Chi tiết tin tức

Không nên hộ niệm quá lâu cho người mất

17:37:00 - 05/04/2016
(PGNĐ) -  Trong những năm gần đây, phong trào hộ niệm cho người sắp lâm chung phát triển rầm rộ tại Việt Nam cũng như ở các cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Sự trợ giúp của ban hộ niệm cho người sắp mất để giúp họ giữ được chánh niệm vào những giây phút cuối cùng là một phước duyên tốt lành cho người sắp ra đi.

Tuy nhiên, một số ban hộ niệm chủ trương hộ niệm trong thời gian lâu hơn 24 tiếng (tính từ khi tắt thở), hoặc 30 tiếng và thậm chí lâu hơn nữa cho đến khi thân thể của người chết mềm nhũn ra. Đối với một số ban hộ niệm, thân thể của người chết mềm ra là dấu hiệu cho biết người lâm chung đã được tái sinh vào nhàn cảnh và trong một số trường hợp còn kết luận là đã thành tựu quả vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Phải chăng đây là một sự ngộ nhận? 

Theo các bài viết đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, quá trình co cứng của cơ thể diễn ra nhanh hay chậm tùy theo khí hậu, nhiệt độ xung quanh và nhiều yếu tố khác nữa. 

Từ lúc bắt đầu cho đến khi đạt điểm co cứng cực đại thông thường là từ 3 đến 6 tiếng, đặc biệt có trường hợp phải mất 12 tiếng mới đạt điểm co cứng cao nhất. 

Sau thời gian co cứng cực điểm, tình trạng co cứng kéo dài thêm từ 18 đến 36 tiếng nữa. Sau thời điểm này, cơ thể bắt đầu mềm nhũn ra một cách tự nhiên theo quy trình phân hủy của xác chết. Như vậy, thân thể sẽ chuyển sang tình trạng mềm mại bắt đầu từ 21 tiếng (3 +18), hoặc 22 tiếng (4 +18), 23 tiếng (= 5+18), hoặc 24 (=6+18) tiếng, thậm chí lâu nhất là 42 tiếng (6 + 36) sau khi chết. 

Tổ Tư vấn của báo Giác Ngộ đề nghị thời gian hộ niệm cho người mất chỉ nên kéo dài từ 8 đến 10 tiếng (1). Xin đừng ngộ nhận sự mềm ra của cơ thể sau thời gian này là kết quả của sự hộ niệm hay của một phép màu nào cả. Để có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này, vui lòng tham khảo bài dịch nguyên văn dưới đây của một bài viết trong tạp chí khoa học của trường Đại học Oxford, một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu của thế giới.  

Ảnh minh họa

Sự co cứng của cơ thể người chết (2)

 

Ngay sau khi chết, tất cả các cơ bắp trong thân thể con người trở nên mềm và nhũn ra. Rồi sau một thời gian nhất định thì trở nên cứng ngắc. Hiện tượng này gọi là Sự co cứng của cơ thể người chết. Sự co cứng bắt đầu từ một số cơ bắp nhỏ trên cơ thể như mặt và bàn tay, rồi lan đến các cơ cánh tay và chân. Muốn phần cơ nào không cứng thì kéo nó ra, chẳng hạn như kéo cằm hoặc cùi chỏ, nhưng rồi phần đó sẽ không trở lại vị trí cũ được nữa. 

Sự co cứng là do sự thay đổi hoá học trong diễn ra trong cơ bắp. Phản ứng bình thường giữa hoạt chất ATP và ADP trong thành phần xơ của cơ bắp, cung cấp năng lượng cho việc co cơ khi còn sống, ngưng lại và mức ATP trong cơ bắp giảm dần xuống. Quá trình này còn đi kèm bởi sự tích lũy axit lactic và giảm độ pH (tăng nồng độ axit) , dẫn đến co cứng. Chưa xác định được thành phần xơ của cơ bắp có thật sự bị rút ngắn lại hay không.

Nhiệt độ là một phần quan trọng trong việc quyết định thời gian bắt đầu co cứng. Trong hoàn cảnh bình thường và với nhiệt độ phòng thì quá trình co cứng hoàn tất trong khoảng 3 đến 6 tiếng đồng hồ. Nếu nhiệt độ cao hơn thì quá trình co cứng sẽ bắt đầu sớm hơn, có thể trong vòng 1 tiếng đồng hồ nếu ở vùng khí hậu nhiệt đới. Ngược lại, nhiệt độ thấp thì quá trình co cứng sẽ bắt đầu trễ hơn. 

Chẳng hạn trong trường hợp chết đuối trong nước lạnh thì chỉ đến khi mang xác chết ra khỏi nước thì quá trình co cứng mới bắt đầu, mặc dầu xác đã bị chìm nhiều ngày. 

Nếu ngay trước khi chết mà cơ thể vận động nhiều thì quá trình co cứng sẽ bắt đầu sớm hơn. Chính vì vậy trong ngành pháp y, khi cơ thể đã bị cứng thì rất khó xác định thời gian tắt thở. Một khi cơ thể đã đông cứng, tình trạng co cứng này kéo dài 18 đến 36 tiếng.

J. Hume Adams (Tâm Tịnh chuyển ngữ)
----------------------------------------------------
Nguồn tham khảo
(1) Giác Ngộ (2014) – Tư Vấn Sống Đạo: Hộ niệm chỉ là trợ duyên. Nguồn http://giacngo.vn/tuvansongdao/2014/12/21/1A605A/
(2) Theo Tạp chí The Oxford Companion to the Body 2001, do NXB Đại học Oxford ấn hành năm 2001
Nguồn: http://www.encyclopedia.com/topic/rigor_mortis.aspx#1-1O128:rigormortis-full

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin