Chi tiết tin tức

Gia đình Phật tử - Một giá trị của Phật giáo Việt Nam

18:13:00 - 18/03/2016
(PGNĐ) -  Mong rằng tổ chức “Gia đình Phật tử”, với vai trò là một thành quả lớn của Phật giáo Việt Nam trong việc tổ chức tín đồ được nhận thức đúng mức, là động lực thúc đẩy “Gia đình Phật tử” phát triển hơn trong những ngày tháng sắp tới.


Vấn đề

Gia đình Phật tử là tổ chức tập họp thanh thiếu niên nhi đồng Phật tử lâu đời của Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, có một số tu sĩ và tín đồ Phật giáo không hề nhận thức được vai trò, giá trị của tổ chức “Gia đình Phật tử”. 

Thậm chí, có người nhận là Phật tử nhưng khi được hỏi về tổ chức “Gia đình Phật tử” thì không hề biết gì!

Tình trạng như thế đã có từ rất lâu trước năm 1975, không phải là vấn đề mới đây.

Gia đình tôi theo đạo Phật thuần thành. Bà tôi thường dẫn tôi đi chùa Từ Nghiêm (quận 10, TPHCM), ngày rằm, mùng một hàng tháng, nhưng chưa bao giờ nói với tôi việc tham gia sinh hoạt “Gia đình Phật tử”.

Cho đến năm 1978, khi bước vào tuổi thiếu niên, tự mình đi chùa Ấn Quang, xa nhà hơn, học đạo với vị thượng tọa mang tiếng là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi chưa bao giờ được nghe nói về tổ chức “Gia đình Phật tử”.

Đi chùa trụ sở trung ương của Giáo hội lúc bấy giờ ở miền Nam, nơi đặt Tổng vụ Thanh niên, tôi chỉ biết “Gia đình Phật tử” qua sách báo còn lại, qua hình ảnh, lời kể, chưa được thấy một đoàn sinh “Gia đình Phật tử” người thật bằng xương bằng thịt.

Cho mãi đến lễ Phật đản, tôi mới thấy tận mắt thế nào là một đoàn sinh “Gia đình Phật tử” (!)

Tới đó rồi thôi, vì hồi ấy các chùa trong quận 10 không có “Gia đình Phật tử”, nên một thanh niên Phật tử như tôi chỉ… nhìn thấy mỗi năm 1-2 lần ở trụ sở trung ương Giáo hội.

Điều quan trọng là các vị tôn đức giáo phẩm, tăng ni, Phật tử mà tôi có dịp tiếp xúc xem đây là việc bình thường, đương nhiên, không có gì băn khoăn, lo lắng, lưu tâm, không có mục tiêu gì để phát triển “Gia đình Phật tử” hết, kể cả vị lãnh đạo Tổng vụ Thanh niên.

Mỗi năm vào mùa Phật đản Tổng vụ Thanh niên được giao nhiệm vụ đi thăm tháp Bồ tát Quảng Đức, tượng đài Nữ thánh tử đạo Quách Thị Trang, thì các đệ tử thanh niên của thượng tọa Tổng vụ trưởng lo, có một số Phật tử chúng trẻ đi theo. Đó cũng được xem là chuyện bình thường: đoàn “Tổng vụ Thanh niên” không hề có “Gia đình Phật tử”. 

“Gia đình Phật tử” đã như một tổ chức biệt lập, xa vời!

Sau này, tôi đi chùa Hưng Long, Quận 10, tình trạng cũng như thế. Mỗi đêm tụng kinh 5-7 Phật tử, sám hối được 15-20 người toàn phụ nữ từ trung niên trở lên không thấy “Gia đình Phật tử”, tôi đi vì có một người chị hàng xóm cứ rủ đi tụng kinh tối.

Quận 10, nơi tôi ở được coi là quận Phật giáo, vì có những chùa lớn như Ấn Quang, Hưng Long, Từ Nghiêm, Pháp Hội… rơi vào tình trạng không có bóng dáng đoàn sinh “Gia đình Phật tử” ở chùa chiền như thế.

Trong khi khu lân cận khu tôi ở, trên đường Nguyễn Tiểu La, đường Bà Hạt, nhiều nhiều Bắc di cư đạo Ca tô La Mã, thì thường xuyên thấy thành viên tổ chức Thiếu niên Thánh thể, khăn quàng xanh, chủ nhật đi sinh hoạt nhiều đoàn đông đảo. Điều này kéo dài nhiều năm sau 1975. Sau đó nữa, bạn hàng xóm tôi vẫn đi sinh hoạt Thiếu nhi Thánh thể, chỉ có khác là không thắt khăn quàng xanh. 

Ở quận 10, tổ chức Thiếu nhi Thánh thể vẫn tồn tại liên tục xuyên qua thời điểm 1975, dù trở nên “bán chính thức”, không đeo khăn quàng trương cờ xí, dựng bảng. Thiếu nhi Thánh thể vẫn mặc đồng phục áo trắng, vẫn di chuyển hàng đoàn…

Tình trạng người Phật giáo ở quận 10 một phần đáng kể không biết, không quan tâm đến “Gia đình Phật tử”, không có cái nhìn so sánh đối với tổ chức thanh thiếu niên tôn giáo có lẽ kéo dài đến nay.

Đây cũng là tình trạng ở nhiều nơi. Sau năm 1981, đối với phần đông tăng ni Phật tử mà tôi có dịp tiếp xúc, nói tới “Gia đình Phật tử” là chuyện cấm kỵ. Người đã biết thì không muốn biết nữa kể cả vị lãnh đạo Phật sự thanh niên lúc trước.

Đến thập niên 1990, 2000 tôi có thấy lại đoàn sinh “Gia đình Phật tử” ở quận 10, nhưng dường như nhiều tăng ni Phật tử vẫn ngại hay không muốn nhắc đến.

“Gia đình Phật tử” đối với một số tăng ni Phật tử vẫn là hiện tượng tách biệt, xa lạ, không cần thiết, không nghĩ đến. 

Điều này là tất yếu, là đương nhiên vì trong những năm 1970, thượng tọa Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên cũng nghĩ thế. Cũng không hề có sự tìm hiểu nghiên cứu so sánh tôn giáo học trong tổ chức thanh niên.

Vì vậy, trong một thời gian dài, trong lãnh vực tín đồ thanh niên nói chung, tổ chức thanh niên tôn giáo nói riêng, Phật giáo đã là một tôn giáo thiểu số.

Một khía cạnh về giá trị của tổ chức “Gia đình Phật tử” đối với Phật giáo Việt Nam

Tác động hoằng pháp trong đối tượng thanh thiếu niên là hiển nhiên, rõ ràng, tương đối dễ nhận thấy, nên chúng tôi sẽ bàn luận sau khi có dịp.

Ở đây, xin nhấn mạnh đến chiều kích tổ chức đội ngũ.

Là một tôn giáo, Phật giáo, cũng như các tôn giáo, đều có tín đồ.

Nhưng có một điều khác biệt rất lớn, là tín đồ Phật giáo về cơ bản là tín đồ phi tổ chức.

Khác với đạo Ca tô La Mã, giáo hội của họ gồm cả tín đồ, tổ chức theo đơn vị giáo xứ, có bộ máy điều hành chặt chẽ, có kiểm tra đôn đốc, xen lẫn với sự ràng buộc.

Đó là một dạng quần chúng tổ chức (an organized mass).

Nói quần chúng tổ chức là để phân biệt với quần chúng phi tổ chức, còn được gọi là quần chúng tâm lý (a psychological mass).

Đối với tôn giáo, quần chúng có tổ chức ngoài sự liên kết do niềm tin và thực hành tôn giáo còn có liên kết do bộ máy tổ chức, có hệ thống nhân sự lãnh đạo với quy định chặt chẽ.

Ở quần chúng tâm lý chỉ có liên kết tôn giáo, tín ngưỡng, chung một niềm tin, nhưng không có liên kết tổ chức. Do vậy, tín đồ Phật giáo rời rạc, cục bộ, thiếu đoàn kết, dễ phát sinh chia rẽ, phân ly.

Hội, rồi giáo hội Phật giáo, thực chất chỉ là tổ chức của tu sĩ, với một sự liên kết lỏng lẻo, hình thức, thiếu thực chất, ít quyền lực.

Trước 1975, có các hội đoàn Phật tử, chẳng hạn như Hội Phật học Nam Việt. Tuy nhiên, tỷ lệ hội viên là rất thấp trên tổng số Phật tử, không thể hiện diện mạo tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Không tổ chức theo địa phương, các đạo tràng Phật tử không tạo nên sự liên kết tổ chức. Ai đi chùa nào cũng được, rất tự do, thôi không đi thì không có việc gì đáng nói hết, tức là không có kỷ luật, kiểm soát, giám sát.

Các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, qua phong trào Chấn hưng Phật giáo đã thấy được điều này. Do đó, việc hình thành liên kết tổ chức, tạo nên tu sĩ tín đồ mang tính chất quần chúng tổ chức, vượt lên giới hạn quần chúng tâm lý, đã là một mục tiêu lớn của Chấn hưng Phật giáo.

Một trong những tiến trình trong Chấn hưng Phật giáo là xây dựng, hình thành, hoàn thiện, nâng cao các tổ chức, cố gắng tạo ra những liên kết tổ chức.

Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, rồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết quả của việc thực hiện mục tiêu liên kết tổ chức, nhưng chỉ giới hạn ở thành phần tu sĩ và thành quả chỉ ở bước đầu, vì như đã nói, liên kết chưa chặt chẽ, chưa có giáo quyền mạnh.

Nhìn từ khía cạnh liên kết tín đồ thì tổ chức“Gia đình Phật tử” là liên kết tổ chức thành công nhất của Phật giáo Việt Nam.

Về mặt tổ chức quần chúng thì “Gia đình Phật tử” đã đạt đến mức quần chúng tổ chức, ngoài giáo lý, niềm tin tôn giáo, đã có bộ máy tổ chức, có kỷ luật, có giám sát, dù còn ở mức tự nguyện.

Tu sĩ tham gia giáo hội hiện nay có khi vì hoàn cảnh, miễn cưỡng. Khi có được vị trí ổn định nào đó như yêu cầu, thì có thể thôi sinh hoạt, chỉ lo việc tư, liên kết chỉ còn trên danh nghĩa.

Nhưng, giữa thanh thiếu niên tham gia “Gia đình Phật tử” và các vị huynh trưởng là mối liên kết, tổ chức khá ổn định, khá bền vững, có tính tự nguyện rất cao.

Theo tôi, mối liên kết tổ chức trong “Gia đình Phật tử” là liên kết tổ chức tín đồ đạt mức tốt nhất mà Phật giáo Việt Nam xây dựng được trong lịch sử 2000 năm phát triển của mình.

Mức độ tốt nhất đó có được nhờ hoạt động đoàn ngũ hóa có mang màu sắc hướng đạo đến từ phương Tây, được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh Phật giáo.

Nếu không có tổ chức “Gia đình Phật tử”, thì cố gắng liên kết tổ chức quần chúng Phật tử đạt mức quần chúng tổ chức không còn gì đáng kể hết.

Đạo tràng, Phật tử các chùa, thanh niên Phật tử dạng câu lạc bộ chỉ là sự tạo nhóm, kết bạn, là quần chúng tâm lý, không phải là quần chúng tổ chức, liên kết lỏng lẻo, phi tổ chức.

“Gia đình Phật tử” cũng đã tỏ ra khá bền vững, vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Liên kết chặt chẽ, xây dựng được hình thái tổ chức, bền bĩ chịu đựng, vượt qua thử thách, tổ chức “Gia đình Phật tử” đã là một thành quả sáng chói của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình xây dựng đội ngũ quần chúng tổ chức, làm nên giá trị đặc biệt quan trọng của Phật giáo Việt Nam.

Tiếc rằng, đà phát triển này đã chững lại, mà như đã nói, từ những năm 1970, do nhận thức của không chỉ tăng ni Phật tử mà ngay cả ở cấp giáo phẩm lãnh đạo, thậm chí ở vị chuyên trách về lãnh vực thanh thiếu niên.

“Gia đình Phật tử” phát triển chững lại, giới hạn trước hết là do nguyên nhân từ chính Phật giáo.

Bài viết này hướng tới mục tiêu chỉ ra một trong những khía cạnh làm nên giá trị của tổ chức “Gia đình Phật tử” Việt Nam.

Mong rằng tổ chức “Gia đình Phật tử”, với vai trò là một thành quả lớn của Phật giáo Việt Nam trong việc tổ chức tín đồ được nhận thức đúng mức, là động lực thúc đẩy “Gia đình Phật tử” phát triển hơn trong những ngày tháng sắp tới.
 

 Minh Thạnh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin