Chi tiết tin tức Giáo dục Phật hóa gia đình trong thời kỳ hội nhập và phát triển 17:19:00 - 27/05/2017
(PGNĐ) - Phật hóa gia đình là trách nhiệm chung của nền văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam, nhằm hướng dẫn khuyến khích động viên quý phật tử nam nữ tại gia phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn năm điều đạo đức và nỗ lực nghiên cứu học tập, ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, trao dồi rèn luyện đạo đức cá nhân, xây dựng nếp sống gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, đóng góp lợi ích xã hội và hộ trì Tam bảo với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam.
A. Dẫn nhập
Đạo Phật đã truyền vào Việt Nam trên 2000 năm, tùy theo vận mệnh của đất nước, Phật giáo có những lúc thịnh lúc suy, nhưng vẫn luôn đồng hành với tinh thần đạo Pháp và dân tộc.
Trong suốt chiều dài lịch sử đó, dân tộc Việt Nam chúng ta phải tự hào rằng: Phật giáo hai triều đại Lý - Trần đã mang đạo vào đời như các vị vua minh quân: vua Lý Thái Tổ, vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt, Tuệ Trung Thượng Sĩ và trong thời cận đại có các cư sĩ như: Chánh Trí - Mai Thọ Truyền, Tâm Minh - Lê Đình Thám, Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha, các học giả tri thức: Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp, Đoàn Trung Còn, v.v… đều là những vị phật tử thuần thành, luôn hộ trì Tam bảo, truyền đèn nối đuốc làm cho Phật pháp được phát triển và hưng thịnh.
Đạo tâm hạnh nguyện của những người vừa kể trên không phải tự nhiên có, mà chính là do sự giáo dưỡng và sự khuyến hóa của các chư liệt vị Tổ sư cùng các cao tăng tiền bối.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập đến nay đã tròn 35 năm (1981-2016), thực hiện phương châm “Tốt đạo đẹp đời”. Giáo hội đã từng bước củng cố tổ chức, đề ra các chủ trương đường lối thích hợp với thời đại hội nhập và phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ngang tầm với Phật giáo các nước trên thế giới.
Để đáp ứng các nhu cầu văn hóa đạo đức tâm linh và xây dựng gia đình hạnh phúc của quý phật tử gần xa và đặt nền móng cho sự phát triển trong bền vững lâu dài về sau, chúng tôi xin đề ra chương trình Phật hóa gia đình. B. Nội dung
1. Mục đích
Phật hóa gia đình là chương trình giáo dục nền tảng đạo đức của Phật giáo Việt Nam, nhằm hướng dẫn khuyến khích động viên quý nam nữ phật tử tại gia phát tâm quy hướng về Tam bảo, giữ gìn năm điều đạo đức, nỗ lực nghiên cứu học tập, ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống gia đình và xã hội; nhằm hoàn thiện chính mình, xây dựng gia đình hạnh phúc, kính trên nhường dưới, sống vui vẻ thuận thảo với nhau và dấn thân đóng góp lợi ích xã hội, hộ trì Tam bảo được phát triển, ổn định trong bền vững lâu dài.
2. Vai trò nhiệm vụ và trách nhiệm
Các vị trụ trì và tăng chúng trong các chùa là người mang trọng trách trong việc thực hiện chương trình Phật hóa gia đình, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, làm tròn bổn phận đối với gia đình người thân, thành công hay thất bại cũng do chư Tôn đức tăng ni. Điều quan trọng hơn hết chính là các cư sĩ tại gia đang sinh hoạt tu học tại các đạo tràng, các huynh trưởng, gia đình phật tử. Đây là lực lượng nòng cốt, là nhân tố tích cực trong các hộ gia đình, họ sẽ tích cực tham gia thực hiện và khuyến hóa mọi người với tinh thần trách nhiệm cao.
Về mặt tổ chức, trụ trì và tăng chúng các chùa phải có trách nhiệm, hướng dẫn, đôn đốc, khuyến khích quý ban ngành các cấp hỗ trợ và thực hiện thành công chương trình Phật hóa gia đình, đúng theo tinh thần đạo Pháp và dân tộc đất nước Việt Nam.
3. Các phương pháp thực hiện
a. Tuyên truyền cổ động khuyến hóa rộng rãi: Để chương trình Phật hóa gia đình được quý nam nữ phật tử gần xa biết đến để tham tham gia học hỏi và tu sửa, trau dồi phẩm chất đạo đức cá nhân, cần có sự hợp tác của toàn thể Chư tôn đức tăng ni, quý phật tử thường xuyên hoạt động, khích lệ tuyên truyền qua các hình thức sau đây:
b. Sáng tác, biên soạn và trình diễn các bài viết thơ ca, điệu múa, phim truyện, hội họa, phim ảnh,… có nội dung văn hóa lành mạnh, đạo đức, giúp đỡ sẻ chia nhằm xây dựng nếp sống gia đình hạnh phúc, thông qua các phương tiện thông tin rộng rãi.
c. Thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thuyết giảng, giao lưu về các chuyên đề Phật hóa gia đình, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người.
C. Khuyến hóa và phát triển đội ngũ thanh thiếu niên phật tử Trong nhiều năm qua, chương trình sinh hoạt tu học của người phật tử tại gia ở các nơi ngày càng được phát triển về phẩm chất và số lượng, có gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, đối với Phật giáo huyện Hà Trung, những người đến các chùa để tu học, phần đông là nữ phật tử lớn tuổi già nua. Bởi do quan niệm sai lầm “Trẻ vui nhà, già vui chùa” đã trở thành tín ngưỡng dân gian, do đó tình trạng tệ nạn xã hội trong giới trẻ đã đến hồi báo động.
Phật tử chùa Linh Xứng, nguyện noi gương Phật Thích Ca Mâu Ni, dấn thân tu học phước huệ trang nghiêm. Dân tộc nước Việt Nam, phát huy tinh thần mang đạo vào đời, do hai triều đại Lý - Trần sáng lập.
Riêng đối với ngành hoằng pháp cho thanh thiếu niên phật tử, còn nhiều hạn chế chưa được phổ cập trong các chùa Huyện Hà Trung. Do đó, mỗi chùa cần phải nhanh chóng thành lập các câu lạc bộ thanh thiếu niên phật tử để sinh hoạt cho giới trẻ sau này trở thành những công dân sống tốt đời đẹp đạo, với tinh thần đạo Pháp và dân tộc đất nước Việt Nam.
Trước mắt, mỗi chùa nên đề ra chương trình sinh hoạt thanh thiếu niên phật tử từ 6 tuổi đến 18 tuổi với các nội dung sinh hoạt như sau:
1. Tổ chức các khóa lễ tụng kinh Phúc đức, kinh Từ tâm về đạo lý làm người tốt trong hiện tại và mai sau. Đây là những bài kinh ngắn gọn, xúc tích mang tính dạy đạo làm người, rất thích hợp với tuổi trẻ.
2. Hướng dẫn kỹ năng sống qua cuốn sách đạo làm con nhằm thúc đẩy tuổi trẻ hôm nay khát khao được đến chùa tu học lời Phật dạy chân chính là tin sâu nhân quả, tin chính mình là chủ của bao điều họa phúc.
3. Ca múa và hoạt động thanh thiếu niên bằng những các ca khúc, điệu múa vui tươi mang đậm chất từ bi, trò chơi lành mạnh và sống động nhằm phát huy tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Chương trình này sẽ được thực hiện, tùy theo hoàn cảnh của mỗi chùa có thể tổ chức một lần hoặc nhiều lần vào các ngày thích hợp trong tháng.
4. Lễ hằng thuận: Trai gái lớn lên cưới vợ, lấy chồng để xây dựng một gia đình hạnh phúc, đó là ước mơ chính đáng của thanh niên nam nữ phật tử gần xa. Để tạo dấu ấn tâm linh trong đời sống lứa đôi hạnh phúc gia đình, trong ngày thành hôn, cha mẹ hai bên nên đưa hai trẻ đến chùa làm lễ hằng thuận đúng theo nghi thức Phật giáo Việt Nam.
Trong dịp này, chư tăng ni sẽ nhắc lại lời Phật dạy về đạo nghĩa vợ chồng và chúc phúc cho cô dâu chú rể sống an vui hạnh phúc đến 100 tuổi già, theo tinh thần của Kinh Thiện Sinh như sau: “Nên thân cận bạn lành mà cùng nhau học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau và tránh xa các bạn ác. Phật dạy: ta nhờ gần gũi bạn lành, mà sớm thành tựu đạo quả”. Ngài lại dạy tiếp: “Trách nhiệm và bổn phận và đối với vợ chồng như sau:
- Vợ chồng phải sống tôn trọng lẫn nhau trong thương yêu có hiểu biết và cùng nhau chia sẻ nỗi khổ niềm vui, cũng như an ủi cho những khó khăn và thuận lợi, để đời sống gia đình được ổn định duy trì trong hạnh phúc.
Vợ chồng phải biết thương yêu tôn kính, nhường nhịn lẫn nhau, biết bao dung rộng lượng, biết cảm thông tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm của nhau. Khi chồng nóng giận nặng lời thì vợ phải biết nhẫn nhịn và tìm cách lựa lời khuyên nhủ, hoặc khi chồng khuyên bảo hay nói điều gì thì vợ phải biết lắng nghe.
- Chồng thương yêu vợ được thể hiện qua các phương diện sau: Yêu thương, tôn trọng vợ trong bình đẳng, không khinh thường vợ, sống trung thành và chung thủy với vợ, giao quyền hạn cho vợ quán xuyến mọi công việc, mua đồ trang sức tặng vợ vào ngày sinh nhật và kỷ niệm ngày cưới.
- Người chồng phải biết thương yêu tôn trọng vợ là chất liệu làm nên hạnh phúc gia đình, do đó chồng phải biết quan tâm nói những lời khen ngợi, về tài năng và đức hạnh của vợ mình. Tôn trọng vợ là biết quan tâm, nói những lời khen ngợi về tài năng và đức hạnh của vợ, biết thương yêu và không khinh thường vợ trên tinh thần bình đẳng nam nữ, không nên coi vợ như người đầy tớ muốn mắng chửi, đánh đập lúc nào cũng được, gây ra cảnh bạo hành trong gia đình.
- Người chồng không nên khinh thường và hà hiếp vợ, nghĩa là biết thương yêu và không nên coi vợ như người giúp việc, muốn mắng chửi đánh đập lúc nào cũng được, gây ra cảnh bạo hành trong gia đình, như hiện nay chúng ta đã thường thấy.
- Người chồng luôn thương yêu quý mến vợ như người bạn và một lòng sống thủy chung, đó là yếu tố chính để bảo vệ hạnh phúc tình yêu lứa đôi. Một gia đình thật sự an vui hạnh phúc là biết san sẻ cho nhau bằng trái tim yêu thương có hiểu biết. Một gia đình hạnh phúc trên thuận dưới hòa không thể có người chồng lăng nhăng, dan díu với người nữ khác.
- Người chồng phải nên tin tưởng và giao quyền cho vợ, vì người phụ nữ thường quản lý, quán xuyế,n sắp xếp ổn định việc nhà giỏi hơn đàn ông, do đó chồng phải tin tưởng tuyệt đối giao quyền cho vợ. Nếu người chồng so đo, ích kỷ, hẹp hòi, đưa tiền cho vợ từng bữa thì chẳng khác nào xem vợ mình như người giúp việc.
- Người chồng hãy nên hâm nóng lại tình yêu bằng cách mua đồ trang sức tặng cho vợ mình, nhân ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới. Thích làm đẹp và mang đồ trang sức đó là sở thích của người phụ nữ. Việc quan tâm mua đồ trang sức tặng cho vợ là thể hiện mẫu người chồng lý tưởng, giúp cho tình nghĩa vợ chồng luôn được đẹp mãi theo thời gian và tăng thêm phần hạnh phúc.
- Người vợ luôn một lòng chung thủy với chồng để được sống yêu thương và hiểu biết. Chung thủy và biết nhường nhịn, cảm thông và biết tha thứ cho nhau là bí quyết dẫn đến hạnh phúc gia đình dài lâu. Thành thật là một đức tính tốt đẹp luôn giúp vợ chồng biết thương yêu, tin tưởng lẫn nhau. Chồng không gian dối vợ, vợ luôn trung thực, thật thà với chồng nên không có sự nghi ngờ.
- Biết quán xuyến và xử lý việc nhà một cách tốt đẹp, trong nhà ngăn nắp gọn gàng, ngoài sân trước sau sạch sẽ, cây cảnh thoáng mát hài hòa.
- Gần gũi, đối đãi tốt với họ hàng thân thuộc, khách khứa và những người giúp việc thay chồng. Ngoài ra đối với bà con hai họ, phải biết cung kính tôn trọng người lớn, an ủi giúp đỡ kẻ nhỏ và sẵn sàng san sẻ mỗi khi có việc cần thiết.
- Người vợ phải biết chi tiêu, mua sắm đúng mức và gìn giữ tiền bạc, tài sản cho gia đình; cẩn thận, siêng năng, tháo vát, vuông tròn trong mọi công việc. Nhờ những yếu tố tích cực trên mà vợ chồng sống với nhau bền lâu cho đến ngày răng long tóc bạc.
- Luôn chu toàn tốt đẹp trong mọi công việc, từ việc ổn định nhà cửa, nuôi dạy con cái, tiếp khách và đối đãi bình đẳng với gia đình hai họ.
D. Tiêu chuẩn Phật hoá gia đình
Để đạt danh hiệu Phật hoá gia đình, các thành viên trong nhà phải thực hiện tốt các điều sau đây:
1. Quy y Tam bảo (Nếu là trẻ từ 6 tuổi trở lên, phải thọ trì gìn giữ năm điều đạo đức).
2. Biết tôn trọng luật pháp.
3. Hiếu kính và biết ơn cha mẹ.
4. Biết ơn thầy tổ, thầy cô giáo và thầy dạy nghề.
5. Biết ơn các lãnh đạo đất nước sáng suốt vì lợi ích tha nhân.
6. Biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã có công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
7. Tham gia sinh hoạt tu học và ủng hộ các phật sự do chùa đề ra.
8. Mỗi tháng, tổi thiếu phải có 2 lần về chùa để tham dự khóa lễ sám hối, đọc kinh, nghe thuyết giảng và hành thiền.
E. Lợi ích
1. Đối với nam nữ phật tử: Thọ nhận tam quy ngũ giới là những phép tắc đạo đức căn bản để trở thành một người phật tử chân chính, sống “tốt đạo đẹp đời”. Năm giới pháp là nền tảng đạo đức căn bản để mỗi người chúng ta biết cách trau dồi nhân cách, để xây dựng gia đình hạnh phúc, nhằm góp phần dấn thân phục vụ xã hội văn minh giàu đẹp và hòa hợp với tinh thần đạo pháp dân tộc.
Trong chương trình Phật hóa gia đình, khuyến khích các thành viên trong gia đình đều hướng về Phật pháp chân chính, cùng nhau thực hành những lời Phật dạy để làm tròn trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích xã hội.
2. Đối với tăng ni: Vì lợi ích 10 năm trồng cây và 100 năm trồng người, toàn thể chư Tôn đức tăng ni là những người có trách nhiệm “trên cầu thành Phật đạo, dưới cứu độ chúng sinh không biết mệt mỏi nhàm chán.
Thế cho nên việc tổ chức thực hiện chương trình Phật hóa gia đình, vừa thể hiện vai trò trách nhiệm cao cả của người con Phật, nhờ vậy sẽ giúp ích cho mọi tầng lớp trong xã hội xây dựng gia đình hạnh phúc trong bền vững và lâu dài.
Kết luận
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập, mang tinh thần đạo pháp và dân tộc, đất nước Việt Nam được sánh vai cùng với các cường quốc năm châu. Phật hóa gia đình là chương trình giáo dục nhân bản nhằm góp phần đem lại hạnh phúc gia đình, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh, giàu đẹp trong tinh thần đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết. Nhất là trong tình hình hiện nay, các giá trị đạo đức truyền thống đang bị xuống cấp nghiêm trọng! Nhiều gia đình bị tan nhà nát cửa, vợ chồng sống với nhau không có hạnh phúc thật sự, con cái bất hiếu rơi vào vòng tệ nạn xã hội, học trò ngang bướng vô lễ và hành hung cả thầy cô giáo, nguyên nhân chỉ vì không tin sâu nhân quả và không có đời sau mà đánh mất chính mình trong hiện tại và mai sau.
Có thể nói Phật hóa gia đình là một chương trình vĩ mô, mang tính cấp thiết và lâu dài, là cơ sở đặt nền móng giáo dục đạo đức Phật giáo, nhằm xây dựng và phát triển con người hoàn thiện về mọi mặt trong cả nước. Muốn được như vậy, toàn thể tăng ni, phật tử gần xa phải biết hợp tác chặt chẽ, kiên trì bền bỉ trong lâu dài vì lợi ích cộng đồng xã hội.
Chúng tôi chân thành tha thiết kêu gọi tất cả mọi người hãy đồng hành cùng chương trình này để góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam thành tựu, ổn định, phát triển với tinh thần đạo pháp và dân tộc, do hai triều đại Lý - Trần sáng lập để viết lên những trang sử chói sáng của một đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |