Chi tiết tin tức

Thực tập hạnh lắng nghe và thấu hiểu theo Bồ tát Quán Thế Âm

20:47:00 - 31/03/2021
(PGNĐ) -  Lắng nghe và thấu hiểu là hai chất liệu cần thiết để hiến dâng cho đời, có khả năng xóa đi những nỗi khổ niềm đau, nội kết và thù hận, mang lại an lạc hạnh phúc cho mọi người. Nỗi đau khổ của con người cần phải được xoa dịu bằng tình thương, chỉ có chất liệu yêu thương mới xóa hết hận thù.

Thiếu tình thương cuộc đời sẽ trở thành bãi sa mạc hoang vu. Tình thương sẽ mở cửa tâm hồn, tưới tẩm làm cho hạt giống thiện lành hé nở. Vì thế, hành giả trên bước đường hành Bồ tát Đạo phải thực tập hạnh lắng nghe và thấu hiểu, phải hội đủ bốn âm thanh và quán sâu năm pháp quán theo kinh Phổ Môn. Bốn âm thanh đó là: Diệu âm, Quán thế âm, Phạm âm, Hải triều âm. Và năm quán:

Chơn quán, Thanh tịnh quán

Quãng đại trí tuệ quán

Bi quán và Từ quán

Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.

“Từ” là luôn luôn đem niềm vui đến cho người khác, “bi” là phương châm, là cách thức hành động để cứu khổ. “Từ” là lòng yêu thương, “bi” là ra tay cứu giúp và dấn thân, nỗ lực làm việc để cứu giúp. Từ bi là cho vui và cứu khổ một cách vô tư, bình đẳng, không bị thời gian chi phối, không bị không gian ngăn cách, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, thương người như thương mình, cứu người như cứu mình. Bản chất của từ bi không ẩn lòng ích kỷ, không phải lòng thương hữu hạn của phàm tình, do ân nghĩa, ái kiến phát sinh. Từ bi là hai ý nghĩa khác nhau: “Từ” luôn luôn giữ điều vui, “Bi” luôn luôn làm tan sự khổ. Vì vậy, “Tu “từ quán” dịu dàng bao nhiêu thì phương pháp “Bi quán” mạnh mẽ bấy nhiêu. Từ dịu dàng như những vần mây, bi mạnh bạo như sấm rền, sấm linh động mây mới tan, mới có mưa, mới đượm nhuần cỏ cây, mới tưới mát được cõi trần gian. Cũng vậy, người tu niệm cũng như mây, như sấm. Thực hành phương pháp Bi thiếu Từ không được, thực hành Từ thiếu Bi cũng không được” [1].

 

Trong tất cả các đại nguyện, đại nguyện thanh tịnh là khó nhất, thế nhưng hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, khi tu là “Quán thanh tịnh không nhơ” khi chứng đắc thì hoà nhập vào cõi thế gian đầy uế trược để độ chúng sanh.

Trong tất cả các đại nguyện, đại nguyện thanh tịnh là khó nhất, thế nhưng hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, khi tu là “Quán thanh tịnh không nhơ” khi chứng đắc thì hoà nhập vào cõi thế gian đầy uế trược để độ chúng sanh.

Phép quán từ bi thường thực tập theo hai cách: mở rộng tình thương tuần tự đi từ những người thân trong gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, rồi đến hàng xóm láng giềng, đến những người không thân, cuối cùng đến kẻ thù và tập thế nào cho đến khi mình thấy kẻ thù cũng giống như người thân nhất của mình mới thôi. Hoặc trở ngược lại đi từ kẻ thù dần đến người thân nhất cho đến quán thấy không còn phân biệt giữa kẻ thù và người thân mới thôi. Tình thương ấy cũng không chỉ hạn cuộc trong phạm vi nhân loại mà còn lan đến muôn vật cỏ cây, nghĩa là toàn bộ những gì có sự sống.

Mặc dù người và muôn vật hình thức có khác nhau nhưng sự sống chỉ là một. Sự sống đã là một thì tình thương sao lại phải phân chia. Làm đau khổ một khía cạnh nào của sự sống, cũng là làm đau khổ sự sống chính mình. Vì sự sống của mình và chúng sanh là một. Như vậy, từ bi của Đạo Phật là một tình thương rộng rãi mênh mông, trang trải từ chúng sanh đến muôn vật; có tác dụng quý báu, thiết thực lợi ích cho cuộc đời, có ảnh hưởng tốt đẹp cho sự sống. Nó giúp con người trở nên hiền lành, rộng rãi, thông cảm với đồng loại, biết tôn trọng sự sống với tất cả và không vì lý do gì lại tàn sát đồng loại hay gây chiến tranh.

Khát vọng khẩn thiết của xã hội hôm nay là an lạc, là xóa bỏ khổ đau nên những trái tim của Bồ tát Quán Thế Âm hôm nay cần phải thị hiện. Đây chính là lúc vận dụng mọi hình thái phát triển tình thương. Một khi tình thương đã trở thành sông biển, một khi ý chí thể hiện tình thương đã trở thành gió bão thì mọi thành trì bạo lực sẽ dần dần sụp đổ. Cuộc đời của các vị Bồ tát đã khắc phục khổ đau bằng cách anh dũng đối đầu với nó. Đối với người đang đi trên đường tiến đến quả vị toàn giác, sự đau khổ không còn là sự lo buồn cá nhân và sự trăn trở về hạnh phúc của riêng mình, sự đau khổ của tất cả chúng sanh chính là sự đau khổ của mình. Chính trong tinh thần này mà tất cả những ai muốn đi theo con đường thánh thiện của Đức Phật đều phát lời thệ nguyện Bồ tát.

Trí tuệ quán là con đường giải thoát, là công phu thực tập lời dạy tỉnh thức của các bậc giác ngộ để tìm lại tiềm năng trí tuệ chân thật vốn ngủ say trong tâm. Trí tuệ thật chứng của chư Phật, chư Bồ tát là những soi sáng, là những đối tượng gợi cho sự tỉnh thức và quay về tìm lại giá trị chân tâm đích thực sẵn có của mỗi người. Trong quá trình quay về, chúng ta cần có hai khả năng kết hợp: khả năng tự lực và khả năng tha lực.

 

Cái nhìn trí tuệ, hay cái nhìn Quán Thế Âm có thể giúp con người nhận ra thực chất của cuộc sống và mọi sự vật với kết quả là tư tưởng, cảm giác và giải thoát sinh khởi, hiện hữu ngay trong đời sống của họ.

Cái nhìn trí tuệ, hay cái nhìn Quán Thế Âm có thể giúp con người nhận ra thực chất của cuộc sống và mọi sự vật với kết quả là tư tưởng, cảm giác và giải thoát sinh khởi, hiện hữu ngay trong đời sống của họ.

Khả năng tự lực là tin mình có đầy đủ trí tuệ và phải nỗ lực thiền định để phát huy trí tuệ ấy. Khả năng tha lực là thể tánh thanh tịnh của muôn pháp, Đức Bồ tát Quán Thế Âm sau khi thành tựu được trí tuệ, hội nhập với thể tánh thanh tịnh của muôn pháp và lòng từ bi cứu khổ chúng sanh của Ngài phát xuất từ thể tánh thanh tịnh ấy! Chính thể tánh thanh tịnh này là khả năng tha lực. Tin lòng từ bi vô biên và tin sự cứu độ bình đẳng của Đức Bồ tát Quán Thế Âm ta tin hai khả năng kết hợp giữa ta và Ngài, giữa sự tiếp xúc bên trong và bên ngoài. Tin tha lực, tin sự cơ cảm, của Bồ tát Quán Thế Âm cũng có nghĩa là ta phải nỗ lực quán chiếu, kiểm soát nội tâm để vun bồi và làm nảy nở hạt giống từ bi cho mỗi ngày thêm lớn. Vì vậy, khi chúng ta tin kính đảnh lễ cầu sự cứu rỗi của Bồ tát Quán Thế Âm là tin trong ta và ngoài ta có một khả năng trí tuệ tuyệt đối, có đủ năng lực mầu nhiệm làm tung vỡ cái ý thuyết sai lạc của ý thức phân biệt. Khi cái thấy sai lạc của ý thức phân biệt không còn nữa thì khổ đau không có nơi chốn để phụ thuộc vào. Thực chứng trí tuệ là đoạn trừ mê lầm và diệt trừ tất cả khổ não từ vô lượng kiếp! Vì vậy trong cuộc tranh chấp với bóng tối, chỉ có ánh sáng mới đóng vai trò quyết định. Muốn giải thoát con người khỏi bóng tối ngu si, nếu không có trí tuệ thì không một quyền năng nào có thể tiêu trừ nổi, giống như bấc và dầu giúp cây đèn phát sanh ánh sáng. Cũng vậy, muốn thắp cây đèn trí tuệ trong mỗi người, hẳn phải nhờ một số trợ duyên thích nghi, mà chính là phương pháp tu tập. Nhờ phương pháp tu tập đúng đắn sẽ thắp được cây đèn trí tuệ. Cây đèn trí tuệ khi đã thắp lên, tức những bóng tối vô minh không còn hiện hữu. Vì vậy, hành giả tu tập phải luôn trở về với Phật tâm của chính mình, đi vào thiền quán để thắp ngọn đèn trí tuệ trong tâm sáng mãi không bị lu mờ.

Như đã nói, pháp quán trí tuệ này là pháp quán của hàng Bồ tát, vì có trí tuệ rốt ráo, lòng từ bi mới chan hoà rộng lớn. Tức là có sự hiểu biết đúng đắn, sâu sắc mới có lòng thương yêu bình đẳng và hành đạo lợi tha không mỏi mệt. Bằng trí tuệ và tâm từ bi đức, Bồ tát Quán Thế Âm thệ nguyện đi vào thế gian, vào mọi cảnh giới để cứu khổ chúng sanh không bao giờ cùng tận.


Khả năng tự lực là tin mình có đầy đủ trí tuệ và phải nỗ lực thiền định để phát huy trí tuệ ấy

Khả năng tự lực là tin mình có đầy đủ trí tuệ và phải nỗ lực thiền định để phát huy trí tuệ ấy

Nếu như kẻ phàm phu mãi sống trong tâm thức tối tăm, lấy dục lạc làm niềm vui, lấy tham ái làm linh hồn, ngược lại, các vị Bồ tát luôn soi sáng đời sống mình bằng trí tuệ vô ngã, bởi vì trí tuệ được xem là sự nghiệp, là linh hồn một vị Bồ tát. Bởi trí tuệ thâm sâu, Bồ tát diệt trừ bản ngã hẹp hòi của mình, hòa vào thực tại rộng lớn, từ đó thấy được mối liên hệ giữa mình và người, giữa một và tất cả. Cũng như trí tuệ ấy, Bồ tát hiểu rằng vạn pháp là huyễn hoá, khổ đau cũng như muôn pháp khác đều không thực, trí tuệ luôn luôn gắn liền với đời sống của các vị Bồ tát, trong mọi lúc mọi nơi. Trí tuệ được xem là sự nghiệp là ánh minh quang luôn soi sáng mọi hành vi ý niệm. Khi đã an trú vào trí tuệ vô ngã, hàng Bồ tát thường quán chiếu về sự ảo hoá của vạn pháp theo nguyên lý tánh không và lúc đó mọi sự bám víu vào huyễn tướng của các pháp, mọi ý niệm cho rằng chúng ta thực có sẽ bị tan biến như mây khói. Ngay cả ý niệm về tánh cũng không hề nắm giữ.

Đức Bồ tát Quán Thế Âm trọn ngày ở trong trần lao độ sanh mà thật không có tướng trần lao. Tâm lợi sanh chẳng phải có mà có, có mà chẳng có. Như trăng dưới nước, hoa đốm giữa hư không, không chấp đắm không an trú vào đâu cả, tuy dấn thân vào đời ngũ trược mà vẫn thanh tịnh không nhơ bẩn. Như hoa sen vượt lên trên bùn. Giống như “Dạo vườn hoa trăm thứ, thân chẳng động một cành” [2].

Trong tất cả các đại nguyện, đại nguyện thanh tịnh là khó nhất, thế nhưng hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, khi tu là “Quán thanh tịnh không nhơ” khi chứng đắc thì hoà nhập vào cõi thế gian đầy uế trược để độ chúng sanh. Bồ tát Quán Thế Âm hoá hiện thân không phân biệt, khi chúng sanh cần hiện thân rắn để hoá độ, Ngài vẫn hoá hiện thân rắn, mà vẫn không hề ngại tanh hôi. Phàm là đệ tử Phật, phát nguyện thừa hành Bồ tát hạnh, thì sẵn sàng hoan hỷ đi vào các nơi đau khổ, các nơi dơ bẩn, khổ đau, nơi đó cần Từ, cần Bi, cần Trí, cần Tuệ nhất là cần pháp môn “Quán thanh tịnh không nhơ”. Thời kỳ hành giả quán nhập được “Thanh Tịnh” sắp đi vào các pháp vốn chân không thì chẳng dơ sạch, chẳng còn cấu tịnh, chẳng còn nhiễm hay bất nhiễm. Khi đã chứng đắc trình độ nhập vào pháp quán “Thanh Tịnh” và đã đắc ngộ đến trình độ không còn có giữa sự dơ và sạch khác nhau, lúc bấy giờ mới chuyển sang quán “Chơn”, tức là quán chơn không. Các pháp vốn từ chơn không hoà nhập vào các pháp, rồi từ các pháp quay hoàn trả lại chơn không.

 

Thực tập hạnh lắng nghe và thấu hiểu theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để đi vào cuộc đời làm lợi ích cuộc đời.

Thực tập hạnh lắng nghe và thấu hiểu theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để đi vào cuộc đời làm lợi ích cuộc đời.

Cái nhìn trí tuệ, hay cái nhìn Quán Thế Âm có thể giúp con người nhận ra thực chất của cuộc sống và mọi sự vật với kết quả là tư tưởng, cảm giác và giải thoát sinh khởi, hiện hữu ngay trong đời sống của họ. Vì mọi sự vật đang nói tiếng nói vô thường, khổ và vô ngã, nghĩa là chúng đang nói về ba đặc tính chân thật (tam pháp ấn) của tất cả pháp hữu vi. Do đó, nếu có thể lắng nghe những tiếng nói ấy như thật, chắc chắn chúng ta sẽ đi ra khỏi sự chấp thủ về một cái ngã sai lầm, không có các ý tưởng “về tôi”, “của tôi” và “tự ngã của tôi” trong tâm thức chúng ta. Như vậy khổ đau không có nơi để trú ẩn.

Vì vậy, muốn thành tựu mục tiêu của cuộc sống, thành tựu trí tuệ và hạnh phúc vĩnh hằng, không còn phương cách nào ngoài sự giác tỉnh của nội tâm, phải giác tỉnh ngay, giác tỉnh đối với ngũ uẩn mới gọi là sống, một lối sống chánh hạnh đối với vô tham, vô sân, vô si, giải quyết mọi chướng duyên trong hành trình đến bờ giải thoát. Cái nhìn đó chính là “tuệ quán” là sự quán xét bằng trí tuệ về ngũ uẩn, về vạn pháp duyên sinh vô ngã ngay chính hiện tại.

Tóm lại, thực tập hạnh lắng nghe và thấu hiểu theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để đi vào cuộc đời làm lợi ích cuộc đời. Muốn thấu hiểu thì phải lắng nghe và ngược lại. Quán Thế Âm là lắng nghe âm thanh của chúng sinh, nơi nào có tiếng kêu khổ đau thì Bồ tát thị hiện để cứu khổ. Cuộc đời còn lắm nỗi khổ đau nên rất cần đến sự lắng nghe và thấu hiểu. Đây cũng là nguyên tắc vàng áp dụng giữa cuộc đời nhằm kiến tạo niềm an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Chúng ta hãy chịu khó lắng nghe, vì còn biết bao nhiêu nỗi khổ niềm đau cần ai đó lắng nghe để thấu hiểu. Vợ chồng lắng nghe nhau, anh lắng nghe em, thầy lắng nghe trò… để thấu hiểu nỗi niềm của họ, nhằm xoa dịu nỗi đau trong tâm họ. Có thể từ một cử chỉ nhẹ nhàng này mà làm thay đổi cuộc đời theo hướng tích cực hơn. Như Trịnh Công Sơn nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Mọi người đừng nên vô tâm mà hãy thấu hiểu và yêu thương hiến tặng cho đời.

 

Chú thích:

[1] Thích Thông Bửu, Kinh DPLH phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ tát giảng luận, Nxb Thế giới, tr.147.

[2] Thích Trí Nghiêm dịch, Kinh DPLH phẩm Quán Thế Âm Bồ tát Phổ Môn giảng lục, tr.230.

Đại đức Tiến sĩ Thích Trung Định

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin