi loài. Ðúng là lợi bất cập hại, vậy sao chúng ta không dùng tâm chân thành để đối đãi với nhau? Thanh tịnh Thứ hai là phải tu tâm thanh tịnh. Các bạn nên biết, môi trường sinh thái tự nhiên của trái đất của chúng ta đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh cáo, nếu tình trạng ô nhiễm này không lập tức dừng lại, thì trong vòng 50 năm nữa trái đất không còn là nơi thích hợp cho loài người sinh tồn. Lời cảnh cáo nghiêm trọng này có căn cứ khoa học rõ ràng. Vì sao ngày nay việc bảo vệ, phòng chống ô nhiễm không có hiệu quả? Người đời chỉ nhìn thấy bên ngoài, kỳ thật sự ô nhiễm bên trong tâm con người còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tâm thức, tinh thần, tư tưởng, kiến thức đều bị ô nhiễm. Bên trong, bên ngoài đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các nhà khoa học nói rằng 50 năm sau trái đất này không còn thích hợp cho loài người sinh tồn nữa, tôi nghĩ dường như khoảng thời gian đó hơi lâu! Vì vậy, hôm nay chúng ta phải tu học và hoằng dương Chánh pháp, phải lấy tâm thanh tịnh đặt lên hàng đầu, đó là bảo vệ môi trường. Ðề phòng ô nhiễm từ việc bảo vệ cái tâm của chúng ta thanh tịnh, nhất định phải học Phật pháp, nhất định phải tu giới, định, tuệ. Tâm thanh tịnh thì thân cũng thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh bên ngoài cũng thanh tịnh, đó mới là bảo vệ môi trường từ nơi gốc rễ, điều đó mới thật sự có hiệu quả. Mỗi người ai cũng quan tâm đến sức khỏe, hạnh phúc, tuổi thọ của mình, mà muốn đạt được những điều đó phải bắt đầu từ đâu? Từ tâm thanh tịnh.
Tôi có rất nhiều bạn đồng tu, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là khi tôi ở Nhật Bản, lúc nào cũng có người đến hỏi: Pháp sư, bình thường ngài dùng những vật thực gì? Ăn những chất bổ gì mà trông thân thể của ngài rất khỏe mạnh, tinh thần cũng rất tốt! Tôi trả lời với họ: Tôi có một thứ rất bổ dưỡng! Họ hỏi tôi: Là thứ gì vậy? Tôi nói: Nước máy của công ty nước máy Ðài Loan! Tôi ăn cơm tùy duyên, không làm phiền người khác, người ta cho tôi thứ gì, tôi dùng thứ ấy, rất đơn giản và ăn rất ít. Tôi không ăn vặt, không ăn tất cả những thực phẩm bổ dưỡng. Những chất bổ đều có tác dụng phụ, bạn xem những người có tiền, những gia đình phú quý, muôn ngàn thứ bổ dưỡng nhưng cũng không ít bệnh. Vậy thứ gì bổ nhất, dinh dưỡng nhất? Ðó là tâm thanh tịnh! Tâm không có phiền não, không phân biệt, không lo nghĩ ưu tư, không bận tâm, đó là hạnh phúc nhất! Cái đó gọi là người gặp việc vui tinh thần trong sáng, niềm vui này là từ trong tâm thức tỏa ra. Còn niềm vui của người đời là từ sự tìm kiếm khoái lạc, tìm kiếm sự kích thích. Tìm kiếm kích thích từ những hơi thuốc phiện là một dạng độc tố, đó là một thứ niềm vui, khoái lạc không chân chính. Niềm vui chân chính là từ miền tâm thức thanh tịnh tỏa ra, đó mới là hạnh phúc chân thật. Cho nên trong nhà Phật thường tu tập thiền định, người có định lực thâm hậu thì lấy niềm vui thiền định làm thức ăn (thiền duyệt vi thực). Thức ăn ở đây chỉ là tỷ dụ, nhưng đúng là nguồn dinh dưỡng thiền duyệt chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Thiền duyệt chính là niềm vui từ tâm thức thanh tịnh tỏa ra, nhà Phật gọi đó là niềm vui sống đầy đủ với pháp (pháp hỷ sung mãn). Bạn có thể đạt được pháp hỷ, đó chính là niềm vui giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tuổi thọ tăng cao. Bình đẳng Thứ ba là tâm bình đẳng. Ðối với bản thân phải thanh tịnh, đối với mọi người phải bình đẳng, không có phân biệt cao thấp. Không xem trọng người giàu sang, phú quý, chẳng khinh thường những người nghèo hèn, khổ cực. Phải dùng tâm bình đẳng để đối xử với mọi người, mọi loài. Luôn lấy tâm giác ngộ để đối đãi với tất cả mọi sự. Dùng tâm đại từ bi để quan tâm, lo lắng, chiếu cố, giúp đỡ hết thảy chúng sinh. Xem người khác với bản thân mình là một, người ta cần sự giúp đỡ, chúng ta phải toàn tâm toàn lực để giúp họ. Chính giác Chính giác là trí tuệ, là trí tuệ Bát-nhã vốn có đầy đủ trong chân tâm của mỗi chúng sinh, không phải thứ trí tuệ từ bên ngoài mà có. Chỉ cần giữ tâm thanh tịnh bình đẳng thì trí tuệ tự nhiên phát sinh. Nói cách khác, một khi tâm thanh tịnh bình đẳng thì chính là tác dụng của trí tuệ: vạn sự vạn vật, quá khứ, tương lai đều hiểu biết tường tận, không thể nghĩ bàn. Người đời cho rằng thần thông biến hóa là chuyện phi thường không thể có, nhưng kỳ thật đó là khả năng sẵn có (chân tâm) của con người, khắp cùng thế giới này cho đến cả những hành tinh khác, không chỗ nào là không thấy không nghe được, sáu giác quan của chúng ta đều có thể tiếp xúc một cách trọn vẹn. Ngày nay khả năng của chúng ta đã mất, cho nên xem thấy khôi phục một ít đã cảm thấy thần thông rộng lớn không thể nghĩ bàn, mà không biết rằng đó là khả năng của mình. Vì sao khả năng của chúng ta bị mất? Vì tâm bị ô nhiễm và tâm khởi niệm phân biệt. Ðức Phật nói rằng tất cả chúng sinh đều do vọng tưởng phân biệt và cố chấp nên không thể khôi phục. Nếu có thể dập tắt lòng vọng tưởng, phân biệt và cố chấp thì chân tâm có thể hiển bày. Từ bi Tâm từ bi là đối đãi với tất cả mọi chúng sinh bằng tình thương chân thật. Từ bi chính là lòng thương yêu. Vì tất cả chúng sinh, toàn tâm toàn lực thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc mà không có bất kỳ một điều kiện nào, tất cả đều bình đẳng, đó chính là tấm lòng đại từ đại bi. Năm điều tiếp theo là: Nhìn sâu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Nhìn sâu – Buông xả Nhìn sâu chính là học hỏi, buông xả chính là công phu. Cái gọi là nhìn sâu đó là đối với chân tướng của vũ trụ, nhân sinh mà nói. Vũ trụ là hoàn cảnh thế giới mà chúng ta đang sống, từ chiếc áo mặc trên thân thể cho đến vũ trụ vạn hữu vô cùng đều là hoàn cảnh sống của chúng ta, không gian sinh hoạt của chúng ta. Nhân sinh chính là con người. Nói một cách khác, chúng ta nhận thức bản thân mình và nhận thức hoàn cảnh mà bản thân mình đang sống, biết mối quan hệ giữa ta với người khác, với vạn vật, với môi trường tự nhiên, với trời đất và cả với quỷ thần nữa. Phải nhìn được một cách rõ ràng, minh bạch, như vậy mới có thể buông xả thực sự. Buông xả cái gì? Buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, phiền não, ưu tư, bận tâm. Buông xả tất cả mới có thể thực hiện thanh tịnh, bình đẳng, chính giác một cách chân chính được. Nếu như bạn vẫn còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm của bạn làm sao thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ được? Do đó, tâm tốt là chân tâm của chúng ta, nhà Phật gọi là chân như, bản tánh, cái đó ai cũng có. Nhưng tâm tốt vì sao không hiển hiện? Là vì do nghiệp chướng, cái nghiệp nó chướng ngại chân tâm. Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng? Phải nhìn sâu, buông xả! Bốn chữ này là trí tuệ chân thật. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp trong 49 năm thì đã dùng hết 22 năm để giảng Bát-nhã. Nội dung của Bát-nhã là gì? Chính là dạy cho chúng ta nhìn sâu và buông xả. Do đó có thể biết được rằng Bát-nhã là trọng tâm của Phật pháp, Bát-nhã là trí tuệ. Có trí tuệ chân thật và toàn diện rồi thì mọi vấn đề đều có thể nhìn thấy rõ ràng, chính xác và sau đó xử lý một cách dễ dàng. Cho nên, giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục cao cấp và toàn diện, Phật học là một nền học vấn trí tuệ toàn diện, thế thì tại sao chúng ta không học? Nói đến trí tuệ, Đức Phật nói rằng trí tuệ là tự tánh của tất cả chúng sinh xưa nay vốn có đầy đủ, không cần phải tìm cầu bên ngoài, chỉ cần tiêu trừ nghiệp chướng đi. Phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng là nhìn sâu, buông xả, nhận thức được chân tướng sự vật, nhìn thấy được bản chất chân thực của sự vật hiện tượng thì nghiệp chướng tự nhiên tiêu trừ. Nghiệp chướng là gì? Là vọng tưởng, là phân biệt, là cố chấp, là phiền não, lo lắng, sầu muộn... Hiểu rõ đây là những nghiệp chướng, các bạn nên nhớ, các bạn đi sám hối, tụng kinh... nghiệp chướng có tiêu trừ không? Lễ Phật sám hối, tụng kinh có phải là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không? Phiền não, lo âu, bận tâm có còn không? Nếu như bạn sám hối đúng nhất định nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Giả như mỗi ngày bạn chỉ làm cho có hình thức, thì những tập khí, phiền não của bạn ngày mỗi lớn mạnh, cho nên phải giác ngộ mà phản tỉnh, nếu không nghiệp chướng của bạn không những không tiêu trừ mà ngày mỗi tăng trưởng. Ðiều đó không thể không biết. Tự tại - Tùy duyên Tóm lại, then chốt của vấn đề tu hành chính là nhìn sâu, buông xả. Nhìn sâu là thành tựu của học vấn; buông xả là thành tựu của công phu, như vậy đời sống của bạn sẽ được tự do lớn: Ðại tự tại. Chúng ta ai cũng đã đọc qua Tâm kinh Bát-nhã. Mở đầu Tâm kinh là câu Quán Tự Tại Bồ-tát. Bồ-tát Quán Tự Tại chính là Bồ-tát Quán Thế Âm. Bồ-tát Quán Thế Âm vì sao gọi Ngài là tự tại? Trước hết có chữ quán. Quán chính là nhìn sâu. Quán là quán chiếu, là quan sát thật kỹ, cho nên Ngài có thể nhìn sâu. Một người có khả năng nhìn sâu nhất định sẽ buông xả, được tự do lớn, cuộc sống tùy duyên. Cuộc sống tùy duyên rất tốt. Tùy duyên nói theo ngôn ngữ hiện đại có nghĩa là phù hợp với tự nhiên. Nói một cách khác, cuộc sống của tôi là phù hợp với môi trường sinh thái tự nhiên, đó là cuộc sống kiện khương nhất. Người hiện đại không biết, không hiểu người Trung Quốc thời xưa. Chúng ta đọc Lễ ký, trong sách Nguyệt lãnh có nói về vấn đề ăn uống, đi đứng và cư trú, trong một tháng nên ăn những loại rau nào, ăn những chất gì, và mỗi tháng không giống nhau. Ðiều này có ý nghĩa gì? Ðó là thuận theo tự nhiên vậy. Ở mùa nào thì phải ăn những vật thực sinh trưởng trong mùa ấy, điều đó giúp sức khỏe lành mạnh. Cho nên vào mùa hạ, trời nóng, phải ăn những chất có tính nhiệt, rất tốt cho sức khỏe, vì nó tương ứng với tự nhiên; vào mùa đông phải ăn những chất có tính mát. Các bạn thấy những rau cải trắng, cải củ đều sinh trưởng vào mùa đông, đó là những loại rau có tính mát. Những loại rau sinh trưởng vào mùa hạ thì có tính nhiệt. Người ngày nay có biết được điều này không? Mùa hạ lại ăn những chất có tính lạnh, mùa đông lại ăn những chất có tính nóng, ăn vào cơ thể liền phát bệnh. Vì sao vậy? Bởi vì không thuận với tự nhiên, trái nghịch với tự nhiên. Người nước ngoài không biết được đã đành, mà người Trung Quốc cũng không nhớ sách xưa. Lịch sử của Trung Quốc có rất nhiều sách nói về phương pháp dưỡng thân. Cho nên chúng tôi đọc đến sách của người xưa rất khâm phục. Sinh hoạt, ăn uống, đi đứng, chỗ ở mà thuận với lẽ tự nhiên thì sức khỏe rất tốt. Phương pháp sống khỏe mạnh và trường thọ là từ đó chứ không phải từ nhu yếu thực phẩm bổ dưỡng. Thực vật sinh trưởng theo từng mùa, chúng ta ăn đúng theo thời tiết, đó là thực phẩm bổ dưỡng nhất. Công việc của chúng ta cũng phải theo hoàn cảnh, thuận theo tự nhiên. Tâm tư của chúng ta cũng có thể thuận theo lẽ tự nhiên bốn mùa, xuân hạ thu đông, gọi là tùy duyên. Trong phẩm Hạnh nguyện, Bồ-tát Phổ Hiền có dạy: Hằng thuận chúng sinh, tùy hỷ công đức. Phải tùy duyên mới có thể đạt được niềm vui trong pháp, mới có thể thành tựu được công đức chân thật. Niệm Phật Sau cùng, chúng ta thâu tóm bằng pháp môn niệm Phật. Mười điều tôi giảng ở đây quý vị nhất định phải biết, mỗi một điều đều thâu nhiếp, bao hàm chín điều kia. Mười điều nhất quán thành một thể, không phải mười điều riêng biệt, tách rời nhau, trong một điều có đủ mười điều. Bạn phải hiểu như vậy, sau đây tôi giảng về niệm Phật mới hiểu được. Thế nào gọi là niệm Phật? Ý nghĩa của chữ niệm theo cách chiết tự là: ở trên có chữ kim-hiện tại, ở dưới có chữ tâm. Như vậy có nghĩa là gì? Là cái tâm hiện tại vậy. Trong nhà Phật nói một niệm hiện tiền, cái tâm một niệm hiện tiền đó là niệm. Trong cái tâm một niệm hiện tiền này có đầy đủ: chân thành - thanh tịnh - bình đẳng - chính giác - từ bi; có cả nhìn sâu - buông xả - tự tại - tùy duyên, đó gọi là niệm Phật. Như vậy, mười điều trên chính là Phật. Vì sao gọi là chân thành? Bởi vì trong chân thành có thanh tịnh, bình đẳng, chính giác, từ bi, cho đến nhìn sâu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Cho nên, trong một điều có đủ chín điều còn lại, kinh Hoa nghiêm nói: Một tức nhiều, nhiều tức một, một và nhiều không phải hai; kinh Duy-ma nói: Bất nhị pháp môn.
Nếu như khế nhập được cảnh giới này, bạn là người vui vẻ, hạnh phúc nhất thế gian. Nếu như bạn sinh ra trong nhà giàu có, bạn là người hạnh phúc nhất trong hàng những gia đình giàu có; nếu bạn sinh ra trong gia đình bần tiện thì bạn cũng là người hạnh phúc nhất trong hàng bần tiện; niềm vui và hạnh phúc không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nó rất bình đẳng. Hiện tượng phú quý, bần tiện từ đâu mà có? Từ nhân quả đã gieo trước đó. Chúng ta nhìn thấy những người có tiền, phát tài, đó là do đời trước họ đã tu hạnh bố thí tài vật, cho nên hôm nay họ được quả báo giàu sang là lẽ đương nhiên. Hôm nay tôi không được giàu có như người ta là do kiếp trước tôi không tu, không gieo nhân, cho nên đương nhiên là không có quả phước. Nhưng có lẽ tôi chỉ không tu hạnh bố thí tài vật thôi, chứ tôi có tu hạnh bố thí Phật pháp, cho nên có trí tuệ thông minh; hoặc giả tôi có tu hạnh ban bố sự không sợ hãi cho mọi loài cho nên hôm nay tôi rất khỏe mạnh và trường thọ. Ðương nhiên, Đức Phật khích lệ chúng ta gieo trồng ba nhân tố tốt là bố thí tài vật, bố thí pháp và bố thí sự không sợ hãi, thì quả phước của chúng ta sẽ trọn vẹn. Nếu như không nghe thiện tri thức giảng dạy thì làm sao chúng ta hiểu được điều này? Vì vậy, người đời không tu tập trọn vẹn, cho nên dù có đạo lý đó, nhưng không hiểu được chân tướng sự việc. Chỉ có những người hiểu biết chân chính và khế nhập được Phật pháp mới tu tập thiện nghiệp và gặt hái được quả phước tốt đẹp. Pháp sư Tịnh Không (Thích Nguyên Hùng, lược dịch)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |