Chi tiết tin tức

Làm sao giữ được giới thứ nhất trong năm giới

19:20:00 - 17/06/2016
(PGNĐ) -  Một người nội trợ trong gia đình mà biết ăn thuần chay giữ giới bất hại nghiêm mật như bạn là phúc đức cho cả nhà dù những thành viên còn lại chưa thực tập được. Thực tập giới bất sát, bất hại theo tinh thần Tam Vô Lậu học sẽ giúp bạn có nhiều sáng kiến trong việc nội trợ cho gia đình. Bạn sẽ giúp được người thân trong nhà giảm bớt tiêu thụ thức ăn đến từ động vật.


Có một vị nữ cư sĩ Phật tử nêu câu hỏi với thầy Thích Trúc Thái Minh (Trụ trì chùa Ba Vàng ở Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) rằng : Bạch Thầy! Con đã quy y Tam Bảo và nguyện suốt đời không phạm giới, nhưng hàng tháng con vẫn phải đi chợ mua thức ăn và nấu nướng cho gia đình. Nhưng con vẫn lăn tăn, không biết có phạm giới sát sinh. Mong Thầy chỉ dạy cho con làm thế nào để giữ trọn giới không sát sinh?

Câu trả lời của Thầy là: Kính thưa các Phật tử. Chúng ta ở tại gia, thực hành ăn chay thì không thể bắt buộc cả gia đình ăn chay theo mình được. Nhất là mình là vợ thì vẫn phải đảm đương công việc nấu nướng cho cha, mẹ, chồng con. Vậy khi chúng ta đi chợ thì nên mua những con vật đã chết rồi thì mình không phạm tội sát sinh. Nhưng có những trường hợp chúng ta không thể tránh được thì mình cũng phải chịu thôi. 

Vậy thì các Phật tử phải tùy duyên, tránh được cái gì thì tránh còn không tránh được thì thôi. Chứ ở tại gia mà có thể giữ tròn được giới không sát sinh được là rất khó. 

Nội dung vấn đáp này được đăng trên trang FB của Thầy dưới danh hiệu: "Câu 222: Thọ năm giới nhưng vẫn phải nội trợ phục vụ gia đình". Đăng ngày 30/5/16 đã được 765 người ưa thích, 64 lượt chia sẻ và 67 lời bình mà đa số đều rất hoan hỉ, hài lòng.

Thầy nói rất đúng, người cư sĩ tại gia muốn giữ tròn giới bất sát, bất hại rất là khó. Càng không thể nếu ta chỉ hiểu giới thứ nhứt một cách cực đoan máy móc nhằm mục đích biện hộ cho sự giết hại và ăn thịt của mình. Ví dụ có nhiều người người nói rằng rau củ... cũng là vật thể sống, ăn rau cũng phạm giới sát vậy, v.v... 

Ở một mặt khác như giải pháp của Thầy cho người bạn đạo ấy là chỉ nên "mua những con vật đã chết rồi thì mình không phạm tội sát sinh". Nếu có ai đó lý lẽ rằng: Nếu mình không mua thì làm sao có người giết và người bán cho mình. Vậy dù không trực tiếp chúng ta cũng có trách nhiệm liên dới tới việc sát sinh. 

Cũng vậy, dù có ăn thuần chay đi nữa cũng không thể nào giữ được giới này một cách tuyệt đối. Thử xem trong đỉa rau luộc của chúng ta co bao nhiêu chúng sinh nhỏ bé bị luộc chín ở trong đó. Một bước chân, một hơi thở của chúng ta cũng đã gây hại cho biết bao nhiêu chúng sinh nhỏ khác, v.v...?

Thế nên, nếu không dốc lòng tu tập trau dồi chính kiến (một chi trong Bát chánh đạo) chúng ta sẽ bị rơi vào ngỏ cụt không có lối ra bởi những lý luận tương tự như thế. 

Để giải quyết vấn đề, trước hết chúng ta cần phải có quan niệm đúng đắn về GIỚI. Đây là Giới bản và chú giải cho giới thứ nhứt của Năm giới mà chúng ta có thể tham khảo trong trang Bách khoa tự điển mở (Wikipedia) : 

"Pànàtipàtà veramanì: Tránh xa sát sinh.  Không sát sinh bao gồm không giết hại từ con người đến súc vật lớn như voi, ngựa, trâu, bò v.v…, cho đến các loài nhỏ bé như côn trùng, sâu bọ, kiến v.v… Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương đau đớn con người và các loài. Người Phật tử cũng không bảo người khác, bày mưu kế cho người khác làm các việc hành hạ, giết hại chúng sinh các loài. Khi thấy người khác đánh đập, sát hại con người và súc vật thì sinh lòng thương xót và khuyên can ngăn cản.

Sự giữ giới không sát sinh nhằm mục đích bảo vệ công bằng, mọi chúng sanh đều muốn sống sợ chết, mọi chúng sinh đều có Phật tính như nhau. Giữ giới sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi, người có lòng nhân không nỡ sát hại người hay vật. Giữ giới sát sinh tránh được nhân quả báo ứng, vì nợ máu sẽ phải trả bằng máu không ở kiếp này thì ở kiếp sau, như vậy nghiệp oán xoay vần không có ngày chấm dứt. 

Từ trước đến nay, loài người đã giết hại rất nhiều bằng đủ thứ phương tiện như làm lưới, câu v.v… bắt cá dưới nước; làm bẫy, cung tên, súng đạn giết loài cầm thú trên không, dưới đất; và nhất là dùng đủ thứ mưu mẹo để giết hại con người lẫn nhau.

Người giữ giới không sát sinh luôn luôn có tâm an ổn, nét mặt hiền hòa. Nếu mọi người trên thế giới đều giữ giới không sát sinh thì thế giới không còn chiến tranh giết hại nữa. 

Theo đó, GIỚI là nẻo hướng thiện của con người. Thực tập, giữ gìn giới pháp là để nuôi lớn tình thương và tuệ giác nơi chúng ta. Giới là một chi trong bộ Tam vô lậu học gồm : GIỚI - ĐỊNH - TUỆ. Nghiêm trì giới luật giúp hành giả đạt được định, một khi có định lực dồi giàu sẽ phát sinh tuệ, tức Chánh kiến (một chi trong Bát chánh đạo). 

Tôi không giết hại sự sống bởi vì tôi có tình thương nơi muôn loài. Như thân tôi đây, nếu có ai đó đánh đập, trói tay trói chân cắt cổ thọc huyết... tôi sẽ rất đau khổ, hận thù, oán hờn, tuyệt vọng, và sẽ nuôi dưỡng trong tâm thức một sự báo thù khi có dịp. Đó là những năng lượng tiêu cực sẽ đi vào vũ trụ dưới dạng vô hình chờ đủ duyên chúng nó sẽ biểu hiện trong một không, thời gian nào đó đúng theo quy luật y báo và chánh báo của nhà Phật.

Thú vật nói chung, tất cả chúng đều có đủ mọi đau khổ, hận thù giống như con người khi bị sát hại. Ăn thịt chúng là ta ăn luôn cả những tuyệt vọng, hận oán, khổ đau của chúng. Dù không ai muốn nhưng đó là sự thật không thể tránh. Là lý do vì sao người ăn nhiều thịt, nhứt là thịt đỏ rất dễ bị nóng giận, hận thù sai sử trong hành động thường ngày của họ, và họ cũng thường bị những chứng bệnh nan y khó chữa. 

Thực vậy, chúng sinh nào dù bé nhỏ nhứt cũng ham sống sợ chết. Trâu, bò, heo, ngựa, chó, mèo, vịt, gà, chim chóc, cá, tôm, cua, sò, ốc, hến, v.v... và v.v... tất cả đều ham sống sợ chết giống như tôi. Khi bị giết hại tất cả đều khổ đau, thù oán. Lý cớ gì tôi lại ăn thịt chúng trong khi còn rất nhiều thức ăn bằng thực vật như hoa, trái, rau, củ,... cũng đầy đủ dưỡng chất như đạm, đường, béo, sinh tố, cũng như các vi lượng khoáng chất khác. Chẳng những chúng bảo đảm cho sự sống của tôi mà còn giúp tôi tránh được những khổ đau, mang lại hạnh phúc cho tôi cũng như các loài động vật khác thì tại sao tôi lại không sử dụng?

Trong tinh thần đó, trở lại với câu hỏi của người bạn đạo đã nêu cho thầy Thích Trúc Thái Minh, chúng ta có cách giải đáp khác như thế này :

Một người nội trợ trong gia đình mà biết ăn thuần chay giữ giới bất hại nghiêm mật như bạn là phúc đức cho cả nhà dù những thành viên còn lại chưa thực tập được. Thực tập giới bất sát, bất hại theo tinh thần Tam Vô Lậu học sẽ giúp bạn có nhiều sáng kiến trong việc nội trợ cho gia đình. Bạn sẽ giúp được người thân trong nhà giảm bớt tiêu thụ thức ăn đến từ động vật. 

Với hiểu biết và tình thương bạn sẽ có khả năng khéo nấu những bữa ăn vừa ngon vừa nuôi dưỡng mà không cần dùng nhiều thịt. Giả dụ trước đây nấu một bữa ăn cho gia đình bạn dùng tới 100% thịt, sau khi có hiểu và thương bạn sẽ có cách giảm bớt 50% thịt, bù vào đó là 50% rau củ quả. Như thế cả nhà bạn sẽ vừa có một bữa ăn cân bằng hợp với khoa dinh dưỡng học, vừa hợp khẩu và ngon miệng cho tất cả mọi người khiến ai cũng vui vẻ. Cứ như thế, bạn sẽ thay dần cá thịt bằng rau quả. Theo đà ấy, tôi bảo đảm với bạn không bao lâu cả nhà bạn sẽ không còn thích ăn thịt nữa và ai cũng sẽ muốn được ăn thuần chay như bạn.

Chúc bạn thành công.
 

Chân Minh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin